Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11206-4:2020 ISO 12122-4:2017 Kết cấu gỗ - Xác định các giá trị đặc trưng - Phần 4: Sản phẩm gỗ kỹ thuật

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiêu chuẩn liên quan
  • Lược đồ
  • Tải về
Mục lục Đặt mua toàn văn TCVN
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11206-4:2020

Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11206-4:2020 ISO 12122-4:2017 Kết cấu gỗ - Xác định các giá trị đặc trưng - Phần 4: Sản phẩm gỗ kỹ thuật
Số hiệu:TCVN 11206-4:2020Loại văn bản:Tiêu chuẩn Việt Nam
Cơ quan ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệLĩnh vực: Công nghiệp
Ngày ban hành:31/12/2020Hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Người ký:Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 11206-4:2020

ISO 12122-4:2017

KẾT CẤU GỖ - XÁC ĐỊNH CÁC GIÁ TRỊ ĐẶC TRƯNG
PHẦN 4: SẢN PHẨM GỖ KỸ THUẬT

Timber structures - Determination of characteristic values -
Part 4: Engineered wood products

 

Lời nói đầu

TCVN 11206-4:2020 hoàn toàn tương đương với ISO 12122-4:2017.

TCVN 11206-4:2020 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC165 Kết cấu gỗ biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Bộ TCVN 11206 (ISO 12122), Kết cấu gỗ - Xác định các giá trị đặc trưng, gồm các tiêu chuẩn sau:

- TCVN 11206-1:2015 (ISO 12122-1:2014), Phần 1: Yêu cầu cơ bản.

- TCVN 11206-2:2015 (ISO 12122-2:2014), Phần 2: Gỗ xẻ.

- TCVN 11206-3:2020 (ISO 12122-3:2016), Phần 3: Gỗ ghép thanh bằng keo.

- TCVN 11206-4:2020 (ISO 12122-4:2017), Phần 4: Sản phẩm gỗ kỹ thuật

- TCVN 11206-6:2020 (ISO 12122-6:2017), Phần 6: Các kết cấu và tổ hợp lớn

Bộ ISO 12122, Timber structures - Determination of characteristic values, còn phần sau:

- ISO 12122-5:2018, Part 5: Mechanical connections

Lời giới thiệu

Tiêu chuẩn này đưa ra một khung cơ sở để thiết lập các giá trị đặc trưng từ các kết quả thử nghiệm trên một mẫu rút ra từ một tập hợp chuẩn được xác định rõ của sản phẩm gỗ kỹ thuật. Giá trị đặc trưng là sự ước lượng của một tính chất của tập hơp chuẩn với mức độ tin cậy thích hợp được qui định trong tiêu chuẩn này.

Tiêu chuẩn này được sử dụng kết hợp với TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).

Tiêu chuẩn này cho phép đánh giá các giá trị đặc trưng dựa trên thử nghiệm các sản phẩm gỗ kỹ thuật dùng trong thương mại.

Trong một số trường hợp, các giá trị đặc trưng được xác định theo tiêu chuẩn này có thể được sửa đổi để trở thành giá trị thiết kế.

Tiêu chuẩn này có các Phụ lục sau:

- Phụ lục A đưa ra lời giải thích về nội dung trong tiêu chuẩn.

- Phụ lục B đưa ra thông tin về một số phương pháp dùng để tính toán các giá trị đặc trưng từ các tính chất thành phần.

 

KẾT CẤU GỖ - XÁC ĐỊNH CÁC GIÁ TRỊ ĐẶC TRƯNG - PHẦN 4: SẢN PHẨM GỖ KỸ THUẬT

Timber structures - Determination of characteristic values - Part 4: Engineered wood products

1  Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này đưa ra phương pháp để xác định các giá trị đặc trưng được tính từ các giá trị thử nghiệm đối với một tập hợp đã xác định của các sản phẩm gỗ kỹ thuật.

Tiêu chuẩn này đưa ra các phương pháp để xác định:

a) giá trị đặc trưng của các tính chất vật liệu, khi tính chất đã xác định được nhân với một thông số hình học thì cho kết quả về khả năng chịu lực hoặc độ cứng vững của các thành phần, hoặc

b) giá trị đặc trưng của các tính chất thành phần trực tiếp, khi tính chất đã xác định là khả năng chịu lực hoặc độ cứng vững của các thành phần.

Tiêu chuẩn này còn đưa ra các phương pháp để xác định:

a) giá trị đặc trưng của các tính chất dựa trên giá trị trung bình, và

b) giá trị đặc trưng của các tính chất ứng với phân vị chuẩn thứ 5.

