Trang /
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12624-3:2019 Đồ gỗ - Phần 3: Bao gói, ghi nhãn và bảo quản
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tiêu chuẩn liên quan
- Lược đồ
- Tải về
Lưu
Theo dõi văn bản
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Báo lỗi
Đang tải dữ liệu...
Đang tải dữ liệu...
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 12624-3:2019
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12624-3:2019 Đồ gỗ - Phần 3: Bao gói, ghi nhãn và bảo quản
Số hiệu: | TCVN 12624-3:2019 | Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Lĩnh vực: | Công nghiệp |
Ngày ban hành: | 10/08/2019 | Hiệu lực: | |
Người ký: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 12624-3:2019
ĐỒ GỖ - PHẦN 3: BAO GÓI, GHI NHÃN VÀ BẢO QUẢN
Furniture - Part 3: Packaging, labeling and storage
Lời nói đầu
TCVN 12624-3:2019 Do Trường Đại học Lâm nghiệp biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ TCVN 12624, Đồ gỗ, gồm các tiêu chuẩn sau:
Phần 1: Thuật ngữ và định nghĩa;
Phần 2: Phương pháp quy đổi;
Phần 3: Bao gói, ghi nhãn và bảo quản.
ĐỒ GỖ - PHẦN 3: BAO GÓI, GHI NHÃN VÀ BẢO QUẢN
Furniture - Part 3: Packaging, labeling and storage
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định về phương thức bao gói, ghi nhãn và bảo quản sản phẩm đồ gỗ nội thất, ngoại thất. Tiêu chuẩn này có thể áp dụng cho các sản phẩm đồ gỗ khác.
Tiêu chuẩn này không áp dụng cho đồ gỗ mỹ nghệ.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 9086:2011 Mã số vạch GS1 - Thuật ngữ và định nghĩa.
3 Thuật ngữ, định nghĩa
3.1 Hình thức chuyên chở (Transportation Mode)
Hình thức hoặc phương tiện vận chuyển để di chuyển hàng hóa từ nơi giao hàng sang nơi nhận hàng.
CHÚ THÍCH: Hiện nay có 5 hình thức vận chuyển hàng hóa: đường bộ, đường sông, đường biển, đường sắt, đường hàng không.
3.2 Mã nhà máy sản xuất (factory code)
Dãy số và ký tự dán trên bao bì sản phẩm để xác định nhà máy sản xuất sản phẩm.
3.3 Thông tin sản phẩm (description product)
Các thông tin cơ bản của sản phẩm bao gồm: kích thước, khối lượng, màu sắc, chủng loại gỗ.
3.4 Tên sản phẩm (product name)
Một chuỗi các ký tự dùng để nhận dạng sản phẩm.
3.5 Số lượng sản phẩm trong thùng (quantity per carton)
Số sản phẩm trong 1 thùng bao bì carton.
3.6 Màu của sản phẩm (product colour)
Màu sắc hoàn thiện của sản phẩm.
3.7 Hình ảnh 3D của sản phẩm (3D drawing of product)
Hình phối cảnh 3D hoặc ảnh chụp thực tế của sản phẩm.
3.8 Khối lượng tịnh, khối lượng thực (net weight)
Khối lượng thực tế của sản phẩm không kể bao bì, đơn vị tính là ki lô gam (kg).
3.9 Khối lượng thùng sản phẩm (gross weight)
Tổng khối lượng thùng sản phẩm tính cả bao bì giấy bọc, đơn vị tính là ki lô gam (kg).
3.10 Kích thước thùng sản phẩm (carton size)
Kích thước bao của thùng sản phẩm (dài x rộng x cao), đơn vị tính centimét (cm) hoặc miliimét (mm).
3.11 Ngày tháng sản xuất (manufacture date)
Mốc thời gian hoàn thành công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa hoặc lô hàng hóa đó tại nhà máy.
3.12 Ngày đóng gói sản phẩm (packing date)
Ngày, tháng, năm sản phẩm được đóng gói tại nhà máy.
3.13 Số đơn đặt hàng PO (purchase order number)
Mã số đơn hàng được xác nhận bởi bên mua và bên bán.
3.14 Mã vạch (barcode)
Kí hiệu mã hóa dữ liệu thành mẫu các vạch đen và khoảng trống hình chữ nhật song song xen kẽ với độ rộng khác nhau mà máy có thể đọc được.
[TCVN 9086:2011, 3.1]
3.15 Bao gói; đóng gói (packaging)
Quá trình sử dụng các vật liệu để bọc, bảo vệ hàng hóa phục vụ vận chuyển và bảo quản sản phẩm.
3.16 Bao bì ngoài (external packing)
Bao bì dùng để bao gói một hoặc một số đơn vị hàng hóa có bao bì trực tiếp.
3.17 Bao bì trực tiếp (immediate packing)
Bao bì chứa đựng hàng hóa, tiếp xúc trực tiếp với hàng hóa, tạo ra hình khối hoặc bọc kín theo hình khối của hàng hóa.
3.18 Ký hiệu hàng hóa (shipping marks)
Ký hiệu về nhãn mác liên quan đến lô hàng. Thông tin này do nhà sản xuất cung cấp và in trên bao bì để phân biệt hàng hóa đó với hàng hóa khác cùng chủng loại.
4. Quy định về bao gói, ghi nhãn mác sản phẩm đồ gỗ
4.1 Phân loại bao bì sản phẩm đồ gỗ
Bao bì thương phẩm của đồ gỗ là bao bì chứa đựng sản phẩm đồ gỗ và lưu thông cùng với sản phẩm đồ gỗ. Bao bì thương phẩm của đồ gỗ gồm hai loại:
a) Bao bì trực tiếp là bao bì chứa đựng hàng hóa, tiếp xúc trực tiếp với hàng hóa, tạo ra hình khối hoặc bọc kín theo hình khối của hàng hóa.
b) Bao bì ngoài (bao bì vận chuyển) là bao bì dùng để bao gói một hoặc một số đơn vị hàng hóa có bao bì trực tiếp. Bao bì ngoài có tác dụng bảo vệ nguyên vẹn số lượng và chất lượng sản phẩm, phục vụ cho việc chuyên chở sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng chủ yếu sử dụng thùng carton.
4.2 Yêu cầu chung đối với bao bì sản phẩm đồ gỗ
Các yêu cầu chung đối với bao bì sản phẩm đồ gỗ gồm có:
a) Phù hợp với từng loại hình sản phẩm, tính chất của sản phẩm, đặc điểm đặc trưng và điều kiện vận chuyển.
b) Phù hợp với yêu cầu của khách hàng thuận tiện đóng gói và mở bao bì sản phẩm.
c) Phù hợp với tất cả các phương tiện vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không.
d) Sản phẩm có các phụ kiện, linh kiện, hướng dẫn sử dụng, chứng minh tính hợp pháp của sản phẩm, danh sách các nội dung được đóng gói trong thùng hàng.
4.3 Yêu cầu chất lượng bao bì sản phẩm đồ gỗ
a) Yêu cầu chất lượng bao bì trực tiếp:
- Sử dụng vật liệu có tác dụng chống nhiệt, chống ẩm, chống va đập tốt không bị rách trong quá trình bao gói sản phẩm và vận chuyển.
- Dây buộc, dây đai phải chắc chắn, an toàn.
- Nẹp góc, nẹp cạnh có kích thước phù hợp với sản phẩm, khả năng chịu lực tốt đảm bảo sản phẩm được nguyên vẹn và an toàn hơn trong quá trình vận chuyển, giúp quá trình đóng gói sản phẩm sẽ được nhanh gọn, thuận tiện, dễ dàng.
- Vật liệu kê, lót có kích thước phù hợp với kích thước sản phẩm và phù hợp với kích thước của bao bì ngoài.
b) Yêu cầu chất lượng bao bì ngoài
- Chất liệu gia công bao bì ngoài phải có khả năng chống mốc, chống ẩm, chống han rỉ cho các chi tiết và phụ kiện bằng kim loại.
- Đối với bao bì sử dụng chất liệu giấy carton yêu cầu bao bì ngoài phải thẳng góc, không bị rách, nhăn. Bề ngoài phải sạch không bị hư hỏng. Không có vết dầu, vết bẩn. Không được sử dụng ghim bấm để nẹp thùng vì dễ làm hỏng sản phẩm bên trong hoặc gây mất an toàn cho người sử dụng.
4.4 Thông tin ghi trên bao bì sản phẩm đồ gỗ
Đối với sản phẩm tiêu thụ nội địa, thông tin bao bì phải phù hợp với quy định về nhãn hàng hóa.
Đối với sản phẩm xuất khẩu, thông tin ghi trên bao bì căn cứ theo thỏa thuận đối với khách hàng.
Một số dạng ký hiệu ghi trên bao bì hàng hóa xem thêm tại phụ lục B.
4.5 Nhãn sản phẩm
4.5.1 Phân loại nhãn sản phẩm
Nhãn sản phẩm gồm các dạng sau:
- Nhãn thông tin sản phẩm: được in trực tiếp trên bao bì sản phẩm, hoặc dạng thẻ treo, nhãn dính;
- Nhãn gỗ hợp pháp: Theo hình thức sử dụng nhãn gỗ hợp pháp thì có hai loại, nhãn gỗ hợp pháp trực tiếp trên sản phẩm (ví dụ: bảng đồng, tấm nung,...) và loại nhãn thứ 2 (ví dụ: thẻ treo, sticker dán,...)
4.5.2 Yêu cầu vật liệu làm nhãn
Tất cả các nhãn treo phải làm từ vật liệu chắc chắn, có độ bền cao, mực in nhãn phải chịu được độ ẩm cao đến 100% và không mờ do ánh sáng.
4.5.3 Thông tin ghi nhãn sản phẩm
Các yêu cầu đối với thông tin nhãn sản phẩm gồm có:
- Vị trí nhãn hàng hóa phải ở các vị trí dễ nhận biết, dễ quan sát.
- Kích thước nhãn hàng hóa phải phù hợp với kích thước bao bì.
- Màu sắc của chữ, ký hiệu và hình ảnh trên nhãn hàng hóa phải rõ ràng, chữ và chữ số phải có màu tương phản với màu nền của nhãn hàng hóa. Thông tin ghi nhãn sản phẩm và ngày sản xuất tham khảo tại phụ lục A
4.6 Bao gói
4.6.1 Bao gói phụ kiện
a) Yêu cầu chung
- Bao gói phụ kiện lắp ráp sản phẩm phải đúng và đủ số lượng yêu cầu cho sản phẩm.
- Bao gói phải chắc chắn đảm bảo không bị rách trong quá trình vận chuyển.
b) Hướng dẫn bao gói phụ kiện
- Chuẩn bị đủ các nội dung cần thiết cho việc lắp ráp sản phẩm bao gồm, phụ kiện, công cụ và hướng dẫn lắp ráp.
- Phân chia phụ kiện ra các ô riêng biệt theo từng bước lắp ráp sản phẩm.
- Tất cả các phụ kiện nhỏ và có số lượng lớn như bulon và long đen phải được buộc cố định lại trước khi bỏ vào hộp phụ kiện.
4.6.2 Bao gói sản phẩm
a) Yêu cầu bao gói sản phẩm
Yêu cầu đối với quá trình bao gói sản phẩm gồm có
- Đúng chủng loại bao bì, đúng yêu cầu kỹ thuật.
- Sản phẩm phải được cố định chặt và an toàn trong thùng hàng suốt quá trình bốc xếp, bảo quản và vận chuyển đến tay người tiêu dùng.
- Đảm bảo không thiếu bất kỳ một thành phần nào của sản phẩm (phụ kiện, túi chống ẩm, hướng dẫn lắp ráp...).
b) Hướng dẫn bao gói sản phẩm.
Một số lưu ý trong quá trình đóng gói các dạng sản phẩm, chi tiết đồ gỗ gồm có:
- Sản phẩm phải được làm sạch trước khi bao gói.
- Đối với đồ gỗ tháo rời: phải bọc, kê lót các bộ phận hoặc chi tiết của sản phẩm khi xếp vào thùng carton.
- Đối với đồ gỗ dạng gấp xếp: phải buộc chặt các bộ phận gấp xếp của sản phẩm trước khi bao gói.
- Đối với các cụm chi tiết hoặc chi tiết tháo rời của sản phẩm: phải được bao gói trong thùng carton riêng, các góc cạnh của sản phẩm đều phải được bảo vệ.
- Các mép, góc cạnh lồi, chân của sản phẩm phải được bọc kín.
- Các bộ phận chuyển động (ngăn kéo, cánh cửa) phải được bọc và cố định trong quá trình bao gói.
- Tay cầm hoặc núm ngăn kéo của sản phẩm bảo được bảo vệ bằng màng PE cuốn quanh.
- Các sản phẩm có gương kính kèm theo phải được bao gói trong thùng carton riêng, chèn xốp bảo vệ xung quanh, nếu 2 tấm kính xếp chồng lên nhau phải có lớp xốp bảo vệ ở giữa.
- Mỗi thùng phải bỏ gói chống ẩm, khối lượng và số lượng túi chống ẩm phụ thuộc vào từng loại hình sản phẩm.
- Tất cả các miệng bao bì phải được niêm phong, khi sử dụng băng keo trong để đóng nắp và đáy thùng lưu ý không được quấn băng keo đè lên barcode trong quá trình đóng thùng.
- Đai 2 dây nhựa để an toàn cho thùng carton và sản phẩm bên trong.
4.7 Bảo quản
4.7.1 Yêu cầu bảo quản sản phẩm đồ gỗ
Quá trình bảo quản sản phẩm đồ gỗ phải đảm bảo một số yêu cầu sau:
a) Sản phẩm trong quá trình bảo quản phải giữ nguyên hình dạng và độ ẩm yêu cầu;
b) Tất cả các chi tiết bên trong sản phẩm không bị trầy xước, móp, nứt vỡ;
c) Thùng sản phẩm không bị ướt, mốc, thủng, rách, biến dạng, trầy, xước, móp;
d) Các thông tin ghi trên bao bì không bị mất hoặc mờ chữ, mờ ký hiệu hoặc hình vẽ trên bao bì.
4.7.2 Yêu cầu đối với kho bảo quản
Các yêu cầu đối với kho bảo quản sản phẩm đồ gỗ gồm có:
a) Có kích thước phù hợp với khả năng cung ứng của nhà máy. Có mái che, cửa thoát hiểm và cửa thông gió. Bảo đảm tất cả các điều kiện làm việc, đi lại thuận tiện và an toàn cho công nhân và các phương tiện xếp dỡ. Nền kho bãi phải cứng vững, phẳng, chịu được tải trọng của hàng và thiết bị nâng chuyển, phải thoát nước tốt, không bị trơn trượt;
b) Phải được thông gió, khô, sạch sẽ, an toàn, không bụi bẩn, đủ ánh sáng cho việc chất xếp hàng tiêu chuẩn về vệ sinh sản xuất hiện hành. Có thiết bị báo cháy tự động, thiết bị chữa cháy, thiết bị chống ẩm, Kiểm soát được nhiệt độ và độ ẩm để đảm bảo sự an toàn của sản phẩm;
c) Phải có hồ sơ mặt bằng tổng thể, trong sơ đồ phải thể hiện được ranh giới giữa các khu vực, các tuyến đường, phạm vi đi lại của người và thiết bị, phương tiện xếp dỡ, vận chuyển bảo đảm an toàn và hợp lý. Không được để hàng hóa trên đường đi lại;
d) Có ký hiệu nhận biết phân chia các khu vực trong kho cho từng khách hàng, để thuận lợi cho quá trình giám sát tiến độ xuất hàng;
e) Trong kho hàng phải có các biển báo, dấu hiệu, tín hiệu về an toàn lao động, an toàn giao thông và các dấu hiệu tín hiệu về an toàn phòng cháy nổ phù hợp với các quy định hiện hành;
f) Khoảng cách giữa các phương tiện vận chuyển trong kho khi xếp dỡ hàng phải theo quy định hiện hành.
4.7.3 Yêu cầu thiết bị xếp hàng trong kho hàng
Các thiết bị xếp hàng trong kho hàng cần lưu ý các vấn đề sau:
a) Thiết bị xếp thùng sản phẩm phụ thuộc vào từng loại sản phẩm nhưng phải được thiết kế để xếp được nhiều sản phẩm nhất với diện tích mặt bằng ít nhất, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho nhân viên kho và sản phẩm trong quá trình bảo quản, thuận tiện cho quá trình bốc xếp và xử lý khi có sự cố xảy ra;
b) Khung giá xếp thùng sản phẩm (khung palet) phải được làm bằng kim loại và được thiết kế chắc chắn để chịu được tải trọng lớn nhất khi xếp thùng sản phẩm;
c) Palet làm bằng kim loại hoặc gỗ, có kết cấu chắc chắn chịu được tải trọng lớn nhất khi xếp thùng sản phẩm. Kích thước của palet phụ thuộc kích thước bao bì của từng loại sản phẩm; Pallet gỗ phải có độ ẩm không vượt quá 16%
d) Tất cả các palet phải có phiếu palet nhận dạng, trong đó phải nêu rõ: tên sản phẩm, số lượng, tên khách hàng...;
e) Pallet phải được đặt vị trí cách tường và sàn nhà 30cm;
4.7.4. Yêu cầu đối với việc xếp hàng trong kho hàng
Việc xếp hàng trong kho hàng phải lưu ý các vấn đề sau:
a) Thùng carton đã được đóng gói phải được xếp thẳng hàng trên pallet, thuận tiện cho việc quản lý, bốc xếp;
b) Sản phẩm phải được sắp xếp theo thứ tự khách hàng và phải căn cứ vào kế hoạch đơn hàng, trình tự xuất hàng; và có logo đơn hàng riêng biệt để tiện cho việc kiểm tra xuất hàng;
c) Sử dụng các thiết bị bốc xếp thùng sản phẩm phải tuyệt đối an toàn cho người bốc xếp và hàng hóa trong kho;
d) Thùng hàng phải được xếp đúng theo chiều quy định ghi trên thùng hàng; Xếp chồng các thùng hàng lên nhau phải đảm bảo không vượt quá tải trọng quy định khi xếp chồng thùng sản phẩm;
Phụ lục A
(Tham khảo)
Cách ghi định lượng của hàng hóa và ngày sản xuất
TT | Trạng thái | Cách ghi |
1 | Sản phẩm sau khi đóng thùng | - Khối lượng tịnh - Khối lượng kể cả bao bì - Số sản phẩm/ thùng hàng - Số sản phẩm/ pallet |
2 | Cách ghi ngày, tháng, năm đối với ngày sản xuất. | NSX: 020417 hoặc 02-04-2017 |
Phụ lục B
(Tham khảo)
Ký hiệu ghi trên bao bì sản phẩm
STT | Tên ký hiệu | Ký hiệu | Ý nghĩa |
1 | Hàng dễ vỡ | Trong bao bì vận chuyển là hàng dễ vỡ, phải cẩn thận trong quá trình vận chuyển, bốc xếp hàng hóa | |
2 | Không được treo/ móc | Không được treo móc vào bao bì sản phẩm trong quá trình vận chuyển, bốc xếp hàng | |
3 | Dựng theo hướng này | Trong quá trình bốc, xếp, vận chuyển và lưu kho hàng, phải để thùng hàng theo hướng mũi tên | |
4 | Tránh ánh nắng | Trong quá trình vận chuyển, lưu kho không được để ánh nắng chiếu trực tiếp vào thùng hàng | |
5 | Tránh phóng xạ | Trong quá trình vận chuyển, lưu kho không được để tia phóng xạ chiếu trực tiếp vào thùng hàng | |
6 | Tránh mưa/ ẩm ướt | Không được để thùng hàng tiếp xúc với nước mưa và môi trường ẩm ướt trong quá trình vận chuyển và lưu kho hàng | |
7 | Trọng tâm thùng | Thể hiện vị trí trọng tâm sản phẩm trong thùng hàng | |
8 | Không được lăn | Không được lăn thùng sản phẩm trong quá trình bốc xếp hàng | |
9 | Không sử dụng xe đẩy | Cảnh báo không được sử dụng xe đẩy trong quá trình di chuyển hàng hóa | |
10 | Không sử dụng xe nâng | Cảnh báo không được sử dụng xe nâng hàng trong quá trình vận chuyển hàng hóa | |
11 | Kẹp theo chiều này | Hướng kẹp thùng hàng khi vận chuyển | |
12 | Không kẹp theo chiều này | Không được kẹp theo chiều này khi vận chuyển hàng | |
13 | Khối lượng bên trên tối đa | Khối lượng tối đa trên thùng sản phẩm khi vận chuyển | |
14 | Số thùng xếp chồng tối đa | Số lớp thùng hàng xếp tối đa khi vận chuyển | |
15 | Để trên cùng/ không xếp lên | Không được xếp đồ vật lên trên thùng sản phẩm khi vận chuyển | |
16 | Treo/ cột chỗ này | Vị trí treo, cột thùng hàng khi di chuyển, bốc xếp | |
17 | Xé chỗ này | Vị trí mở bao bì sản phẩm | |
18 | Giới hạn nhiệt độ | Trong quá trình vận chuyển lưu trữ thùng hàng luôn bảo đảm nhiệt độ môi trường trong phạm vi giới hạn |
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] TCVN 3147 - 90; Quy phạm an toàn trong công tác xếp, rỡ, yêu cầu chung
[2] FSC-STD-40-201 (version 2.0); Tiêu chuẩn nhãn FSC
[3] ISPM 15. 2009. Regulation of wood packaging material in international trade. Rome, IPPC, FAO.
[4] GOST 19041-85: Tiêu chuẩn đóng gói sản phẩm gỗ
[5] IKEA, Transit carton Packaging Specification;
[6] IKEA, Packaging instruction
MỤC LỤC
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Thuật ngữ, định nghĩa
4. Quy định về bao gói, ghi nhãn mác sản phẩm đồ gỗ
4.1 Phân loại bao bì sản phẩm đồ gỗ
4.2 Yêu cầu chung đối với bao bì sản phẩm đồ gỗ
4.3 Yêu cầu chất lượng bao bì sản phẩm đồ gỗ
4.4 Thông tin ghi trên bao bì sản phẩm đồ gỗ
4.5 Nhãn sản phẩm
4.5.1 Phân loại nhãn sản phẩm
4.5.2 Yêu cầu vật liệu làm nhãn
4.5.3 Thông tin ghi nhãn sản phẩm
4.6 Bao gói
4.6.1 Bao gói phụ kiện
4.6.2 Bao gói sản phẩm
4.7 Bảo quản
4.7.1 Yêu cầu bảo quản sản phẩm đồ gỗ
4.7.2 Yêu cầu đối với kho bảo quản
4.7.3 Yêu cầu thiết bị xếp hàng trong kho hàng
4.7.4. Yêu cầu đối với việc xếp hàng trong kho hàng
Phụ lục A (tham khảo) Cách ghi định lượng của hàng hóa và ngày sản xuất
Phụ lục B (tham khảo) Ký hiệu ghi trên bao bì sản phẩm
Thư mục tài liệu tham khảo
Click Tải về để xem toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam nói trên.