Trang /
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 10041-17:2016 ISO 9073-17:2008 Vật liệu dệt-Phương pháp thử cho vải không dệt-Phần 17: Xác định độ thấm nước (tác động phun sương)
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tiêu chuẩn liên quan
- Lược đồ
- Tải về
Lưu
Theo dõi văn bản
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Báo lỗi
Đang tải dữ liệu...
Đang tải dữ liệu...
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 10041-17:2016
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 10041-17:2016 ISO 9073-17:2008 Vật liệu dệt-Phương pháp thử cho vải không dệt-Phần 17: Xác định độ thấm nước (tác động phun sương)
Số hiệu: | TCVN 10041-17:2016 | Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Lĩnh vực: | Công nghiệp |
Ngày ban hành: | 01/01/2016 | Hiệu lực: | |
Người ký: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 10041-17:2016
ISO 9073-17:2008
VẬT LIỆU DỆT - PHƯƠNG PHÁP THỬ CHO VẢI KHÔNG DỆT - PHẦN 17: XÁC ĐỊNH ĐỘ THẤM NƯỚC (TÁC ĐỘNG PHUN SƯƠNG)
Textiles - Test methods for nonwovens - Part 17: Determination of water penetration (spray impact)
Lời nói đầu
TCVN 10041-17:2016 hoàn toàn tương đương với ISO 9073-17:2008. ISO 9073-17:2008 đã được rà soát và phê duyệt lại vào năm 2011 với bố cục và nội dung không thay đổi.
TCVN 10041-17:2016 do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 38 Vật liệu dệt biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ tiêu chuẩn TCVN 10041 (ISO 9073), Vật liệu dệt - Phương pháp thử cho vải không dệt, gồm các phần sau:
- TCVN 10041-1:2013 (ISO 9073-1:1989), Phần 1: Xác định khối lượng trên đơn vị diện tích;
- TCVN 10041-2:2013 (ISO 9073-2:1995), Phần 2: Xác định độ dày;
- TCVN 10041-3:2013 (ISO 9073-3:1989), Phần 3: Xác định độ bền và độ giãn dài khi kéo;
- TCVN 10041-4:2013 (ISO 9073-4:1997), Phần 4: Xác định độ bền xé
- TCVN 10041-5:2015 (ISO 9073-5:2008), Phần 5: Xác định khả năng chống xuyên thủng cơ học (phương pháp nén thủng bằng bi)
- TCVN 10041-6:2015 (ISO 9073-6:2000), Phần 6: Độ hấp thụ;
- TCVN 10041-7:2015 (ISO 9073-7:1995), Phần 7: Xác định chiều dài uốn;
- TCVN 10041-8:2015 (ISO 9073-8:1995), Phần 8: Xác định thời gian chất lỏng thấm qua (nước tiểu mô phỏng);
- TCVN 10041-9:2015 (ISO 9073-9:2008), Phần 9: Xác định độ rủ bao gồm hệ số rủ;
- TCVN 10041-10:2015 (ISO 9073-10:2003), Phần 10: Sự tạo bụi xơ và các mảnh vụn khác ở trạng thái khô;
- TCVN 10041-11:2015 (ISO 9073-11:2002), Phần 11: Lượng tháo chảy;
- TCVN 10041-12:2015 (ISO 9073-12:2002), Phần 12: Độ thấm hút yêu cầu;
- TCVN 10041-13:2015 (ISO 9073-13:2006), Phần 13: Thời gian chất lỏng thấm qua lặp lại;
- TCVN 10041-14:2015 (ISO 9073-14:2006), Phần 14: Độ thấm ngược của lớp phủ;
- TCVN 10041-15:2016 (ISO 9073-15:2007), Phần 15: Xác định độ thấu khí;
- TCVN 10041-16:2016 (ISO 9073-16:2007), Phần 16: Xác định độ chống thấm nước (áp lực thủy tĩnh);
- TCVN 10041-17:2016 (ISO 9073-17:2008), Phần 17: Xác định độ thấm nước (tác động phun sương);
- TCVN 10041-18:2016 (ISO 9073-18:2007), Phần 18: Xác định độ bền và độ giãn dài khi đứt của vật liệu không dệt bằng phép thử kéo kiểu grab.
VẬT LIỆU DỆT - PHƯƠNG PHÁP THỬ CHO VẢI KHÔNG DỆT - PHẦN 17: XÁC ĐỊNH ĐỘ THẤM NƯỚC (TÁC ĐỘNG PHUN SƯƠNG)
Textiles - Test methods for nonwovens - Part 17: Determination of water penetration (spray impact)
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp đo độ chống thấm nước của vải do va chạm.
Phép thử độ thấm nước (tác động phun sương) có thể áp dụng cho vải có độ cản nước hoặc không thấm nước.
Các kết quả nhận được từ phương pháp thử này phụ thuộc vào độ không thấm nước của các xơ hoặc phương pháp xử lý được áp dụng cho vật liệu hoàn thiện, cũng như cấu tạo của vật liệu.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 1748 (ISO 139), Vật liệu dệt - Môi trường chuẩn để điều hòa và thử
TCVN 8243-5 (ISO 3951-5), Qui trình lấy mẫu để kiểm tra định lượng - Phần 5: Phương án lấy mẫu liên tiếp xác định theo giới hạn chất lượng chấp nhận (AQL) để kiểm tra định lượng (đã biết độ lệch chuẩn)
TCVN 10041-6 (ISO 9073-6), Vật liệu dệt - Phương pháp thử cho vải không dệt - Phần 6: Độ hấp thụ
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này áp dụng thuật ngữ và định nghĩa sau:
3.1
Độ cản nước của vật liệu không dệt (water resistance of nonwoven materials)
Vải có đặc tính chống ngấm ướt và chống thấm nước.
4 Nguyên tắc
Phương pháp này đo khả năng cản lại nước thấm qua vải khi va đập và do vậy có thể được dùng để dự đoán sự cản nước mưa xuyên qua vải. Mẫu được sử dụng như một lớp phủ che chắn bảo vệ một tờ giấy thấm được cân từ trước. Sau đó phun một thể tích nước cất hoặc nước khử ion quy định lên mẫu và cân lại giấy thấm. Sự chênh lệch giữa hai khối lượng là số đo lượng nước đi qua lớp chắn. Sự chênh lệch càng lớn thì càng nhiều nước đi qua, tức là vải càng ít kháng nước, do đó con số càng cao chỉ ra khả năng kháng nước càng thấp.
Xem Phụ lục A để có thông tin chung về độ tái lập.
5 Vật liệu và thuốc thử
5.1 Giấy thấm1) để thấm sương do va chạm, 150 mm x 225mm, đáp ứng các thông số sau:
a) Không có biến dạng nhìn thấy trên giấy do bị ướt trong khi thử;
b) Có tốc độ thấm nhỏ hơn hoặc bằng 5 s [xem TCVN 10041-6 (ISO 9073-6)];
c) Có khả năng hấp thụ tối thiểu là 480 % [xem TCVN 10041-6 (ISO 9073-6)];
d) Cho thấy sự thấm nước đều;
e) Có thể truy nguyên theo lô sản xuất;
f) Có khối lượng riêng của tờ giấy (0,24 ± 0,05) g/cm3;
g) Có khối lượng cơ bản (124 ± 6) g/m2;
h) Có độ dày tờ giấy từ 0,500 mm đến 0,560 mm ở áp lực nén 10 kPa
5.2 Nước, được chưng cất, ờ nhiệt độ (27 ± 1) °C.
5.3 Cân, cân phòng thí nghiệm có khả năng cân mẫu thử chính xác đến 0,01 g.
5.4 Đồng hồ bấm giây
5.5 Màng ngăn, kích thước 100 mm x 100 mm được cắt từ tấm nhựa polymetyl metacrylate dày 6 mm hoặc vật liệu trơ tương đương, được đặt trong phễu để loại bỏ sự xoáy chất lỏng.
5.6 Bộ phận hứng giọt nước, ví dụ: giấy thấm chuẩn hoặc vật liệu thấm hút bất kỳ để hứng các giọt nước lớn cuối cùng và giữ chúng không rơi vào mẫu thử.
6 Thiết bị, dụng cụ
6.1 Thiết bị thử thấm do va chạm (dụng cụ thử thấm do va chạm), như thể hiện trên Hình 1 (đầu phun) và Hình 2 (bộ phận hoàn chỉnh không có kẹp).
6.2 Kẹp để kẹp ngang qua chiều rộng của mẫu thử và có thể thay đổi để tạo được tổng khối lượng là 454 g.
7 Cách tiến hành
7.1 Lấy các mẫu thử theo TCVN 8243-5 (ISO 3951-5).
7.2 Đưa các mẫu thử và giấy thấm từ môi trường thông thường sang môi trường có độ ẩm cân bằng để thử trong môi trường chuẩn, theo quy định trong TCVN 1748 (ISO 139). Phơi tất cả các mặt của tờ giấy thấm trong không khí (phơi trên dây treo quần áo được cho là thỏa mãn). Quan sát cẩn thận trong khi xử lý sao cho các mẫu thử không tiếp xúc với bất kỳ tạp chất nào, như là xà phòng, muối, dầu v.v..., điều này có thể tạo thuận lợi hoặc gây cản trở đến sự thấm nước.
7.3 Cắt các mẫu thử có kích thước 175 mm x 325 mm, với chiều dài theo hướng máy.
CHÚ THÍCH Độ chính xác của qui trình này phụ thuộc rất nhiều vào sự cẩn thận khi hiệu chuẩn thiết bị.
7.4 Cân một tờ giấy thấm 150 mm x 225 mm, chính xác đến 0,01 g và ghi là khối lượng ban đầu (m1)
7.5 Kẹp một đầu của mẫu thử bằng kẹp lò xo 150 mm ở trên đỉnh của giá nằm nghiêng.
7.6 Kẹp thêm một kẹp thứ hai 150 mm, có thể thay đổi để tạo được khối lượng tổng là 454 g, vào đầu còn lại của mẫu thử vải.
7.7 Đặt tờ giấy thấm đã cân từ trước xuống phía dưới miếng vải đã kẹp như thể hiện trong Hình 2.
7.8 Rót 500 ml nước cất, ở nhiệt độ (27 ± 1) °C, vào phễu của thiết bị thử và cho phun vào mẫu thử.
7.9 Trong khoảng thời gian hoàn thành phun sương, và ở thời gian đúng (2 s sau khi dừng dòng chảy liên tục), đặt giấy thấm “bộ phận hứng giọt nước” để ngăn lượng nước còn lại không rơi xuống diện tích thử.
7.10 Cẩn thận nhấc mẫu thử lên và lấy tờ giấy thấm phía dưới mẫu thử ra.
7.11 Để không làm thất thoát lượng nước bay hơi, ngay lập tức cân giấy thấm, chính xác đến 0,01 g (m2).
8 Tính toán
Ghi lại sự tăng khối lượng từ m1 lên m2 của các tờ giấy thấm được tính bằng gam, giá trị riêng rẽ, giá trị trung bình và giá trị độ lệch chuẩn đối với từng mẫu thử.
9 Báo cáo thử nghiệm
Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm các thông tin sau:
a) Viện dẫn tiêu chuẩn này;
b) Loại hoặc ký hiệu của vật liệu được thử;
c) Số lượng các mẫu thử được thử;
d) Các điều kiện thử;
e) Giá trị từng lượng nước va đập do phun sương, tính bằng gam, chính xác đến 0,01 g;
f) Giá trị trung bình và độ lệch chuẩn của lượng nước va đập do phun sương, tính bằng gam;
g) Bất kỳ sai khác nào so với quy trình chuẩn.
