Chưa trả hết nợ, vợ chồng có được ly hôn không?

Nợ chung, nợ riêng cũng như việc phân chia tài sản chung luôn là vấn đề phức tạp và gặp nhiều tranh chấp giữa vợ, chồng khi ly hôn. Vậy nếu vợ chồng chưa trả hết nợ thì có được ly hôn không? Và nếu ly hôn thì nợ chung sẽ do ai trả?


Chưa trả hết nợ chung, có được ly hôn?

Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về quyền được yêu cầu ly hôn của vợ chồng như sau:

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Theo đó, vợ chồng đều có quyền yêu cầu ly hôn và hoặc cả hai vợ, chồng thống nhất ly hôn thì có thể cùng yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn. Ngoài ra, khi vợ, chồng bị tâm thần hoặc mắc bệnh không thể nhận thức, làm chủ hành vi và là nạn nhân bạo lực gia đình của người còn lại khiến sức khoẻ, tinh thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì cha, mẹ, người thân thích có quyền yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn.

Bên cạnh đó, Điều luật cũng chỉ hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của chồng khi vợ đang có thai, đang sinh con hoặc vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà không đề cập đến yêu cầu vợ chồng được ly hôn khi đã trả hết nợ chung.

Đồng thời, Toà án sẽ giải quyết ly hôn cho vợ chồng nếu có các căn cứ sau đây:

- Vợ chồng tự nguyện ly hôn, đã thoả thuận được chia tài sản, trông nom con, cùng yêu cầu ly hôn thì Toà án công nhận thuận tình ly hôn (theo Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014).

- Có căn cứ bạo lực gia đình hoặc nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ vợ chồng làm cuộc sống hôn nhân trầm trọng, không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được (theo khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014).

Từ các phân tích nêu trên, có thể thấy, việc vợ chồng chưa trả hết nợ chung không phải điều kiện để Toà án hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của vợ chồng và cũng không phải căn cứ để Toà án không giải quyết cho vợ chồng ly hôn.


Nợ ngân hàng sau khi ly hôn, ai là người phải trả?

Khoản 1 Điều 60 Luật Hôn nhân và Gia đình khẳng định:

Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.

Theo quy định này, nếu trước đó, trong thời kỳ hôn nhân vợ chồng vay tiền ngân hàng thì sau khi ly hôn, vợ chồng vẫn phải thực hiện việc trả nợ trừ trường hợp có thoả thuận với bên cho vay.

Tuy nhiên, cần xác định nợ ngân hàng này là khoản nợ chung của vợ chồng hay là nợ riêng của vợ hoặc chồng. Theo Điều 37 Luật Hôn nhân và Gia đình, vợ chồng phải cùng nhau trả nợ nếu thuộc các trường hợp sau đây:

- Do vợ chồng cùng thực hiện.

- Vì để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

- Phát sinh từ việc sử dụng, định đoạt tài sản chung...

Nếu việc vay nợ ngân hàng xuất phát từ những trường hợp được xác định là nghĩa vụ chung của vợ chồng thì sau khi ly hôn, khi không có thoả thuận khác, vợ chồng phải cùng nhau trả nợ. Bởi việc ly hôn không làm nghĩa vụ trả nợ của vợ chồng biến mất.

Ngược lại, nếu vợ chồng có thoả thuận về nợ chung hoặc có thoả thuận với bên cho vay về việc quyết định ai là người trả nợ thì sẽ thực hiện theo thoả thuận đó.

Trên đây là phân tích về việc vợ chồng có được ly hôn khi chưa trả hết nợ chung không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Thủ tục ly hôn: Cần giấy tờ gì? Nộp ở đâu?

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.