Ai được làm giám hộ cho người chưa thành niên?

Ai được làm giám hộ cho người chưa thành niên, có phải luôn là bố mẹ không? Với người không còn bố mẹ thì thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp chi tiết về vấn đề này.

Người chưa thành niên là ai?

Để tìm hiểu về người giám hộ người chưa thành niên, trước hết cần biết ai được xem là người chưa thành niên. Theo đó, người chưa thành niên được định nghĩa tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015:

Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

Do đó, chỉ cần là người dưới 18 tuổi thì đều được xác định là người chưa thành niên. Ngoài ra, về việc thực hiện các giao dịch liên quan đến người chưa thành niên, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự quy định như sau:

- Với người chưa đủ 06 tuổi: Người đại diện theo pháp luật thực hiện.

- Với người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi: Người đại diện theo pháp luật đồng ý trừ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp lứa tuổi.

- Với người từ đủ 15 đến hưa đủ 18 tuổi: Tự minh thực hiện trừ giao dịch liên quan bất động sản, động sản phải đăng ký, giao dịch khác.

Như vậy, người chưa thành niên theo quy định nêu trên là người chưa đủ 18 tuổi và tuỳ vào từng độ tuổi khác nhau thì người chưa thành niên có thể tự thực hiện hoặc cần sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật hoặc do người đại diện thực hiện.


Người chưa thành niên sẽ do ai làm giám hộ?

Về việc giám hộ người chưa thành niên, Điều 47 Bộ luật Dân sự liệt kê những đối tượng được giám hộ trong đó có người chưa thành niên. Tuy nhiên, không phải người chưa thành niên nào cũng được giám hộ mà chỉ người được quy định tại khoản 1 Điều 47 Bộ luật Dân sự năm 2015:

- Không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ.

- Có cha, mẹ nhưng cha mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Cha mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự.
  • Cha mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
  • Cha mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
  • Cha mẹ đều bị Toà án tuyên bố hạn chế quyền với con.
  • Cha mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con, có yêu cầu người giám hộ.

Bởi theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật Dân sự năm 2015, cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên. Do đó, con chưa thành niên sẽ do cha mẹ làm người đại diện theo pháp luật và chỉ trong các trường hợp nêu trên thì mới cần người giám hộ.

Và người giám hộ trong các trường hợp này được nêu tại Điều 52 Bộ luật Dân sự theo thứ tự sau đây:

- Đầu tiên: Anh ruột (anh cả) hoặc chị ruột (chị cả).

- Thứ hai: Nếu những người ưu tiên ở trên (anh ruột/chị ruột cả) không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người anh/chị ruột tiếp theo là người giám hộ trừ trường hợp có thoả thuận người anh/chị ruột khác làm người giám hộ.

- Thứ ba: Nếu không có anh/chị ruột thì người giám hộ sẽ là: Ông bà nội; ông bà ngoại hoặc những người này sẽ thoả thuận cử ra một hoặc một số người trong số này làm người giám hộ.

- Thứ tư: Bác/chú/cậu/cô/dì ruột nếu không có những đối tượng nêu trên.

Khi đó, người giám hộ cần phải đáp ứng các điều kiện:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Có tư cách đạo đức tốt, có điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ;

- Không phải đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự/bị kết án mà chưa xoá án tích về tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản người khác;

- Không bị Toà tuyên bố hạn chế quyền với con chưa thành niên.

Trên đây là giải đáp về vấn đề: Giám hộ cho người chưa thành niên. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, tư vấn.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.