Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời
thuộc tính Nghị quyết
Lĩnh vực: | Dân sự |
Loại dự thảo: | Nghị quyết |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Toà án nhân dân tối cao |
Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này hướng dẫn một số quy định tại Chương VIII về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 ngày 25/11/2015.Tải Nghị quyết
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN -------------- Số: /2019/NQ-HĐTP DỰ THẢO 1 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ----------------- Hà Nội, ngày tháng năm 2019 |
NGHỊ QUYẾT
Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về các biện pháp khẩn cấp tạm thời
——————————
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;
Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định tại Chương VIII về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này hướng dẫn một số quy định tại Chương VIII về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Tố tụng dân sự).
Điều 2. Về quy định tại khoản 1 Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Trong quá trình giải quyết vụ án (kể từ thời điểm Tòa án thụ lý vụ án[A1] ) chỉ những cơ quan, tổ chức, cá nhân sau đây mới có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự:
a) Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong trường hợp khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình;
c) Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật;
Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
d) Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật;
đ) Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
2. Chỉ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây, cơ quan, tổ chức, cá nhân được hướng dẫn tại khoản 1 Điều này mới có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự:
a) Để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết và cần phải được giải quyết ngay, nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của đương sự;
b) Để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ trong trường hợp chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được;
c) Để bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, tức là bảo toàn mối quan hệ, đối tượng hiện có liên quan đến vụ án đang được Tòa án giải quyết;
d) Để bảo đảm việc giải quyết vụ án hoặc thi hành án tức là làm cho chắc chắn các điều kiện để khi bản án, quyết định của Tòa án được thi hành thì có đầy đủ điều kiện để thi hành án.
3. Trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án vẫn phải có trách nhiệm về việc giải quyết vụ án. Đối với vụ án có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, khi tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán phải theo dõi, xem xét về việc tiếp tục hoặc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã áp dụng khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Tố tụng dân sự. Trường hợp có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm xem xét, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
4. Trong quá trình giải quyết việc dân sự thì Tòa án không có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Ví dụ: Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Bộ luật Tố tụng dân sự thì yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng Cổ đông, Nghị quyết của Hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp là yêu cầu về kinh doanh thương mại được giải quyết theo trình tự giải quyết việc dân sự. Do vậy, khi giải quyết yêu cầu này, Tòa án không có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Điều 3. Về quy định tại khoản 2 Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Chỉ khi có đầy đủ các điều kiện sau đây, đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện (đơn khởi kiện phải được làm theo đúng quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự) thì cơ quan, tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự:
a) Do tình thế khẩn cấp, tức là cần được giải quyết ngay, không chậm trễ;
b) Cần bảo vệ ngay chứng cứ trong trường hợp nguồn chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được;
c) Ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra (có thể là hậu quả về vật chất hoặc phi vật chất).
2. Trường hợp đơn khởi kiện đã có các nội dung để xác định việc thụ lý đơn khởi kiện và giải quyết vụ án là thuộc thẩm quyền của Tòa án nhận đơn nhưng cần phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác thì Tòa án thụ lý giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay theo quy định tại khoản 3 Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết này. Việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện và thụ lý vụ án được thực hiện theo quy định tại Điều 193 và Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự.
3. Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn khởi kiện và giải quyết vụ án theo quy định tại các điều 35, 36, 37, 38, 39 và 40 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Điều 4. Về quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự trong trường hợp đương sự không có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
2. Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng một biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể khi có đầy đủ các điều kiện do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định đối với biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.
Ví dụ: Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng” quy định tại Điều 116 Bộ luật Tố tụng dân sự khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Việc giải quyết vụ án có liên quan đến yêu cầu cấp dưỡng;
- Xét thấy yêu cầu cấp dưỡng đó là có căn cứ;
- Nếu không thực hiện trước ngay một phần nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống của người được cấp dưỡng;
- Đương sự, người thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự chưa có điều kiện thực hiện được quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
3. Khi tự mình ra quyết định áp dụng một biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể, ngoài việc phải thực hiện đúng quy định tại điều luật tương ứng của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật liên quan để có quyết định đúng.
Ví dụ: Khi tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục”, ngoài việc phải thực hiện đúng quy định tại Điều 115 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án phải căn cứ vào quy định liên quan của Bộ luật Dân sự về giám hộ để có quyết định đúng; cụ thể thực hiện như sau:
Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này, nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến người chưa thành niên theo quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 47 Bộ luật Dân sự không có người giám hộ đương nhiên, nhưng những người thân thích của người chưa thành niên chưa cử được ai trong số họ hoặc một người khác làm người giám hộ và Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn cùng các tổ chức xã hội tại cơ sở cũng chưa cử được người hoặc tổ chức từ thiện đảm nhận việc giám hộ;
Trong trường hợp có cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện giám hộ do pháp luật quy định tự nguyện đảm nhận việc giám hộ thì Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giao người chưa thành niên cho cá nhân, tổ chức đó trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục;
Trong trường hợp không có cá nhân, tổ chức nào tự nguyện đảm nhận việc giám hộ thì Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giao người chưa thành niên cho một người trong số những người thân thích của người chưa thành niên có đủ điều kiện giám hộ do pháp luật quy định trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Nếu không có người thân thích hoặc không có ai trong số người thân thích có đủ điều kiện giám hộ thì Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giao người chưa thành niên cho một người khác có đủ điều kiện giám hộ do pháp luật quy định hoặc một tổ chức từ thiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.
Điều 5. Về quy định tại khoản 2 Điều 113 Bộ luật Tố tụng dân sự
Để bảo đảm việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đúng pháp luật, tránh việc gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc người thứ ba do Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng, cần thực hiện như sau:
1. Khi tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thực hiện đúng hướng dẫn tại Điều 4 Nghị quyết này.
2. Khi có cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án yêu cầu họ phải làm đơn yêu cầu theo đúng quy định tại Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự. Tòa án chỉ xem xét để quyết định áp dụng hay không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể được ghi trong đơn. Nếu xét thấy yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là có căn cứ thì ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó; nếu không chấp nhận thì thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết. Trong trường hợp họ có thay đổi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác thì Tòa án yêu cầu họ phải làm đơn yêu cầu mới theo đúng quy định tại Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Ví dụ: Anh A có đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp thì Tòa án chỉ có quyền xem xét để chấp nhận hoặc không chấp nhận mà không được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản ở nơi giữ.
3. Khi xem xét để quyết định áp dụng một biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể, Tòa án chỉ có quyền chấp nhận toàn bộ, một phần hoặc không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể đó của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuyệt đối không được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong trường hợp họ có thay đổi yêu cầu vượt quá yêu cầu ban đầu thì Tòa án yêu cầu họ phải làm đơn yêu cầu bổ sung theo đúng quy định tại Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Ví dụ: Công ty A có đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản năm trăm triệu đồng tại ngân hàng Z của Công ty B, Tòa án chỉ có quyền chấp nhận phong tỏa tài khoản của Công ty B tại ngân hàng Z từ năm trăm triệu đồng trở xuống hoặc không chấp nhận yêu cầu phong tỏa tài khoản.
4. Tòa án phải xem xét áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đúng thời hạn theo quy định của pháp luật. Trường hợp không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải có lý do chính đáng.
Điều 6. Về quy định tại Điều 128 Bộ luật Tố tụng dân sự
Biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh được áp dụng nếu có đủ hai căn cứ sau đây:
1. Người bị áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh là đương sự có nghĩa vụ;
2. Việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc để bảo đảm việc thi hành án.
Ví dụ: Căn cứ cho rằng việc xuất cảnh ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án là trường hợp đương sự chưa được Tòa án tống đạt thông báo thụ lý vụ án hoặc đã được tống đạt thông báo thụ lý vụ án nhưng chưa có người đại diện được ủy quyền tại Việt Nam tham gia tố tụng giải quyết vụ án và cũng không có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.
Điều 7. Về quy định tại khoản 2 Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Trong quá trình giải quyết vụ án (kể từ thời điểm Tòa án thụ lý vụ án) mà nhận được đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án (sau đây gọi tắt là Thẩm phán) phải xem xét người yêu cầu có thuộc một trong các đối tượng được hướng dẫn tại khoản 1 và lý do yêu cầu có thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết này hay không. Nếu không đúng đối tượng hoặc không đúng lý do yêu cầu, Thẩm phán trả lại đơn yêu cầu cho họ. Nếu đúng đối tượng, đúng lý do yêu cầu, Thẩm phán tiếp tục xem xét, giải quyết.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Thẩm phán phải xem xét đơn và các chứng cứ kèm theo chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó. Nếu đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa làm đúng quy định tại khoản 1 Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự, Thẩm phán yêu cầu họ phải sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu. Nếu chứng cứ chưa đủ thì đề nghị người yêu cầu cung cấp bổ sung chứng cứ. Thẩm phán cũng có thể hỏi thêm ý kiến của họ. Trường hợp có thể hỏi được ý kiến của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và việc hỏi ý kiến đó không làm ảnh hưởng đến việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng lại bảo đảm cho việc ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đúng đắn, Thẩm phán hỏi ý kiến của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
3. Sau khi xem xét và nghe ý kiến, nếu chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 9, 12, 13, 14 và 17 Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự, Thẩm phán ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Nếu chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10, 11, 15 và 16 Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự, Thẩm phán buộc người yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Ngay sau khi người đó xuất trình chứng cứ đã thực hiện biện pháp bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật Tố tụng dân sự thì Thẩm phán ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
4. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết.
5. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng xét xử phải xem xét đơn và các chứng cứ kèm theo, hỏi ý kiến của người yêu cầu và người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thảo luận và thông qua tại phòng xử án như sau[A2] :
a) Trường hợp chấp nhận mà người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm thì Hội đồng xét xử ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
b) Trường hợp chấp nhận mà người yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm thì Hội đồng xét xử ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi họ xuất trình chứng cứ đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm;
c) Trường hợp không chấp nhận, Hội đồng xét xử không phải ra quyết định nhưng phải thông báo ngay tại phòng xử án việc không chấp nhận, nêu rõ lý do và phải ghi vào biên bản phiên tòa.
Điều 8. Về quy định tại khoản 3 Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra mà cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án, nộp đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Chánh án Tòa án phải phân công ngay một Thẩm phán thụ lý giải quyết đơn yêu cầu. Nếu nhận được đơn ngoài giờ làm việc (kể cả ngày nghỉ), người tiếp nhận đơn phải báo cáo ngay với Chánh án Tòa án. Chánh án Tòa án phân công ngay một Thẩm phán thụ lý giải quyết đơn.
2. Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo để xác định đơn khởi kiện có thuộc thẩm quyền thụ lý giải quyết của Tòa án mà họ yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không. Nếu không thuộc thẩm quyền thì trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và các chứng cứ kèm theo cho họ. Nếu thuộc thẩm quyền thì tiếp tục xem xét giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo hướng dẫn tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 6 Nghị quyết này này.
Điều 9. Về quy định tại khoản 4 Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự
Khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 124 và Điều 125 Bộ luật Tố tụng dân sự cần phân biệt như sau:
1. Trường hợp người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị thấp hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ thực hiện, Tòa án chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị từ mức yêu cầu trở xuống.
2. Trường hợp người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu phong tỏa tài khoản, tài sản để bảo đảm nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện theo đơn khởi kiện, Tòa án chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản đó trở xuống. Tòa án phải xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để xem xét việc ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
3. Trường hợp tài sản bị yêu cầu phong tỏa là tài sản không thể phân chia được (không thể phong tỏa một phần tài sản) có giá trị cao hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện theo đơn khởi kiện, Tòa án giải thích cho người yêu cầu biết để họ làm đơn yêu cầu áp dụng phong tỏa tài sản khác hoặc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác. Nếu họ vẫn giữ nguyên đơn yêu cầu, Tòa án căn cứ vào khoản 4 Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự không chấp nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của họ.
Điều 10. Về quy định tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10, 11, 15 và 16 Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự, Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử (nếu tại phiên tòa) buộc người yêu cầu phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử ấn định, nhưng phải tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện.
a) “Nghĩa vụ tài sản” là nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại thực tế có thể xảy ra cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba do việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng gây ra.
b) “Người có nghĩa vụ phải thực hiện” là người có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng. Trường hợp người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là người đại diện theo uỷ quyền của đương sự thì người có nghĩa vụ phải thực hiện là đương sự. Trường hợp người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức thì người có nghĩa vụ phải thực hiện là cơ quan, tổ chức.
c) Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử chỉ ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi đương sự đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm.
2. Vì thiệt hại thực tế do việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng gây ra chưa xảy ra, cho nên để ấn định một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá tương đương với nghĩa vụ tài sản, Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử phải dự kiến và tạm tính có tính chất tương đối thiệt hại thực tế có thể xảy ra.
3. Việc dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra tùy thuộc vào từng biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể, từng trường hợp cụ thể và được thực hiện như sau:
a) Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử đề nghị người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra. Trong trường hợp có hỏi ý kiến của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được hướng dẫn tại khoản 2 và khoản 5 Điều 6 Nghị quyết này thì đề nghị họ dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra.
b) Dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra phải được làm thành văn bản, trong đó cần nêu rõ các khoản thiệt hại và mức thiệt hại có thể xảy ra, các căn cứ, cơ sở của việc dự kiến và tạm tính đó; nếu tại phiên tòa thì không phải làm thành văn bản nhưng phải ghi vào biên bản phiên tòa.
c) Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử xem xét các dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra, căn cứ vào các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để ấn định một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá và buộc người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện biện pháp bảo đảm.
Ví dụ: Anh A đang chiếm giữ một chiếc xe ôtô tải, anh B cho rằng chiếc xe đó thuộc sở hữu của anh hoặc sở hữu chung của hai người và có tranh chấp. Anh B cho rằng anh A có ý định bán chiếc xe ôtô đó nên đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp là chiếc xe ôtô tải. Sau khi anh A dự kiến, tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng (nếu sau này Tòa án quyết định chiếc xe ôtô đó thuộc quyền sở hữu của anh A) việc ấn định một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá phải tùy từng trường hợp cụ thể như sau:
Trường hợp anh B có căn cứ cho rằng anh A bán chiếc xe ôtô đó (có bản sao hợp đồng mua bán) thì căn cứ vào hợp đồng mua bán, các quy định của pháp luật về hợp đồng mua bán để ấn định. Giả sử trong hợp đồng có tiền đặt cọc mà quá hạn không giao ôtô thì bên mua không mua, bên bán phải trả cho bên mua tiền đặt cọc và một khoản tiền bằng tiền đặt cọc; nếu ôtô bị kê biên vẫn giao cho anh A quản lý, sử dụng thì thiệt hại thực tế có thể xảy ra chỉ là khoản tiền bằng tiền đặt cọc; nếu ôtô bị kê biên được giao cho người thứ ba bảo quản thì thiệt hại thực tế có thể xảy ra còn bao gồm tiền trả thù lao, thanh toán chi phí bảo quản cho người bảo quản và thiệt hại do không khai thác công dụng ôtô.
Trường hợp anh B chỉ có các thông tin là anh A đang muốn bán ôtô và ôtô bị kê biên được giao cho người thứ ba quản lý thì thiệt hại thực tế có thể xảy ra bảo gồm tiền trả thù lao, thanh toán chi phí bảo quản cho người bảo quản và thiệt hại do không khai thác công dụng ôtô; nếu ôtô bị kê biên vẫn giao cho anh A quản lý, sử dụng thì có thể không có thiệt hại thực tế xảy ra.
Điều 11. Về quy định tại khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Về nguyên tắc chung khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá phải được gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng nơi có trụ sở của Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trường hợp nơi có trụ sở của Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nhiều ngân hàng, thì người phải thực hiện biện pháp bảo đảm được lựa chọn một ngân hàng trong số các ngân hàng đó và thông báo tên, địa chỉ của ngân hàng mà mình lựa chọn cho Tòa án biết để ra quyết định thực hiện biện pháp bảo đảm.
Trường hợp người phải thực hiện biện pháp bảo đảm có tài khoản hoặc có tiền, kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá gửi tại ngân hàng nơi có trụ sở của Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà họ đề nghị Tòa án phong tỏa một phần tài khoản hoặc một phần tiền, kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá gửi tại ngân hàng đó tương đương với nghĩa vụ tài sản của họ thì Tòa án chấp nhận.
2. Thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm được phân biệt như sau:
a) Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự, nếu trong giai đoạn từ khi thụ lý vụ án đến trước khi mở phiên tòa, thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm là hai ngày làm việc, kể từ thời điểm Tòa án ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm. Trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn đó có thể dài hơn, nhưng trong mọi trường hợp phải được thực hiện trước ngày Tòa án mở phiên tòa.
Nếu tại phiên tòa thì việc thực hiện biện pháp bảo đảm được bắt đầu từ thời điểm Hội đồng xét xử ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm, nhưng phải xuất trình chứng cứ đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm trước khi Hội đồng xét xử vào Phòng nghị án để nghị án.
b. Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự, thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm nộp đơn yêu cầu và được Tòa án chấp nhận.
3. Trường hợp thực hiện biện pháp bảo đảm vào ngày lễ hoặc ngày nghỉ thì Tòa án chỉ nhận tiền đồng Việt Nam (VNĐ) và tiến hành như sau:
a) Thẩm phán yêu cầu thủ quỹ Tòa án đến trụ sở Tòa án và mời thêm người làm chứng.
b) Người gửi tiền cùng thủ quỹ Tòa án giao nhận từng loại tiền. Thẩm phán lập biên bản giao nhận và niêm phong, trong đó cần ghi đầy đủ cụ thể và mô tả đúng thực trạng vào biên bản.
c) Gói, niêm phong tiền và phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo quản trong thời gian gửi giữ tại Tòa án.
Thẩm phán yêu cầu người gửi, thủ quỹ Tòa án, người làm chứng phải có mặt vào ngày làm việc tiếp theo sau khi kết thúc ngày lễ hoặc ngày nghỉ để mở niêm phong và giao nhận lại tiền.
d) Ngày làm việc tiếp theo sau khi kết thúc ngày lễ hoặc ngày nghỉ, những người có mặt khi niêm phong cùng chứng kiến mở niêm phong. Thủ quỹ cùng người gửi giao nhận lại từng loại tiền theo biên bản giao nhận và niêm phong. Thẩm phán phải lập biên bản mở niêm phong và giao nhận lại.
đ) Người phải thực hiện biện pháp bảo đảm mang khoản tiền đó đến gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng dưới sự giám sát của thủ quỹ Tòa án. Thủ quỹ Tòa án yêu cầu ngân hàng giao cho mình chứng từ về việc nhận khoản tiền vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng và nộp cho Thẩm phán lưu vào hồ sơ vụ án.
Trường hợp người phải thực hiện biện pháp bảo đảm không đến Tòa án thì Thẩm phán mời thêm người làm chứng (có thể là Hội thẩm nhân dân) đến Tòa án chứng kiến việc mở niêm phong và giao trách nhiệm cho thủ quỹ Tòa án thực hiện việc gửi tiền vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng. Thẩm phán phải lập biên bản mở niêm phong vắng mặt người phải thực hiện biện pháp bảo đảm và giao trách nhiệm cho thủ quỹ Tòa án thực hiện việc gửi tiền. Người phải thực hiện biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm do hành vi không thực hiện yêu cầu của Tòa án.
e) Việc niêm phong, mở niêm phong phải được tiến hành theo quy định của pháp luật. Biên bản giao nhận và niêm phong, biên bản mở niêm phong và giao nhận lại phải được lập thành hai bản có chữ ký của Thẩm phán, người gửi, thủ quỹ Tòa án và người làm chứng. Một bản được giao cho người gửi và một bản lưu vào hồ sơ vụ án.
Điều 12. Về quy định tại Điều 137 Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Trường hợp người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có đơn yêu cầu Tòa án thay đổi hoặc áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời khác thì thủ tục thay đổi, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác được thực hiện theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự và hướng dẫn tại các Điều 6, 7 và 8 Nghị quyết này.
