1. Đặt tên con bằng tiếng Anh có được không?
Khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân sự khẳng định, tên của công dân Việt Nam chỉ được đặt bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, không đặt tên bằng số, bằng ký tự mà không phải là chữ.
Trong khi đó, tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, không phải tiếng dân tộc khác của Việt Nam. Do đó, trả lời cho câu hỏi có được đặt tên con bằng tiếng Anh không sẽ là: Khi đặt tên con trong giấy khai sinh, cha mẹ không được đặt tên con bằng tiếng Anh.
Ngoài ra, khi đặt tên con, cha mẹ cần lưu ý một số đặc điểm sau đây:
- Đặt tên bị hạn chế khi xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của luật dân sự: Bình đẳng; không bị phân biệt đối xử bởi bất kỳ lý do nào; được pháp luật bảo hộ quyền nhân thân, quyền tài sản như nhau…
- Đặt tên con phải phù hợp với yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hoá tốt đẹp của Việt Nam.
- Tên của con không được đặt quá dài, khó sử dụng.
Do đó, nếu như cha mẹ vẫn muốn đặt tên bằng tiếng Anh thì có thể sử dụng một trong các cách sau đây:
- Đặt tên thường gọi (tên gọi ở nhà mà không phải tên trong giấy khai sinh) của con bằng tiếng Anh.
- Phiên âm tên tiếng Anh của con sang tiếng Việt khi đăng ký khai sinh. Khi đó, tên ghi trong giấy khai sinh vẫn là tiếng Việt nhưng khi đọc lên sẽ là tiếng Anh.
- Đổi quốc tịch cho con sang quốc tịch nước ngoài để làm giấy khai sinh nước ngoài. Bởi quy định về đặt tên được thực hiện theo pháp luật Việt Nam nên khi con có quốc tịch nước ngoài thì không bị hạn chế bởi quy định này.
2. Hướng dẫn đăng ký khai sinh cho con
Sau khi tìm hiểu về việc có được đặt tên con bằng tiếng Anh không, các bậc cha mẹ có thể thực hiện đăng ký khai sinh cho con theo thủ tục dưới đây:
2.1 Thời điểm bắt buộc đăng ký khai sinh
Sau khi sinh 60 ngày, trẻ em phải được đăng ký khai sinh. Người thực hiện thủ tục này có thể là:
- Cha hoặc mẹ.
- Ông, bà, người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ: Nếu cha mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con.
2.2 Hồ sơ đăng ký khai sinh
- Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu. Trong đó điền đầy đủ các thông tin về người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày tháng năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch; thông tin về cha mẹ; số định danh cá nhân của người đăng ký khai sinh…
- Giấy chứng sinh (bản chính). Nếu không có thì có thể nộp một trong các loại giấy tờ thay thế sau đây: Văn bản xác nhận về việc sinh có người làm chứng; giấy cam đoan về việc sinh…
- Giấy uỷ quyền (nếu có).
(Theo Quyết định 1872/QĐ-BTP năm 2020)
2.3 Cơ quan thực hiện đăng ký khai sinh
Theo Điều 13 Luật Hộ tịch năm 2014, cha mẹ có thể đến Uỷ ban nhân cấp cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ để thực hiện đăng ký khai sinh cho con.
2.4 Thời gian đăng ký khai sinh
Sau khi nhận đủ giấy tờ, hồ sơ, việc đăng ký khai sinh sẽ được thực hiện ngay trong ngày. Khi đó, công chức tư pháp, hộ tịch sẽ thực hiện các công việc:
- Ghi nội dung khai sinh vào sổ hộ tịch và cập nhật lên Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy số định danh cá nhân.
- Ký tên vào sổ hộ tịch với người đi đăng ký khai sinh.
Sau khi thực hiện xong các thủ tục này, Chủ tịch UBND cấp xã sẽ cấp giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
Lưu ý: Khi hồ sơ nhận sau 15 giờ của ngày hôm đó thì kết quả sẽ được trả vào ngày làm việc tiếp theo.
2.5 Lệ phí đăng ký khai sinh
Hiện lệ phí đăng ký khai sinh đang được miễn phí khi công dân Việt Nam cư trú trong nước khai sinh đúng hạn.
Trên đây là giải đáp chi tiết về việc: Có được đặt tên con bằng tiếng Anh không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.