Cũng giống như khi khởi kiện hoặc yêu cầu Toà án giải quyết vụ án/vụ việc dân sự, các đương sự đều phải nộp phí, lệ phí Toà án. Trong thi hành án nói chung và cưỡng chế thi hành án nói riêng cũng phải nộp chi phí. Vậy người nộp là ai?
Chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự: Ai phải nộp?
Căn cứ Điều 73 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, chi phí cưỡng chế thi hành án và người nộp được quy định như sau:
Người phải thi hành án
- Thông báo việc cưỡng chế thi hành án.
- Mua nguyên, nhiên liệu; thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng chống cháy nổ... thực hiện cho việc cưỡng chế thi hành án.
- Định giá, giám định, bán đấu giá, định giá lại tài sản trừ trường hợp do người được thi hành án yêu cầu hoặc có vi phạm quy định về định giá.
- Thuê, trông coi, bảo quản, bốc dỡ, vận chuyển tài sản, thuê nhân công, đo đạc, xác định mốc giới để cưỡng chế thi hành án.
- Tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ.
- Bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia cưỡng chế, bảo vệ cưỡng chế thi hành án: Chấp hành viên, công chức khác, công an, dân quân tự vệ, Kiểm sát viên, trưởng thôn, đại diện tổ dân phố...
(căn cứ khoản 1 Điều 73 Luật Thi hành án dân sự)
Người được thi hành án
- Định giá lại tài sản (người được thi hành án yêu cầu).
- Xây ngăn, phá dỡ nếu bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu các khoản chi phí này. Người này có thể phải chịu toàn bộ hoặc một phần chi phí này theo bản án hoặc quyết định có hiệu lực của Toà án.
Ngoài các trường hợp người thi hành án hoặc người được thi hành án phải chịu chi phí thi hành án thì ngân sách Nhà nước sẽ chi trả các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:
- Định giá lại tài sản trong trường hợp có vi phạm quy định về định giá.
- Xác minh điều kiện thi hành án.
- Chi phí cần thiết khác: Chi phí họp bàn, chi phí cưỡng chế nếu không thu được tiền của người phải thi hành án (do tài sản không bán được), tài sản cưỡng chế không còn/mất giá trị sử dụng; xác minh, xác định giá trị tài sản trước khi cưỡng chế...
Ai được miễn, giảm phí thi hành án dân sự?
Căn cứ Điều 44 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, đối tượng và điều kiện được xem xét miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự gồm:
1. Có thu nhập không đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu hoặc do thiên tai, hoả hoạn mà kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài: Có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, sinh sống hoặc của Thủ trưởng cơ quan nơi người đó nhận thu nhập.
Trong đó, thu nhập tối thiểu được tính theo chuẩn hộ nghèo nơi người này cư trú. Nếu địa phương chưa có quy định thì theo chuẩn hộ nghèo do Thủ tướng chính phủ ban hành.
2. Gia đình chính sách, có công với cách mạng: Có giấy tờ chứng minh.
3. Neo đơn, tài tật, ốm đau kéo dài: Có tóm tắt hồ sơ bệnh án được bệnh viện từ cấp huyện trở lên xác nhận.
Đáng chú ý: Để được xem xét giảm, miễn chi phí cưỡng chế thi hành án, người bị cưỡng chế thi hành án cần phải thực hiện theo thủ tục sau đây:
Chuẩn bị hồ sơ
- Đơn đề nghị xét miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án: Trong đơn cần phải nêu rõ lý do đề nghị xem xét.
- Các giấy tờ, tài liệu chứng minh bản thân thuộc các trường hợp được xem xét miễn hoặc giảm chi phí cưỡng chế thi hành án (như nêu ở trên).
Thời gian giải quyết
Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị và các văn bản, tài liệu kèm theo, cơ quan thi hành án sẽ xem xét và quyết định việc miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án.
Mức giảm
- Đối tượng 1 và 3: Xét giảm ½ chi phí cưỡng chế thi hành án phải nộp.
- Đối tượng 2: Nếu đã thi hành được ít nhất ½ chi phí cưỡng chế thì có thể được miễn số phí còn lại.
Trên đây là quy định về vấn đề: Ai phải nộp chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.