2  Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau đây là cần thiết để áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

TCVN 11206-1 (ISO 12122-1), Kết cấu gỗ - Xác định các giá trị đặc trưng - Phần 1: Yêu cầu cơ bản

3  Thuật ngữ và định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa được nêu trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1) và thuật ngữ và định nghĩa sau:

3.1

Sản phẩm gỗ kỹ thuật (engineered wood product)

Các sản phẩm được sản xuất từ gỗ, cụ thể là gỗ dán, ván dăm định hướng (OSB), dầm chữ I, gỗ nhiều lớp (LVL) hoặc tấm ốp tường cách nhiệt dùng cho kết cấu.

CHÚ THÍCH 1: Các sản phẩm này được định nghĩa trong TCVN 11902 (ISO 12465), ISO 16894, TCVN 9084-1 (ISO 22389-1), TCVN 11683 (ISO 22390) và ISO 22452.

4  Ký hiệu

Phải sử dụng các ký hiệu đã qui định trong tiêu chuẩn sản phẩm hoặc tiêu chuẩn thử nghiệm có liên quan. Các ký hiệu khác được đưa ra trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).

5  Tập hợp chuẩn

Ngoài các yêu cầu đối với sự xác định tập hợp chuẩn trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1), có thể bao gồm cả các thuộc tính sau của sản phẩm gỗ kỹ thuật:

a) nguồn nguyên liệu;

b) phương pháp hong khô (nếu đã hong khô);

c) phân hạng hoặc phương pháp sản xuất đối với các thành phần của sản phẩm gỗ kỹ thuật, nếu chúng được làm từ các thành phần đã phân hạng trước (bao gồm cả tấm mỏng);

d) yêu cầu kỹ thuật của keo dán, phương pháp sử dụng và phương pháp đóng rắn keo dán;

e) biện pháp kiểm soát chất lượng;

f) quy trình xử lý thứ cấp, ví dụ như xử lý bảo quản, xử lý chậm cháy, gia công tạo hình sản phẩm, v.v...;

g) sự thay đổi trong cấu hình của sản phẩm (nếu có).

6  Lấy mẫu

6.1  Phương pháp lấy mẫu

Phương pháp lấy mẫu phải phù hợp với mục tiêu tiến hành lấy mẫu qui định trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).

Đại diện của mỗi một sự thay đổi trong mẫu phải xấp xỉ với đại diện của sự thay đổi tương tự trong tập hợp chuẩn.

Phương pháp lấy mẫu phải được ghi lại trong báo cáo như nêu trong Điều 10 của tiêu chuẩn này và TCVN 11206-1 (ISO 12122-1). Báo cáo phải chỉ rõ sự đáp ứng đối với mỗi thuộc tính đã được nhận dạng của tập hợp chuẩn được liệt kê theo Điều 5 trong tiêu chuẩn này hoặc trong mô tả tập hợp chuẩn.

6.2  Cỡ mẫu

Cỡ mẫu phải phù hợp với các yêu cầu của TCVN 11206-1 (ISO 12122-1) và phải tính đến hệ số biến động (V) dự kiến của gỗ xẻ trong tập hợp chuẩn.

CHÚ THÍCH 1: Xem chú thích các điều liên quan trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).

Các tính chất của sản phẩm gỗ kỹ thuật nói chung thường có hệ số biến động tập hợp (V) thấp hơn trong các tính chất kết cấu, và do vậy phải có cỡ mẫu nhỏ hơn.

CHÚ THÍCH 2: TCVN 11206-1 (ISO 12122-1) đưa ra một số hướng dẫn về việc lựa chọn cỡ mẫu.

7  Ổn định mẫu

Môi trường bảo quản và thử nghiệm mẫu phải phản ánh việc ổn định phù hợp với sự xác định tập hợp chuẩn được nêu trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).

8  Dữ liệu thử nghiệm

8.1  Phương pháp thử

Dữ liệu thử nghiệm phải nhận được từ:

a) Các thử nghiệm phù hợp với tiêu chuẩn thử nghiệm liên quan đến sản phẩm, hoặc

b) Một phương pháp thử chuẩn thích hợp cho tập hợp chuẩn, đưa ra hệ số tương đương với tiêu chuẩn thử nghiệm liên quan.

CHÚ THÍCH 1: Xem chú thích các điều liên quan trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).

Phương pháp thử liên quan nhiều đến sự thay đổi về cấu hình và tốc độ gia tải, vị trí mẫu thử và phương pháp đo sẽ ảnh hưởng đến các kết quả. Mức độ chụm của các thay đổi này phải phù hợp với các mục tiêu của thử nghiệm và các điều chỉnh yêu cầu trong 8.2.

8.2  Dữ liệu thử nghiệm tương thích với mô tả sản phẩm

Khi các giá trị đặc trưng áp dụng cho cỡ chuẩn hoặc độ ẩm chuẩn, có thể cần phải thực hiện điều chỉnh về dữ liệu thử nghiệm. Mọi sự điều chỉnh đều phải phù hợp với TCVN 11206-1 (ISO 12122-1) và phải được ghi chi tiết trong báo cáo.

CHÚ THÍCH: Những điều chỉnh này bao gồm những điều chỉnh cần thiết đối với dữ liệu gộp từ các chương trình thử nghiệm khác nhau được nêu trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).

8.3  Các dạng phá hủy

Phải ghi lại các dạng phá hủy xảy ra trong các thử nghiệm.

Dữ liệu chỉ được đưa vào phân tích nếu dữ liệu đó thu được từ thử nghiệm có dạng phá hủy phù hợp với tính chất nhận được.

CHÚ THÍCH: Cùng một phương pháp thử có thể tạo ra các dạng phá hủy khác nhau trên các sản phẩm khác nhau. Giá trị đặc trưng có thể không được ước tính chính xác do các thử nghiệm tạo ra các dạng phá hủy hủy khác với dạng phá hủy mà phương pháp thử dự kiến tạo ra.

9  Đánh giá các giá trị đặc trưng đối với tính chất kết cấu

9.1  Các tính chất kết cấu

Đối với các sản phẩm gỗ kỹ thuật, phải đánh giá các tính chất vật liệu hoặc các tính chất thành phần.

CHÚ THÍCH 1 Phụ lục A đưa ra hướng dẫn về loại tính chất thích hợp đối với một số sản phẩm gỗ kỹ thuật thông dụng.

CHÚ THÍCH 2 Khi ghi lại các tính chất thành phần, thì đó phải là quy định chung cụ thể để đưa ra được cỡ sản phẩm. Các sản phẩm có cỡ khác nhau sẽ có các tính chất thành phần khác nhau.

Xác định các giá trị đặc trưng đối với các tính chất kết cấu phải theo TCVN 11206-1 (ISO 12122-1), trừ khi được quy định cụ thể trong tiêu chuẩn sản phẩm tham chiếu.

9.2  Giá trị đặc trưng của các tính chất vật liệu

9.2.1  Giá trị đặc trưng của mô đun đàn hồi và mô đun trượt

Giá trị đặc trưng của mô đun đàn hồi và mô đun trượt phải là giá trị trung bình, bằng trung bình cộng của các giá trị thử nghiệm được xác định theo TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).

9.2.2  Giá trị đặc trưng của độ bền chịu tải

Giá trị đặc trưng của độ bền chịu tải, cả song song và vuông góc với thớ, phải là trung bình cộng nhận được từ các kết quả của phép thử.

9.2.3  Giá trị đặc trưng khác đối với độ bền dựa trên giá trị thử nghiệm ứng với phân vị chuẩn thứ 5

Phải đánh giá giới hạn độ tin cậy 75 % nhánh thấp hơn của phép thử giá trị phân vị chuẩn thứ 5. Phương pháp phù hợp để đánh giá giá trị phân vị chuẩn thứ 5 của dữ liệu thử nghiệm và ước lượng giới hạn độ tin cậy 75 % nhánh thấp hơn được nêu trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).

9.3  Giá trị đặc trưng của các tính chất thành phần

9.3.1  Giá trị đặc trưng của độ cứng vững

Giá trị đặc trưng của độ cứng vững phải là giá trị trung bình, bằng trung bình cộng của các giá trị thử nghiệm được xác định theo TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).

9.3.2  Giá trị đặc trưng của độ bền chịu tải

Giá trị đặc trưng của độ bền chịu tải, cả song song và vuông góc với thớ, phải là trung bình cộng nhận được từ các kết quả của phép thử, được xác định theo 9.2.2.

CHÚ THÍCH  Các tính chất khác là các tính chất thành phần, độ bền chịu tải phải được ghi lại như một tính chất vật liệu. Hướng dẫn thêm được đưa ra trong Phụ lục A.

9.3.3  Giá trị đặc trưng khác của khả năng chịu lực đối với độ bền dựa trên giá trị thử nghiệm ứng với phân vị chuẩn thứ 5

Phải đánh giá giới hạn độ tin cậy 75 % nhánh thấp hơn của phép thử giá trị phân vị chuẩn thứ 5. Phương pháp phù hợp để đánh giá giá trị phân vị chuẩn thứ 5 của dữ liệu thử nghiệm và ước lượng giới hạn độ tin cậy 75 % nhánh thấp hơn được nêu trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).

10  Báo cáo

Báo cáo phải phù hợp với các yêu cầu của TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).

 

Phụ lục A

(tham khảo)

Giải thích

A.1  Giải thích về phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này đưa ra các phương pháp để xác định các giá trị đặc trưng đối với các sản phẩm gỗ kỹ thuật. Tiêu chuẩn này được sử dụng kết hợp với TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).

