Dự thảo Thông tư quy định chi tiết Luật Cư trú

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Thông tư

Dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số /2021/NĐ-CP ngày ... quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú
Lĩnh vực:Loại dự thảo:Thông tư
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Công anTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số   /2021/NĐ-CP ngày ... quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú về việc đăng ký cư trú; đăng ký thường trú; đăng ký tạm trú; thông báo lưu trú; khai báo tạm vắng và trách nhiệm quản lý cư trú.
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

BỘ CÔNG AN

---------

Số:     /2021/TT-BCA

DỰ THẢO 2

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-------------

Hà Nội, ngày      tháng     năm 2021

 

 

 

THÔNG TƯ

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số   /2021/NĐ-CP ngày ... quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú

 

Căn cứ Luật Cư trú số 68/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số    /2021/NĐ-CP ngày   tháng  năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số   /2021/NĐ-CP ngày ... quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú.

 

Chương I
     NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số   /2021/NĐ-CP ngày ... quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú về việc đăng ký cư trú; đăng ký thường trú; đăng ký tạm trú; thông báo lưu trú; khai báo tạm vắng và trách nhiệm quản lý cư trú.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Cơ quan, người làm công tác đăng ký, quản lý cư trú.

2. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam trở về Việt Nam sinh sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Việc ủy quyền đăng ký cư trú

1. Chủ hộ hoặc người yêu cầu thực hiện các nội dung về đăng ký cư trú theo quy định của Luật Cư trú được ủy quyền cho người khác thực hiện thay; trừ trường hợp người không có nơi thường trú, nơi tạm trú thực hiện việc khai báo thông tin về cư trú theo quy định tại Điều 19 Luật Cư trú thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện.

Việc ủy quyền phải lập thành văn bản, được chứng thực theo quy định của pháp luật. Trường hợp người được ủy quyền là thành viên trong hộ gia đình của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực.

2. Trường hợp người yêu cầu đăng ký cư trú không phải là cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên thì phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên.

Điều 4. Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đăng ký cư trú

1. Việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký cư trú được thực hiện dưới hình thức trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú hoặc qua đường bưu chính hoặc cổng dịch vụ công.

2. Người yêu cầu đăng ký cư trú có thể nộp bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc (sau đây gọi là bản sao) hoặc bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ để đối chiếu. Trường hợp người yêu cầu đăng ký cư trú nộp bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ thì người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu bản chụp với bản chính và ký xác nhận, không được yêu cầu nộp bản sao giấy tờ đó.

3. Việc thông báo về kết quả đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, khai báo thông tin về cư trú, điều chỉnh thông tin về cư trú, tách hộ, xác nhận thông tin về cư trú được thực hiện dưới hình thức văn bản trực tiếp hoặc gián tiếp (qua đường bưu chính),tin nhắn điện tử hoặc cổng dịch vụ công.

 Người yêu cầu trả kết quả qua hệ thống bưu chính phải nộp chi phí trả kết quả qua hệ thống bưu chính.

Điều 5. Trách nhiệm, hệ quả của việc cam đoan không đúng sự thật

1.Trường hợp cho phép người yêu cầu đăng ký cư trú cam đoan về nội dung các thông tin yêu cầu đăng ký cư trú thì cơ quan đăng ký cư trú phải giải thích rõ cho người lập văn bản cam đoan về trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan không đúng sự thật.

2. Cơ quan đăng ký cư trú từ chối giải quyết hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ kết quả đăng ký cư trú nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan không đúng sự thật.

Điều 6. Tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về cư trú

1. Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về cư trú và xử lý thông tin đó theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quy định nhằm chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính trong giải quyết công việc của công dân, cơ quan, tổ chức, đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đăng ký, quản lý cư trú.

2. Việc tiếp nhận thông tin thông qua các hình thức dưới đây:

a) Trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú;

b) Điện thoại, đường dây nóng;

c) Hòm thư góp ý, hộp thư điện tử;

d) Cổng dịch vụ công, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an;

đ) Các hình thức khác.

3. Các thông tin phản ánh của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về cư trú phải được cơ quan đăng ký cư trú ghi lại, trong đó thể hiện rõ thời gian, địa điểm xảy ra, nội dung, diễn biến liên quan đến tổ chức, cá nhân nào. Khi công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức phản ánh thông tin thì cần đề nghị họ cho biết họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ để cơ quan đăng ký, quản lý cư trú có văn bản trả lời khi cần thiết.

