Có được để toàn bộ di sản cho con nuôi không?

Nhiều khi con nuôi còn gần gũi, chăm sóc cha mẹ tận tâm hơn con đẻ. Vậy nếu vì thế cha mẹ nuôi muốn để lại toàn bộ tài sản của mình cho con nuôi được không?

Con nuôi được hưởng thừa kế như con đẻ?

Con nuôi là người được nhận làm con sau khi đã được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, con nuôi có thể không phải là người có quan hệ huyết thống với cha mẹ nuôi.

Sau khi việc nhận con nuôi được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền thì quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận nuôi và người được nhận nuôi được xác lập. Lúc này, theo quy định tại Điều 78 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cha mẹ nuôi và con nuôi có quyền và nghĩa vụ như giữa cha mẹ đẻ với con đẻ.

Theo đó, khi cha mẹ nuôi chết thì con nuôi với vai trò là một thành viên trong gia đình cũng được hưởng di sản thừa kế như con đẻ. Bởi con nuôi cũng thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cha mẹ nuôi theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015:

“Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 610 Bộ luật Dân sự 2015, mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Do đó, con nuôi cũng như con đẻ, được hưởng di sản thừa kế với suất bằng nhau.

Xem thêm: Con nuôi được hưởng thừa kế như con đẻ?


Cha mẹ có thể để lại toàn bộ tài sản cho con nuôi (Ảnh minh họa)


02 trường hợp con nuôi được hưởng toàn bộ di sản

Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 nêu trên, bởi những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau nên con nuôi, con đẻ sẽ được hưởng di sản thừa kế như nhau.

Tuy nhiên, không phải bất cứ lúc nào con nuôi cũng được hưởng như con đẻ mà có thể được hưởng toàn bộ di sản của cha mẹ nuôi để lại.

Trường hợp hàng thừa kế thứ nhất chỉ có mình người con nuôi

Những người thừa kế theo pháp luật của người chết được chia thành 03 hàng thừa kế. Trong đó, những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do: Chết; Không có quyền hưởng di sản; Bị truất quyền hưởng di sản; Từ chối nhận di sản.

Do đó, nếu cha mẹ nuôi đều chết và hai người không có ai ở hàng thừa kế thứ nhất ngoài người con nuôi và không để lại di chúc cho người nào khác thì người con nuôi sẽ được hưởng toàn bộ di sản thừa kế của cha mẹ nuôi để lại.

Trường hợp cha mẹ nuôi di chúc toàn bộ di sản cho con nuôi

Ngoài trường hợp nêu trên thì nếu cha mẹ nuôi lập di chúc để lại toàn bộ di sản của mình cho con nuôi thì người này có quyền được hưởng toàn bộ di sản.

Bởi theo quy định tại Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015, người lập di chúc có các quyền sau:

- Chỉ định người thừa kế;

- Truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Bởi vậy, nếu người để lại di chúc muốn để lại toàn bộ di sản của mình cho con nuôi thì đây là quyền của người lập di chúc.

Tất nhiên, cần phải xem xét đến vấn đề di chúc đó phải hợp pháp và cha mẹ nuôi không có 06 đối tượng được hưởng mà không phụ thuộc nội dung di chúc là: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con thành niên mà không có khả năng lao động.


Điều kiện để con nuôi nhận thừa kế từ cha mẹ nuôi (Ảnh minh họa)

Điều kiện để con nuôi được nhận di sản từ cha mẹ nuôi

Mặc dù con nuôi được hưởng thừa kế từ cha mẹ nuôi nhưng không phải trường hợp nào người này cũng được hưởng. Để được hưởng di sản thừa kế của cha mẹ nuôi để lại, người con nuôi phải được công nhận là con nuôi hợp pháp của người để lại di sản thừa kế.

Theo đó, người này phải đáp ứng yêu cầu được quy định tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

- Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

- Có tư cách đạo đức tốt, không thuộc diện những người không được nhận làm con nuôi.

Đáng lưu ý: Việc nhận con nuôi phải được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Khi cơ quan này cấp Giấy chứng nhận nuôi con nuôi, quan hệ con nuôi với cha mẹ nuôi mới chính thức được xác lập.

>> Là con nuôi của người khác có được nhận thừa kế từ cha mẹ đẻ?

Nguyễn Hương

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.