Dự thảo Nghị quyết về giải quyết tranh chấp tài sản chung dòng họ

thuộc tính Nghị quyết

Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ lần 3
Lĩnh vực: Dân sự
Loại dự thảo:Nghị quyết
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao
Trạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về quyền khởi kiện, tư cách tham gia tố tụng, xác định địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; nhập vụ án; áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ.

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

 

Số:       /       /NQ-HĐTP

(Dự thảo 3)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày         tháng        năm 2019

 

NGHỊ QUYẾT

Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết
tranh chấp về
tài sản chung của dòng họ

 

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

 

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Bộ luật Tố tụng dân sự ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;

Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ;

Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

 

QUYẾT NGHỊ:

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về quyền khởi kiện, tư cách tham gia tố tụng, xác định địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; nhập vụ án; áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ.

Điều 2. Quyền khởi kiện tranh chấp về tài sản chung của dòng họ

Phương án 1:

Mỗi cá nhân thành viên của dòng họ có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của dòng họ.

Phương án 2:

Trưởng họ có quyền đại diện cho dòng họ khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của dòng họ.

Phương án 3:

Tất cả thành viên của dòng họ có quyền ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của dòng họ.

Điều 3. Nguyên đơn trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ

Nguyên đơn trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là người khởi kiện được xác định như sau:

Theo phương án 1 Điều 2:

1. Cá nhân khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ thì cá nhân đó là nguyên đơn.

2. Trường hợp dòng họ khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ thì dòng họ là nguyên đơn. Dòng họ khởi kiện, tham gia tố tụng thông qua người đại diện được tất cả các thành viên của dòng họ ủy quyền hợp pháp.

Theo phương án 2 Điều 2:

Trưởng họ đại diện cho dòng họ khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ thì dòng họ là nguyên đơn, trưởng họ là người đại diện của dòng họ.

Theo phương án 3 Điều 2:

Người được tất cả thành viên của dòng họ ủy quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ thì dòng họ là nguyên đơn, người được tất cả thành viên của dòng họ ủy quyền là người đại diện của dòng họ.

Điều 4. Bị đơn trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ

Bị đơn trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là người bị kiện được xác định như sau:

1. Trường hợp người bị kiện là cá nhân trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản chung của dòng họ đang tranh chấp thì cá nhân đó là bị đơn;

2. Trường hợp người bị kiện là dòng họ thì dòng họ là bị đơn. Dòng họ tham gia tố tụng thông qua người đại diện được xác định như sau:

Phương án 1:

a) Người được tất cả thành viên của dòng họ ủy quyền hợp pháp là người đại diện của dòng họ tham gia tố tụng.

b) Trường hợp dòng họ không có người được ủy quyền hợp pháp thì người quản lý, sử dụng tài sản chung của dòng họ đang tranh chấp là người đại diện của dòng họ tham gia tố tụng. Cụ thể:

Tài sản chung của dòng họ đang tranh chấp do một người quản lý, sử dụng thì người đang quản lý và sử dụng đó là đại diện của dòng họ tham gia tố tụng.

Tài sản chung của dòng họ đang tranh chấp do nhiều người quản lý, sử dụng thì những người đang quản lý, sử dụng đó là đại diện của dòng họ tham gia tố tụng.

Phương án 2: Trưởng họ là đại diện của dòng họ tham gia tố tụng.

Phương án 3: Tất cả thành viên của dòng họ ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân đại diện cho dòng họ tham gia tố tụng.

Điều 5. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ được xác định như sau:

1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là các thành viên khác của dòng họ không khởi kiện, không bị kiện; cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến tài sản chung của dòng họ đang tranh chấp;

2. Trường hợp vụ án dân sự có liên quan đến tài sản chung của dòng họ mà dòng họ không phải là người khởi kiện hoặc người bị kiện thì dòng họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Dòng họ tham gia tố tụng thông qua người đại diện được xác định như sau:

Phương án 1:

a) Người được tất cả thành viên của dòng họ ủy quyền hợp pháp là người đại diện của dòng họ tham gia tố tụng.

b) Trường hợp dòng họ không có người được ủy quyền hợp pháp thì người quản lý, sử dụng tài sản chung của dòng họ đang tranh chấp là người đại diện của dòng họ tham gia tố tụng. Cụ thể:

Tài sản chung của dòng họ đang tranh chấp do một người quản lý, sử dụng thì người đang quản lý và sử dụng đó là đại diện của dòng họ tham gia tố tụng.

Tài sản chung của dòng họ đang tranh chấp do nhiều người quản lý, sử dụng thì những người đang quản lý, sử dụng đó là đại diện của dòng họ tham gia tố tụng.

Phương án 2: Trưởng họ là đại diện của dòng họ tham gia tố tụng.

Phương án 3: Tất cả thành viên của dòng họ ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân đại diện cho dòng họ tham gia tố tụng.

Điều 6. Xác định thành viên dòng họ

Phương án 1:

Thành viên dòng họ được xác định theo tập quán nơi dòng họ tồn tại. Các bên tranh chấp có trách nhiệm cung cấp danh sách và địa chỉ của thành viên dòng họ.

Phương án 2:

Thành viên dòng họ được xác định theo huyết thống tính từ thời điểm hình thành tài sản dòng họ đang có tranh chấp.

Điều 7. Về địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ

1. Địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ được xác định theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Điều 5, Điều 6 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05-5-2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP).

2. Tòa án phải thụ lý, giải quyết vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ khi người khởi kiện cung cấp được ít nhất địa chỉ của một cá nhân thành viên của dòng họ quản lý, sử dụng tài sản chung của dòng họ đang tranh chấp theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Điều 5, Điều 6 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP.

3. Tòa án vẫn tiếp tục giải quyết vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ nếu có thành viên của dòng họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ và Tòa án đã tiến hành các biện pháp để thu thập, xác minh địa chỉ theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của người đó.

Điều 8. Nhập vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ

1. Tòa án nhập hai hoặc nhiều yêu cầu khởi kiện tranh chấp về cùng tài sản chung của dòng họ để thụ lý giải quyết trong cùng một vụ án nếu việc nhập và việc giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật.

2. Tòa án nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Tòa án đã thụ lý riêng biệt tranh chấp về cùng tài sản chung của dòng họ thành một vụ án để giải quyết nếu việc nhập và việc giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật.

Điều 9. Áp dụng pháp luật giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ

Tòa án căn cứ vào các quy định của pháp luật, thỏa thuận của thành viên của dòng họ có mặt tại địa phương, án lệ, tập quán để giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ.

Điều 10. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đối với những vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ mà Tòa án đã thụ lý trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành nhưng chưa xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm hoặc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng hướng dẫn của Nghị quyết này để giải quyết.

2. Đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng hướng dẫn của Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, trừ trường hợp kháng nghị vì lý do khác.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày          tháng     năm 2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày      tháng      năm 2019.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần phải giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung thì đề nghị các Tòa án, cá nhân, cơ quan, tổ chức phản ánh cho Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời.

 

Nơi nhận:
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
- Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội;
- Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ 02 bản (để đăng công báo);
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ Tư pháp;

- Các Thẩm phán TANDTC;
- Các đơn vị thuộc TANDTC;
- Các TAND và TAQS;
- Cổng TTĐT TANDTC (để đăng tải);
- Lưu: VT VP, Vụ PC&QLKH (TANDTC).

TM. HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
CHÁNH ÁN


 

               

                 Nguyễn Hòa Bình

dự thảo tiếng việt
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY