Con sinh ra nhờ mang thai hộ là con của ai?

Vấn đề nhiều gia đình nhờ mang thai hộ thắc mắc là tranh chấp khi con sinh ra sẽ là con của ai. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp chi tiết vấn đề này cho độc giả.


Mang thai hộ, con sinh ra là con của ai?

Hiện nay, pháp luật chỉ cho phép việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo còn mọi hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại đều bị nghiêm cấm.

Theo khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại, mang thai giúp cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai, sinh con kể cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Việc mang thai hộ được thực hiện bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh ống nghiệm và cấy vào tử cung của người mang thai hộ để người này mang thai và sinh con.

Song song với đó, hiện nay có một hình thức mang thai hộ bị pháp luật nghiêm cấm là mang thai hộ vì mục đích thương mại. Trường hợp này là một người phụ nữ không phải tự nguyện mà vì mục đích kinh tế hoặc lợi ích khác mà sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để mang thai cho người khác.

Bởi việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và sinh con này không phải vấn đề chỉ liên quan đến hai vợ chồng mà có sự giúp đỡ tự nguyện của một người phụ nữ khác nên trên thực tế không thiếu trường hợp sau khi con sinh ra sẽ nảy sinh tranh chấp về việc xác định cha, mẹ cho con.

Bởi vậy, tại Điều 94 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã khẳng định rõ:

Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.

Theo đó, từ thời điểm con được sinh ra thì đứa bé là con chung của vợ chồng người nhờ mang thai hộ mà không phải con của người mang thai hộ.


Thủ tục làm giấy khai sinh cho con sinh ra do mang thai hộ

Sau khi xác định con sinh ra là con của ai thì một trong những vấn đề khiến nhiều người gặp vướng mắc là làm sao để làm giấy khai sinh cho con khi nhờ mang thai hộ.

Căn cứ Điều 16 Luật Hộ tịch năm 2014, thủ tục đăng ký khai sinh cho con nhờ mang thai hộ được thực hiện như sau:

Người đi đăng ký khai sinh

Theo phân tích ở trên, do con sinh ra do nhờ mang thai hộ là con của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ nên trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày con được sinh ra, một trong hai vợ chồng nhờ mang thai hộ phải thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho con (căn cứ khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch năm 2014).

Giấy tờ cần chuẩn bị

- Tờ khai đăng ký khai sinh.

- Giấy chứng sinh.

Do việc sinh con được thực hiện nhờ mang thai hộ nên việc xin giấy chứng sinh được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 34/2015/TT-BYT, Cụ thể, bên mang thai hộ phải nộp các giấy tờ sau đây cho cơ sở khám, chữa bệnh nơi trẻ sinh ra:

+ Bản xác nhận về việc sinh con bằng kỹ thuật mang thai hộ.

+ Bản thoả thuận về việc mang thai vì mục đích nhân đạo (bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính để đối chiếu).

- Giấy tờ chứng minh việc mang thai hộ: Văn bản thoả thuận về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ

Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú của cha hoặc mẹ (cặp vợ chồng nhờ người khác mang thai hộ) theo Điều 13 Luật Hộ tịch năm 2014.

Thời gian giải quyết

Cũng giống như thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ khác, nếu hồ sơ đăng ký khai sinh cho trẻ sinh ra do mang thai hộ đầy đủ, phù hợp thì vợ chồng nhờ mang thai hộ sẽ được cấp ngay giấy khai sinh cho con.

Trên đây là giải đáp về vấn đề con sinh ra nhờ mang thai hộ là con của ai? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Thủ tục mang thai hộ: Cập nhật 5 quy định mới nhất

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.