Tình trạng tự ý lấy ảnh con nợ đăng lên mạng xã hội như Facebook, Zalo... nhằm ép trả nợ khiến nhiều người rất lo lắng. Vậy nếu gặp trường hợp như thế, những nạn nhân phải làm thế nào?
Tự ý đăng ảnh người khác lên Facebook đòi nợ, bị phạt thế nào?
Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân có quyền với hình ảnh của mình. Khi người khác muốn sử dụng hình ảnh của cá nhân thì bắt buộc phải được người đó đồng ý. Đặc biệt, nếu sử dụng hình ảnh để quảng cáo hoặc vì mục đích thương mại, người sử dụng còn phải trả thù lao cho người có hình ảnh.
Do đó, có thể thấy, việc chủ nợ tự ý lấy ảnh của con nợ, đăng ảnh người đó lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... nhằm gây áp lực, ép buộc người vay phải trả nợ thì đều là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền hình ảnh của người vay.
Không chỉ vậy, nạn nhân trong những trường hợp này thậm chí có thể không phải người vay. Họ có thể là người thân, bạn bè, đồng nghiệp... của người vay. Bởi khi vay tiền qua app hoặc qua công ty tài chính, nhiều người phải cung cấp số điện thoại, thông tin của người thân, bạn bè... để tham chiếu.
Đến khi người vay không trả được nợ, các app hoặc công ty tài chính sẽ đòi nợ từ người thân này. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều người không vay nhưng liên tục bị đòi nợ, thậm chí là đăng ảnh, chế ảnh... đăng Facebook, Zalo... hòng ép người này phải trả nợ thay cho người vay.
Trong trường hợp này, người cho vay có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự tuỳ vào tính chất, mức độ hành vi:
Bị xử phạt hành chính
Căn cứ điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, chủ nợ tự ý đăng ảnh người vay lên Facebook để đòi tiền có thể bị phạt hành chính từ 05 - 10 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu người nào sửa chữa, ghép ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh nhằm xâm phạm uy tín, nhân phẩm của cá nhân thì có thể bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 18 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Phải chịu trách nhiệm hình sự
Ngoài bị phạt tiền, nếu hành vi đăng ảnh người khác lên Facebook đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác thì người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự.
Nếu việc đòi nợ khiến nạn nhân tự sát hoặc làm người bị đòi nợ bị rối loạn tâm thần... thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 02 - 05 năm.
Có thể thấy, nếu để đòi nợ, người cho vay tự ý đăng ảnh người vay lên Facebook nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người đó thì có thể bị phạt hành chính đến 10 triệu đồng; ghép ảnh nhằm xúc phạm danh dự, uy tín người khác thì có thể bị phạt đến 40 triệu đồng. Nếu nặng hơn thì người vi phạm có thể phải đi tù đến 05 năm.
Người vay bị đăng ảnh lên Facebook đòi nợ, phải làm sao?
Mặc dù khi vay tiền thì phải có nghĩa vụ trả nợ, nếu không trả nợ thì người vay cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật nhưng không vì thế mà người đi vay có thể tự ý đăng ảnh người khác lên Facebook để đòi nợ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người vay.
Đây là hành vi vi phạm pháp luật và người vi phạm có thể sẽ bị xử lý theo quy định nêu trên. Để tự bảo vệ bản thân trước những hành vi vi phạm nêu trên, người vay có thể thực hiện các biện pháp sau đây:
Tố cáo với cơ quan công an
Để tố cáo với cơ quan công an, người bị đăng ảnh lên Facebook cần phải chuẩn bị đơn tố cáo với các nội dung: Họ tên người tố cáo, ngày tháng năm tố cáo, nội dung tố cáo về việc bị đăng ảnh lên Facebook nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của mình...
Ngoài ra, người này còn phải cung cấp các giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc tố cáo của mình: Hình ảnh bị đăng lên Facebook kèm theo thông tin về việc bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm...
Những hồ sơ này, người bị đăng ảnh có thể nộp cho công an cấp xã. Cơ quan này sẽ tiến hành điều tra, xác minh bước đầu và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Khởi kiện ra Toà
Ngoài việc gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an, người bị đăng ảnh xúc phạm danh dự, nhân phẩm còn có thể gửi đơn khởi kiện đến Toà án nhân dân. Trong đơn khởi kiện cần nêu rõ, quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là quyền hình ảnh, nhân phẩm, danh dự, uy tín của cá nhân.
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn khởi kiện là Toà án nhân dân cấp huyện - nơi người tự ý đăng ảnh lên Facebook cư trú, làm việc.
Lưu ý: Vì đây là bài đăng trên mạng xã hội nên người vi phạm có thể dễ dàng xoá hoặc gỡ bài đăng khi nghe được thông tin. Do đó, để lưu lại bằng chứng, ngăn ngừa các đối tượng chỉnh sửa, gỡ bài, xoá bài và cũng để cơ quan có thẩm quyền có căn cứ giải quyết vụ việc, nạn nhân bị đăng ảnh lên Facebook có thể lập vi bằng ghi nhận lại những bài viết đó.
Trên đây là quy định về việc nạn nhân phải làm sao khi bị lấy ảnh đăng Facebook đòi nợ? Nhìn chung, đây là vấn đề khá phức tạp, hãy gọi cho tổng đài 1900.6199 của chúng tôi để trình bày trường hợp của riêng bạn.