Cha mẹ lén đọc tin nhắn, điện thoại của con có phạm luật không?

Hiện nay, khi mạng xã hội phát triển, nhiều bậc cha mẹ sợ con cái bị lôi kéo, hư hỏng nên thường lén kiểm tra tin nhắn, điện thoại của con để kịp thời chấn chỉnh, sửa đổi. Tuy nhiên, đây là việc khiến con trẻ dễ bị tổn thương. Vậy, theo quy định của pháp luật, hành vi này có phạm luật không?


Cha mẹ có quyền lén đọc tin nhắn của con không?

Điều 21 Hiến pháp khẳng định:

Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

Đây cũng là tinh thần của Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể khoản 3 Điều 38 nêu rõ:

Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

Đồng thời, về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ với con nêu trong Luật Hôn nhân và Gia đình không có quy định về việc cha mẹ được kiểm soát điện thoại, lén đọc tin nhắn của con mà chỉ có quy định về việc quản lý tài sản riêng của con cũng như nghĩa vụ yêu thương, chăm lo việc học tập, giáo dục con, giám hộ hoặc đại diện cho con...

Như vậy, có thể thấy, trẻ em hay bất kỳ công dân nào của Việt Nam đều có quyền được bảo vệ bí mật thư tín, điện thoại, điện tín. Do đó, dù là cha mẹ thì cũng không được quyền lục soát điện thoại, lén đọc tin nhắn của con khi chưa được con cho phép.

Trên thực tế, vì muốn bảo vệ con, muốn giáo dục con cũng như kịp thời ngăn cản con bị dụ dỗ, sa vào các tệ nạn xã hội, các bậc phụ huynh thường chọn cách "kiểm soát" chặt điện thoại, tin nhắn của con.

Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh không biết rằng, đây là hành vi vi phạm pháp luật và tạo nên tổn thương về mặt tinh thần cho con trẻ.


Cha mẹ lén đọc tin nhắn, điện thoại của con bị phạt thế nào?

Vì việc lén đọc tin nhắn, kiểm soát điện thoại của con là hành vi vi phạm nên pháp luật cũng đặt ra nhiều chế tài để xử lý. Cụ thể:

Xử phạt hành chính: Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mất đời tư của thành viên trong gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm người đó thì sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Do đó, nếu cha mẹ đọc trộm tin nhắn, kiểm tra điện thoại của con và tung lên mạng xã hội hoặc tiết lộ cho người khác biết nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con thì mới bị xử phạt hành chính. Các trường hợp còn lại thì không bị phạt tiền theo quy định trên.

Chịu trách nhiệm hình sự: Nếu cha mẹ có hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax... của người khác, đã bị kỷ luật hoặc xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20 - 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Căn cứ: Điều 159 Bộ luật Hình sự về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

Nếu nặng hơn, người vi phạm có thể bị phạt tù từ 01 - 03 năm tù nếu phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, phạm tội 02 lần trở lên, tiết lộ thông tin đã chiếm đoạt và ảnh hưởng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác...

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 20 triệu đồng (hình phạt bổ sung tại Điều 159 Bộ luật Hình sự).

Trên đây là quy định về việc cha mẹ lén đọc tin nhắn của con có phạm luật không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Cha mẹ có được giữ tiền riêng của con không?

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(6 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.