Tiêu chuẩn này đưa ra phương pháp luận thống nhất để đánh giá các giá trị đặc trưng thích hợp với các giá trị đặc trưng xác định được đối với các sản phẩm gỗ kết cấu khác.

Tiêu chuẩn này không thiết lập các phương pháp để xác định các giá trị thiết kế, các giá trị này có thể được xác định dựa trên các giá trị đặc trưng từ dữ liệu thử nghiệm bằng việc kết hợp với các hệ số an toàn để tính toán đến một yếu tố bất kỳ hoặc tất cả các yếu tố sau:

- Sự thay đổi dự kiến trong sản phẩm hoặc các tính chất sản phẩm qua một thời gian dài. Những thay đổi này có thể do sự thay đổi trong chất lượng nguồn gỗ, phương pháp sản xuất hoặc sự thay đổi các nguyên liệu khác;

- Sự phức tạp của tập hợp chuẩn. Ví dụ, khi tập hợp chuẩn do nhiều nhà sản xuất, nguồn vật liệu của họ được lấy trên một vùng rộng lớn hoặc sử dụng thông số sản xuất khác nhau, khi đó việc lấy mẫu có thể không phản ảnh hiệu quả tất cả sự kết hợp có thể có về chất lượng nguồn vật liệu và phương pháp sản xuất. Trong trường hợp này, mẫu có thể không thật sự đại diện và cần áp dụng một hệ số an toàn.

- Sự biến động theo thời gian trong quá trình ghép đối với sản phẩm gỗ kỹ thuật. Sự biến động này có thể gồm cả quy trình xử lý mối ghép đầu giữa các chi tiết, yêu cầu kỹ thuật đối với chi tiết, thời gian đóng rắn và thời gian duy trì mối nối.

- Biến động dự kiến khi kiểm soát chất lượng qua tập hợp chuẩn trong tương lai.

Các giá trị đặc trưng được đưa ra trong tiêu chuẩn này chỉ liên quan đến việc xác định các giá trị đặc trưng từ các kết quả thử nghiệm trên kích thước thực của sản phẩm gỗ kỹ thuật Bộ TCVN 11206 (ISO 12122) có phần giải thích chung. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các tính chất đặc trưng của sản phẩm gỗ kỹ thuật được tìm thấy qua tính toán sử dụng các mô hình quan hệ giữa tính chất từng chi tiết riêng lẻ với tính chất của các sản phẩm composite. Phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn này không bao gồm những phương pháp đó, nhưng trong Phụ lục B có đưa ra các thông tin dẫn đến một số mô hình thường được chấp nhận thông dụng cho việc tính toán này. Tiêu chuẩn này cũng có thể được sử dụng để xác minh các mô hình đó thông qua các phép thử trên kích thước thực của sản phẩm gỗ kỹ thuật.

A.2  Giải thích về tài liệu viện dẫn

Không có giải thích.

A.3  Giải thích về thuật ngữ và định nghĩa

Không có giải thích [Xem TCVN 11206-1 (ISO 12122-1)].

A.4  Giải thích về ký hiệu

Không có giải thích. [Xem TCVN 11206-1 (ISO 12122-1)].

A.5  Giải thích về tập hợp chuẩn

Các giá trị đặc trưng có thể được lấy để đại diện cho các tính chất của vật liệu được sử dụng làm mẫu. Tập hợp chuẩn là sự xác định tập hợp gốc có tính chất đặc trưng đã biết để áp dụng. TCVN 11206-1 (ISO 12122-1) đưa ra một số yêu cầu chung để xác định tập hợp chuẩn, nhưng có một số đặc trưng khác đã biết gây ảnh hưởng đến các tính chất kết cấu của sản phẩm gỗ kỹ thuật:

- Các tính chất của gỗ làm nguyên liệu cho sản phẩm gỗ kỹ thuật có thể ảnh hưởng đến các tính chất của sản phẩm cuối. Điều này nghĩa là sự xác định tập hợp chuẩn phải bao gồm tất cả các nguồn gỗ có thể tạo ra được sản phẩm. Điều này là bắt buộc trong quá trình lấy mẫu trên toàn bộ dải nguồn nguyên liệu phải đảm bảo rằng mẫu thử thực sự đại diện cho tập hợp chuẩn.

- Nhiệt độ hong khô cũng có thể gây ảnh hưởng đến các tính chất kết cấu của vật liệu gỗ đã hong khô. Phải công bố dải nhiệt độ hong khô và phương pháp hong khô vì có thể liên quan đến tốc độ khô.

- Việc phân hạng nguyên liệu và phương pháp sản xuất được sử dụng cũng có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến các tính chất của thành phẩm gỗ kỹ thuật. Trong một số trường hợp, sự thay đổi tương đối nhỏ trong quá trình phân hạng (ví dụ sự biến động các giới hạn khối lượng riêng vật liệu gỗ) có thể ảnh hưởng đáng kể đến một số tính chất. Tương tự, một số chi tiết trong quy trình sản xuất có thể được coi là tới hạn đối với một số tính chất của sản phẩm. Điều này có thể bao gồm cả độ sắc của thiết bị cắt khi gia công tạo hình một số sản phẩm hoặc áp lực ép và số lượng sản phẩm được dán keo. Khi một tập hợp chuẩn có thể được lấy ra từ một phân xưởng thông qua một chuỗi quy trình sản xuất thì nó phải đại diện được cho tất cả mẫu thử dùng để thử nghiệm.

- Hầu hết các sản phẩm gỗ kỹ thuật sử dụng keo dán và ứng xử của keo dán khi chịu tác động của tải trọng thường quyết định đến tính năng của sản phẩm. Do đó phải xác định quan hệ giữa tập hợp chuẩn với mọi yếu tố có khả năng gây ảnh hưởng đến độ bền của keo dán. Trong dải yêu cầu kỹ thuật của keo dán, có thể chỉ ra cách thức xử lý và phương pháp sử dụng hoặc phương pháp đóng rắn trong tập hợp chuẩn, tuy nhiên mọi sự thay đổi này phải được công bố và cần chú ý để đảm bảo rằng tất cả đều được chỉ ra trong mẫu đại diện.

- Biện pháp kiểm soát chất lượng thường được sử dụng để duy trì các khía cạnh khác nhau trong sản xuất đều có thể gây ảnh hưởng đến các tính chất kết cấu. Yêu cầu kỹ thuật đối với quy trình kiểm soát chất lượng cần được xem xét cẩn trọng khi xác định tập hợp chuẩn. Tốt nhất là tất cả các nhà sản xuất có tập hợp chuẩn phải sử dụng cùng một biện pháp kiểm soát chất lượng, nhưng khi có sự thay đổi, thì phải được nêu trong yêu cầu kỹ thuật của tập hợp chuẩn.

- Quy trình xử lý thứ cấp, như xử lý bảo quản, xử lý chậm cháy, gia công tạo hình sản phẩm, v.v...có thể ảnh hưởng đến các tính chất vật liệu và giữ được sự đồng nhất đối với cùng một tập hợp chuẩn khi đánh giá.

Có một số sản phẩm bị hạn chế trong các ứng dụng, chúng thường được coi là một sản phẩm riêng biệt với các sản phẩm có các ứng dụng không bị hạn chế tương tự. Sự hạn chế trong các ứng dụng có thể dẫn đến sự khác biệt trong quy trình sản xuất hoặc thử nghiệm đối với một số tính chất.

Khi các giá trị đặc trưng là các tính chất của sản phẩm (ví dụ độ bền uốn fm) tập hợp chuẩn có thể bao gồm một dải cỡ do khả năng chịu lực của các sản phẩm có cỡ khác nhau có thể được đánh giá bằng cách sử dụng các thông số hình học khác nhau cho từng cỡ. Tuy nhiên, đối với giá trị đặc trưng của các tính chất thành phần, tập hợp chuẩn chỉ có thể tham khảo một sản phẩm có cỡ đơn lẻ. Mặt cắt ngang có cỡ khác nhau sẽ có độ cứng vững và khả năng chịu lực khác nhau.

TCVN 11206-1 (ISO 12122-1) đề cập đến khoảng thời gian sản xuất sản phẩm. Tại một số vùng khí hậu, thời điểm trong năm có ảnh hưởng đến các tính chất của nguyên liệu hoặc quy trình sản xuất được sử dụng.

Các danh sách trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1) và tiêu chuẩn này là những ví dụ, nhưng mục đích của điều này là bất cứ công đoạn nào trong sản xuất sản phẩm có thể gây ảnh hưởng đến các tính chất kết cấu đều phải được chỉ ra trong mô tả.

A.6  Giải thích về lấy mẫu

Khi tập hợp chuẩn của sản phẩm gỗ kỹ thuật bao gồm nhiều nhà sản xuất hoặc quy trình khác nhau, cần chú ý để đảm bảo rằng tất cả các mọi sự thay đổi về nguyên liệu và phương pháp sản xuất đều phải được đưa ra trong mẫu đại diện. Mặc dù các sản phẩm gỗ kỹ thuật thường có hệ số biến động (V) thấp hơn trong yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm so với các sản phẩm gỗ khác, nhưng sự thay đổi trong nguyên liệu hoặc phương pháp sản xuất cũng có thể góp phần làm hệ số biến động (V) cao hơn trong toàn bộ tập hợp chuẩn so với sản phẩm được sản xuất từ một nhà sản xuất riêng lẻ.

Có thể sử dụng danh mục các tính năng được mô tả trong tập hợp chuẩn [Điều 5 và Phụ lục B.5 của TCVN 11206-1 (ISO 12122-1)] để tạo ra được một chương trình lấy mẫu bao gồm tất cả các biến động trong tập hợp chuẩn.

Có thể sử dụng cỡ mẫu nhỏ hơn khi thử nghiệm trên sản phẩm gỗ kỹ thuật với hệ số biến động thấp hơn so với gỗ xẻ. Hướng dẫn về cỡ mẫu được nêu trong TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).

A.7  Giải thích về ổn định mẫu thử

Hầu hết các sản phẩm gỗ kỹ thuật đều đã được hong khô. Các mẫu phải được lưu giữ sao cho độ ẩm duy trì trong phạm vi yêu cầu đối với sản phẩm đã được hong khô.

Mặt khác, áp dụng các yêu cầu của TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).

A.8  Giải thích về việc thử nghiệm

A.8.1  Giải thích về phương pháp thử

Từng sản phẩm gỗ kỹ thuật đều có các yêu cầu thử nghiệm riêng được dự định nhằm nghiên cứu đầy đủ các dạng phá hủy có thể xảy ra đối với sản phẩm. Phương pháp thử phải tương thích với yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm. Các phương pháp thử ISO đối với từng sản phẩm là phương pháp thử tham chiếu, nhưng khi các phương pháp thử khác chứng minh tạo ra được tất cả các dạng phá hủy có thể xảy ra và tương thích với phương pháp thử ISO liên quan, thì các phương pháp thử đó có thể được sử dụng.

Điểm mấu chốt trong điều này là phương pháp thử thích hợp đối với một loại sản phẩm gỗ kỹ thuật cụ thể đã được mô tả trong tập hợp chuẩn.

A.8.2  Giải thích về dữ liệu thử nghiệm tương thích với mô tả sản phẩm

Khi có yêu cầu điều chỉnh dữ liệu thử nghiệm đối với cỡ đối chứng, độ ẩm chuẩn hoặc nhiệt độ chuẩn, thì phải tuân theo các yêu cầu của TCVN 11206-1 (ISO 12122-1).

A.8.3  Giải thích về dạng phá hủy

Khi các thử nghiệm có mục đích nhắm đến một tính chất kết cấu cụ thể, nhưng lại tạo ra một dạng phá hủy khác, thì tính chất dự kiến có thể không được ước lượng chính xác bởi dữ liệu thử nghiệm.

Ví dụ thực hiện thử nghiệm đối với khả năng chịu cắt của dầm chữ I, nhưng nếu thử nghiệm giới hạn phá hủy chịu tải, thì khả năng chịu cắt được tính từ thử nghiệm là giới hạn dưới của khả năng chịu cắt thực của sản phẩm.

Khi dạng phá hủy nhận được trong thử nghiệm bao gồm sự phá hủy keo dán, điều này có thể chỉ ra rằng mạch keo không đủ độ bền so với gỗ, và kết quả là phương pháp tính nhằm xác định các giá trị đặc trưng có thể không được công nhận nếu sản phẩm không tuân theo tiêu chuẩn sản phẩm liên quan.

A.9  Giải thích về đánh giá các giá trị đặc trưng đối với các tính chất kết cấu

A.9.1  Giải thích về tính chất kết cấu

Phương pháp đưa ra các tính chất kết cấu các sản phẩm gỗ kỹ thuật phụ thuộc vào dạng hình học của sản phẩm:

- Thông thường, các sản phẩm có mặt cắt ngang hình chữ nhật và toàn bộ các chi tiết được sản xuất có các tính chất tương tự [ví dụ gỗ dán và gỗ nhiều lớp (LVL)] sẽ đưa ra các tính chất và khả năng chịu lực của vật liệu (xem A.9.2): Độ cứng vững tính được bằng cách nhân các tính chất vật liệu với các thông số hình học.

- Thông thường, các sản phẩm có mặt cắt ngang không phải hình chữ nhật hoặc các chi tiết được sản xuất có các tính chất rất khác nhau (ví dụ dầm chữ I và tấm cách nhiệt dùng cho kết cấu) sẽ đưa ra các tính chất thành phần (xem A.9.3). Các giá trị đặc trưng sẽ là khả năng chịu lực và độ cứng vững của toàn bộ thành phần.

