Chỉ khi cha mẹ ly hôn mới phải cấp dưỡng cho con?
Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng khi người này theo quy định tại Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình:
- Chưa thành niên;
- Đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
- Người gặp khó khăn, túng thiếu.
Ngoài ra, tại Điều 82 Luật này, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Như vậy, không chỉ cha mẹ ly hôn mới phải cấp dưỡng cho con mà khi không sống cùng con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng thì phải cấp dưỡng cho con (Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình).
Không chỉ vậy, con cái đã thành niên không sống chung với cha, mẹ cũng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ trong trường hợp cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Ngoài ra, nghĩa vụ cấp dưỡng còn xảy ra giữa anh chị em với nhau; giữa ông bà nội ông bà ngoại với cháu; giữa cô dì chú cậu bác ruột và cháu ruột; giữa vợ chồng với nhau.
Đặc biệt: Nghĩa vụ cấp dưỡng này không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
Như vậy, có thể thấy, việc cấp dưỡng xảy ra giữa những người có quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng khi không sống chung cùng nhau và người được cấp dưỡng không có khả năng lao động và tự nuôi sống bản thân chứ không hẳn chỉ xảy ra khi cha mẹ ly hôn.
Cha mẹ có phải cấp dưỡng cho con đủ 18 tuổi nữa không? (Ảnh minh họa)
Con đủ 18 tuổi còn phải cấp dưỡng nữa không?
Theo quy định nêu trên, việc cấp dưỡng có thể xảy ra với những người có quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng khi chung sống cùng nhau. Tuy thế, trong 06 trường hợp nêu tại Điều 118 Luật Hôn nhân và Gia đình, có thể chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng:
- Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;
- Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;
- Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;
- Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;
- Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn thì đã kết hôn với người khác;
- Các trường hợp khác.
Do đó, trừ trường hợp con đã đủ 18 tuổi nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì các trường hợp khác, khi người được cấp dưỡng đã đủ 18 tuổi thì nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ chấm dứt.
Bởi người đủ 18 tuổi là người thành niên, đã có năng lực trách nhiệm dân sự đầy đủ, có thể tự mình tham gia xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự và tự chịu trách nhiệm về hành vi do mình thực hiện.
Như vậy, những người này hoàn toàn có khả năng lao động để tự nuôi sống bản thân mà không cần đến tiền cấp dưỡng từ người khác.
>> Không đăng ký kết hôn, yêu cầu cấp dưỡng cho con thế nào?
Nguyễn Hương