Là người thừa kế theo di chúc, thông thường mọi người sẽ quan tâm đến cách nhận thừa kế như thế nào. Và một trong những việc nhất định phải làm khi muốn hưởng thừa kế là công bố di chúc.
Khi nào di chúc được công bố?
Điều 624 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo đó, người để lại di chúc có các quyền sau:
- Chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản…
Đồng thời, theo quy định tại Điều 643 BLDS, di chúc chỉ có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế. Đây là thời điểm người để lại di chúc chết. Và để người thừa kế có thể tiến hành các thủ tục nhận thừa kế theo di chúc thì một trong những việc bắt buộc phải làm là công bố di chúc.
Do đó, việc công bố di chúc phải được thực hiện khi người để lại di chúc chết và bản di chúc được công bố phải là bản di chúc hợp pháp:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
- Nội dung di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;
- Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng…
Như vậy, có thể hiểu, sau khi người lập di sản chết thì có thể công bố di chúc và người thừa kế có thể tiến hành các thủ tục để nhận thừa kế theo di chúc.
Việc công bố di chúc được thực hiện thế nào? (Ảnh minh họa)
Di chúc được công bố như thế nào?
Bởi người thừa kế nếu muốn chuyển quyền sở hữu, sử dụng di sản sang tên của mình thì phải tiến hành nhận di sản thừa kế theo di chúc và công bố di chúc là một trong những việc bắt buộc phải làm. Thủ tục này được quy định cụ thể tại Điều 647 BLDS như sau:
- Nếu di chúc được công chứng và lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng thì Công chứng viên là người công bố di chúc;
- Nếu người để lại di chúc chỉ định người công bố di chúc thì người này có nghĩa vụ công bố di chúc;
- Nếu người để lại di chúc không chỉ định hoặc có chỉ định nhưng người được chỉ định từ chối công bố di chúc thì những người thừa kế còn lại thỏa thuận cử người công bố di chúc.
Đặc biệt, mặc dù di chúc không bắt buộc phải công chứng nhưng nếu di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài thì đây lại là thủ tục bắt buộc.
Đồng thời, sau khi mở thừa kế, người công bố phải sao gửi di chúc tới tất cả những người có liên quan đến nội dung di chúc và có trách nhiệm đưa bản gốc của di chúc cho người liên quan đối chiếu nếu có yêu cầu.
Tóm lại, sau khi người để lại di chúc chết, nếu người lập di chúc có chỉ định người công bố di chúc thì thực hiện theo di chúc; nếu di chúc được lưu tại tổ chức hành nghề công chứng thì Công chứng viên công bố; nếu không thuộc 02 trường hợp này, những người thừa kế sẽ quyết định.
>> Di chúc: Cần biết những thông tin gì khi viết di chúc?
Nguyễn Hương