Nên mua nhà rồi cưới hay cưới rồi mới mua nhà?

Việc mua nhà trước khi cưới hoặc sau khi cưới luôn là vấn đề nhiều cặp đôi sắp cưới phân vân. Vậy nên mua nhà xong rồi mới cưới hay cưới xong rồi mới mua nhà?

Chú thích: Khái niệm "cưới" trong bài viết này được hiểu là thời điểm đăng ký kết hôn, xác lập quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng theo quy định của pháp luật.


Nhà mua trước khi cưới là tài sản riêng vợ/chồng?

Tài sản riêng của vợ hoặc của chồng là các loại tài sản nêu tại Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2014 gồm:

- Tài sản mỗi người có trước khi kết hôn.

- Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân.

- Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

- Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng.

- Tài sản khác theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng: Trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận về ưu đãi người có công với cách mạng, quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng... (Căn cứ Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP).

- Tài sản hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung trừ trường hợp vợ, chồng có thỏa thuận khác.

Do đó, nếu nhà mua trước khi cưới (dùng tài sản có trước khi kết hôn để mua nhà) thì đây là tài sản riêng. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng, sau khi kết hôn, vợ, chồng không thực hiện thủ tục nhập tài sản riêng vào tài sản chung theo quy định tại Điều 46 Luật HN&GĐ.

Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.

Như vậy, có thể thấy, nhà mua trước khi cưới nếu không có thỏa thuận nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung thì đây sẽ là tài sản riêng của vợ hoặc của chồng.


Có nên mua nhà trước khi cưới không? (Ảnh minh họa)

Chồng không có quyền với tài sản riêng của vợ khi ly hôn?

Như phân tích ở trên, nhà mua trước khi cưới bằng tài sản riêng của vợ hoặc chồng mà không có thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản riêng thì là tài sản riêng của vợ hoặc của chồng. Khi đó, vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình (theo khoản 1 Điều 44 Luật HN&GĐ).

Ngoài ra, theo khoản 4 Điều 59 Luật HN&GĐ, nguyên tắc chia tài sản riêng của vợ, chồng khi hai người ly hôn là:

Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Đặc biệt, khoản 1 Điều 62 Luật này còn khẳng định:

Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bên nào thì khi ly hôn vẫn thuộc về bên đó.

Như vậy, nếu không có nhập tài sản riêng vào tài sản chung vợ chồng thì nhà mua trước khi cưới là tài sản riêng, thuộc quyền sở hữu của riêng vợ hoặc chồng và người này có toàn quyền định đoạt, sử dụng ngôi nhà dù trong thời kỳ hôn nhân hay khi ly hôn.

Nếu có sự trộn lẫn, sáp nhập giữa tài sản riêng và tài sản chung thì về nguyên tắc, người nào đóng góp bao nhiêu sẽ được hưởng giá trị phần tài sản mà mình đã đóng góp.


Nhà mua sau khi cưới là tài sản chung của vợ, chồng?

Khoản 1 Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định:

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Như vậy, nhà mua sau khi cưới sẽ là tài sản chung vợ, chồng ngoài các trường hợp sau đây:

- Vợ hoặc chồng được thừa kế riêng;

- Vợ hoặc chồng được tặng cho riêng;

- Vợ hoặc chồng có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Trong ba trường hợp trên đây, dù nhà được mua sau khi cưới thì vẫn là tài sản riêng của vợ hoặc chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Không chỉ vậy, nếu vợ chồng có thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trong đó có nhà, đất) và thỏa thuận này hợp pháp (được lập thành văn bản, được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật, không thuộc trường hợp bị vô hiệu) thì dù được mua sau khi cưới nhưng ngôi nhà vẫn có thể là tài sản riêng của vợ hoặc chồng.

Nói tóm lại: Tùy vào từng trường hợp, mục đích, ý chí của người vợ, người chồng hoặc hai vợ chồng mà quyết định có nên mua nhà trước khi cưới hay không. Nếu muốn đó là tài sản riêng của mình thì nên mua trước khi cưới, còn nếu coi đó là tài sản chung của vợ, chồng thì có thể mua sau khi cưới.


Nếu còn thắc mắc, bạn đọc có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Không nên mua nhà trả góp trước khi kết hôn để làm tài sản riêng?

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.