Bảo đảm bằng sổ tiết kiệm, tiền gửi tiết kiệm là cầm cố hay thế chấp?

Có được gửi tiết kiệm hoặc cầm cố tài sản là sổ tiết kiệm hoặc tiền gửi tiết kiệm không? Bảo đảm bằng sổ tiết kiệm là cầm cố hay thế chấp? Tất cả đều được giải đáp trong bài viết dưới đây.

Sổ tiết kiệm có phải tài sản để cầm cố, thế chấp không?

Căn cứ theo Điều 8 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định về tài sản bảo đảm như sau:

Điều 8. Tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:

1. Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm;

2. Tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu;

3. Tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ;

4. Tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định.

Theo đó, sổ tiết kiệm, tiền gửi tiết kiệm là một loại tài sản được hình thành thông qua việc cá nhân hoặc doanh nghiệp gửi một khoản tiền nhàn rỗi vào tổ chức tín dụng để được hưởng một khoản lãi suất nhất định, loại tài sản này không bị loại trừ theo định nghĩa được trích dẫn trên.

Như vậy, sổ tiết kiệm hay tiền gửi tiết kiệm cũng được xem là một loại tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Bảo đảm bằng sổ tiết kiệm là cầm cố hay thế chấp?
Bảo đảm bằng sổ tiết kiệm là cầm cố hay thế chấp? (Ảnh minh họa)

Bảo đảm bằng sổ tiết kiệm, tiền gửi tiết kiệm là cầm cố hay thế chấp?

Căn cứ theo Điều 390 và Điều 317 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 về hình thức cầm cố tài sản:

Điều 309. Cầm cố tài sản

Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Căn cứ Điều 317 Bộ luật Dân sự về hình thức thế chấp tài sản:

Điều 317. Thế chấp tài sản

1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

Có thể thấy, cả hai hình thức bảo đảm này đều có điểm tương đồng là dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, tuy nhiên, sự khác nhau cơ bản giữa cầm cố và thế chấp tài sản là có hay không có sự chuyển giao tài sản giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm.

Vậy đối với vấn đề bảo đảm bằng sổ tiết kiệm, tiền gửi tiết kiệm là cầm cố hay thế chấp, tác giả cho rằng việc xác định một phần phụ thuộc vào việc tiền gửi tiết kiệm được chỉ định tại sổ tiết kiệm đó được gửi tại tổ chức tín dụng nào và bên nhận bảo đảm là chủ thể nào.

Trường hợp khách hàng gửi tiền gửi tiết kiệm tại một tổ chức tín dụng và cũng sử dụng chính tiền gửi tiết kiệm đó để vay tại tổ chức tín dụng đó, thì có thể xem đây là cầm cố tài sản do tổ chức tín dụng đó đã thực tế “được giao”, “kiểm soát” và phong tỏa tiền gửi tiết kiệm đó nhằm bảo đảm việc khách hàng thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Tuy nhiên, trường hợp một chủ thể khác là bên nhận bảo đảm và không thực tế có quyền kiểm soát tài khoản đó, hình thức bảo đảm này có thể sẽ được xem là “thế chấp” tài sản do bên nhận bảo đảm chưa được “giao” tài sản bảo đảm, tiền gửi tiết kiệm vẫn đứng tên bên bảo đảm.

Ngoài ra, cũng có một số ý kiến cho rằng phụ thuộc vào việc tổ chức tín dụng có phát hành sổ tiết kiệm vật lý cho khách hàng hay không, do sổ tiết kiệm vật lý cũng được xem là “tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”.

Vì vậy nếu tiếp cận theo hướng này, việc xác định là “cầm cố” hay “thế chấp” sẽ phụ thuộc vào việc sổ tiết kiệm vật lý có được thực tế chuyển giao cho bên nhận bảo đảm hay không.

Nhìn chung, việc xác định hình thức “cầm cố” hay “thế chấp” sổ tiết kiệm hay tiền gửi tiết kiệm đến nay vẫn chưa có sự thống nhất.

Do có sự khác biệt liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ dân sự theo quy định pháp luật hiện hành, thiết nghĩa cơ quan nhà nước cần ban hành các hướng dẫn chi tiết hơn liên quan đến việc sử dụng sổ tiết kiệm làm tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, nhằm đảm bảo sự thống nhất trong việc vận dụng và áp dụng quy định pháp luật.

Trên đây là thông tin liên quan đến: Bảo đảm bằng sổ tiết kiệm là cầm cố hay thế chấp?

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục