Gia đình là gì? Quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình

Thông qua gia đình, cá nhân có cơ sở để tiếp nhận những giá trị, chuẩn mực của xã hội. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu gia đình là gì? Quyền và nghĩa vụ công dân trong gia đình là như thế nào?

1. Gia đình là gì?

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình 52/2014/QH13 thì gia đình được định nghĩa:

“Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này.”

Gia đình cũng là đơn vị của xã hội, môi trường cơ bản, đầu tiên hình thành và phát triển nên nhân cách con người.

Gia đình là gì? Gia đình là một bộ phận không thể thiểu của xã hội

Gia đình là gì? Gia đình là một bộ phận không thể thiểu của xã hội (Ảnh minh hoạ)

2. Các chức năng căn bản của gia đình

Ở phần định nghĩa phía trên, bạn đã hiểu được gia đình là gì. Trong phần này, bạn sẽ được hiểu rõ hơn về chức năng của gia đình đối với mỗi cá thể trong xã hội:

2.1 Chức năng kinh tế

Chức năng kinh tế là một chức năng cơ bản nhưng không kém phần quan trọng. Chức năng này góp phần tạo ra của cải, vật chất nhằm duy trì sự sống, đáp ứng mọi nhu cầu hàng ngày, đảm bảo cho gia đình có được cuộc sống ấm no, đầy đủ.

Để đời sống kinh tế được nâng cao, những thành viên trong độ tuổi lao động không những phải có việc làm với mức thu nhập ổn định mà còn phải luôn phấn đấu để tăng thu nhập. Tuy nhiên, mỗi gia đình cần phải làm giàu một cách chính đáng và làm hài hòa giữa đời sống vật chất và tinh thần.

2.2 Chức năng sinh sản và duy trì nòi giống

Gia đình có chức năng sản xuất lại con người. Điều này không chỉ giúp duy trì nòi giống của gia đình, dòng họ mà còn cung cấp lực lượng lao động cho xã hội thay thế những lớp người đến tuổi nghỉ hưu không còn khả năng lao động được nữa.

Việc thực hiện chức năng này mặc dù là diễn ra trong gia đình nhưng  lại là vấn đề của xã hội. Vì việc này làm ảnh hưởng đến mật độ dân số của một quốc gia, gây ảnh hưởng đến mọi mặt trong xã hội. Do đó, mỗi quốc gia khác nhau thì việc thực hiện chức năng này sẽ được quy định khác nhau.

Gia đình là nơi cung cấp lực lượng lao động cho xã hội

Gia đình là nơi cung cấp lực lượng lao động cho xã hội (Ảnh minh hoạ)

2.3 Chức năng nuôi dưỡng, giáo dục

Chức năng nuôi dưỡng, giáo dục là chức năng vô cùng quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách, đạo đức của mỗi người. Vì gia đình là môi trường đầu tiên mà mỗi cá nhân sinh sống và chịu sự giáo dục của cha mẹ và người thân.  Vai trò của cha mẹ trong sự giáo dục con cái vô cùng lớn.

Cha mẹ giáo dục con định hình từ nội dung đến hình thức một cách toàn diện.  Việc giáo dục tốt giúp con trở thành một người nhân nghĩa, trí tuệ trở thành một công dân có ích cho xã hội. Từng công dân tốt dẫn đến từng gia đình sẽ tốt, từ đó xã hội được phát triển theo hướng tốt đẹp.

2.4 Các chức năng khác

Gia đình còn có chức năng thỏa mãn nhu cầu được yêu thương, chăm sóc về mặt tình cảm, tinh thần. Chức năng này giúp mọi người trong gia đình gắn kết với nhau, mang lại cảm giác hạnh phúc và nhiều năng lượng cho mỗi thành viên.

Mái ấm gia đình vừa là môi trường đầu tiên cho con người trưởng thành, tự tin bước vào cuộc sống xã hội, vừa là nơi chia sẻ, an ủi cho mỗi cá nhân trước những khó khăn, sóng gió cuộc đời.

Con có quyền được hưởng nuôi dưỡng, dạy dỗ

Con có quyền được hưởng nuôi dưỡng, dạy dỗ (Ảnh minh hoạ)

3. Vai trò của gia đình tác động lên xã hội

Thông qua phần định nghĩa gia đình là gì, các chức năng của gia đình ta thấy được vai trò của gia đình đối với sự phát triển văn minh của xã hội và an ninh của đất nước là vô cùng lớn.

Đối với xã hội:

- Gia đình là “tế bào” của xã hội; Gia đình là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của xã hội, cũng là nơi tiếp nhận văn minh.

- Gia đình góp phần duy trì và phát triển những bản sắc văn hóa dân tộc, đạo đức truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp. Từ đó, các tệ nạn được phòng tránh, đảm bảo an ninh trật tự trong xã hội.

- Gia đình lành mạnh sẽ đem lại sự bình yên, ổn định cho xã hội.

- Gia đình không những là cầu nối với người thân, họ hàng mà còn là các thiết chế của xã hội như là hệ thống giáo dục, hệ thống chính trị, hệ thống y tế.

Đối với đất nước:

- Gia đình là yếu tố quan trọng của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong việc hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh.

- Gia đình ít con sẽ có cuộc sống no ấm, giảm tải áp lực các vấn đề phức tạp cho xã hội, là chiến lược phát triển kinh tế xã hội, giúp cho chất lượng cuộc sống được nâng cao.

- Gia đình cung cấp cho xã hội những công dân tốt, phát huy truyền thống hiếu học, xây dựng kinh tế, gia đình đóng vai trò không nhỏ trong việc tăng trưởng thu nhập của quốc gia.

Gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển văn minh của xã hội

Gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển văn minh của xã hội (Ảnh minh hoạ)

4. Quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân trong gia đình 

Mọi thành viên trong gia đình đều có quyền, nghĩa vụ quan tâm, chăm lo, hỗ trợ và tôn trọng nhau. Theo Luật Hôn nhân và Gia đình thì quyền và lợi ích hợp pháp về người thân và tài sản của những thành viên gia đình được pháp luật bảo vệ.

Khi các thành viên gia đình sống chung thì có nghĩa vụ chia sẻ công việc gia đình, cùng lao động tạo ra thu nhập, cùng nhau đóng góp công sức, tiền hoặc tài sản phù hợp với khả năng thực tế của bản thân để duy trì đời sống chung của gia đình.

Việc quy định quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình giúp cho mối quan hệ được duy trì và phát triển tốt đẹp, tạo ra môi trường gia đình lành mạnh và hạnh phúc. Bên cạnh đó, pháp luật cũng đảm bảo mọi thành viên được đối xử công bằng, được bảo vệ và hỗ trợ khi cần thiết.

Pháp luật đảm bảo quyền, nghĩa vụ của mọi thành viên được đối xử công bằng

Pháp luật đảm bảo quyền, nghĩa vụ của mọi thành viên được đối xử công bằng (Ảnh minh hoạ)

Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ: Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ yêu thương con, chăm lo, nuôi dưỡng để con trở thành một công dân tốt cho xã hội. Cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con khi chưa đủ tuổi thành niên hoặc con đủ tuổi thành niên nhưng mất năng  lực hành vi dân sự.

Cha mẹ có quyền, nghĩa vụ giám hộ theo quy định Bộ luật Dân sự cho con chưa thành niên và con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự. Cha mẹ không được ép buộc con lao động quá sức, hoặc xúi dục con khi con chưa đủ tuổi thành niên và thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

Quyền và nghĩa vụ của con: Con có quyền được cha mẹ yêu thương, dạy dỗ để phát triển lành mạnh về thể chất và trí tuệ và hưởng các lợi ích hợp pháp về thân nhân thân, tài sản theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, con cũng có nghĩa vụ phải hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ và giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Quyền, nghĩa vụ của ông bà và cháu: Ông bà có quyền chăm sóc, giáo dục cháu. Ông bà có nghĩa vụ sống mẫu mực để con cháu noi gương. Trong trường hợp, cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự và không có người nuôi dưỡng, ông bà có quyền, nghĩa vụ nuôi dạy cháu.

Nghĩa vụ của cháu kính trọng, chăm lo ông bà; trường hợp ông bà không có con nuôi dưỡng thì cháu đã thành niên có nghĩa vụ phụng dưỡng.

.Quyền, nghĩa vụ của anh, chị, em: Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, đùm bọc, chăm sóc nhau.

Quyền, nghĩa vụ của cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột: Thương yêu, chăm sóc lẫn nhau. Trong trường hợp người cần được nuôi dưỡng không còn cha, mẹ, con thì cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột có quyền nuôi dưỡng.

5. Kết luận

Gia đình là nơi mang lại nhiều nguồn năng lượng trong cuộc sống, cũng là nơi có thể chữa lành những lúc bạn vấp ngã trên hành trình phát triển của mình. Hiểu về những kiến thức gia đình là gì, quyền và nghĩa vụ mỗi người với gia đình sẽ giúp bạn tăng sự gắn kết các thành viên với nhau.

Nhờ đó, gia đình không những tạo ra một môi trường lành mạnh mà còn trở thành động lực để mỗi người thành công hơn trong xã hội.

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục