Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn về công nhận bản án nước ngoài tại Việt Nam

thuộc tính Nghị quyết

Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Tòa án cấp sơ thẩm lần 1
Lĩnh vực: Dân sự, Tư pháp-Hộ tịch
Loại dự thảo:Nghị quyết
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao
Trạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Tòa án cấp sơ thẩm.

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

————
Số: /2019/NQ-HĐTP

 

DỰ THẢO 1

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

—————————
Hà Nội, ngày      tháng       năm 2019

        

 

NGHỊ QUYẾT

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA

BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ VỀ THỦ TỤC CÔNG NHẬN VÀ CHO THI HÀNH

TẠI VIỆT NAM BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH DÂN SỰ CỦA TÒA ÁN NƯỚC NGOÀI

TẠI TÒA ÁN CẤP SƠ THẨM

——————————

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

 

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân;

Để thi hành đúng và thống nhất các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài;

Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

 

QUYẾT NGHỊ:

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Tòa án cấp sơ thẩm.

Điều 2. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam

1. Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam theo quy định tại Điều 423 của Bộ luật tố tụng dân sự nếu đáp ứng được các điều kiện sau đây:

a) Là quyết định cuối cùng của Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động hoặc về tài sản trong vụ án hình sự, vụ án hành chính;

b) Bản án, quyết định đó đã có hiệu lực và có thể thi hành tại nước nơi Tòa án đã ra bản án, quyết định.

2. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam theo quy định tại Điều 423 Bộ luật tố tụng dân sự bao gồm:

a) Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài được quy định tại điều ước quốc tế mà nước đó và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng là thành viên, bao gồm: Cộng hòa An-giê-ri dân chủ và nhân dân, Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Bê-la-rút, Cộng hòa Bun-ga-ri, Cộng hòa Ca-dắc-xtan, Cộng hòa Cu Ba, Vương quốc Cam-pu-chia, Hung-ga-ri, Liên bang Nga, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Lãnh thổ Đài Loan, Mông Cổ, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Séc, Cộng hòa Xlô-va-ki-a, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và U-crai-na.

b) Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này theo nguyên tắc có đi có lại;

c) Bản án, quyết định dân sự khác của Tòa án nước ngoài chưa được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự nhưng được văn bản quy phạm pháp luật khác quy định thuộc trường hợp được Tòa án Việt Nam xem xét, công nhận.

3. Quyết định của Tòa án nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều này bao gồm quyết định về việc công nhận sự thỏa thuận giữa các bên đương sự.

Điều 3. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam

1. Trừ trường hợp được quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, những bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài sau đây không được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam:

a) Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài về thủ tục tố tụng, bao gồm thủ tục phá sản, tái cấu trúc ngân hàng, tổ chức tín dụng, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

b) Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài về việc giải thể, sáp nhập hoặc hiệu lực của việc đăng ký doanh nghiệp, điều lệ công ty, pháp nhân, hội, hiệp hội, các tổ chức tương đương và các văn bản do các tổ chức này ban hành;

c) Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài về việc đăng ký hoặc hiệu lực của bằng sáng chế,  kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và các quyền sở hữu trí tuệ khác phải đăng ký để được bảo hộ;

d) Quyết định của Tòa án nước ngoài về thỏa thuận trọng tài, tố tụng trọng tài nước ngoài.

2. Quyết định của Tòa án nước ngoài về thỏa thuận trọng tài, tố tụng trọng tài nước ngoài quy định tại điểm d khoản 1 Điều này, bao gồm:

a) Quyết định về hiệu lực của thỏa thuận trọng tài, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, chỉ định, bổ nhiệm, thay đổi trọng tài viên, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

b) Các quyết định khác mà Tòa án nước ngoài ban hành để hỗ trợ Hội đồng trọng tài theo quy định của pháp luật nước đó.