Bảng A.1 - Phân loại các giá trị đặc trưng đối với sản phẩm gỗ kỹ thuật

Giá trị đặc trưng

Cơ sở

Đơn vị tính

Các tính chất đặc trưng

Độ bền uốn, fm

Phân vị chuẩn thứ 5

MPa

Độ bền kéo song song với thớ ft,0

Phân vị chuẩn thứ 5

MPa

Độ bền nén song song với thớ fc,0

Phân vị chuẩn thứ 5

MPa

Độ bền trượt, fs

Phân vị chuẩn thứ 5

MPa

Độ bền nén vuông góc với thớ, fc,90

Giá trị trung bình (phân vị chuẩn thứ 5)a

MPa

Độ bền kéo vuông góc với thớ, ft,90

Phân vị chuẩn thứ 5

MPa

Môđun đàn hồi, E

Giá trị trung bình (phân vị chuẩn thứ 5)a

MPa hoặc GPa

Môđun trượt, G

Giá trị trung bình (phân vị chuẩn thứ 5)a

MPa

a Cho thấy đối với một số sản phẩm, có thể phải bổ sung giá trị phân vị chuẩn thứ 5 cùng với giá trị dựa trên giá trị trung bình thông thường.

A.9.2  Giải thích về giá trị đặc trưng của các tính chất vật liệu

Các tính chất vật liệu bao gồm giá trị môđun đàn hồi và giá trị độ bền được đưa ra trong Bảng A.1. Tất cả các tính chất này được tính theo đơn vị là GPa hoặc MPa.

A.9.2.1  Giải thích về giá trị đặc trưng của môđun đàn hồi và môđun trượt

Không có giải thích [xem TCVN 11206-1 (ISO 12122-1)].

A.9.2.2  Giải thích về giá trị đặc trưng của độ bền chịu tải

Không có giải thích [xem TCVN 11206-1 (ISO 12122-1)].

A.9.2.3  Giải thích về giá trị đặc trưng khác đối với độ bền dựa trên giá trị thử nghiệm ứng với phân vị chuẩn thứ 5

Không có giải thích [xem TCVN 11206-1 (ISO 12122-1)].

A.9.3  Giải thích về giá trị đặc trưng của các tính chất thành phần

Các tính chất thành phần bao gồm giá trị độ cứng vững uốn và giá trị khả năng chịu lực với đơn vị tính được đưa ra trong Bảng A.2.

Bảng A.2 - Đơn vị tính các giá trị đặc trưng về khả năng chịu lực đối với các tính chất thành phần

Giá trị đặc trưng

Cơ sở

Đơn vị tính

Giá trị đặc trưng của tính chất khả năng chịu lực

Khả năng chịu uốn, M

Phân vị chuẩn thứ 5

kN.m

Khả năng chịu kéo song song với thớ Nt,0

Phân vị chuẩn thứ 5

kN

Khả năng chịu nén song song với thớ Nc,0

Phân vị chuẩn thứ 5

kN

Độ bền trượt, fs

Phân vị chuẩn thứ 5

kN

Độ bền nén vuông góc với thớ, Nc,90

Giá trị trung bình (phân vị chuẩn thứ 5)a

kN

Độ bền kéo vuông góc với thớ, Tt,90

Phân vị chuẩn thứ 5

kN

Độ cứng vững uốn, El

Giá trị trung bình (phân vị chuẩn thứ 5)a

kN.m2

Độ cứng vững dọc trục, EA

Giá trị trung bình (phân vị chuẩn thứ 5)a

kN

Độ cứng vững trượt, GA

Giá trị trung bình (phân vị chuẩn thứ 5)a

kN

a Cho thấy đối với một số sản phẩm, có thể phải bổ sung giá trị phân vị chuẩn thứ 5 cùng với giá trị dựa trên giá trị trung bình thông thường.

CHÚ THÍCH  Khả năng chịu tải chỉ có thể được tính từ diện tích vùng chịu tải và độ bền chịu tải. Độ bền chịu tải thường bị giới hạn do các thành phần làm bằng gỗ dự định tiếp xúc với vùng chịu tải trục đỡ (xem A.9.3.2).

A.9.3.1  Giải thích về giá trị đặc trưng của độ cứng vững

Như đã nêu trong Bảng A.2, có thể cần phải có một số lượng độ cứng vững khác nhau. Độ cứng vững uốn sẽ khác độ cứng vững dọc trục ghi được. Điều này sẽ đưa ra các thử nghiệm và phân tích khác nhau.

A.9.3.2  Giải thích về giá trị đặc trưng của độ bền chịu tải

Độ bền vuông góc với thớ phải được đánh giá như độ bền chứ không phải là khả năng chịu lực. Khả năng chịu tải là một hàm số của kích cỡ vùng chịu tải trục đỡ và diện tích vùng chịu tải trục đỡ. Khả năng chịu tải có thể được tạo ra ở trạng thái thiết kế riêng lẻ bằng cách nhân độ bền chịu tải fc,90 với diện tích vùng chịu tải.

A.9.3  Giải thích về giá trị đặc trưng khác của khả năng chịu lực đối với độ bền dựa trên giá trị thử nghiệm ứng với phân vị chuẩn thứ 5

Không có giải thích [Xem TCVN 11206-1 (ISO 12122-1)].

A.10  Giải thích về báo cáo

Không có giải thích [Xem TCVN 11206-1 (ISO 12122-1)].

 

Phụ lục B

(tham khảo)

Các mô hình phân tích để xác định các tính chất đặc trưng của sản phẩm gỗ kỹ thuật

B.1  Yêu cầu chung

Trong một số trường hợp, có thể tính các giá trị đặc trưng của sản phẩm gỗ kỹ thuật từ các tính chất đặc trưng của từng chi tiết riêng rẽ cấu thành nên sản phẩm đó. Về mặt thống kê, các mô hình này được xây dựng dựa trên và căn cứ vào sự phân bổ độ bền giữa các chi tiết. Các mô hình này thường được thiết lập dựa trên các nguyên tắc sau.

- Có thể yêu cầu mối nối dán keo phải có độ bền như gỗ trong sản phẩm gỗ kỹ thuật thông qua kiểm soát quy trình sản xuất trong nhà máy. Nếu không, mô hình phải tính đến độ bền mối nối dán keo cùng với độ bền của các thành phần bằng gỗ;

- Các tính chất của sản phẩm gỗ kỹ thuật được tăng cường thông qua việc sắp xếp các thành phần bằng gỗ tại các vị trí khác nhau hoặc theo hướng khác nhau dựa trên nguyên tắc cơ học kỹ thuật.

B.2  Các mô hình

Ở một số nước và một số vùng, người ta đã sử dụng thành công một vài mô hình phân tích trong việc mô hình hóa các tính chất cơ học được chọn của sản phẩm gỗ kỹ thuật. Ví dụ, TCVN 9084-1 (ISO 22389-1) đưa ra một mô hình phân tích để xác định giá trị đặc trưng của khả năng chịu mô men của dầm chữ I tiền chế từ gỗ. Hầu hết các mô hình đều có thể dự đoán các giá trị đặc trưng về tính chất của sản phẩm gỗ kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn này, tuy nhiên, về đặc điểm một số mô hình là ngẫu nhiên và một số mô hình khác là tự xác định.

 

Thư mục tài liệu tham khảo

[1] TCVN 11902 (ISO 12465), Gỗ dán - Yêu cầu kỹ thuật.

[2] TCVN 8329 (ISO 16572), Kết cấu gỗ - Ván gỗ nhân tạo - Phương pháp thử các đặc tính kết cấu.

[3] ISO 16894, Wood-based panel - Oriented strand board (OSB) - Definitions, classification and specifications [Ván gỗ nhân tạo - Ván dăm định hướng (OSB) - Định nghĩa, phân loại và yêu cầu kỹ thuật].

[4] TCVN 9084-1 (ISO 22389-1), Kết cấu gỗ - Độ bền uốn của dầm chữ I - Phần 1: Thử nghiệm, đánh giá và đặc trưng.

[5] TCVN 11683 (ISO 22390), Kết cấu gỗ - Gỗ nhiều lớp (LVL) - Tính chất kết cấu

[6] ISO 22452, Timber structures - structural insulated panel walls - Test methods (Kết cấu gỗ - Tấm ốp tường cách nhiệt dùng cho kết cấu - Phương pháp thử).

 

Mục lục

Lời nói đầu

Lời giới thiệu

1  Phạm vi áp dụng

2  Tài liệu viện dẫn

3  Thuật ngữ và định nghĩa

4  Ký hiệu

5  Tập hợp chuẩn

6  Lấy mẫu

6.1  Phương pháp lấy mẫu

6.2  Cỡ mẫu

7  Ổn định mẫu

8  Dữ liệu thử nghiệm

8.1  Phương pháp thử

8.2  Dữ liệu thử nghiệm tương thích với mô tả sản phẩm

8.3  Các dạng phá hủy

9  Đánh giá các giá trị đặc trưng của các tính chất kết cấu

9.1  Các tính chất kết cấu

9.2  Giá trị đặc trưng của các tính chất vật liệu

9.3  Giá trị đặc trưng của các tính chất thành phần

10  Báo cáo

Phụ lục A (tham khảo) Giải thích

Phụ lục B (tham khảo) Các mô hình phân tích để xác định các tính chất đặc trưng của sản phẩm gỗ kỹ thuật

Thư mục tài liệu tham khảo

Click Tải về để xem toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam nói trên.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

×
Vui lòng đợi