Khai sinh muộn cho con bị phạt bao nhiêu?

Đăng ký khai sinh là một việc vô cùng quan trọng đối với trẻ em nên đây cũng là việc ưu tiên hàng đầu của các bậc cha mẹ. Vậy khai sinh muộn cho con bị phạt bao nhiêu?

1. Khai sinh muộn cho con bị phạt bao nhiêu?

Theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân từ khi sinh ra đều có quyền được khai sinh.

Trẻ em sinh ra mà sống được từ 24 giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh sau đó khai tử. Nếu sinh ra mà sống dưới 24 giờ thì mới không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha, mẹ đẻ có yêu cầu.

Về trách nhiệm đăng ký khai sinh, Điều 15 Luật Hộ tịch 2014 quy định:

  • Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ là người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con.

  • Trường hợp cha, mẹ không thể đi đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh cho trẻ.

Trước đây, người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ mà không thực hiện đúng thời hạn thì bị xử phạt cảnh cáo theo quy định tại Điều 27 Nghị định 110/2013/NĐ-CP.

Tuy nhiên cho đến hiện nay, pháp luật đã có nhiều sự thay đổi, điều chỉnh. Nghị định 110/2013 được bãi bỏ, thay thế bởi Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.

Mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh quy định tại Điều 37 Nghị định 82 năm 2020 như sau:

-  Phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy để làm thủ tục đăng ký khai sinh.

- Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng với một trong các hành vi sau:

  • Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh;

  • Cung cấp tài liệu, thông tin sai sự thật về nội dung khai sinh;

Có thể thấy, hiện nay quy định xử phạt hành chính với hành vi đăng ký khai sinh muộn đã không còn. Nếu các bạn đăng ký khai sinh muộn cho con sẽ không bị phạt.

Mặc dù đăng ký khai sinh muộn cho con không bị phạt nhưng cha mẹ, người thân nên đăng ký khai sinh sớm để trẻ em được hưởng các quyền lợi chính đáng về bảo hiểm, học tập…

Nhiều người thắc mắc Khai sinh muộn cho con bị phạt bao nhiêu, tuy nhiên hành vi này hiện không bị phạt hành chính (Ảnh minh họa)

2. Hướng dẫn thủ tục đăng ký khai sinh cho con

Căn cứ Quyết định 1872/QĐ-BTP năm 2020, thủ tục đăng ký khai sinh cho con thực hiện như sau:

2.1. Giấy tờ cần chuẩn bị

Người đi đăng ký khai sinh cho trẻ cần chuẩn bị các giấy tờ sau để nộp:

- Tờ khai theo mẫu (Tờ khai đăng ký khai sinh, Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu nếu tiến hành đồng thời thủ tục nhận cha, mẹ con);

- Giấy chứng sinh. Nếu không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh con. Nếu cũng không có người làm chứng thì phải viết giấy cam đoan về việc sinh con.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì phải có biên bản do cơ quan có thẩm quyền lập.

Trường hợp trẻ em sinh ra do mang thai hộ thì phải có văn bản xác nhận của cơ sở y tế thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ.

- Văn bản ủy quyền (chứng thực) trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh.

- Trường hợp đồng thời làm thủ tục nhận cha mẹ con phải xuất trình chứng cứ chứng gồm:

+ Văn bản của cơ quan y tế hoặc cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận quan hệ cha con, mẹ con.

+ Trường hợp không có văn bản trên thì các bên nhận cha, mẹ, con tự lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con. Trong đó, có ít nhất 02 người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

Người đi khai sinh cho trẻ phải xuất trình được:

- Giấy tờ tùy thân như: Hộ chiếu, Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân để chứng minh về nhân thân;

- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để chứng minh thẩm quyền đăng ký khai sinh;

- Giấy tờ nhận cha, mẹ, con hoặc đăng ký kết hôn của cha, mẹ.

Dù đăng ký khai sinh muộn không bị phạt nhưng cha mẹ vẫn nên đăng ký khai sinh sớm (Ảnh minh họa)

2.2. Trình tự thực hiện

Bước 1: Nộp giấy hồ sơ

Người đăng ký khai sinh cho trẻ đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ để làm thủ tục. Nếu không xác định được nơi cư trú của cha, mẹ thì nộp tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang sinh sống.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ và đối chiếu thông tin

- Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả.

- Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện theo quy định; trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì phải lập thành văn bản hướng dẫn.

- Sau khi nhận đủ hồ sơ, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp; thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã đồng ý giải quyết thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ đăng ký khai sinh, cập nhật thông tin khai sinh để lấy Số định danh cá nhân, hướng dẫn người yêu cầu đăng ký hộ tịch kiểm tra nội dung giấy tờ hộ tịch và Sổ hộ tịch.

Cán bộ tư pháp cùng người đi đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con ký tên vào Sổ.

Bước 3: Cấp Giấy khai sinh

2.3. Lệ phí đăng ký khai sinh

Hiện nay, thủ tục đăng ký khai sinh không phải trả phí. Trường hợp đăng ký khai sinh không đúng hạn, theo mức thu lệ phí do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định

Trên đây là giải đáp về: Khai sinh muộn cho con bị phạt bao nhiêu? Nếu có băn khoăn về quy định liên quan đến thủ tục đăng ký khai sinh, bạn đọc có thể liên hệ:  19006192  để được giải đáp từ các chuyên gia pháp lý.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.