Của hồi môn là tài sản chung hay tài sản riêng?

Trong ngày cưới, các cô dâu thường được bố mẹ hai bên tặng cho một số tài sản như vàng, tiền... mà dân gian thường gọi là “của hồi môn”. Liệu tài sản này có được coi là tài sản riêng của người vợ không?

Của hồi môn là tài sản riêng của người vợ?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (sau đây gọi chung là Luật HNGĐ), tài sản chung vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra; thu nhập do lao động, sản xuất, kinh doanh; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản do vợ, chồng được thừa kế chung hoặc tặng cho chung…

Trong khi đó, Điều 43 Luật HNGĐ lại quy định, tài sản riêng của vợ chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật; tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng,…

Thời kì hôn nhân được tính bắt đầu từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân (quy định tại khoản 13 Điều 3 Luật HNGĐ). Các cặp đôi thường đăng ký kết hôn trước ngày tổ chức đám cưới. Do đó trong trường hợp này, của hồi môn được xác định là tài sản phát sinh trong thời kì hôn nhân.

Đồng thời, khi trao quà, bố mẹ thường không nói rõ là tặng riêng cô dâu hay tặng cho cả hai vợ chồng. Bởi vậy, trường hợp này không có căn cứ rõ ràng chứng minh là tặng riêng người vợ. Theo khoản 3 Điều 33 Luật HNGĐ, trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Nói tóm lại, của hồi môn sẽ là tài sản riêng nếu người vợ có căn cứ chứng minh tài sản đó là bố mẹ tặng cho riêng. Nếu không chứng minh được thì tài sản này sẽ là tài sản chung vợ chồng.

Của hồi môn là tài sản chung hay tài sản riêng? (Ảnh minh họa)

Ly hôn, “của hồi môn” được xử lý ra sao?

Của hồi môn được tặng đa phần có giá trị lớn nên khi ly hôn, việc phân chia tài sản này thường xảy ra tranh chấp.

Tại Điều 59 Luật HNGĐ, pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của hai bên khi giải quyết tài sản trong đó có việc phân chia tài sản chung vợ chồng. Bên cạnh đó, tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung.

Trong trường hợp nếu không thể thống nhất về phân chia tài sản, tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố như: hoàn cảnh của gia đình vợ, chồng; công sức đóng góp; lỗi trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng…

Từ những phân tích trên, có thể thấy, nếu người vợ chứng minh được của hồi môn là bố mẹ tặng riêng mình, thì đây là tài sản riêng nên khi ly hôn sẽ thuộc sở hữu riêng của người vợ. Trong trường hợp không chứng minh được điều này, của hồi môn được coi là tài sản chung vợ chồng. Khi ly hôn sẽ giải quyết theo quy định pháp luật về tài sản chung.

Để tìm hiểu thêm về việc chia tài sản khi ly hôn, độc giả xem thêm:

>> Chia tài sản khi ly hôn: Cần biết gì để không bị thiệt? 

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.