Chồng không đưa tiền tiêu Tết cho vợ có bị phạt không?

Chồng không đưa tiền tiêu Tết cho vợ thường là nguyên nhân chính xảy ra các cuộc cãi vã của nhiều cặp đôi. Tuy nhiên, nhiều bà vợ được biết, nếu chồng mình như thế thì sẽ bị phạt. Vậy thực hư thế nào?


Để xem xét chồng không đưa tiền tiêu Tết cho vợ có bị phạt không thì cần xem xét hai yếu tố:

- Có bắt buộc chồng phải đưa tiền cho vợ không.

- Hiện pháp luật có quy định về mức phạt nếu khi chồng không chịu đưa tiền tiêu Tết cho vợ không.

Dưới đây là sẽ là giải đáp chi tiết cho từng vấn đề:


Có bắt buộc chồng phải đưa tiền tiêu Tết cho vợ không?

Câu trả lời cho trường hợp này là không phải mọi trường hợp chồng đều bắt buộc phải đưa tiền tiêu Tết cho vợ bởi cần căn cứ vào mục đích tiêu Tết của người vợ là phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình hay vì nhu cầu riêng của mình để xác định chồng có bắt buộc phải đưa tiền cho vợ tiêu Tết không:

- Vì nhu cầu chung của gia đình: Chồng bắt buộc phải đưa để vợ sử dụng tài sản chung này để mua sắm tiêu dùng cho nhu cầu thiết yếu của gia đình.

- Vì nhu cầu riêng của vợ: Chồng không bắt buộc phải đưa.

Bởi, Điều 17 Luật Hôn nhân và Gia đình đang có hiệu lực nêu rõ:

Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan.

Đồng thời, khoản 1 và khoản 2 Điều 29 Luật Hôn nhân và Gia đình cũng nêu rõ:

1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.

2. Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Căn cứ quy định này, trong việc mua sắm, chi tiêu trong gia đình, vì các nhu cầu thiết yếu của cả gia đình thì vợ và chồng đều có quyền, nghĩa vụ ngang nhau, không phân biệt người có đi làm hay người nội trợ ở nhà.

Đồng nghĩa, khi mục đích tiêu tiền sắm Tết của vợ là phục vụ cho nhu cầu của cả gia đình thì người chồng có nghĩa vụ đóng góp tiền bạc để cùng thực hiện mục đích này.

Ngược lại, nếu mục đích tiêu tiền sắm Tết cho nhu cầu riêng của người vợ thì người chồng có thể cho hoặc không tuỳ vào điều kiện, tình cảm… mà người này dành cho vợ mình.

Ngoài ra, nguồn tiền được dùng để phục vụ cho việc chi tiêu ngày Tết là tài sản chung vợ chồng. Nếu vợ, chồng không có quỹ tiền chung hoặc có nhưng không đủ thì vợ, chồng phải có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên.

Không đưa tiền tiêu Tết cho vợ, chồng liệu có bị phạt không?

Hiện không có quy định về mức phạt khi chồng không đưa tiền tiêu Tết cho vợ. Tuy nhiên, theo Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, các hành vi bạo lực về kinh tế bị phạt gồm:

- Chiếm đoạt tài sản riêng của vợ/chồng.

- Ép chồng/vợ làm việc quá sức/làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc chất độc hại hoặc công việc trái luật.

- Ép vợ/chồng đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.

Do đó, mặc dù luật có quy định, người chồng phải đóng góp tiền vào tài sản chung vợ chồng để vợ chi tiêu, sắm Tết phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của gia đình nhưng nếu chồng không đưa tiền tiêu Tết cho vợ thì cũng không có quy định xử phạt về hành vi này.

Ngược lại, nếu người vợ “chiếm đoạt tiền riêng của chồng để sử dụng cho mục đích chi tiêu riêng của bản thân” thì có thể sẽ phải đối mặt với mức phạt từ 20 - 30 triệu đồng về hành vi trên nêu tại khoản 1 Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Trên đây là giải đáp chi tiết về vấn đề: Chồng không đưa tiền tiêu Tết cho vợ có bị phạt không? Nếu còn thắc mắc, độc giả có thể liên hệ tổng đài 1900.6192 của LuatVietnam để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.