Đòi lại tiền đặt cọc thế nào khi chủ trọ không chịu trả?

Khi đi thuê nhà, bên thuê thường sẽ được yêu cầu đặt cọc một số tiền nhất định để "làm tin" cho việc chắc chắn sẽ thuê trọ. Và thực tế có nhiều trường hợp khi không thuê nhà nữa, chủ trọ không chịu trả lại tiền cọc này. Vậy khi đó, người thuê phải làm gì để đòi lại tiền đặt cọc?


Không tiếp tục thuê trọ, có đòi được tiền đặt cọc không?

Theo khoản 3 Điều 292 Bộ luật Dân sự, đặt cọc là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hay là một trong những biện pháp "bảo đảm niềm tin" giữa các bên trong giao dịch dân sự. Và đây cũng là một trong những biện pháp được người cho thuê và người thuê nhà sử dụng để chắc chắn việc thuê nhà được thực hiện.

Căn cứ khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự, đặt cọc được định nghĩa như sau:

1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Có thể thấy, theo quy định này, đặt cọc thuê nhà là biện pháp đảm bảo có các đặc điểm sau đây:

- Là sự thoả thuận của các bên để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng, ở đây là hợp đồng thuê nhà.

- Bên thuê giao một khoản tiền (theo thoả thuận của các bên) cho bên cho thuê trong một thời hạn nhất định.

- Khi hai bên thực hiện việc thuê nhà thì tiền cọc có thể được trả lại cho bên thuê hoặc trừ vào tiền thuê hàng tháng. Ngược lại, nếu bên thuê không thuê nhà nữa thì bên thuê sẽ mất số tiền đặt cọc; nếu bên cho thuê không cho thuê nữa thì phải trả cho bên thuê 02 lần số tiền đặt cọc trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Căn cứ các quy định này, có thể khẳng định, nếu bên thuê không tiếp tục thuê trọ nữa thì sẽ có các trường hợp sau đây sẽ xảy ra:

- Nếu hai bên có thoả thuận về việc trả lại tiền cọc/không trả lại tiền cọc: Bên thuê và bên cho thuê thực hiện theo thoả thuận.

- Nếu hai bên không có thoả thuận: Bên thuê không thuê sẽ mất cọc; bên cho thuê không cho thuê sẽ mất 02 lần số tiền đặt cọc.

Do đó, tuỳ vào từng trường hợp cụ thể và các bên có thoả thuận không để xác định bên cho thuê phải trả lại tiền thuê nhà cho bên thuê không.

Xem thêm: Khi nào phá hợp đồng thuê nhà không bị phạt cọc?


Chủ nhà không trả tiền cọc, người thuê phải làm gì?

Như phân tích ở trên, nếu có thoả thuận hoặc khi bên cho thuê không thực hiện việc cho thuê nhà dù đã có thoả thuận từ trước và hai bên giao thoả thuận việc đặt cọc thì bên cho thuê phải trả lại tiền đặt cọc cho bên thuê nhà.

Có thể thấy, hiện không có chế tài xử phạt chủ nhà trọ tự ý phá vỡ thoả thuận thuê nhà, đặt cọc thuê nhà mà Bộ luật Dân sự chỉ quy định về việc sẽ bị mất số tiền đặt cọc cùng với một khoản tiền tương đương nữa khi không thực hiện việc cho thuê nhà theo thoả thuận ban đầu.

Trong trường hợp này, mặc dù chủ trọ không bị phạt nhưng để bảo vệ quyền lợi, nghĩa vụ của mình, người thuê có thể thực hiện các bước sau đây để đòi lại tiền đặt cọc:

- Yêu cầu bên cho thuê nhà thực hiện đúng theo thoả thuận đặt cọc trước đó. Nếu không có thoả thuận thì thực hiện theo quy định của khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự nêu trên.

- Nếu chủ nhà trọ không chịu trả lại tiền cọc cho người thuê thì người thuê có thể khởi kiện đến Toà án để giải quyết tranh chấp về việc đặt cọc thuê nhà giữa các bên theo thủ tục nêu tại Bộ luật Tố tụng dân sự sau đây:

+ Chuẩn bị hồ sơ: Đơn khởi kiện, hợp đồng thuê nhà, hợp đồng đặt cọc thuê nhà hoặc bất cứ giấy tờ, tài liệu nào liên quan đến việc cho thuê nhà và đặt cọc cho thuê nhà (nếu có); giấy tờ nhân thân của người thuê, người cho thuê...

+ Nơi nộp hồ sơ: Toà án nhân dân cấp huyện nơi người bị kiện cư trú, làm việc thông qua việc nộp trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc gửi online qua Cổng thông tin điện tử của Toà án (nếu có).

+ Toà án giải quyết: Thông thường thời gian này sẽ từ 02 - 06 tháng tuỳ vào mức độ phức tạp của từng vụ án. Trong thời gian này, Toà án sẽ chuẩn bị xét xử và mở phiên toà xét xử giải quyết tranh chấp của các bên.

Trên đây là quy định về việc đòi lại tiền cọc khi chủ trọ không chịu trả thế nào? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Mẫu Hợp đồng thuê nhà chuẩn xác và đầy đủ nhất

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.