2. Trường hợp thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời mà người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm hoặc phải thực hiện biện pháp bảo đảm ít hơn biện pháp bảo đảm mà họ đã thực hiện thì Tòa án xem xét quyết định cho họ được nhận lại toàn bộ hoặc một phần khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá mà họ đã gửi trong tài khoản phong tỏa tại ngân hàng theo quyết định của Tòa án, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Điều 13. Về quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 141 Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại của đương sự, kiến nghị của Viện kiểm sát về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc về việc Thẩm phán không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, Chánh án Tòa án phải xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị và ra một trong các quyết định sau đây:
a) Không chấp nhận đơn khiếu nại của đương sự, kiến nghị của Viện kiểm sát nếu khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ;
b) Chấp nhận đơn khiếu nại của đương sự, kiến nghị của Viện kiểm sát nếu khiếu nại, kiến nghị có căn cứ. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà Chánh án Tòa án giao cho Thẩm phán đã ra quyết định bị khiếu nại, kiến nghị ra quyết định thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời; huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng hoặc ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
2. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án là quyết định cuối cùng và phải được cấp hoặc gửi ngay theo quy định tại khoản 2 Điều 139 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Điều 14. Về quy định tại khoản 3 Điều 141 Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Trường hợp trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời mà đương sự có khiếu nại, Viện kiểm sát có kiến nghị thì theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Tố tụng dân sự, chỉ có Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án mới có thẩm quyền xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị đó. Nếu tại phiên tòa, đương sự, Viện kiểm sát có yêu cầu giải quyết khiếu nại, kiến nghị đó thì Hội đồng xét xử không chấp nhận và giải thích cho đương sự biết là họ có quyền yêu cầu Hội đồng xét xử thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời; hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng hoặc ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định chung của Bộ luật Tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết này.
2. Nếu đương sự có khiếu nại, Viện kiểm sát có kiến nghị về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng xét xử hoặc việc Hội đồng xét xử không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử xem xét, thảo luận và thông qua tại phòng xử án.
3. Trường hợp Hội đồng xét xử không chấp nhận khiếu nại, kiến nghị thì không phải ra quyết định bằng văn bản nhưng phải thông báo công khai tại phiên tòa việc không chấp nhận, nêu rõ lý do và phải ghi vào biên bản phiên tòa. Trường hợp Hội đồng xét xử chấp nhận khiếu nại, kiến nghị thì phải ra quyết định bằng văn bản. Tòa án phải cấp hoặc gửi quyết định này theo quy định tại khoản 2 Điều 139 Bộ luật Tố tụng dân sự. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Hội đồng xét xử là quyết định cuối cùng.
Điều 15. Về quy định tại Điều 291 Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm nếu có yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời thì việc xem xét, giải quyết được thực hiện theo quy định tại các điều tương ứng của Chương VIII “Các biện pháp khẩn cấp tạm thời” của Bộ luật Tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết này.
2. Trường hợp đương sự kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm mà trong đơn kháng cáo hoặc kèm theo đơn kháng cáo, đương sự khiếu nại quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án cấp sơ thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm thông báo ngay cho họ biết là Tòa án cấp phúc thẩm không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và giải thích cho họ biết họ có quyền yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời; huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng hoặc ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định chung của Bộ luật Tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết này.
Điều 16. Về quy định tại Điều 266 và Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự
Việc tuyên về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm quy định tại Điều 266 và Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự được thực hiện như sau:
Phương án 1: Trường hợp áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời thì chỉ cần tuyên trong bản án là: “Việc duy trì/ thay đổi/ hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện theo Quyết định số… ngày… của Tòa án nhân dân… ” và vẫn ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời riêng.
Phương án 2: Khi tuyên về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong bản án thì phải ghi rõ quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Điều 17. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày ..... tháng ..... năm 2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ..... tháng ..... năm 2020.
2. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27 tháng 4 năm 2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định tại chương VIII “Các biện pháp khẩn cấp tạm thời” của Bộ luật Tố tụng dân sự.
3. Các biểu mẫu từ Mẫu số 15-DS đến Mẫu 22-DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được sử dụng trong quá trình xem xét áp dụng, thay đổi, hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh cho Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để hướng dẫn bổ sung kịp thời.
Nơi nhận: - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; - Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội; - Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội; - Ban Chỉ đạo CCTPTƯ; - Ban Nội chính Trung ương; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Chính phủ (02 bản); - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Bộ Tư pháp; - Các TAND và TAQS; - Các Thẩm phán TANDTC; - Các đơn vị thuộc TANDTC; - Cổng TTĐT TANDTC (để đăng tải); - Lưu: VT, Vụ PC&QLKH (TANDTC). | TM. HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
|