Hai bên phải cùng có mặt để lập hợp đồng ủy quyền?

Ủy quyền là một trong những giao dịch thường gặp trong cuộc sống. Tuy nhiên, quy định về việc các chủ thể có bắt buộc phải cùng có mặt để lập hợp đồng ủy quyền lại không nhiều người biết.


Hợp đồng ủy quyền có bắt buộc phải công chứng không?

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, được quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015:

-Bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định;

- Bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền.

Đồng thời, Luật Công chứng năm 2014 chỉ quy định về thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền nhưng không có quy định về việc bắt buộc phải công chứng hợp đồng này. Việc công chứng hợp đồng ủy quyền mới chỉ được quy định rải rác ở các văn bản pháp luật khác nhau.

Bởi vậy, các bên có thể lựa chọn công chứng hoặc không công chứng hợp đồng ủy quyền ngoại trừ một số trường hợp bắt buộc sau:

1/ Ủy quyền đăng ký hộ tịch:

Theo Điều 2 Thông tư 15 năm 2015 của Bộ Nội vụ, khi thực hiện yêu cầu đăng ký khai sinh, xác định lại dân tộc…cá nhân có thể tự mình thực hiện hoặc ủy quyền. Nếu ủy quyền thì phải lập thành văn bản và có công chứng.

Tuy nhiên, nếu người ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ chồng… thì không cần công chứng nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người ủy quyền.

Riêng việc đăng ký kết hôn, đăng ký lại kết hôn, đăng ký nhận cha mẹ con thì không được ủy quyền mà bắt buộc các bên phải trực tiếp thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch (khoản 2 Điều 6 Luật Hộ tịch).

2/ Ủy quyền khi mang thai hộ

Theo khoản 2 Điều 96 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận mang thai hộ thì việc ủy quyền này phải lập thành văn bản có công chứng.

3/ Ủy quyền kháng cáo trong tố tụng hành chính

Theo quy định tại khoản 6 Điều 205 Luật Tố tụng hành chính, việc ủy quyền kháng cáo trong tố tụng hành chính phải lập thành văn bản có công chứng trừ trường hợp việc ủy quyền được lập tại Tòa án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc người được Chánh án Tòa án phân công…

Xem thêm

Hai bên phải cùng có mặt để lập hợp đồng ủy quyền
Hai bên phải cùng có mặt để lập hợp đồng ủy quyền không? (Ảnh minh họa)

Hợp đồng ủy quyền bắt buộc phải cùng có mặt để lập?

Mặc dù không bắt buộc mọi trường hợp đều phải công chứng nhưng để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, việc công chứng ủy quyền là hành động nên làm.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 42 Luật Công chứng, việc công chứng các giao dịch về bất động sản phải thực hiện trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở trừ trường hợp công chứng:

- Di chúc;

- Văn bản từ chối di sản là bất động sản;

- Văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền với bất động sản.

Thậm chí, Điều 55 Luật Công chứng còn quy định nếu hai bên không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì có thể giải quyết như sau:

- Bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền;

- Bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền và hoàn tất các thủ tục cần thiết về hợp đồng ủy quyền này.

Do đó, hợp đồng ủy quyền về bất động sản nói riêng và hợp đồng ủy quyền về các nội dung khác đều không yêu cầu cả hai bên đều phải có mặt tại cùng một tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện việc lập và công chứng.

Nói tóm lại, hợp đồng ủy quyền không bắt buộc phải công chứng, thậm chí hai bên cũng không phải cùng có mặt để lập. Ngoài ra, quý độc giả có thể tham khảo thêm một quy định khác về việc lập hợp đồng ủy quyền ở bài dưới đây:

>> Bắt buộc về nơi có đất để lập hợp đồng ủy quyền mua bán?

Nguyễn Hương

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục