5 trạng thái của năng lực hành vi dân sự tại Bộ luật Dân sự

5 trạng thái của năng lực hành vi dân sự được quy định như thế nào tại Bộ luật Dân sự? Cùng LuatVietnam tìm hiểu cụ thể vấn đề này tại bài viết dưới đây.


Hiện không có khái niệm trạng thái của năng lực hành vi dân sự trong Bộ luật Dân sự đang có hiệu lực mà có thể hiểu, trạng thái của năng lực hành vi dân sự là tình trạng về năng lực hành vi dân sự của cá nhân được quy định trong Bộ luật này.

Theo đó, Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2015 định nghĩa năng lực hành vi dân sự như sau:

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

Có thể thấy, để xác định 05 trạng thái của năng lực hành vi dân sự của cá nhân cần phải xác định khả năng mà cá nhân đó thực hiện, xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự của cá nhân bằng hành vi của chính người đó như thế nào. Có thể kể đến các trạng thái sau đây:

1. Năng lực hành vi dân sự đầy đủ

Trạng thái năng lực hành vi dân sự đầy đủ của cá nhân là việc cá nhân có đầy đủ khả năng để xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự bằng chính hành vi của mình. Khoản 2 Điều 20 Bộ luật Dân sự đưa ra cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là người thành niên.

Trong đó, người thành niên là người đạt được độ tuổi từ đủ 18 trở lên. Tuy nhiên, không phải bất kỳ người thành niên nào cũng có đầy đủ năng lực hành vi dân sự mà phải loại trừ các trường hợp:

- Người bị mất năng lực hành vi dân sự.

- Người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi của bản thân.

- Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Có thể đưa ra ví dụ cụ thể sau đây về người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự:

Anh Nguyễn Văn A hiện đang 37 tuổi và đang là chủ sở hữu của chiếc xe ô tô mang biển kiểm soát 30A.xxxxxx Do cần tiền để kinh doanh nên anh A đã thực hiện việc mua bán chiếc xe ô tô này với anh Nguyễn Văn B.

Khi thực hiện thủ tục ký hợp đồng mua bán tại Văn phòng công chứng, anh A được xác định là có đầy đủ năng lực hành vi dân sự (độ tuổi đã từ đủ 18 tuổi trở lên, hoàn toàn minh mẫn, có thể tự quyết định và tự chủ, tự nguyện thực hiện ký hợp đồng mua bán, làm các thủ tục liên quan đến việc mua bán xe ô tô cho anh B…)

5 trạng thái của năng lực hành vi dân sự được quy định tại Bộ luật Dân sự thế nào?
5 trạng thái của năng lực hành vi dân sự được quy định tại Bộ luật Dân sự thế nào? (Ảnh minh họa)

2. Mất năng lực hành vi dân sự

Trái ngược với cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là người bị mất năng lực hành vi dân sự. Có thể hiểu, cá nhân bị mất năng lực hành vi dân sự là người trước đó đã đủ điều kiện để có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nhưng hiện tại đã bị mất loại năng lực này.

Cụ thể, Điều 22 Bộ luật Dân sự quy định, nguyên nhân để xác định một người bị mất năng lực hành vi dân sự là căn cư trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần để quyết định người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác khiến không thể nhận thức, làm chủ được hành vi.

Đồng thời, người có quyền lợi, lợi ích liên quan hoặc các tổ chức, cơ quan hữu quan đã yêu cầu và được Tòa án chấp nhận ra quyết định tuyên bố người này bị mất năng lực hành vi dân sự.

Do mất năng lực hành vi dân sự nên người này không thể bằng hành vi của mình để thực hiện các giao dịch dân sự hoặc các công việc khác liên quan đến quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.

Theo đó, các giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự sẽ được thực hiện bởi người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện theo khoản 2 Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Hạn chế năng lực hành vi dân sự

Quy định về hạn chế năng lực hành vi dân sự được nêu tại Điều 24 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là người nghiện ma túy hoặc các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình.

Đồng thời, người này phải được Tòa án ra quyết định tuyên bố là bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan.

Có thể hiểu, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là người không được tự mình thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự mà cần phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.

Và khoản 2 Điều 24 Bộ luật Dân sự cũng đã đưa ra hướng dẫn liên quan đến việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan tài sản của người này phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật trừ giao dịch được thực hiện nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người này.

Lưu ý: Người đại diện theo pháp luật của người này được Tòa án quyết định cùng với phạm vi đại diện cụ thể.

4. Có khó khăn trong nhận thức, thực hiện hành vi

Một trong 05 trạng thái của năng lực hành vi dân sự là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Theo đó, người này không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi do tình trạng thể chất hặc tinh thần nhưng chưa đến mức bị mất năng lực hành vi dân sự.

Khi đó, căn cứ cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần và yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc tổ chức, cơ quan hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Đồng thời, việc thực hiện các giao dịch hoặc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích của người này sẽ do người giám hộ thực hiện. Trong đó, người giám hộ và quyền, nghĩa vụ của người giám hộ là người được Tòa án chỉ định, xác định.

5. Năng lực hành vi dân sự một phần

Trạng thái này không được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự. Có thể hiểu trạng thái năng lực hành vi dân sự một phần là việc cá nhân chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự do còn là người chưa thành niên và các giao dịch dân sự của người này đều cần sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Cụ thể:

- Người chưa đủ 06 tuổi: Người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự.

- Người từ đủ 06 đến chưa đủ 15 tuổi: Người đại diện theo pháp luật đồng ý thực hiện, xác lập giao dịch dân sự trừ các giao dịch liên quan đến việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi từ đủ 06 - chưa đủ 15 tuổi.

- Người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi: Người đại diện theo pháp lyaajt đồng ý các giao dịch liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch khác (luật quy định). Còn các giao dịch dân sự còn lại sẽ do người này tự mình xác lập, thực hiện.

Trên đây là phân tích về 05 trạng thái của năng lực hành vi dân sự theo Bộ luật Dân sự. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục