Khi thực hiện đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền, các cặp đôi nam nữ sẽ được cấp cho 02 bản giấy đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, nếu đăng ký kết hôn thiếu chữ ký thì liệu giấy này có hợp pháp không?
Giấy đăng ký kết hôn gồm những thông tin gì?
Khoản 7 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 nêu rõ:
Giấy chứng nhận kết hôn là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho hai bên nam, nữ khi đăng ký kết hôn; nội dung Giấy chứng nhận kết hôn bao gồm các thông tin cơ bản quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này.
Theo đó, căn cứ khoản 2 Điều 17 Luật này, Giấy chứng nhận kết hôn hay còn gọi là giấy đăng ký kết hôn gồm những nội dung sau đây:
- Họ, chữ đêm và tên; ngày tháng năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú); thông tin về giấy tờ chứng minh nhân thân (số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng) của hai bên nam và nữ.
- Ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn.
- Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ cùng với xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn cho nam, nữ:
+ Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú của một trong hai bên nam nữ là công dân Việt Nam đăng ký kết hôn tại Việt Nam (căn cứ khoản 1 Điều 17 Luật Hộ tịch).
+ UBND cấp huyện nơi công dân thường trú hoặc tạm trú hoặc nơi cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nếu đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài (theo khoản 1 Điều 37 Luật Hộ tịch năm 2014).
Như vậy, đây là toàn bộ các thông tin cần phải có trong giấy đăng ký kết hôn của nam, nữ - bằng chứng chứng minh mối quan hệ vợ chồng hợp pháp của vợ, chồng.
Đăng ký kết hôn không có chữ ký có hợp pháp không?
Để được cấp chứng nhận kết hôn, các bên phải chuẩn bị và nộp Tờ khai đăng ký kết hôn và cùng có mặt tại nơi thực hiện đăng ký kết hôn nêu trên.
Sau khi nhận đủ giấy tờ, nếu thấy nam nữ đủ điều kiện để kết hôn, theo khoản 2 Điều 18 Luật Hộ tịch năm 2014, công chức tư pháp hộ tịch sẽ ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch.
Đồng thời, việc ký sẽ được thực hiện như sau:
- Công chức tư pháp hộ tịch cùng với hai bên nam nữ ký tên vào Sổ hộ tịch.
- Nam, nữ cùng ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn.
Sau khi hoàn thành các bước nêu trên, công chức tư pháp, hộ tịch sẽ báo cáo để trao Giấy đăng ký kết hôn cho hai bên nam, nữ. Do đó, có thể thấy, việc ký tên vào đăng ký kết hôn là một trong các thủ tục bắt buộc của nam, nữ trước khi được phát Giấy chứng nhận kết hôn.
Như vậy, nếu Giấy đăng ký kết hôn không có chữ ký của hai bên nam, nữ thì việc đăng ký kết hôn đã không thực hiện đúng thủ tục theo quy định của pháp luật. Và căn cứ khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình, nếu việc kết hôn không đăng ký theo quy định thì không có giá trị pháp lý.
Đồng nghĩa, nếu thiếu chữ ký của nam, nữ trong Giấy đăng ký kết hôn thì Giấy này không có giá trị pháp lý và quan hệ vợ chồng giữa nam nữ chưa được pháp luật công nhận.
Do đó, để được pháp luật công nhận thì ngoài việc cùng ký vào Sổ hộ tịch thì nam, nữ cũng phải cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn. Bởi UBND có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận kết hôn cho nam, nữ nên để tránh những rủi ro trong tương lai, hai bên nam, nữ cùng ký vào 02 Giấy đăng ký kết hôn được trao.
Trên đây là giải đáp về vấn đề: Giấy đăng ký kết hôn không có chữ ký có hợp pháp không? Nếu còn thắc mắc về nội dung của bài viết, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.