Điều 7. Các trường hợp tạm thời chưa được giải quyết thủ tục thay đổi nơi cư trú

1. Người dưới đây, trong thời gian bị hạn chế quyền tự do cư trú thì tạm thời chưa được giải quyết thủ tục thay đổi nơi cư trú trừ trường hợp có sự đồng ý cho thay đổi nơi cư trú bằng văn bản của Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền đã áp dụng biện pháp đó:

a) Người bị cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, biện pháp tạm giữ, tạm giam; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt tù, cấm cư trú, quản chế hoặc cải tạo không giam giữ; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;

b) Người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng; người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành; người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;

c) Người bị cách ly do có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng;

d) Các trường hợp khác theo quy định của luật.

2. Địa điểm, khu vực được cơ quan, người có thẩm quyền công bố đang bị cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh,ban bố tình trạng khẩn cấp trong thời gian áp dụng các biện pháp cách ly tính từ thời gian bắt đầu đến khi kết thúc tình trạng khẩn cấp thì tạm thời chưa được giải quyết thủ tục đăng ký cư trú.

3. Người đang bị áp dụng hình phạt cấm cư trú thì không giải quyết các thủ tục về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại những địa phương mà Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền cấm người đó cư trú.

Điều 8. Địa điểm không được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú mới

Công dân không được đăng ký thường trú mới, đăng ký tạm trú mới, tách hộ tại chỗ ở quy định tại Điều 23 Luật Cư trú. Trừ trường hợp đăng ký thường trú mới, đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú.

 

Chương II

ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ

 

Điều 9. Đăng ký thường trú

1. Đăng ký thường trú là việc công dân đăng ký nơi thường trú của mình với cơ quan đăng ký cư trú và được cập nhật thông tin về nơi thường trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Việc cập nhật thông tin nơi thường trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú được thực hiện bằng phương tiện điện tử.

2. Nội dung đăng ký thường trú gồm thông tin của người đăng ký thường trú đã được thu thập, cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú được quy định tại Nghị định ...;

3. Trường hợp người đăng ký thường trú chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi đăng ký thường trú phải thực hiện thu thập, cập nhật thông tin dân cư theo quy định của pháp luật.

4. Trường hợp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú đã có thông tin thể hiện mối quan hệ nhân thân của người yêu cầu đăng ký thường trú quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú với chủ hộ, thành viên hộ gia đình thì không phải xuất trình giấy tờ chứng minh mối quan hệ nhân thân khi thực hiện thủ tục đăng ký thường trú.

Trường hợp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú đã có thông tin thể hiện người yêu cầu đăng ký thường trú là người cao tuổi hoặc người chưa thành niên theo quy định của pháp luật thì không cần xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh là người cao tuổi, người chưa thành niên.

5. Trong quá trình đăng ký thường trú, nếu có sai sót thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do lỗi của cơ quan đăng ký cư trú thì trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của công dân, cơ quan đăng ký cư trú phải có trách nhiệm điều chỉnh, cập nhật, bổ sung thông tin cho phù hợp với hồ sơ đề nghị đăng ký thường trú.

6. Việc đăng ký thường trú đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú được áp dụng cả đối với trường hợp người yêu cầu đăng ký thường trú có quan hệ nhân thân với thành viên hộ gia đình.

Trường hợp trẻ em đăng ký thường trú theo quy định tại Điều 12 Luật Cư trú khi đăng ký thường trú phải có giấy khai sinh.

Điều 10. Đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo

1. Hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 21 Luật Cư trú và hướng dẫn sau đây:

a) Giấy tờ, tài liệu chứng minh là chức sắc, chức việc, nhà tu hành hoặc người khác hoạt động tôn giáo và được hoạt động tại cơ sở tôn giáo gồm: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; Thông báo người được phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc; Thông báo kết quả người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc; Thông báo thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành hoặc giấy tờ, tài liệu khác theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh là người đại diện cơ sở tín ngưỡng là văn bản công nhận người đại diện của Ủy ban nhân nhân cấp xã.

c) Người được người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng đồng ý cho đăng ký thường trú để trực tiếp quản lý, tổ chức hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở tín ngưỡng khi đăng ký thường trú phải có văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc được trực tiếp quản lý, tổ chức hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở tín ngưỡng.

2. Trường hợp trẻ em, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không nơi nương tựa được đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo khi được người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, người đứng đầu hoặc người đại diện cơ sở tôn giáo đồng ý cho đăng ký thường trú và tại cơ tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo đó đã được lập hộ gia đình (trường hợp này không được là chủ hộ).

Điều 11. Đăng ký thường trú tại cơ sở trợ giúp xã hội nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp

1. Mỗi cơ sở trợ giúp xã hội phải cử một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ làm chủ hộ để thực hiện và hướng dẫn các thành viên hộ gia đình thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú và những nội dung khác theo quy định của Luật Cư trú.

2. Văn bản của người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội đề nghị đăng ký thường trú cho người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp bao gồm các thông tin cơ bản của từng cá nhân: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quê quán; dân tộc; tôn giáo; số định danh cá nhân (nếu có); nghề nghiệp, nơi làm việc; nơi thường trú; nơi tạm trú.

3. Giấy tờ, tài liệu xác nhận về việc chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp gồm: Xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.

Điều 12. Đăng ký thường trú có yếu tố nước ngoài

1. Người nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam khi đăng ký thường trú phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam theo quy định pháp luật Việt Nam về quốc tịch;

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam có hộ chiếu Việt Nam thì trong hồ sơ đăng ký thường trú ngoài giấy tờ, tài liệu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 21 Luật Cư trú phải có giấy tờ xuất nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp còn giá trị sử dụng và có dấu kiểm chứng nhập cảnh Việt Nam của đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh;  

3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng, đã nhập cảnh và đang tạm trú tại Việt Nam bằng hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ có giá trị thường trú ở nước ngoài, do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp thì trong hồ sơ đăng ký thường trú ngoài các giấy tờ, tài liệu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 21 Luật Cư trú thì phải có thêm giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam theo quy định pháp luật Việt Nam về quốc tịch và văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh của Bộ Công an.

Điều 13. Đăng ký thường trú đối với người học tập, công tác, làm việc trong lực lượng Công an nhân dân

Phương án 1:

1. Người đang công tác, làm việc, học tập trong lực lượng Công an nhân dân quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Cư trú được đăng ký thường trú tại doanh trại của Công an nhân dân người đó đóng quân và có công trình phụ trợ là nhà ở. Trường hợp ở ngoài doanh trại của Công an nhân dân thì thực hiện đăng ký cư trú theo quy định của Luật Cư trú và hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Hồ sơ đăng ký thường trú, bao gồm:

a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;

b) Giấy giới thiệu hoặc xác nhận (ký tên, đóng dấu) của Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp về việc doanh trại Công an nhân dân có công trình phụ trợ là nhà ở;

c) Giấy tờ, tài liệu chứng minh là người đang học tập, công tác, làm việc trong Công an nhân dân.

3. Người đang học tập, công tác, làm việc trong lực lượng Công an nhân dân đã đăng ký thường trú theo quy định tại khoản 1 Điều này chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật Cư trú và hướng dẫn tại Thông tư này.

Phương án 2:

1. Nơi cư trú của sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, học sinh, sinh viên, học viên các trường Công an nhân dân, hạ sĩ quan nghĩa vụ, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an là nơi đơn vị của người đó đóng quân. Điều kiện, hồ sơ, thủ tục đăng ký thường trú tại đơn vị đóng quân thực hiện theo quy định tại khoản 3 điều này.

Trường hợp sĩ quan nghiệp vụ hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an có nơi cư trú khác thì thực hiện theo quy định của Luật Cư trú và hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Điều kiện đăng ký thường trú vào đơn vị đóng quân Công an nhân dân, bao gồm:

- Được tuyển sinh, tuyển dụng vào lực lượng Công an nhân dân.

- Đơn vị công tác, trường Công an nhân dân có chỗ ở cho cán bộ, chiến sỹ, học sinh, sinh viên. Địa chỉ nơi đăng ký thường trú của cán bộ chiến sĩ, học sinh, sinh viên là địa chỉ nơi ở dành cho cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đóng quân.

Trường hợp học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường được phân công công tác tới đơn vị mới nhưng đơn vị mới không có chỗ ở dành cho cán bộ, chiến sỹ thì cán bộ, chiến sĩ đăng ký thường trú về nơi thực tế sinh sống.

- Đơn vị tuyển sinh, đơn vị công tác có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký thường trú với cơ quan đăng ký cư trú.

3. Hồ sơ thủ tục đăng ký thường trú đối với lực lượng Công an nhân dân

a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;

b) Giấy giới thiệu hoặc xác nhận (ký tên, đóng dấu) của Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp về việc doanh trại Công an nhân dân có công trình phụ trợ là nhà ở;

c) Quyết định tuyển dụng, tuyển sinh hoặc quyết định phân công công tác.

4. Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ khi cán bộ chiến sĩ chuyển đến học tập, công tác tại các cơ quan, đơn vị, trường Công an nhân dân, Cơ quan đó có trách nhiệm cung cấp danh sách và thông tin của cán bộ, chiến sĩ với cơ quan có thẩm quyền đăng ký cư trú tại nơi đặt trụ sở cơ quan để cập nhật lên Cơ sở dữ liệu cư trú. Trừ trường hợp đặc biệt khác quy định tại hướng dẫn quản lý cư trú trong các đơn vị của lực lượng Công an nhân dân do đặc thù công tác chuyên môn.

Thông tin của cán bộ, chiến sỹ cần cung cấp bao gồm những trường thông tin quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Cư trú.

5. Khi cán bộ, chiến sỹ chuyển đăng ký thường trú từ đơn vị về địa chỉ cư trú khác ngoài đơn vị công tác thì ngoài những giấy tờ theo quy định tại Điều 22 Luật Cư trú phải có thêm giấy giới thiệu của đơn vị công tác.

Điều 14. Thẩm quyền đăng ký thường trú

1. Công an xã, phường, thị trấn;

2. Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.

Điều 15. Cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú

1. Giấy xác nhận thông tin về cư trú được cấp cho cá nhân hoặc hộ gia đình đã đăng ký cư trú. Giấy xác nhận thông tin về cư trú có giá trị xác định nơi thường trú, nơi tạm trú, tình trạng khai báo tạm vắng, nơi ở hiện tại của cá nhân hoặc hộ gia đình và có giá trị trong thời gian 30 ngày kể từ ngày cấp.

Công dân có yêu cầu cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú, trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân để làm thủ tục cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho công dân.

2. Cơ quan đăng ký cư trú đề nghị người yêu cầu cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú xuất trình một trong các giấy tờ, tài liệu thể hiện thông tin số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật.

3. Trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc, cơ quan đăng ký cư trú phải cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú.

4. Trường hợp thông tin về cư trú của cá nhân hoặc hộ gia đình trong Giấy xác nhận thông tin về cư trú chưa được cập nhật khi có thay đổi thì cơ quan đăng ký cư trú hướng dẫn công dân đến cơ quan đăng ký cư trú nơi công dân thường trú, tạm trú để làm thủ tục điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú quy định tại Điều 26 Luật Cư trú.

Điều 16. Xóa đăng ký thường trú

1. Xoá đăng ký thường trú là việc cơ quan đã đăng ký thường trú xoá kết quả đăng ký thường trú đã đăng ký thường trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

2. Trong thời hạn 60 (sáu mươi) ngày, kể từ ngày có người thuộc diện xoá đăng ký thường trú quy định tại điểm a, điểm b, điểm đ khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú thì đại diện hộ gia đình có trách nhiệm đến làm thủ tục xoá đăng ký thường trú. Hồ sơ bao gồm: Tờ khai thay đổi thông tin về cư trú; giấy tờ chứng minh thuộc một trong các trường hợp xoá đăng ký thường trú.

Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ thì cơ quan đăng ký thường trú phải xóa tên công dân trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và sổ đăng ký thường trú.

3. Trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc, kể từ ngày xác định được người thuộc diện xóa đăng ký thường trú quy định tại điểm c, điểm d, điểm e, điểm g, điểm h, điểm i khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú, cơ quan quản lý cư trú phải lập biên bản về việc xóa đăng ký thường trú, có xác nhận của đại diện chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp cho thuê, mượn, ở nhờ hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã và thực hiện xóa đăng ký thường trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sổ đăng ký thường trú.

4. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày xoá đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú thông báo cho Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh điều chỉnh hồ sơ đăng ký thường trú trong tàng thư hồ sơ cư trú.

5. Quá thời hạn 60 (sáu mươi) ngày, kể từ ngày có người thuộc diện xoá đăng ký thường trú mà cá nhân, đại diện hộ gia đình không làm thủ tục xoá đăng ký thường trú theo quy định thì cơ quan đăng ký cư trú nơi có người thuộc diện xoá đăng ký thường trú lập biên bản, yêu cầu hộ gia đình làm thủ tục xoá đăng ký thường trú. Sau thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày lập biên bản, nếu đại diện hộ gia đình không làm thủ tục xoá đăng ký thường trú thì cơ quan đăng ký cư trú tiến hành xoá đăng ký thường trú. Điều 17. Điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú

Nội dung điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú được xác định theo quy định tại Điều 26 Luật Cư trú và hướng dẫn sau:

1. Việc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú được thực hiện qua phương tiện điện tử và chuyển hồ sơ vào tàng thư hồ sơ cư trú nơi thường trú của người có thay đổi.

2. Trường hợp có sự thay đổi về chủ hộ thì phải có ý kiến của chủ hộ hoặc các thành viên khác trong gia đình hoặc Quyết định của Tòa án về việc thay đổi chủ hộ.

3. Trường hợp có thay đổi về hộ tịch so với những thông tin đã được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú của bản thân và những người liên quan thì phải có Giấy khai sinh hoặc quyết định được phép thay đổi của cơ quan có thẩm quyền về đăng ký hộ tịch.

4. Trường hợp có sự thay đổi về địa chỉ nơi cư trú do có sự điều chỉnh về địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính, tên đường, phố, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, cách đánh số nhà thì cơ quan quản lý cư trú có thẩm quyền căn cứ vào quyết định thay đổi địa giới hành chính, tên đơn vị hành chính, tên đường, phố, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, cách đánh số nhà của cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. 

Điều 18. Hủy bỏ đăng ký thường trú

1. Trường hợp đăng ký thường trú không đúng thẩm quyền, không đúng điều kiện và đối tượng quy định tại Điều 20 và Điều 21 Luật Cư trú và trường hợp sau khi đăng ký thường trú mà có quyết định về xử lý vi phạm hành chính trong đăng ký, quản lý cư trú thì thẩm quyền hủy bỏ đăng ký thường trú như sau:

a) Giám đốc Công an cấp tỉnh huỷ bỏ việc đăng ký thường trú trái pháp luật của Công an cấp huyện;

b) Trưởng Công an cấp huyện huỷ bỏ việc đăng ký thường trú trái pháp luật của Công an cấp xã.

2. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định huỷ bỏ việc đăng ký thường trú trái pháp luật, cơ quan đã đăng ký thường trú phải có trách nhiệm cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và sổ đăng ký thường trú, thu hồi và hủy bỏ giấy tờ, tài liệu, thông tin đã đăng ký thường trú, xác nhận thông tin về cư trú, khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú và thông báo bằng văn bản cho công dân nêu rõ lý do.

Điều 19. Cấp văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú

1. Hồ sơ đề nghị cấp văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú, bao gồm:

a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;

b) Giấy tờ, tài liệu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 21 Luật Cư trú; 

c) Hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ có giá trị thường trú ở nước ngoài, do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

d) Giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam theo quy định pháp luật Việt Nam về quốc tịch.

2. Thủ tục cấp văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh:

a) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ đề nghị cấp văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú đến một trong những cơ quan sau:

- Cục quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an;

- Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đề nghị đăng ký thường trú.

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm thẩm định, cấp văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú đối với Người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam về Việt Nam thường trú và thông báo cho kết quả giải quyết cho cơ quan đăng ký cư trú; trường hợp từ chối cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải gửi văn bản đề xuất đồng ý cho giải quyết thường trú (kèm hồ sơ) về Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an;

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất đồng ý cho giải quyết thường trú của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Quản lý xuất nhập cảnh phải có trách nhiệm thẩm định, cấp văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Namvà thông báo cho kết quả giải quyết cho cơ quan đăng ký cư trú; trường hợp từ chối cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

d) Quá trình xem xét giải quyết, kể cả sau khi người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được giải quyết đăng ký thường trú tại Việt Nam, nếu phát hiện có hành vi gian dối để được cấp văn bản đồng ý cho giải quyết đăng ký thường trú, thì Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm thẩm tra lại, tùy tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý hoặc chuyển cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật Việt Nam.

 

Chương III

 ĐĂNG KÝ TẠM TRÚ

 

Điều 20. Đăng ký tạm trú

1. Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan đăng ký cư trú và được cập nhật thông tin về nơi tạm trú vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.

2. Ng­ười đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập thì phải thông báo lưu trú cho cơ quan đăng ký cư trú; nếu có thời gian sinh sống tại đó từ 30 ngày trở lên thì phải đăng ký tạm trú tại cơ quan đăng ký cư trú trước khi hết thời hạn lưu trú.

3. Học sinh, sinh viên, học viên ở tập trung trong ký túc xá, khu nhà ở của học sinh, sinh viên, học viên; ngưi lao động ở tập trung tại các khu nhà ở của ngưi lao động; trẻ em, người khuyết tật, ngưi không nơi nương ta được nhận nuôi và sinh sống trong cơ s tín ngưng, cơ s tôn giáo; ngưi đưc chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp tại cơ sở trợ giúp xã hội thì cá nhân, cơ quan, tổ chức phải có văn bản đề nghị đăng ký tạm trú, kèm theo danh sách và được cập nhật thông tin về nơi tạm trú vào Cơ sở dữ liệu cư trú, được ghi vào Sổ đăng ký tạm trú. Danh sách bao gồm những thông tin cơ bản của từng cá nhân: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quê quán; dân tộc; tôn giáo; số định danh cá nhân; nghề nghiệp, nơi làm việc; nơi thường trú; nơi tạm trú, thời hạn tạm trú.

4. Công dân thay đổi nơi tạm trú ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã thì thực hiện đăng ký tạm trú mới.

5. Trường hợp đăng ký tạm trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ đăng ký tạm trú hoặc chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký tạm trú.

Điều 21. Đăng ký tạm trú đối với người học tập, công tác, làm việc trong lực lượng Công an nhân dân

1. Người đang học tập, công tác, làm việc trong lực lượng Công an nhân dân quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Cư trú được đăng ký tạm trú tại doanh trại của Công an nhân dân người đó đóng quân và có công trình phụ trợ là nhà ở.

2. Khi có người đến học tập, công tác, làm việc tại doanh trại của Công an nhân dân người đó đóng quân và có công trình phụ trợ là nhà ở mà thời gian cư trú trên 30 ngày thì cơ quan quản lý trực tiếp người đó có trách nhiệm thực hiện đăng ký tạm trú với cơ quan đăng ký cư trú nơi doanh trại của Công an nhân dân người đó đóng quân.

3. Hồ sơ đăng ký tạm trú, bao gồm:

a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;

b) Giấy giới thiệu hoặc xác nhận (ký tên, đóng dấu) của Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp về việc doanh trại Công an nhân dân có công trình phụ trợ là nhà ở.

Điều 22. Hủy bỏ đăng ký tạm trú

1. Trường hợp đăng ký tạm trú không đúng thẩm quyền, không đúng điều kiện, thủ tục và đối tượng quy định tại Điều 27 và Điều 28 Luật Cư trú thì thẩm quyền hủy bỏ đăng ký tạm trú như sau:

a) Trưởng Công an cấp huyện huỷ bỏ việc đăng ký tạm trú trái pháp luật của Công an cấp xã;

b) Trưởng Công an xã, phường, thị trấn; Trưởng Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã hủy bỏ việc đăng ký tạm trú trái pháp luật trên địa bàn quản lý.

2. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định huỷ bỏ việc đăng ký tạm trú trái pháp luật, cơ quan đã đăng ký tạm trú có trách nhiệm cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, sổ đăng ký tạm trú, thu hồi hoặc hủy bỏ giấy tờ, tài liệu, thông tin đã đăng ký tạm trú và thông báo bằng văn bản cho công dân nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định huỷ bỏ việc đăng ký tạm trú trái pháp luật, cơ quan đã đăng ký tạm trú có trách nhiệm cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, sổ đăng ký tạm trú, thu hồi hoặc hủy bỏ giấy tờ, tài liệu, thông tin đã đăng ký tạm trú và thông báo bằng văn bản cho công dân nêu rõ lý do.

