Gây tai nạn chết người phải bồi thường bao nhiêu?

Khi gây tai nạn làm chết người sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, để xác định mức bồi thường này phải dựa trên rất nhiều yếu tố.

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại khi gây tai nạn làm chết người

Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 xác định các nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau:

- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình;

- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường;

- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra;

- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.


Gây tai nạn chết người phải bồi thường bao nhiêu? (Ảnh minh họa)

Gây tai nạn chết người phải bồi thường bao nhiêu?

Dựa vào các nguyên tắc nêu trên, trước hết mức bồi thường khi gây tai nạn chết người do 02 bên thỏa thuận. Đây cũng là nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Pháp luật tôn trọng mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội...

Tuy nhiên, nếu bên gây tai nạn và gia đình nạn nhân không thể thỏa thuận được với nhau mức bồi thường thì Điều 591 Bộ luật Dân sự cũng quy định cụ thể các căn cứ để xác định mức bồi thường, gồm:

- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm:

+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

+ Thiệt hại khác do luật quy định;

- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Thiệt hại khác do luật quy định;

- Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cũng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (hiện nay là 1.490.000 x 100 = 149.000.000 đồng).

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.