1. Tư cách pháp nhân là gì?
Trước khi tìm hiểu về vấn đề hộ gia đình có tư cách pháp nhân không thì cần biết tư cách pháp nhân là gì. Hiện các văn bản pháp luật không có định nghĩa cụ thể về tư cách pháp nhân là gì.
Tuy nhiên, căn cứ các văn bản pháp luật có thể hiểu, đây là khái niệm chỉ tư cách của một tổ chức được trao quyền thực hiện một số nghĩa vụ cũng như hưởng quyền lợi độc lập, nhất định trước pháp luật.
Căn cứ Luật Doanh nghiệp năm 2020, hiện nước ta có các loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân dưới đây: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, công ty cổ phần…
Do đó, có thể thấy, đặc điểm chung của các loại hình doanh nghiệp ở trên có tư cách pháp nhân gồm:
- Được thành lập theo đúng quy định.
- Có cơ cấu tổ chức gồm có cơ quan điều hành theo quy định của điều lệ hoặc quyết định thành lập; có các cơ quan, bộ phận khác liên quan, có tài sản độc lập và chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình với các cá nhân, pháp nhân khác và đặc biệt, được nhân danh chính mình tham gia các quan hệ pháp luật độc lập.
2. Hộ gia đình có tư cách pháp nhân không?
Trong đó, hộ gia đình là tập hợp những người có quan hệ huyết thống hoặc hôn nhân hoặc nuôi dưỡng với nhau, đang sống chung và có cùng đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp.
Về vấn đề hộ gia đình có tư cách pháp nhân không, Điều 101 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định ngay trong tiêu đề của điều luật này là hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
Do được xếp cùng tiêu chí với tổ chức khác không có tư cách pháp nhân nên có thể xem hộ gia đình là tổ chức không có tư cách pháp nhân. Đồng thời, trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng không quy định hộ gia đình có tư cách pháp nhân.
Đồng thời, khi tham gia quan hệ dân sự thì do hộ gia đình không có tư cách pháp nhân nên các thành viên của hộ gia đình sẽ là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự cũng như uỷ quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Việc uỷ quyền của các thành viên trong hộ gia đình tham gia giao dịch dân sự phải được lập thành văn bản trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Đặc biệt, Điều 101 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng nêu rõ, nếu trong quá trình giao dịch dân sự có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho các bên khác biết về vấn đề này.
Khi thành viên của hộ gia đình không có tư cách pháp nhân tham gia giao dịch dân sự, Điều 101 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
- Nếu được uỷ quyền: Thì người được uỷ quyền thực hiện, xác lập giao dịch trong phạm vi được uỷ quyền.
- Nếu không được uỷ quyền làm người đại diện: Tự bản thân thành viên đó tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
3. Tài sản chung của các thành viên hộ gia đình
Không chỉ vấn đề hộ gia đình có tư cách pháp nhân không mà khi tìm hiểu về hộ gia đình, vấn đề được nhiều người quan tâm nhất là tài sản chung của các thành viên sẽ được quy định thế nào.
Căn cứ Điều 212 Bộ luật Dân sự, tài sản chung của hộ gia đình sẽ do các thành viên trong hộ tạo lập và việc định đoạt, chiếm hữu, sử dụng sẽ do các thành viên thoả thuận.
Nếu không có thoả thuận thì mỗi thành viên trong hộ gia đình định đoạt phần quyền sở hữu của mình trong khối tài sản chung của tất cả các thành viên trong hộ gia đình trừ tài sản chung của vợ chồng thì sẽ có quyền bằng nhau trong định đoạt, sử dụng.
Nếu ly hôn, tài sản chung vợ chồng sẽ được chia đôi nhưng có tính đến yếu tố lỗi của mỗi bên cũng như sự đóng góp của mỗi bên… theo khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
Trên đây là giải đáp chi tiết vấn đề: Hộ gia đình có tư cách pháp nhân không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp.