Ngoại tình là một vấn nạn mà khá nhiều gia đình hiện nay gặp phải. Thậm chí, không chỉ ngoại tình, nhiều trường hợp chồng còn lấy tiền từ tài sản chung vợ chồng để mua nhà, xe cho bồ. Vậy khi đó, người vợ có đòi được không? Nếu được thì đòi thế nào?
Đòi lại nhà, xe mua cho bồ nhưng vẫn đứng tên chồng được không?
LuatVietnam xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Căn cứ khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, tài sản chung vợ chồng gồm:
Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Đặc biệt, khoản 2 Điều 33 Luật này khẳng định:
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Đồng thời, theo Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình, tài sản riêng vợ, chồng gồm:
- Tài sản mỗi người có trước khi kết hôn;
- Tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
- Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng khi thực hiện chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân;
- Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng;
- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng.
Căn cứ quy định trên, mọi tài sản do vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân từ tiền lương, thưởng, từ công việc buôn bán của bạn... đều được coi là tài sản chung vợ chồng.
Theo quy định, tài sản này được sử dụng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng nên nếu chồng bạn sử dụng tài sản chung để mua nhà, xe cho bồ nhí thì đã vi phạm quy định của pháp luật về chế độ tài sản chung vợ chồng.
Tuy nhiên, cũng may mắn là tài sản mặc dù mua cho bồ sử dụng nhưng vẫn đứng tên chồng bạn. Do đó, tài sản này vẫn được coi là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân bởi theo khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình:
Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung
Như vậy, nếu nhà, xe chồng bạn mua cho bồ trong khi đang có quan hệ hôn nhân với bạn và vẫn đứng tên của chồng bạn thì được coi là tài sản chung. Khi ly hôn, tài sản chung vợ chồng được thực hiện theo thỏa thuận hoặc có thể yêu cầu Tòa án chia. Khi đó, Tòa án sẽ chia đôi nhưng tính đến các yếu tố nêu tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình:
- Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
- Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng…
Nói tóm lại, trong trường hợp của bạn, nếu chồng bạn sử dụng tiền chung của vợ, chồng để mua nhà, xe cho bồ và nhà, xe này vẫn đứng tên chồng bạn thì khi ly hôn bạn vẫn được chia ngôi nhà và xe này. Theo đó, khi yêu cầu ly hôn đơn phương, bên cạnh yêu cầu chấm dứt quan hệ vợ chồng thì bạn có thể liệt kê cả yêu càu chia tài sản chung vợ chồng.
Xem thêm: Chia tài sản khi ly hôn: Cần biết gì để không bị thiệt?
Đòi lại tài sản chồng mua cho bồ thế nào? (Ảnh minh họa)
Nhà, xe đã sang tên bồ, vợ có chia khi ly hôn không?
LuatVietnam trả lời như sau:
Như bạn trình bày, chồng bạn lấy tiền dành cho con gái đi du học để mua nhà, mua xe cho bồ. Không chỉ vậy, tài sản này còn đã được sang tên cho bồ của chồng bạn. Vậy để xem xét việc bạn có được chia tài sản này khi ly hôn không thì xem xét đến 03 vấn đề sau đây:
Thứ nhất: Chồng bạn có sử dụng tài sản chung vợ, chồng để mua nhà, mua xe cho bồ không?
Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình, tài sản chung vợ, chồng gồm các tài sản sau đây:
- Do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân trừ tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung;
- Vợ, chồng được thừa kế hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung;
- Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng;
- Không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Do đó, bạn cần phải xác định số tiền chồng bạn dùng để mua nhà, xe cho bồ có được lấy ra từ những loại tài sản nêu trên không hay là từ tài sản riêng của chồng (tài sản có trước khi kết hôn, được thừa kế, tặng cho riêng…).
Xem thêm: Cách chứng minh tài sản riêng vợ chồng đơn giản nhất
Thứ hai: Bạn phải có đủ chứng cứ hợp pháp để chứng minh căn nhà, cái xe mà bồ của chồng bạn đang đứng tên được mua từ tiền của vợ chồng bạn.
Trong đó, một số chứng cứ có thể thu thập được như:
- Ghi âm hoặc để lại chứng cứ chứng minh chồng lấy tiền của vợ, chồng đi mua nhà cho bồ;
- Tìm bằng chứng chồng tặng cho nhà, xe cho bồ (nếu có)…
Đặc biệt: Cách tốt nhất khi thu thập những chứng cứ này là nên khéo léo để chồng thừa nhận đã tặng cho nhà, xe cho bồ và lưu giữ lại bằng chứng.
Tuy nhiên phải nói thêm rằng, trên thực tế, để chứng minh tiền này được sử dụng từ tài sản chung của vợ chồng khi tài sản đã sang tên cô bồ sẽ vô cùng khó khăn.
Thứ ba: Sau khi đã có đầy đủ chứng cứ, bạn có thể khởi kiện đòi tài sản tại Tòa án. Bởi theo Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của Luật, trái đạo đức xã hội.
Do chồng bạn sử dụng tài sản chung vợ chồng để mua nhà, xe cho bồ mà không phải vì nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng nên đây là giao dịch vi phạm pháp luật.
Khi đó, theo Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu được quy định như sau:
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
Khi có đầy đủ cả ba yếu tố nêu trên, bạn có thể khởi kiện ra Tòa để yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng cùng với yêu cầu ly hôn đơn phương hoặc có thể thỏa thuận với chồng để thuận tình ly hôn và chia tài sản.
Lưu ý: Khi bạn đã có bằng chứng chồng ngoại tình thì đây sẽ là "lợi thế" khi bạn yêu cầu ly hôn cũng như chia tài sản, giành quyền nuôi con.
Xem thêm: Người ngoại tình bất lợi khi chia tài sản ly hôn
Nói tóm lại, thực tế cho thấy, việc đòi lại tài sản chồng mua cho bồ khi ly hôn rất khó thực hiện bởi để thu thập được chứng cứ hợp pháp trong trường hợp này không phải vấn đề dễ dàng. Nếu còn thắc mắc, độc giả liên hệ 1900.6192 để được giải đáp cụ thể hơn.
>> Thủ tục ly hôn: Cần giấy tờ gì? Nộp ở đâu?
>> Mẫu Đơn ly hôn chuẩn của Tòa án và thủ tục ly hôn nhanh nhất