Thường họ của con sẽ theo họ cha. Tuy nhiên, không hiếm trường hợp họ của con có thể khác của cha và mẹ. Vậy pháp luật quy định về trường hợp này thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp toàn bộ thắc mắc.
Họ của con được xác định như thế nào?
Khoản 1 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 khẳng định:
Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.
Theo đó, việc xác định họ của trẻ được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015:
- Nếu cha mẹ có thoả thuận: Được xác định theo họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ.
- Xác định theo tập quán: Cha mẹ không có thoả thuận. Trong đó, căn cứ khoản 1 Điều 5 Bộ luật Dân sự, tập quán được hiểu là các quy tắc xử sự rõ ràng, được sử dụng rộng rãi, lặp đi lặp lại trong thời gian dài tại một vùng, niềm, dân tộc, cộng đồng cụ thể.
Ngoài ra, một số trường hợp khác cũng được hướng dẫn như sau:
- Chưa xác định được cha đẻ thì họ của con theo mẹ đẻ.
- Con nuôi: Chưa xác định được cả cha và cả mẹ đẻ, trẻ bị bỏ rơi: Họ của trẻ được xác định theo họ của cha nuôi hoặc mẹ nuôi (theo thoả thuận của cha mẹ nuôi). Nếu chỉ có một người là cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì sẽ theo hộ của người đó...
Có thể thấy, việc xác định họ cho con trước hết sẽ thực hiện theo thoả thuận của cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi. Nếu không có thoả thuận thì sẽ thực hiện theo tập quán.
Có được đổi họ cho con khác cả cha và mẹ không?
Theo như quy định tại khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự, họ của một người phải được lấy theo họ của cha hoặc họ của mẹ. Việc lấy theo họ của cha hay mẹ sẽ thực hiện theo thoả thuận của cha mẹ. Đây cũng là quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP:
Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán;
Như vậy, dù có thoả thuận hay không có thoả thuận, căn cứ quy định trên, họ của con cũng chỉ có thể được lấy theo họ của cha hoặc mẹ. Nếu có thoả thuận thì lấy theo họ cha hoặc mẹ theo thoả thuận. Nếu không có thoả thuận thì lấy họ theo cha hoặc mẹ theo tập quán.
Điều này đồng nghĩa, cha mẹ chỉ được thoả thuận và lấy họ cho con theo họ của một trong hai người mà không được lấy họ cho con theo họ của người khác không phải cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi.
Thủ tục đổi họ cho con thực hiện thế nào?
Trường hợp được đổi họ cho con
Căn cứ khoản 1 Điều 27 Bộ luật Dân sự, cha mẹ đẻ đổi họ cho con trong các trường hợp sau:
- Thay đổi từ họ của cha đẻ sang mẹ đẻ và ngược lại.
- Thay đổi từ họ của cha mẹ nuôi sang họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ khi thôi làm con nuôi, khi xác định cha, mẹ cho con; khi tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình...
- Khi có sai sót trong đăng ký hộ tịch của người đi đăng ký hơajc cán bộ tư pháp hộ tịch.
Thủ tục thay đổi họ cho con được hướng dẫn theo Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, Điều 47 Luật Hộ tịch năm 2014. Cụ thể:
Hồ sơ cần chuẩn bị
- Tờ khai thay đổi hộ tịch trong đó nêu rõ nội dung thay đổi họ cho con.
- Giấy tờ liên quan đến việc thay đổi họ: Bản chính Giấy khai sinh, giấy tờ căn cứ đến việc thay đổi họ.
Cơ quan thực hiện
- Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký khai sinh trước đây.
- Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cá nhân thay đổi họ cho người chưa đủ 14 tuổi.
- Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên thường trú hoặc tạm trú ở trong nước.
Căn cứ: Điều 27, Điều 46 Luật Hộ tịch.
Thời gian thực hiện
Căn cứ khoản 2 Điều 28 Luật Hộ tịch, thời gian giải quyết là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Nếu cần xác minh thì thời hạn này kéo dài nhưng không quá 03 ngày làm việc.
Trên đây là quy định về việc họ của con có được khác họ của cả cha và mẹ không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199 để được hỗ trợ, giải đáp.