Điều 4. Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài đương nhiên được công nhận tại Việt Nam mà không phải thực hiện thủ tục yêu cầu công nhận

1. Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài quy định tại tại Điều 431 của Bộ luật tố tụng dân sự đương nhiên được công nhận tại Việt Nam mà không phải thực hiện thủ tục yêu cầu công nhận nếu bảo đảm được các điều kiện sau đây:

a) Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài đã có hiệu lực pháp luật và không mang tính chất tài sản;

b) Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài không cần phải thi hành;

c) Đương sự không có đơn yêu cầu không công nhận bản án, quyết định đó tại Việt Nam trong thời hạn quy định tại Điều 447 của Bộ luật tố tụng dân sự.

2. Ngoài các điều kiện quy định tại điểm a, b và c của khoản 1 Điều này, để được đương nhiên công nhận tại Việt Nam, bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài mà nước đó và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng là thành viên còn phải đáp ứng được các điều kiện cụ thể quy định tại điều ước quốc tế tương ứng.

Ví dụ 1: Bản án, quyết định của Tòa án Vương quốc Cam-pu-chia đương nhiên được công nhận tại Việt Nam nếu đáp ứng được các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và các điều kiện quy định tại Điều 20 Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Cam-pu-chia.

Ví dụ 2: Bản án, quyết định của Tòa án nước Liên bang Nga đương nhiên được công nhận tại Việt Nam nếu đáp ứng được các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 51 Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga.

Ví dụ 3: Bản án, quyết định của Tòa án nước Cộng hòa Bê-la-rút đương nhiên được công nhận tại Việt Nam nếu đáp ứng được các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 56 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Bê-la-rút.

3. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài đương nhiên được công nhận tại Việt Nam theo quy định tại Điều 431 của Bộ luật tố tụng dân sự mà không phải thực hiện thủ tục yêu cầu công nhận bao gồm:

a) Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về các vụ kiện dân sự, gia đình, lao động quy định tại khoản 1 Điều 56 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Bê-la-rút;

b) Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về các vụ kiện dân sự quy định tại khoản 1 Điều 51 Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga;

c) Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 22 Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Cam-pu-chia;

d) Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 23 Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Ca-dắc-xtan;

đ) Bản án, quyết định về các vấn đề dân sự quy định tại khoản 2 Điều 41 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và U-crai-na;

e) Bản án, quyết định đã có hiệu lực về vụ kiện dân sự và gia đình quy định tại Điều 47 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Bun-ga-ri;

g) Bản án, quyết định đã có hiệu lực về các vấn đề dân sự, lao động và gia đình quy định tại Điều 42 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Mông Cổ;

h) Bản án, quyết định về vấn đề dân sự và gia đình quy định tại Điều 47 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Cu Ba;

i) Bản án, quyết định về nhân thân, chấm dứt hoặc hủy hôn nhân quy định tại khoản 1 Điều 22 Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hung-ga-ri;

k) Bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i khoản 1 Điều này.

4. Trong trường hợp có đương sự là công dân Việt Nam nộp đơn yêu cầu công nhận bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài quy định tại khoản 3 Điều này để chấm dứt quan hệ hôn nhân hoặc kết hôn với người khác, thì Tòa án trả lại đơn yêu cầu và giải thích cho đương sự biết là họ không cần phải thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận bản án, quyết định đó. Đương sự chỉ cần yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn theo quy định tại Điều 125 của Luật Hôn nhân và Gia đình.

Ví dụ 1: Người chồng là công dân nước U-crai-na thường trú tại nước này nộp đơn xin ly hôn (không yêu cầu giải quyết vấn đề tài sản chung, con chung của vợ chồng) tại Tòa án có thẩm quyền của U-crai-na với người vợ là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam. Tòa án của nước U-crai-na ra bản án cho người chồng ly hôn với người vợ là công dân Việt Nam. Sau khi nhận được bản án ly hôn của Tòa án nước U-crai-na, nếu đồng ý với bản án, người vợ không phải nộp đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận bản án đó để chấm dứt quan hệ hôn nhân hoặc để kết hôn với người khác. Trong trường hợp muốn kết hôn với người khác, người vợ chỉ phải thực hiện việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn theo quy định tại Điều 125 của Luật Hôn nhân và Gia đình để làm cơ sở cho việc đăng ký kết hôn với người khác.

Ví dụ 2: Tòa án của nước Ốt-xtrây-li-a (một trong những Tòa án nước ngoài quy định tại điểm k khoản 1 Điều này) ra bản án ly hôn (không giải quyết vấn đề tài sản chung, con chung của vợ chồng) giữa một bên đương sự là công dân của nước Ốt-xtrây-li-a, cư trú tại nước này với một bên đương sự là công dân Việt Nam, cư trú tại Việt Nam. Trong trường hợp này, bên đương sự là công dân Việt Nam không cần yêu cầu Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận bản án đó để chấm dứt quan hệ hôn nhân hoặc kết hôn với người khác. Trường hợp muốn kết hôn với người khác, đương sự là công dân Việt Nam chỉ phải thực hiện việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn theo quy định tại Điều 125 của Luật Hôn nhân và Gia đình để làm cơ sở cho việc đăng ký kết hôn với người khác.

Ví dụ 3: Các bên đương sự không phải nộp đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận bản án ly hôn (không giải quyết vấn đề tài sản chung, con chung của vợ chồng) của một trong những Tòa án nước ngoài quy định tại điểm k khoản 1 Điều này nếu cả hai bên đương sự là công dân Việt Nam và cả hai bên đều cư trú tại một trong các nước đó hoặc một bên cư trú tại một trong các nước đó còn một bên cư trú tại Việt Nam.   

Điều 5. Áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong việc xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài

1. Trường hợp Tòa án nhận được đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 423 của Bộ luật tố tụng dân sự và điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị quyết này, Tòa án không được trả lại đơn cho người yêu cầu với lý do Tòa án nước đó chưa từng công nhận hoặc chưa có căn cứ chứng minh Tòa án nước đó đã công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án Việt Nam.

Trong trường hợp này, Tòa án vẫn tiến hành nhận đơn yêu cầu và thụ lý để giải quyết khi người yêu cầu thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và Nghị quyết này.

2. Trong quá trình xem xét, giải quyết đơn yêu cầu, Tòa án không được buộc người yêu cầu chứng minh Tòa án nước ngoài đã ra bản án, quyết định sẽ công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án Việt Nam để làm căn cứ cho việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự đó.

3. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy trước đó Tòa án nước ngoài đã không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án Việt Nam, thì Tòa án phải xem xét, xác định bản án, quyết định đó bị Tòa án nước ngoài từ chối công nhận là do không đáp ứng được điều kiện mà pháp luật nước đó quy định hay bị Tòa án nước ngoài áp dụng nguyên tắc có đi có lại để từ chối công nhận.

Tòa án chỉ áp dụng nguyên tắc có đi có lại để không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài khi có căn cứ cho thấy Tòa án nước ngoài đã không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án Việt Nam dựa trên nguyên tắc này.

4. Sau khi thụ lý đơn yêu cầu hoặc trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu và xét thấy cần thiết, Tòa án có thể gửi văn bản đề nghị Tòa án nhân dân tối cao cho ý kiến về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại. Trong thời gian này, Tòa án vẫn phải tiến hành xem xét, giải quyết đơn yêu cầu công nhận theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự và Nghị quyết này.

5. Trong thời hạn tối đa là 03 tháng, kể từ ngày nhận được văn bản quy định tại khoản 4 Điều này, Tòa án nhân dân tối cao có văn bản trả lời Tòa án về việc áp dụng hoặc không áp dụng nguyên tắc có đi có lại.

Điều 6. Thời hiệu yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài

Thời hiệu 03 năm để nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài quy định tại Điều 432 của Bộ luật tố tụng dân sự được tính từ ngày bản án, quyết định đó có hiệu lực theo quy định pháp luật của nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định.

Điều 7. Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài

1. Người yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài (sau đây gọi tắt là người yêu cầu) có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác lập, ký đơn yêu cầu quy định tại Điều 433 của Bộ luật tố tụng dân sự như sau:

a) Nếu người yêu cầu là cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức lập đơn yêu cầu, thì cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó ký tên vào đơn;

b) Việc đóng dấu vào đơn yêu cầu được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu người yêu cầu là cơ quan, tổ chức của Việt Nam hoặc theo pháp luật của nước nơi người yêu cầu là cơ quan, tổ chức được thành lập, có trụ sở hoặc có hoạt động chính;

b) Người yêu cầu có thể ủy quyền cho người đại diện hoặc người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp tại Việt Nam nhân danh người yêu cầu lập, ký đơn yêu cầu.

2. Đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt, có công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký của người dịch theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Đơn yêu cầu được lập theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết này.

Điều 8. Giấy tờ, tài liệu nộp kèm theo đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài

1. Khi nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước đó và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, người yêu cầu phải nộp kèm theo giấy tờ, tài liệu đã được quy định tại điều ước quốc tế đó.

2. Khi nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, người yêu cầu phải nộp kèm theo giấy tờ, tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 434 của Bộ luật tố tụng dân sự.

3. Tòa án chỉ chấp nhận giấy tờ, tài liệu bằng tiếng nước ngoài nộp kèm theo đơn yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều 434 Bộ luật tố tụng dân sự nếu đảm bảo các điều kiện sau đây:

a) Bản chính, bản sao từ bản chính của giấy tờ, tài liệu đó đã được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật của nước nơi Tòa án đã ra bản án, quyết định hoặc bản sao từ bản chính của giấy tờ, tài liệu đó đã được chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Bản dịch sang tiếng Việt của các giấy tờ, tài liệu đó đã được công chứng hoặc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 9. Hồ sơ yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài

1. Hồ sơ yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài bao gồm đơn yêu cầu và giấy tờ, tài liệu quy định tại Điều 434 của Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 7 và 8 của Nghị quyết này.

2. Người yêu cầu nộp 02 bộ hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam, không phân biệt hồ sơ đó được gửi thông qua Bộ Tư pháp theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước đó và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng là thành viên, gửi theo đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Tòa án theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Điều 10. Tòa án có thẩm quyền xem xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài

1. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại điểm b khoản 1 Điều 37, điểm d khoản 2 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự có thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài.

2. Người yêu cầu có quyền lựa chọn Tòa án quy định tại khoản 1 Điều này để nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài trong các trường hợp sau đây:

a) Nếu những người phải thi hành cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau, thì người yêu cầu đề nghị Tòa án nơi một trong những người phải thi hành cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;

b) Nếu người phải thi hành có bất động sản và động sản ở nhiều địa phương khác nhau, thì người yêu cầu đề nghị Tòa án nơi có một trong các bất động sản đó giải quyết;

c) Nếu người phải thi hành có động sản ở nhiều địa phương khác nhau, thì người yêu cầu đề nghị Tòa án nơi có một trong các động sản đó giải quyết.

Điều 11. Lệ phí, chi phí xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài

1. Trường hợp xét thấy đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý, Tòa án thông báo cho người yêu cầu nộp lệ phí xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 430 của Bộ luật tố tụng dân sự. Người yêu cầu phải nộp lệ phí xét đơn yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp lệ phí.

2. Tòa án lập thông báo yêu cầu nộp lệ phí yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài như sau:

a) Theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị quyết này nếu người yêu cầu có địa chỉ tại Việt Nam hoặc người yêu cầu có địa chỉ ở nước ngoài nhưng đã ủy quyền cho người khác có địa chỉ tại Việt Nam nhận thay văn bản tố tụng của Tòa án;

b) Theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị quyết này nếu người yêu cầu có địa chỉ ở nước ngoài nhưng không ủy quyền cho người khác có địa chỉ tại Việt Nam nhận thay văn bản tố tụng của Tòa án.

3. Khi phát sinh yêu cầu tống đạt, thông báo văn bản cho đương sự ở nước ngoài theo một trong các phương thức quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 và khoản 3 Điều 474 của Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án thông báo cho người yêu cầu thanh toán trực tiếp hoặc nộp tiền tạm ứng chi phí tống đạt văn bản theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, pháp luật tương trợ tư pháp về dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện quy định tại Điều 474 của Bộ luật này.

Điều 12. Thông báo thụ lý đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài

1. Tòa án thụ lý đơn yêu cầu theo quy định tại Điều 436 của Bộ luật tố tụng dân sự khi người yêu cầu nộp cho Tòa án biên lai thu tiền lệ phí yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài.

2. Tòa án lập thông báo thụ lý đơn yêu cầu theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị quyết này.

Điều 13. Yêu cầu giải thích những điểm chưa rõ trong đơn hoặc trong bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài

1. Tòa án yêu cầu người nộp đơn giải thích những điểm chưa rõ trong đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 437 Bộ luật tố tụng dân sự nếu xác định thấy nội dung đơn thể hiện có sự thỏa thuận giữa các bên liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài nhưng không nêu cụ thể chi tiết về thỏa thuận đó.

Ví dụ 1: Tòa án yêu cầu người nộp đơn giải thích những điểm chưa rõ trong đơn nếu xét thấy nội dung đơn thể hiện có sự thỏa thuận giữa người yêu cầu và người phải thi hành về việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài nhưng không nêu cụ thể về thỏa thuận đó.

Ví dụ 2: Tòa án yêu cầu người nộp đơn giải thích những điểm chưa rõ trong đơn nếu xét thấy nội dung đơn thể hiện người phải thi hành vi phạm thỏa thuận với người yêu cầu về việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài nhưng không nêu rõ chi tiết về thỏa thuận và vi phạm của người phải thi hành.

Ví dụ 3: Tòa án yêu cầu người nộp đơn giải thích những điểm chưa rõ trong đơn nếu xét thấy nội dung đơn thể hiện người phải thi hành vi phạm thỏa thuận với người yêu cầu về việc hai bên sẽ ký, thực hiện các hợp đồng mới để bù trừ nghĩa vụ đã được xác định trong bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài nhưng không nêu rõ chi tiết về thỏa thuận và vi phạm của người phải thi hành.

2. Tòa án yêu cầu Tòa án nước ngoài đã ra bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều 437 Bộ luật tố tụng dân sự nếu xác định thấy nội dung bản án, quyết định đó tuyên thiếu hoặc không rõ ràng, có lỗi chính tả hoặc nhầm lẫn về số liệu…

Ví dụ 1: Tòa án yêu cầu Tòa án nước ngoài đã ra bản án, quyết định giải thích trong trường hợp xét thấy bản án, quyết định xác định bên phải thi hành bản án, quyết định đó phải thực hiện một hoặc một số nghĩa vụ nhưng không xác định rõ đó là những nghĩa vụ cụ thể nào;

Ví dụ 2: Tòa án yêu cầu Tòa án nước ngoài đã ra bản án, quyết định giải thích nếu xét thấy trong bản án, quyết định có nội dung xác định người yêu cầu phải bù trừ nghĩa vụ cho bên phải thi hành bản án, quyết định nhưng việc bù trừ này không được ghi nhận trong phán quyết của bản án, quyết định;

Ví dụ 3: Tòa án yêu cầu Tòa án nước ngoài đã ra bản án, quyết định giải thích nếu xét thấy bản án, quyết định có sai sót giữa con số và chữ viết về khoản tiền nêu trong bản án, quyết định hoặc sai sót về khoản tiền mà từng người phải thi hành (bị đơn) phải thanh toán trong trường hợp bản án, quyết định có nhiều nguyên đơn, bị đơn.

Ví dụ 4: Tòa án yêu cầu Tòa án nước ngoài đã ra bản án, quyết định giải thích nếu xét thấy bản án, quyết định có sai sót về tên, địa chỉ của một hoặc các đương sự trong bản án, quyết định.

3. Nếu không nhận được văn bản giải thích của người yêu cầu hoặc của Tòa án nước ngoài trong thời hạn đã được gia hạn theo quy định tại khoản 3 Điều 437 của Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu, trừ trường hợp có căn cứ để ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ xét đơn yêu cầu quy định tại khoản 4 hoặc khoản 5 Điều 437 của Bộ luật này.

Điều 14. Nguyên tắc giải quyết của Hội đồng xét đơn yêu cầu

1. Theo quy định tại khoản 4 Điều 438 của Bộ luật tố tụng dân sự, khi xem xét đơn yêu cầu, Hội đồng không được xét xử lại vụ án đã được Tòa án nước ngoài ra bản án, quyết định. Do đó, Hội đồng xét đơn yêu cầu không được xem xét lại các tình tiết của vụ án, nhận định, áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp, phán quyết giải quyết tranh chấp được nêu trong bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài.

2. Khi xem xét đơn yêu cầu, Hội đồng xét đơn yêu cầu chỉ được kiểm tra, đối chiếu bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn yêu cầu với các quy định tại Chương XXXV và Chương XXXVI của Bộ luật này, các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các chứng cứ do người phải thi hành cung cấp (nếu có) để làm cơ sở cho việc ra quyết định công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận bản án, quyết định đó theo quy định tại điều ước quốc tế tương ứng hoặc Điều 439 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Điều 15. Nghĩa vụ chứng minh bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài thuộc trường hợp không được công nhận tại Việt Nam

Khi phản đối việc công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài theo một trong các quy định tại Điều 439 của Bộ luật tố tụng dân sự, người phải thi hành có nghĩa vụ cung cấp cho Tòa án các chứng cứ để chứng minh việc phản đối dựa trên một trong các quy định đó là có căn cứ và hợp pháp.

Điều 16. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam

1. Hội đồng xét đơn yêu cầu ra quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam đối với bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài sau đây:

a) Bản án, quyết định dân sự đáp ứng được điều kiện để được công nhận hoặc không thuộc trường hợp phải từ chối công nhận theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

b)  Bản án, quyết định dân sự không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 439 của Bộ luật tố tụng dân sự hoặc không bị áp dụng nguyên tắc có đi có lại để xem xét.

2. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài đáp ứng được điều kiện để được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên là những bản án, quyết định sau đây:

a) Bản án, quyết định dân sự quy định tại Điều 16 của Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa An-giê-ri dân chủ và nhân dân;

b) Bản án, quyết định dân sự quy định tại Điều 58 của Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Bê-la-rút;

c) Bản án, quyết định dân sự quy định tại Điều 45 của Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Ba Lan;

d) Bản án, quyết định dân sự quy định tại Điều 25 của Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Ca-dắc-xtan;

đ) Bản án, quyết định dân sự quy định tại Điều 22 của Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Cam-pu-chia;

e) Bản án, quyết định dân sự quy định tại Điều 53 của Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga;

g) Bản án, quyết định dân sự quy định tại Điều 45 của Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào;

h) Bản án, quyết định dân sự quy định tại Điều 21 của Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Pháp;

i) Bản án, quyết định dân sự quy định tại Điều 47 Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc (Cộng hòa Séc và Cộng hòa Xlô-va-ki-a kế thừa);

k) Bản án, quyết định dân sự quy định tại khoản 1 Điều 30 của Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên về tương trợ tư pháp và pháp lý trong các vấn đề dân sự và hình sự;

l) Bản án, quyết định dân sự quy định tại Điều 20 của Thỏa thuận giữa Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc và văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam về tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự;

m) Bản án, quyết định dân sự không thuộc trường hợp phải từ chối công nhận quy định tại khoản 1 Điều 18 của Nghị quyết này.

Điều 17. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không được công nhận tại Việt Nam

1. Hội đồng xét đơn yêu cầu chỉ ra quyết định không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài khi xét thấy chứng cứ do bên phải thi hành cung cấp là có căn cứ, hợp pháp hoặc tự xét thấy có căn cứ để xác định bản án, quyết định đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bản án, quyết định dân sự thuộc trường hợp không được công nhận theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc Điều 439 của Bộ luật này;

b) Bản án, quyết định dân sự không được công nhận theo nguyên tắc có đi có lại quy định tại điểm b khoản 1 Điều 423 của Bộ luật tố tụng dân sự và khoản 3 Điều 5 của Nghị quyết này.

Điều 18. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không được công nhận theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 439 của Bộ luật tố tụng dân sự

1. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài thuộc trường hợp không được công nhận theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên quy định tại khoản 1 Điều 439 của Bộ luật tố tụng dân sự là những bản án, quyết định sau đây:

a) Bản án, quyết định quy định tại Điều 46 của Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Ba Lan;

b) Bản án, quyết định quy định tại Điều 54 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Bun-ga-ri;

c) Bản án, quyết định quy định tại Điều 52 của Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Cu Ba;

d) Bản án, quyết định quy định tại Điều 23 của Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hung-ga-ri;

đ) Bản án, quyết định quy định tại Điều 47 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Mông Cổ;

e) Bản án, quyết định dân sự quy định tại Điều 17 của Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa;

g) Bản án, quyết định dân sự quy định tại Điều 44 của Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và U-crai-na;

h) Bản án, quyết định dân sự không thuộc trường hợp được công nhận quy định tại khoản 2 Điều 16 của Nghị quyết này.

2. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không được công nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 439 của Bộ luật tố tụng dân sự là bản án, quyết định chưa đáp ứng được điều kiện để có hiệu lực pháp luật theo quy định của pháp luật của nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định đó.

Ví dụ: Theo quy định của pháp luật của nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định, thì bản án, quyết định dân sự do Tòa án nước này tuyên có hiệu lực nếu bản án, quyết định đó đã được tống đạt hợp lệ cho các bên đương sự và trong thời hạn được quyền kháng cáo nhưng một hoặc các bên đương sự không có đơn kháng cáo bản án, quyết định đó. Như vậy, theo quy định này, bất kỳ bản án, quyết định dân sự nào của Tòa án nước nêu trên đang trong thời hạn mà các đương sự được quyền kháng cáo hoặc đang được xem xét lại theo thủ tục phúc thẩm hoặc không được tống đạt hợp lệ cho các đương sự, thì được xác định là bản án, quyết định dân sự chưa có hiệu lực.

Điều 19. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không được công nhận theo quy định tại khoản 3, 4 và 8 Điều 439 của Bộ luật tố tụng dân sự

1. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không được công nhận theo quy định tại khoản 3 Điều 439 Bộ luật tố tụng dân sự trong các trường hợp sau đây:

a) Tòa án nước ngoài đã thực hiện việc tống đạt văn bản tố tụng cho người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người này không đúng quy định của pháp luật nước đó hoặc điều ước quốc tế mà nước đó là thành viên

Ví dụ: Tòa án nước ngoài là Tòa án của nước thành viên Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại. Tòa án này đã gửi giấy triệu tập tham gia phiên tòa theo đường bưu chính để yêu cầu Tòa án Việt Nam tống đạt cho người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người này tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi gia nhập Công ước này, Việt Nam đã đưa ra tuyên bố phản đối cách thức tống đạt giữa Tòa án nước thành viên này với Tòa án nước thành viên kia theo đường bưu chính. Do đó, Việt Nam đã từ chối thực hiện yêu cầu tống đạt của Tòa án nước ngoài.

Như vậy, trong trường hợp này, người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ đã không nhận được giấy triệu tập tham gia phiên tòa hợp lệ để tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình do Tòa án nước ngoài không thực hiện đúng quy định về tống đạt giấy tờ của điều ước quốc tế mà nước đó là thành viên.

b) Tòa án nước ngoài thực hiện việc tống đạt văn bản tố tụng cho người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người này không đúng quy định của pháp luật nước đó về thời hạn tống đạt văn bản tố tụng

Ví dụ: theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự của nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định dân sự, thì Tòa án phải tống đạt giấy triệu tập tham gia phiên tòa cho đương sự ở nước ngoài trước ngày mở phiên tòa chậm nhất là 30 ngày. Tuy nhiên, Tòa án nước này đã tống đạt giấy triệu tập nêu trên cho người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ tại Việt Nam trước ngày mở phiên tòa 03 ngày. Do đó, sau khi phiên tòa đã được mở, người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ mới nhận được giấy triệu tập tham gia phiên tòa.

Như vậy, trong trường hợp này, người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ không thể tham gia phiên tòa để thực hiện quyền tự bảo vệ do Tòa án nước ngoài không thực hiện đúng quy định của pháp luật nước đó về thời hạn tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài.

2. Theo quy định tại khoản 4 Điều 439 của Bộ luật tố tụng dân sự, thì bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không được công nhận nếu Tòa án nước đã ra bản án, quyết định không có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự đó theo quy định tại Điều 440 của Bộ luật này. Tòa án nước ngoài đã ra bản án, quyết định không có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự đó nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vụ việc dân sự đó thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam quy định tại Điều 470 của Bộ luật tố tụng dân sự;

b) Vụ việc dân sự đó thuộc trường hợp được quy định tại Điều 469 của Bộ luật tố tụng dân sự nhưng khi tham gia tranh tụng người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người này đã có ý kiến phản đối thẩm quyền của Tòa án nước ngoài thụ lý đơn khởi kiện với lý do các bên đương sự đã có thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hoặc lựa chọn Tòa án nước khác để giải quyết;

c) Vụ việc dân sự đó đã được Tòa án nước thứ ba giải quyết và bản án, quyết định của Tòa án này đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành;

d) Vụ việc dân sự đó đã được Tòa án Việt Nam thụ lý trước khi Tòa án nước ngoài thụ lý.

3. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không được công nhận theo quy định tại khoản 8 Điều 439 Bộ luật tố tụng dân sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Việc công nhận bản án, quyết định đó xâm phạm đến chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng hoặc vi phạm nguyên tắc xét xử bình đẳng, công bằng, khách quan của pháp luật tố tụng dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Bản án, quyết định đó được tuyên trên cơ sở cưỡng ép, lừa dối, đe dọa hoặc hối lộ;

d) Bản án, quyết định đó không ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các bên đương sự về cách thức giải quyết tranh chấp.

Điều 20. Hậu quả của việc đình chỉ xét đơn hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài

1. Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ xét đơn yêu cầu hoặc quyết định không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài theo quy định tại Điều 437 hoặc Điều 439 Bộ luật tố tụng dân sự, thì người yêu cầu không có quyền tiếp tục nộp đơn yêu cầu Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định đó, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Người yêu cầu có quyền nộp đơn lại để yêu cầu Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài trong các trường hợp sau đây:

a) Tòa án đã ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu với lý do người yêu cầu rút đơn yêu cầu theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 437 của Bộ luật tố tụng dân sự;

b) Người yêu cầu cung cấp cho Tòa án địa chỉ của người phải thi hành và địa điểm nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành;

c) Người yêu cầu cung cấp cho Tòa án địa điểm nơi có tài sản của người phải thi hành tại Việt Nam trong trường hợp cơ quan, tổ chức phải thi hành không có trụ sở chính tại Việt Nam, cá nhân phải thi hành không cư trú, làm việc tại Việt Nam;

d) Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài đã có hiệu lực theo quy định pháp luật của nước đó.

Điều 21. Hiệu lực thi hành

1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua ngày….và có hiệu lực thi hành kể từ ngày…...

2. Đối với các yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài mà Toà án đã thụ lý nhưng chưa xem xét giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, thì áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết này để giải quyết.

Đối với các quyết định của Toà án về việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc quyết định không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, thì không áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm./.

 

Nơi nhận:
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
- Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội;
- Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ 02 bản (để đăng Công báo);
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ Tư pháp;
- Thanh tra Chính phủ;
- Bộ, các cơ quan ngang bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- Toà án nhân dân các cấp;
- Các Thẩm phán và các đơn vị TANDTC;

- Trang thông tin điện tử TANDTC (để đăng);
- Lưu: VT, VHTQT (TANDTC).

 

TM. HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
CHÁNH ÁN




Nguyễn Hòa Bình

dự thảo tiếng việt
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY