Dưới 18 tuổi có được ký hợp đồng thế chấp tài sản?

Nhiều người vẫn quan niệm, người dưới 18 tuổi chỉ là trẻ con, chưa thể thực hiện được bất cứ giao dịch dân sự nào. Tuy nhiên, có thật sự như vậy? Liệu người dưới 18 tuổi có được ký hợp đồng thế chấp tài sản không?


Con dưới 18 tuổi có quyền có tài sản riêng

Theo quy định tại Điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, con có quyền có tài sản riêng. Cụ thể, tài sản này được hình thành từ:

- Tài sản được thừa kế riêng;

- Tài sản được tặng cho riêng;

- Tài sản hình thành từ thu nhập do lao động của con;

-  Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con.

- Thu nhập hợp pháp khác.

Dù vậy, khi con chưa đủ 15 tuổi thì tài sản riêng này sẽ do cha mẹ quản lý ngoại trừ 04 trường hợp sau đây:

- Cha mẹ ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con;

- Con đang được người khác giám hộ theo quy định. Khi đó, tài sản riêng của con sẽ được giao người giám hộ quản lý;

- Người tặng cho hoặc để lại di sản thừa kế theo di chúc cho con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó;

- Trường hợp khác theo quy định.

Đồng thời, nếu con từ đủ 15 tuổi trở lên thì có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.

Như vậy, dù chưa đủ 18 tuổi nhưng con hoàn toàn có quyền có tài sản riêng của mình. Trong trường hợp đó, cha mẹ có thể không phải là người sẽ quản lý tài sản riêng cho con.

Người dưới 18 tuổi có được ký hợp đồng thế chấp tài sản không? (Ảnh minh họa)

Người đại diện ký hợp đồng thế chấp thay người dưới 18 tuổi?

Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, việc ký kết hợp đồng của người chưa đủ 18 tuổi được quy định căn cứ vào số tuổi của người đó:

- Chưa đủ 06 tuổi: Người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện. Tuy nhiên, người đại diện phải lưu rằng không được thực hiện, xác lập giao dịch dân sự với chính mình hoặc bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện;

- Từ đủ 06 tuổi - chưa đủ 15 tuổi: Phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trừ trường hợp phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi;

- Từ đủ 15 tuổi - chưa đủ 18 tuổi: Tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trừ những giao dịch liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký hoặc những giao dịch phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.

Đồng thời, thế chấp tài sản là việc bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên nhận thế chấp.

Do đó, khi người dưới 18 tuổi có tài sản riêng, thuộc sở hữu của mình thì hoàn toàn có quyền dùng tài sản đó để thế chấp nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài sản.

Như vậy, người dưới 18 tuổi được tự mình ký hợp đồng thế chấp nếu nằm trong độ tuổi từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Với những hợp đồng thế chấp bất động sản hoặc động sản phải đăng ký thì phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.

>> Danh mục các công việc cấm sử dụng lao động dưới 18 tuổi

Nguyễn Hương

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Ký hợp đồng vay tiền nhưng chưa nhận tiền thì nên làm gì?

Trường hợp các bên đã ký kết hợp đồng vay tiền nhưng chưa nhận được tiền xảy ra rất nhiều trên thực tế. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho bên vay tiền khi rơi vào trường hợp này.