1. Trường hợp nào che giấu di chúc không được hưởng di sản?
Di chúc là hình thức thể hiện ý chí muốn chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi người để lại di chúc chết (căn cứ Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Do đó, chỉ những người có tên trong di chúc mới được hưởng di sản thừa kế trừ các đối tượng tại Điều 644 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 dưới đây:
- Con chưa thành niên.
- Cha, mẹ.
- Vợ, chồng.
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Các đối tượng này sẽ vẫn được hưởng phần di sản thừa kế bằng 2/3 của một suất của một người thừa kế nếu di sản được chia theo pháp luật dù không có tên trong di chúc hoặc có tên nhưng ít hơn 2/3 suất đó.
Đồng thời, di chúc chỉ có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế - thời điểm người để lại di sản thừa kế chết. Do đó, thực tế có nhiều người biết được thông tin về di chúc nhưng do không thuộc trường hợp được hưởng, không được hưởng nhiều di sản thừa kế… nên đã che giấu di chúc.
Và căn cứ điểm d khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015, người có hành vi che giấu di chúc sẽ không được quyền hưởng di sản nếu mục đích che giấu nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Như vậy, chỉ trong trường hợp người che giấu di chúc để hưởng di sản (dù là một phần hoặc toàn bộ di sản) mà không theo mong muốn của người để lại di chúc thì sẽ không được hưởng di sản theo di chúc trừ trường hợp tại khoản 2 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015:
Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
2. Che giấu di chúc bị xử lý thế nào?
Người che giấu di chúc để hưởng di sản thừa kế không theo mong muốn của người để lại di chúc ngoài việc không được hưởng di sản thừa kế theo quy định nêu trên thì liệu còn bị xử lý thế nào nữa không?
2.1 Có bị phạt hành chính không?
Căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021 của Chính phủ, người nào dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng.
Mặc dù Chính phủ không hướng dẫn cụ thể thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác là gì nhưng hành vi này phải đáp ứng hai điều kiện:
- Có thủ đoạn gian dối.
- Có mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.
Theo đó, trường hợp che giấu di chúc để hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản thừa kế không theo ý chí, mong muốn của người để lại di sản có thể xử phạt hành chính theo quy định này bởi việc che giấu di chúc cũng có thể coi là một trong các hành vi, thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người để lại di chúc (do không theo ý muốn của người để lại di chúc).
Do đó, người che giấu di chúc trong trường hợp này có thể bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng.
2.2 Có phải đi tù không?
Ngoài việc không được hưởng di sản thừa kế, bị xử phạt vi phạm hành chính đến 03 triệu đồng theo phân tích ở trên, nếu mức độ vi phạm của người che giấu di chúc để chiếm đoạt tài sản của người để lại di chúc còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Trong trường hợp này, mức phạt tù sẽ gồm 04 khung căn cứ theo mức độ, tính chất của hành vi phạm tội mà thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm và cao nhất là tù chung thân.
Trên đây là quy định về việc che giấu di chúc có bị xử phạt không? Căn cứ vào mục đích, mức độ của việc che giấu di chúc mà người che giấu có thể không được hưởng di sản, bị phạt tiền hoặc phải ngồi tù. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
>> Thủ tục công chứng di chúc hợp pháp và giấy tờ cần chuẩn bị