Bị lừa ký tên vào giấy trắng, nội dung sau đó có hiệu lực?

Khi bị lừa ký tên vào giấy trắng, nhiều người rất lo lắng, sợ hãi bởi không biết sau đó tờ giấy này sẽ bị điền nội dung gì. Vậy hợp đồng trong trường hợp này có hiệu lực pháp luật không?


Ký trước điền nội dung sau mang đến rủi ro rất lớn?

Căn cứ Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng được định nghĩa như sau:

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Theo đó, khi hai bên đạt được thỏa thuận, nếu thống nhất thể hiện thỏa thuận thông qua hình thức bằng văn bản thì hợp đồng này phải bao gồm các nội dung do các bên thỏa thuận.

Đồng thời, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được nêu tại Điều 401 Bộ luật Dân sự là từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc Luật liên quan có quy định khác.

Trong đó, thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hoặc bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản (căn cứ khoản 4 Điều 400 Bộ luật Dân sự).

Như vậy, việc ký tên trong văn bản, hợp đồng là một trong những điều kiện để hợp đồng có hiệu lực. Do đó, nếu không có thỏa thuận khác, không có quy định khác của Luật liên quan thì hợp đồng bằng văn bản sẽ có hiệu lực khi bên cuối cùng ký tên vào hợp đồng.

Đồng nghĩa, khi hợp đồng đã được các bên hoàn tất việc ký kết thì sẽ chính thức có hiệu lực nếu không có thỏa thuận khác, các bên cũng đồng thời phải thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo nội dung ghi trong hợp đồng.

Bởi vậy, nếu bị lừa ký vào giấy trắng, người ký sẽ không nắm được nội dung trong hợp đồng là gì nhưng vẫn phải thực hiện quyền, nghĩa vụ trong hợp đồng đó dù nội dung này có thể không đúng với thỏa thuận ban đầu của các bên. Điều này mang đến rủi ro vô cùng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người ký.


Bị lừa ký tên vào giấy trắng, nội dung sau đó có hiệu lực? (Ảnh minh họa)

Nội dung điền sau khi bị lừa ký giấy trắng có hiệu lực không?

Như phân tích ở trên, việc lừa người khác ký vào giấy trắng là hành vi lừa dối khi giao kết giao dịch dân sự. Do đó, giao dịch dân sự của người bị lừa ký vào giấy trắng sẽ trở thành giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự:

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Trong đó, lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Như vậy, khi ký tên vào giấy trắng mà không biết nội dung tờ giấy ấy thể hiện điều gì thì người bị lừa ký tên có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự này vô hiệu. Khi đó, hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu được nêu tại Điều 131 Bộ luật Dân sự như sau:

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

Tuy nhiên, để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, người bị lừa dối phải cung cấp bằng chứng chứng minh mình bị lừa dối trong quá trình ký kết giao dịch.

Đáng chú ý: Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu khi bị lừa dối là khi người bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị lừa dối.

Nói tóm lại, khi bị lừa ký tên vào giấy trắng, nếu chứng minh được bản thân bị lừa dối thì có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Ngược lại, nếu không chứng minh được thì người này phải thực hiện theo giao dịch đã ký kết.

Do đó, trong mọi trường hợp, khi ký vào bất kỳ giấy tờ gì, người ký cũng phải đọc kỹ nội dung, tuyệt đối không ký vào giấy trắng. Không chỉ vậy, người ký cũng nên gạch chéo phần trống giữa và cuối nội dung những giấy tờ mà mình ký kết để người khác không thể chèn thêm nội dung theo ý họ.

Đặc biệt, khi hai bên thống nhất ký hợp đồng bằng văn bản thì nên lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản để đối chiếu (nếu cần thiết).

Nếu còn thắc mắc, bạn đọc có thể liên hệ 19006192 để được giải đáp, tư vấn.

>> Khi nào hợp đồng mua bán nhà đất không có hiệu lực?

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.