Kích thước tính bằng milimét
CHÚ DẪN | |
1 | 25 lỗ, 61 lỗ khoan |
2 | Đồng thau |
3 | Đồng thiếc |
Hình 1 - Đầu phun sương hoặc vòi phun sương đối với thiết bị thử thấm do va chạm
Kích thước tính bằng milimét
CHÚ DẪN |
|
1 Phễu | 7 Kẹp |
2 Vòng đỡ | 8 Bộ phận hứng giọt nước |
3 Ống nối | 9 Giá thử nghiệm |
4 Tổ hợp trượt | 10 Kẹp lò xo |
5 Van | 11 Mẫu thử và giấy thấm trên bảng kẹp |
6 Đầu phun | 12 Màng ngăn |
Hình 2 - Thiết bị thử thấm do va chạm
Phụ lục A
(Tham khảo)
Thông tin chung về độ tái lập
Nghiên cứu liên phòng thử nghiệm này dựa trên việc sử dụng sáu phòng thử nghiệm, 30 mẫu thử của một vật liệu và hai loại giấy thấm. Hai tờ giấy thấm là loại A, giấy thấm đã đáp ứng tất cả các thông số của qui trình thử, và giấy thấm loại B được cung cấp là “thông thường” nhưng không đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào của qui trình thử. Giấy thấm B dày hơn, dễ thay đổi hơn, có tốc độ thấm hút chậm và bị biến dạng nhiều khi ướt. Bảng A.1 minh họa số liệu của sáu phòng thử nghiệm và cách để so sánh hai tờ giấy thấm với nhau. Tất cả các quan sát được thực hiện bởi những kỹ thuật viên được đào tốt có sử dụng các mẫu thử được thử ngẫu nhiên từ một lô vật liệu có yêu cầu kỹ thuật của vật liệu chuẩn (SMS). Qui trình này yêu cầu sử dụng một tờ giấy thẩm có các tiêu chuẩn kiểm soát rất chặt chẽ, theo quy định trong 5.1.
Bảng A.1 - Sự so sánh giữa hai tờ giấy thấm
| Mẫu giấy thấm A | Mẫu giấy thấm B |
Số lượng phòng thử nghiệm tham gia | 6 | 6 |
Số lượng các phòng thử nghiệm không bị loại | 6 | 6 |
Số lượng các giá trị đơn lẻ ở từng phòng thử nghiệm không bị loại | 30 | 30 |
Giá trị trung bình quan trọng | 0,522 | 4,319 |
Độ lệch chuẩn lặp lại, sr | 0,607 | 2,592 |
Độ lệch chuẩn tái lập, sR | 0,607 | 2,726 |
Một tập hợp của vật liệu SMS được sử dụng cho tất cả các phép thử.
Giấy thấm có tốc độ thấm hút thấp và khối lượng riêng cao sẽ bị biến dạng và cho ra các kết quả không tin cậy.
MỤC LỤC
Lời nói đầu
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Thuật ngữ và định nghĩa
4 Nguyên tắc
5 Vật liệu và thuốc thử
6 Thiết bị, dụng cụ
7 Cách tiến hành
8 Tính toán
9 Báo cáo thử nghiệm
Phụ lục A (tham khảo) Thông tin chung về độ tái lập
1) Giấy này có thể mua từ Hollingsworth and Vose, Cheltenham, Anh. Thông tin này đưa ra nhằm tạo thuận lợi cho người sử dụng tiêu chuẩn chứ không phải là chỉ định của ISO. Có thể sử dụng các sản phẩm tương tự nếu cho ra kết quả tương tự.
Click Tải về để xem toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam nói trên.