Điều kiện để cặp đôi đồng tính nhận con nuôi

Hiện nay, vì không thể có con được nên rất nhiều cặp đôi đồng tính muốn nhận con nuôi. Tuy nhiên, liệu theo quy định, cặp đôi đồng tính có được nhận con nuôi không?

Hôn nhân đồng tính chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận

Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Và kết hôn là việc nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng để tạo nên một gia đình. Trong đó, một cuộc hôn nhân hợp pháp là phải kết hôn theo đúng quy định của pháp luật và được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.

Theo đó, nam nữ kết hôn phải thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm: Kết hôn giả tạo; Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; Kết hôn với người đang có chồng, có vợ; Kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời….

Đặc biệt, cũng tại điều luật này, Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Do đó, các cặp đôi đồng tính hiện nay vẫn chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận là một cuộc hôn nhân hợp pháp.

Do đó, các cặp đôi đồng tính hiện nay chỉ có sống chung với nhau và không có mối quan hệ ràng buộc mang tính pháp lý về quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng, cấp dưỡng và tài sản chung hình thành trong thời kỳ hôn nhân…

Xem thêm: Người chuyển giới có được đăng ký kết hôn?

đồng tính có được nhận con nuôi
Cặp đôi đồng tính được nhận con nuôi? (Ảnh minh họa)

Cặp đôi đồng tính có được nhận con nuôi không?

Mặc dù không được pháp luật Việt Nam công nhận nhưng hiện nay, có khá nhiều cặp đôi đồng tính đang sống chung với nhau như vợ chồng. Và không ít trong số đó rất mong muốn có được một người con nuôi để kết nối gia đình.

Theo quy định tại Luật Nuôi con nuôi 2010, việc nhận con nuôi sẽ xác lập quan hệ cha, mẹ, con một cách lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người con, đảm bảo cho người con được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.

Lúc này, việc nhận con nuôi phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cả người nhận nuôi và người được nhận nuôi, dựa trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái đạo đức, xã hội.

Theo đó, Điều 8 Luật này nêu rõ: “Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng”.

Bởi cặp đôi đồng tính hiện vẫn chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận là một cặp vợ chồng hợp pháp nên không thỏa mãn điều kiện để cùng đứng ra nhận con nuôi. Nhưng một trong hai người có thể làm thủ tục nhận con nuôi trong trường hợp là một người độc thân.

Khi đó, người đăng ký nhận con nuôi phải đáp ứng được các yêu cầu quy định tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

- Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

- Có tư cách đạo đức tốt;

- Không thuộc các trường hợp bị cấm nhận con nuôi: Đang bị hạn chế quyền của cha, mẹ với con chưa thành niên; Đang chấp hành hình phạt tù; Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự người khác, mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em…

Do đó, vì Việt Nam chưa thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính nên các cặp đôi đồng tính hiện chưa thể nhận con nuôi được.

>> Có được nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi?

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Ký hợp đồng với công ty nước ngoài thế nào để đúng quy định?

Ký hợp đồng với công ty nước ngoài thế nào để đúng quy định?

Ký hợp đồng với công ty nước ngoài thế nào để đúng quy định?

Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế thị trường trên toàn cầu, việc hợp tác với các công ty nước ngoài cũng trở nên phổ biến. Để tránh những rủi ro có thể xảy ra khi giao kết hợp đồng, cùng theo dõi bài viết ký hợp đồng với công ty nước ngoài thế nào để đúng quy định?