 

Chương IV

THÔNG BÁO LƯU TRÚ VÀ KHAI BÁO TẠM VẮNG

 

Điều 23. Thông báo lưu trú

1. Thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú khi có người đến lưu trú có trách nhiệm đề nghị người đến lưu trú xuất trình một trong các giấy tờ có thông tin về số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật và thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.

2. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp, bằng điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác. Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thông báo địa điểm, địa chỉ mạng internet, địa chỉ mạng máy tính, số điện thoại nơi tiếp nhận thông báo lưu trú và hướng dẫn cách thông báo lưu trú.

3. Thời gian lưu trú tuỳ thuộc nhu cầu của công dân nhưng không quá 30 ngày. Người tiếp nhận thông báo lưu trú phải ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú và không cấp giấp tờ chứng nhận lưu trú cho công dân.

Điều 24. Khai báo tạm vắng

1. Đối tượng, thủ tục khai báo tạm vắng thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật Cư trú và hướng dẫn tại Thông tư này.

a) Các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 31 Luật Cư trú phải có văn bản đề nghị khai báo tạm vắng trong đó ghi rõ các thông tin: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân; nơi đến; thời gian tạm vắng và lý do tạm vắng.

b) Người đến khai báo tạm vắng tại trụ sở Cơ quan đăng ký cư trú phải xuất trình một trong các giấy tờ có thông tin về số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật.

2. Việc khai báo tạm vắng đối với trường hợp quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 31 Luật Cư trú được thực hiện trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú nơi người đó cư trú hoặc khai báo qua điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác. Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thông báo địa điểm, địa chỉ mạng internet, địa chỉ mạng máy tính, số điện thoại nơi tiếp nhận khai báo tạm vắng và hướng dẫn cách khai báo tạm vắng.

 

Chương V

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CƯ TRÚ

 

Điều 25. Trách nhiệm của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về quản lý cư trú

1. Chịu trách nhiệm trước Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy định về quản lý cư trú tại địa phương mình.

2. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc chứng thực các loại giấy tờ xác nhận chỗ ở hợp pháp, giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân, giấy tờ xác nhận đủ điện tích nhà ở để đăng ký thường trú, giấy tờ xác nhận các điều kiện để đăng ký thường trú cho công dân theo quy định tại Nghị định số....

3. Chủ trì phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông và các ban ngành ở địa phương tổ chức tuyên truyền pháp luật về cư trú.

4. Báo cáo Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình, biện pháp giải quyết những vấn đề vướng mắc nảy sinh trong quá trình quản lý cư trú tại địa phương.

5. Đào tạo, bồi dưỡng, đề xuất biên chế đội ngũ cán bộ phục vụ công tác đăng ký, quản lý cư trú trong phạm vi quản lý. Sơ kết, tổng kết, thống kê về đăng ký, quản lý cư trú, cơ sở dữ liệu về cư trú tại địa bàn quản lý và báo cáo về Bộ Công an.

6. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cư trú.

7. Tập hợp, báo cáo tình hình, số liệu cư trú về Bộ Công an theo quy định.

8. Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về đăng ký, quản lý cư trú.

9.Thực hiện các việc khác về quản lý cư trú theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

Điều 26. Trách nhiệm của Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương về quản lý cư trú

1. Thực hiện các trách nhiệm được quy định tại Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Chịu trách nhiệm trước Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy định về quản lý cư trú tại địa phương mình.

3. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Công an xã, phường, thị trấn về thu thập thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông và các ban, ngành ở địa phương tổ chức tuyên truyền pháp luật về cư trú.

5. Báo cáo Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về tình hình biện pháp giải quyết những vấn đề vướng mắc nảy sinh trong quá trình quản lý cư trú tại địa phương.

6. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cư trú theo thẩm quyền.

7. Tập hợp, báo cáo tình hình, số liệu cư trú về Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định.

8. Quản lý, lưu trữ hồ sơ đăng ký và quản lý thường trú tại tàng thư hồ sơ cư trú theo quy định của Bộ Công an.

9. Thực hiện các việc khác về quản lý cư trú theo quy định của Công an cấp trên.

Điều 27. Trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn về quản lý cư trú

1. Thực hiện các trách nhiệm được quy định tại Luật Cư trú.

2. Thực hiện việc đăng ký, quản lý cư trú trên địa bàn phụ trách theo quy định của Luật Cư trú và quy định của Bộ Công an.

3. Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cư trú theo thẩm quyền.

4. Tập hợp, báo cáo tình hình, số liệu cư trú về Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo quy định.

5. Tổ chức tuyên truyền pháp luật về cư trú.

6. Quản lý, lưu trữ hồ sơ đăng ký và quản lý tạm trú theo quy định của Bộ Công an.

7. Thực hiện các việc khác về quản lý cư trú theo quy định của Công an cấp trên.

Điều 28. Kiểm tra cư trú

1. Hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự.

2. Đối tượng kiểm tra cư trú là công dân, hộ gia đình, cơ sở cho thuê lưu trú, cơ quan đăng ký, quản lý cư trú các cấp; cơ quan, tổ chức có liên quan đến quản lý cư trú.

3. Nội dung kiểm tra cư trú bao gồm kiểm tra việc triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung đăng ký, quản lý cư trú; quyền và trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức; các nội dung khác theo pháp luật cư trú.

4. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý. Khi kiểm tra được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia.

5. Việc kiểm tra cư trú của Công an cấp trên tại địa bàn dân cư phải có cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn chứng kiến.

 

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 29. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 và thay thế Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.

Điều 30. Trách nhiệm thi hành

1. Các cơ quan, tổ chức trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo triển khai thực hiện Thông t­ư này.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo triển khai thực hiện Thông t­ư này tại địa phương; chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn công khai thực hiện việc xác nhận về chỗ ở hợp pháp theo quy định tại Điều … Nghị định số ... và hướng dẫn tại Thông tư này để tạo thuận lợi cho công dân đăng ký cư trú.

3. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có trách nhiệm:

a) Giúp Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo, h­ướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Công an các đơn vị, địa ph­ương thực hiện các quy định về đăng ký và quản lý cư trú;

b) Có kế hoạch tuyên truyền và tổ chức triển khai, thực hiện Luật Cư trú, Thông t­ư này và các văn bản pháp luật có liên quan tới các cấp Công an;

c) Hướng dẫn sử dụng biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về đăng ký, quản lý cư trú theo quy định của Bộ Công an thống nhất trong cả nước;

d) Hướng dẫn sử dụng phần mềm cư trú trong thực hiện công tác đăng ký cư trú;

d) Tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác đăng ký, quản lý cư trú trên toàn quốc; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào công tác đăng ký, quản lý cư trú và xây dựng cơ sở dữ liệu về cư trú;

đ) Báo cáo tình hình, đề xuất lên Bộ trưởng Bộ Công an biện pháp giải quyết những vướng mắc, những vi phạm trong tổ chức thực hiện và những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện công tác đăng ký, quản lý cư trú;

e) Tổng hợp số liệu, tình hình về cư trú trên toàn quốc;

g) Đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ, bãi bỏ những quy định của Công an địa phương, cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân các cấp trái với Thông tư này.

4. Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông t­ư này; củng cố trụ sở tiếp dân, công khai hóa các quy định về đăng ký, quản lý cư trú; rà soát, sắp xếp cán bộ làm công tác đăng ký, quản lý cư trú; hướng dẫn, kiểm tra các lực lượng nghiệp vụ và Công an các cấp triển khai, tổ chức thực hiện đúng quy định.

5. Các Cục trưởng, thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Thông tư­ này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc nảy sinh, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) để có hướng dẫn kịp thời./.

 

Nơi nhận:

- Các đồng chí Thứ trưởng;

- Các đơn vị trực thuộc Bộ Công an;

- Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Cục Kiểm tra văn bản QPPL Bộ Tư pháp;

- Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ, Cổng TTĐT

Bộ Công an;

- Lưu: VT, C06 (TTDLDC).

BỘ TRƯỞNG

 

 

 

   Đại tướng Tô Lâm

 

Ghi chú

văn bản tiếng việt

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

×
×
×
Vui lòng đợi