Có được để lại tài sản của mình cho người dưng không?

Khi nghe đến việc để lại tài sản cho "người dưng", chắc nhiều người sẽ không tin và nghĩ đây là chuyện không thể thực hiện được. Vậy theo quy định của pháp luật, có được để lại tài sản cho "người dưng" không?


Được để lại tài sản cho "người dưng" qua di chúc?

Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ:

Người lập di chúc có các quyền như chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế, phân định phần di sản cho từng người thừa kế, dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng, giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

Có thể thấy, việc để lại di sản cho người khác hoàn toàn là quyền của người lập di chúc nên người này có toàn quyền trong việc để lại tài sản của mình cho người thừa kế thậm chí là "người dưng" mà không ai có quyền ngăn cấm, cản trở.

Tuy nhiên, phải lưu ý rằng, việc để lại tài sản bằng di chúc chỉ có hiệu lực khi bản di chúc đó hợp pháp. Cụ thể:

- Người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt trong quá trình lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;

- Nội dung di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, hình thức không trái quy định của pháp luật…

Bên cạnh đó, cũng phải lưu ý đến các trường hợp được hưởng thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc tại Điều 644 Bộ luật Dân sự:

- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

- Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, một người có thể để lại tài sản của mình cho “người dưng” nếu nội dung này được đề cập đến trong di chúc nhưng không được hưởng trọn di sản nếu người để lại di chúc có những người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc nêu trên.

Xem thêm: Di chúc: Cần biết những thông tin gì khi viết di chúc?

để lại tài sản cho người dưng

Có được để lại tài sản cho người dưng không? (Ảnh minh họa)

Chỉ có người thừa kế mới được hưởng di sản theo pháp luật?

Ngoài trường hợp hưởng di sản theo di chúc thì một người còn có thể được hưởng di sản theo pháp luật. Theo đó, khi không có di chúc, di chúc không hợp pháp, người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc… thì di sản sẽ chia theo pháp luật.

Một người sẽ được hưởng thừa kế nếu thuộc hàng thừa kế nêu tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015:

- Hàng thừa kế thứ 1: Vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

- Hàng thừa kế thứ 2: Ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột của người chết, cháu ruột gọi người chết là ông bà nội, ông bà ngoại;

- Hàng thừa kế thứ 3: Cụ nội, cụ ngoại; Bác chú cậu cô dì ruột của người chết; cháu ruột gọi người chết là bác chú cậu cô dì ruột; chắt ruột gọi người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Do đó, "người dưng" là người không thuộc một trong các hàng thừa kế nêu trên. Bởi vậy, nếu thừa kế theo pháp luật thì "người dưng" không được hưởng thừa kế.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 622 Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi thực hiện nghĩa vụ mà không có người nhận sẽ thuộc về Nhà nước.

Nói tóm lại, có thể để lại tài sản cho người dưng theo di chúc còn nếu chia thừa kế theo pháp luật thì chỉ những người thuộc hàng thừa kế mới được hưởng di sản.

>> Thủ tục lập di chúc đơn giản, nhanh gọn và đúng chuẩn

Nguyễn Hương

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục