Tổng hợp các khoản chi phí phải trả khi nhờ mang thai hộ

Mặc dù không nhằm mục đích thương mại nhưng để người phụ nữ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có thể thuận lợi sinh con thì cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ cũng phải trả một số chi phí cần thiết.


Các khoản chi phí phải trả khi nhờ mang thai hộ

Theo quy định tại khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình mới nhất, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại mang thai hộ cặp vợ chồng không thể sinh con dù đã sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản.

Việc mang thai hộ được thực hiện bằng cách lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm. Sau đó, sẽ cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này sinh con.

Mặc dù việc mang thai hộ này là tự nguyện và không nhằm mục đích thương mại, trục lợi nhưng để đảm bảo người mang thai hộ sinh con thuận lợi thì cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ phải chi trả một số chi phí thực tế trong các giai đoạn:

- Chuẩn bị mang thai;

- Áp dụng kỹ thuật chuyển phôi cho người mang thai hộ;

- Các kỹ thuật, thăm khám, sàng lọc, điều trị và xử trí bất thường, dị tật của bào thai (nếu có) và theo dõi, chăm sóc thai nhi;

- Quá trình sinh đẻ, chăm sóc người mang thai hộ trong 42 ngày đầu hoặc đến thời điểm giao đứa trẻ;

- Khám sức khỏe tổng quát sau sinh cho người mang thai hộ;

- Khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người mang thai hộ nếu người đó có biến chứng sau sinh liên quan đến sức khỏe sinh sản.

Cụ thể bảng chi phí bắt buộc bên nhờ mang thai hộ phải chi trả nêu tại Điều 3 Thông tư 32/2016 của Bộ Y tế gồm:

STT

Chi phí

Cách tính

1

Chi phí đi lại để tư vấn, khám, kiểm tra, theo dõi sức khỏe, thực hiện dịch vụ, kỹ thuật;

Theo giá ghi trên vé, hóa đơn hoặc giấy biên nhận thanh toán với chủ phương tiện;

2

Chi phí thực hiện dịch vụ tư vấn, khám chữa bệnh;

Căn cứ vào các hóa đơn, chứng từ thanh toán chi phí khám chữa bệnh;

3

Chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư;

Căn cứ vào các hóa đơn, chứng từ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng theo chỉ định của bác sĩ;

4

Chi phí dinh dưỡng, vật dụng chăm sóc vệ sinh cá nhân trước, trong và sau sinh.

Theo thỏa thuận hoặc theo hóa đơn (nếu có) hoặc giấy biên nhận.

Đặc biệt: Nếu người mang thai hộ có thẻ bảo hiểm y tế thì người nhờ mang thai hộ chỉ phải trả các chi phí còn lại sau khi đã trừ phần chi trả của cơ quan bảo hiểm xã hội (nếu có).

Tổng hợp các khoản chi phí khi nhờ mang thai hộ (Ảnh minh họa)

Tổ chức "đẻ thuê" có thể phải ngồi tù đến 05 năm

Việc mang thai hộ vì mục đích thương mại là một trong những hành vi vi phạm điều cấm tại Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Bởi vậy, việc tổ chức mang thai hộ sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc.

Theo đó, Điều 187 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ: Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị:

- Phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng;

- Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Nếu có thêm một trong các tình tiết tăng nặng như: Với 02 người trở lên; Phạm tội 02 lần trở lên; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Tái phạm nguy hiểm thì có thể bị phạt tù từ 01 - 05 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

Như vậy, để tránh tình trạng “đẻ thuê”, tổ chức "đẻ thuê", pháp luật chỉ cho phép người thân thích cùng hàng với vợ hoặc chồng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Còn những người khác thì không được phép, nếu vi phạm có thể phải chịu hình phạt nghiêm khắc.

>> Hướng dẫn khai sinh cho con nhờ mang thai hộ

Nguyễn Hương

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.