Thời gian vừa qua rộ lên thông tin có khu đô thị bị cắt nước sạch trong thời gian khá dài, nhiều người dân phải đi xách nước sạch từ các mạnh thường quân mỗi ngày. Vậy, có được bồi thường khi bị cắt nước sạch không?
1. Người dân bị cắt nước sạch trong trường hợp nào?
Nước sạch là nước đã qua xử lý có chất lượng đảm bảo và đáp ứng các yêu cầu sử dụng. Theo đó, tại Điều 45 Nghị định 117/2007/NĐ-CP, người dân sẽ bị cắt nước tạm thời trong trường hợp khách hàng sử dụng nước có yêu cầu hợp lý như tạm vắng, tạm dừng sản xuất, kinh doanh trong thời gian nhất định mà không chấm dứt hợp đồng dịch vụ cấp nước.
Đồng thời, người dân sẽ bị ngừng dịch vụ cấp nước trong trường hợp: Người dân không thanh toán tiền nước hoặc vi phạm các nội dung được nêu trong hợp đồng dịch vụ cấp nước sau 05 tuần kể từ ngày công ty cấp nước thông báo đến khách hàng về việc ngừng dịch vụ cấp nước.
Tuy nhiên, nếu người dân có lý do khách quan cho việc không trả tiền nước và đã thông báo cho đơn vị cấp nước thì sẽ thực hiện cắt nước hoàn toàn sau 10 tuần kể từ khi có thông báo về việc ngừng dịch vụ cấp nước.
Như vậy, khi muốn ngừng dịch vụ cấp nước của người dân nếu họ không thanh toán tiền nước đúng hạn thì công ty cấp nước phải thông báo trước cho người dân sử dụng. Sau đó, tùy vào từng trường hợp, nước có thể bị cắt sau 05 tuần hoặc sau 10 tuần kể từ khi có thông báo ngừng dịch vụ cấp nước.
Khi có sự cố thì nghĩa vụ của công ty cấp nước là xử lý sự cố đó đồng thời khôi phục việc cấp nước (theo điểm b khoản 2 Điều 55 về quyền, nghĩa vụ của đơn vị cấp nước tại Nghị định 117/2007/NĐ-CP).
Đồng thời, công ty cấp nước phải thông báo kịp thời cho người dân sử dụng nước để họ có biện pháp dự trữ nước trong thời gian chờ khôi phục dịch vụ cấp nước. Nếu thời gian khắc phục sự cố kéo dài thì công ty nước phải có biện pháp cấp nước tạm thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân.
Như vậy, người dân bị cắt nước sạch trong trường hợp không trả tiền nước đúng hạn và khi có sự cố xảy ra với việc cấp nước. Tuy nhiên, khi có sự cố thì công ty nước sạch phải có biện pháp khắc phục sự cố, nếu kéo dài sự cố thì phải có biện pháp cấp nước tạm thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân.
2. Người dân có được bồi thường khi bị cắt nước sạch không?
Tại Điều 47 Nghị định 117/2007/NĐ-CP, khi chất lượng nước và phương thức cấp nước cũng như dịch vụ của công ty nước không đáp ứng yêu cầu của điều khoản nêu tại hợp đồng dịch vụ cấp nước.
Khi công ty nước có sai sót và gây ra thiệt hại cho khách hàng sử dụng nước không đúng với điều khoản của hợp đồng thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Khách hàng gửi khiếu nại cho công ty cấp nước trong khoảng thời gian 10 ngày kể từ ngày phát hiện sai sót và công ty cấp nước phải xem xét, giải quyết khiếu nại trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại của khách hàng.
Căn cứ Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu việc cắt nước sạch gây ra thiệt hại cho người sử dụng nước thì căn cứ vào thiệt hại thực tế để yêu cầu công ty nước phải bồi thường. Đồng thời, theo Điều 608 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi công ty cấp nước sạch cung cấp dịch vụ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng mà gây thiệt hại cho người dùng nước sạch thì phải bồi thường.
Về mức bồi thường, các bên có thể tự thỏa thuận với nhau trong đó gồm: Thiệt hại về tài sản, về sức khỏe hoặc thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm…
3. Cung cấp nước bẩn cho người dân có bị phạt không?
Song song với việc người dân có thể được bồi thường thiệt hại thì công ty nước sạch cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 44 Nghị định 16/2022/NĐ-CP như sau:
- Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng:
- Không thông báo kịp thời cho người dân trữ nước trong thời gian khôi phục dịch vụ cấp nước.
- Vi phạm quy định về chất lượng dịch vụ tại điểm đấu nối nước sạch sử dụng trong sinh hoạt
- Phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng: Cung cấp nước sạch sinh hoạt không đảm bảo chất lượng.
- Phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng: Không thực hiện biện pháp cấp nước tạm thời hoặc có sử dụng nhưng biện pháp đó không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân trong thời gian khắc phục sự cố.
- Phạt tiền từ 100 - 120 triệu đồng: Gây ô nhiễm nước sạch hoặc phát tán chất độc hại, bệnh truyền nhiễm, bệnh dễ lây trong nước…
Trên đây là thông tin về vấn đề: Có được bồi thường khi bị cắt nước sạch không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp.