Tiêu chuẩn TCVN 9071:2011 Che chắn bảo vệ quạt công nghiệp

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiêu chuẩn liên quan
  • Lược đồ
  • Tải về
Mục lục Đặt mua toàn văn TCVN
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9071:2011

Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9071:2011 ISO 12499:1999 Quạt công nghiệp-An toàn cơ khí của quạt-Che chắn bảo vệ
Số hiệu:TCVN 9071:2011Loại văn bản:Tiêu chuẩn Việt Nam
Cơ quan ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệLĩnh vực: Công nghiệp
Năm ban hành:2011Hiệu lực:
Người ký:Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 9071:2011

ISO 12499:1999

QUẠT CÔNG NGHIỆP – AN TOÀN CƠ KHÍ CỦA QUẠT – CHE CHẮN BẢO VỆ

Industrial fans – Mechanical safety of fans - Guarding

Lời nói đầu

TCVN 9071 : 2011 hoàn toàn tương đương với ISO 12499 : 1999; TCVN 9071 : 2011 do Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN/TC 117 Quạt Công nghiệp biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

QUẠT CÔNG NGHIỆP – AN TOÀN CƠ KHÍ CỦA QUẠT – CHE CHẮN BẢO VỆ

Industrial fans – Mechanical safety of fans - Guarding

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định yêu cầu của che chắn cơ khí dùng cho các quạt công nghiệp.

Tiêu chuẩn này quy định các trường hợp phải thực hiện các biện pháp an toàn và cung cấp thông tin về cách giảm hoặc loại trừ các mối nguy hiểm cùng với hướng dẫn về kỹ thuật an toàn và thông tin cho sử dụng.

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất (bao gồm cả các sửa đổi).

TCVN 6720:2001 (ISO 13852:1996), Safety of machinery – Safety distances to prevent danger zones being reaches by the upper limbs (An toàn máy – Khoảng cách an toàn để ngăn ngừa các chi trên vươn tới các vùng nguy hiểm);

TCVN 9073:2011 (ISO 13349:2010), Quạt công nghiệp – Từ vựng và định nghĩa các loại quạt;

ISO 3864:1984 [1], Safety of machinery – General requirements for the design and construction of guards (fixed, movable) (An toàn máy – yêu cầu chung cho thiết kế và cấu tạo các che chắn (cố định, di động).

3. Thuật ngữ và định nghĩa

Tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa trong TCVN 9073:2011 (ISO 13349) và các thuật ngữ, định nghĩa sau:

3.1. Quạt công nghiệp (industrial fan)

Bất cứ loại quạt nào được sử dụng cho mục đích công nghiệp bao gồm cả quạt thông gió cho các tòa nhà và hầm mỏ nhưng trừ quạt trần, quạt cây và các kiểu quạt tương tự như các quạt sử dụng thông thường cho các mục đích phi công nghiệp.

3.2. Hoạt động bình thường (normal operation)

Hoạt động khi bộ cánh quạt quay và quạt hoàn thành chức năng được thiết kế cho di chuyển không khí.

3.3. Hoạt động phụ trợ (ancillary operation)

Hoạt động khi bộ cánh quạt đứng yên và ngắt điện cung cấp cho quạt để cho phép tiến hành các công việc như bảo dưỡng, làm sạch điều chỉnh hoặc sửa chữa hỏng hóc.

3.4. Quạt bằng sức gió (windmilling)

Chuyển động quay của bộ cánh quạt được tạo ra bởi dòng không khí chuyển động ngang qua bộ cánh quạt.

3.5. Mối nguy hiểm (hazard)

Nguồn có thể gây thương tích hoặc tổn hại đến sức khỏe

3.6. Tình trạng nguy hiểm (hazard situation)

Bất cứ tình trạng nào trong đó con người bị phơi ra trước nguy hiểm hoặc các mối nguy hiểm.

3.7. Thương tích cá nhân (personal injury)

Thiệt hại do con người gây ra hoặc phải gánh chịu do kết quả của mối nguy hiểm cơ khí.

3.8. Rủi ro (risk)

Tổ hợp của xác suất và mức độ của thương tích hoặc tổn hại đến sức khỏe có thể xảy ra trong một tình trạng nguy hiểm.

3.9. Vùng nguy hiểm (danger zone)

Điểm nguy hiểm (danger point)

Bất cứ vùng hoặc điểm nào trên quạt hoặc gần quạt ở đó con người bị phơi ra trước rủi ro gây thương tích hoặc tổn hại đến sức khỏe.

3.10. Che chắn (bảo vệ) (guard, guarding)

Phương tiện cơ khí nhờ đó có thể giảm tới mức tối thiểu hoặc tránh được các mối nguy hiểm cơ học gắn với các quạt công nghiệp.

3.10.1. che chắn cố định (fixed guard)

Che chắn cố định tại vị trí bằng các phương tiện kẹp chặt và không thể tháo ra được nếu không dùng các dụng cụ.

3.10.2. Che chắn cố định từ xa (fixed distance guard)

Che chắn cố định không vây quanh hoàn toàn một vùng nguy hiểm nhưng ngăn ngừa hoặc giảm sự tiếp cận do các kích thước của bản thân che chắn và khoảng cách từ che chắn tới vùng nguy hiểm.

3.11. Bảo vệ an toàn (safe guarding)

Các biện pháp an toàn gồm có sử dụng các phương tiện kỹ thuật riêng được gọi là che chắn (che chắn, các bộ phận bảo vệ) để bảo vệ người tránh các mối nguy hiểm không thể loại bỏ được một cách hợp lý hoặc được hạn chế đủ mức bằng thiết kế.

3.12. Rủi ro còn dư (residual risk)

Rủi ro còn lại sau khi đã thực hiện các biện pháp an toàn quy định trong quá trình thiết kế hoặc bằng ứng dụng bảo vệ an toàn.

3.13. Kỹ thuật làm việc an toàn (safe working practice)

Hệ thống làm việc giảm hoặc loại trừ được rủi ro gây thương tích.

3.14. Thông tin sử dụng (information for use)

Các biện pháp an toàn gồm có các liên kết truyền thông như văn bản, các từ, các dấu, các tín hiệu, các ký hiệu hoặc biểu đồ được sử dụng tách biệt hoặc kết hợp để chuyển tải truyền thông tin cho người sử dụng.

CHÚ THÍCH: thông tin cho sử dụng được hướng dẫn cho người sử dụng chuyên nghiệp và/hoặc không chuyên nghiệp.

3.15. Khoá liên động có hẹn giờ và chìa khóa gắn liền (captive key interlock with timer)

Tổ hợp của một công tắc với bộ đo thời gian và một khóa được kẹp chặt vào một bộ phận cố định của máy có chìa khóa làm việc được giữ chặt trong cửa vào.

CHÚ THÍCH: trình tự thao tác như sau:

- quay tay cầm để ngắt mạch;

- sau một thời gian trễ, quay thêm để mở cửa vào, và

- mở cửa (chìa khóa tách ra khỏi khóa)

Một ví dụ điển hình được giới thiệu trên Hình 1.

CHÚ DẪN

1 khóa có công tắc;

2 Công tắc;

3 Khóa;

4 Tay cầm gắn liền với chìa khóa.

CHÚ THÍCH Khóa liên động có chìa khóa gắn liền bảo đảm rằng phần tử ngắt mạch sẽ được mở trước khi che chắn có thể được mở. Khóa liên động này có thể được sử dụng khi che chắn có thể được tháo ra hoàn toàn. Nó thích hợp với che chắn có lắp bản lề và có thể tháo ra được hoàn toàn hơn là các che chắn trượt. Nó có thể được kết hợp với một thiết bị trễ thời gian.

Hình 1 – Nguyên lý của khóa liên động có chìa khóa gắn liền

4. Các mối nguy hiểm từ quạt

Con người có thể bị thương tích bởi quạt do:

a) bị kẹt giữa các bộ phận di động và đứng yên, ví dụ bộ cánh quạt và vỏ hoặc bộ phận cố định khác của quạt;

b) bị kẹt giữa hai bộ phận di động, ví dụ đai truyền và bánh đai;

c) bị hút vào cửa vào của quạt bởi di chuyển của không khí, dẫn đến tiếp xúc với trục quay hoặc bộ cánh quạt quay;

d) tiếp xúc với một bộ phận chuyển động, ví dụ như bộ cánh quạt;

e) đồ vật bị hút vào cửa vào của quạt và phóng ra với tốc độ cao ở cửa xả hoặc cửa vào của quạt;

f) hư hỏng kết cấu của các bộ phận, chi tiết của quạt;

g) tiếp xúc với các bề mặt có nhiệt độ cực hạn của quạt (nghĩa là thấp hơn – 20°C hoặc lớn hơn +50°C);

h) sự phát ra tiếng ồn gây ra bởi các che chắn;

i) ngay cả khi quạt đã được ngắt mạch, các chi tiết quay vẫn có thể quay do gió tự nhiên được dẫn động qua quạt hoặc gió từ quạt trong các bộ phận khác của hệ thống ống dẫn được nối với quạt; tình trạng này có thể gây ra thương tích do tiếp xúc với bộ phận chuyển động như một bộ phận cánh quạt;

j) mở trái phép các cửa vào được trang bị quạt hoặc nối với các đường ống dẫn, nếu trường hợp này xảy ra trong khi quạt đang vận hành thì có thể gây ra thương tích do bị hút vào cửa vào của quạt bởi di chuyển của không khí dẫn đến tiếp xúc với trục hoặc bộ cánh quạt đang quay hoặc tiếp xúc với một bộ phận chuyển động như một bộ cánh quạt.

CHÚ THÍCH Hình 2 minh họa các mối nguy hiểm cơ khí điển hình có liên quan đến các mục a) đến d).

Hình 2 – Các mối nguy hiểm cơ khí điển hình từ quạt.

5. Đánh giá rủi ro

Đánh giá định tính rủi ro gây thương tích từ quạt chỉ ra rằng nếu không có các biện pháp bảo vệ an toàn được thực hiện thì rủi ro này có thể là rất đáng kể và không thể chấp nhận được.

Tùy theo công suất của quạt và mối nguy hiểm có liên quan, thương tích có thể là nghiêm trọng hoặc thậm chí gây chết người.

Các mối nguy hiểm trong các điều 4a) đến f) được đánh giá là các mối nguy hiểm có tiềm năng gây thương tích lớn nhất.

Kết luận được đưa ra là phải thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn để giảm rủi ro tới mức tối thiểu.

Khi có rủi ro còn dư phải tuân theo “kỹ thuật làm việc an toàn” và phải đặc biệt chú ý tới các khía cạnh an toàn của “thông tin cho sử dụng”.

6. Giảm rủi ro

Các nguyên tắc cơ bản để giảm rủi ro gây thương tích có thể áp dụng được cho quạt là:

a) nhận biết hoặc hiểu biết các mối nguy hiểm. (khi mối nguy hiểm không nhìn thấy được hoặc là hiển nhiên, như ở các cửa vào thì phải gắn cố định một dấu hiệu cảnh báo thích hợp phù hợp với ISO 3864 vào cửa, ở vị trí nhìn thấy được rõ ràng),

b) loại bỏ hoặc tránh các mối nguy hiểm, bao gồm cả các biện pháp để giảm tỷ lệ thương tích có thể xẩy ra;

c) Sử dụng các che chắn bảo vệ thân thể,

d) sử dụng “kỹ thuật làm việc an toàn”,

e) nhấn mạnh các khía cạnh an toàn của “thông tin cho sử dụng”.

Một phương pháp khác để loại bỏ hoặc giảm rủi ro gây ra bởi quạt là sử dụng các khoảng cách an toàn ngăn ngừa không cho các chi trên vươn tới các vùng nguy hiểm như đã được chi tiết hoặc trong ISO 13852.

Nhà sản xuất quạt luôn không thể đảm bảo chắc chắn được rằng quạt sẽ đảm bảo được yêu cầu về an toàn ở vị trí lắp đặt của nó. Ở nơi có thể hoặc người sử dụng quạt phải trang bị các che chắn. Điều này có nghĩa là các che chắn bảo vệ phải được lắp đặt phù hợp với các yêu cầu của 7.1.

Sự cần thiết phải tiếp cận quạt nhằm mục đích kiểm tra hoặc làm sạch khiến cho không thể loại trừ được che chắn hoặc bao che kiểm tra có thể tháo ra được. Vì thế các bộ phận này chỉ được tháo ra bởi những người có khả năng như đã quy định trong 7.3.3.

Một số biện pháp an toàn có độ tin cậy cao hơn so với các biện pháp khác. Thứ tự ưu tiên được xác định bởi độ tin cậy và do đó các che chắn phải được xem xét và áp dụng trước khi áp dụng kỹ thuật làm việc an toàn.

7. Các kiểu che chắn bảo vệ

7.1. Che chắn cố định (xem các hình 3 và hình 4)

Các quạt được thiết kế để sử dụng với bốn sơ đồ nối ống khác nhau. Đó là:

a) không có nối ống ở cửa vào và cửa ra,

b) không có nối ống ở cửa vào, có nối ống ở cửa ra,

c) có nối ống ở cửa vào, không có nối ống ở cửa ra,

d) có nối ống ở cửa vào và cửa ra.

Hình 3 – Che chắn dùng cho quạt hướng trục và quạt động cơ.

CHÚ DẪN

1 Đĩa làm mát

2 Trục

3 Che chắn kết hợp bảo vệ trục, ổ trục và đĩa làm mát

4 Che chăn khớp trục

5 Che chắn trục và ổ trục

6 Truyền động được bao che hoàn toàn

7 Bảo vệ trục để hở

Hình 4 – Che chắn điển hình dùng cho quạt ly tâm

Các che chắn được lắp với quạt phải phù hợp với mối nối ống dẫn như sau:

a) các che chắn được lắp trên phía cửa vào và cửa ra trừ khi một phía không thể tiếp cận được do sự lắp đặt thiết bị quạt (ví dụ, quạt được lắp với bộ phận làm mát không thể tiếp cận được ở phía ống xoắn);

b) che chắn chỉ được lắp ở cửa ra;

c) không lắp che chắn.

Người sử dụng và lắp đặt phải được bảo đảm hệ thống ống dẫn được trang bị các che chắn theo các mối nối đường ống như sau:

a)không có che chắn;

b) che chắn được lắp ở đầu ra của hệ thống;

c) che chắn được lắp ở đầu vào của hệ thống;

d) các che chắn được lắp ở đầu vào và đầu ra của hệ thống ống.

không bắt buộc phải có các che chắn ở đầu mút của các hệ thống ống nếu kích thước lớn nhất của mặt cắt ngang không vượt quá 400 mm và mối nguy hiểm cách cửa hoặc lối vào của hệ thống lớn hơn 1000 mm được ngăn ngừa bởi phụ tùng đường ống như bộ giảm chấn hoặc của chớp.

Kết cấu của che chắn phải ngăn ngừa sự tiếp cận các bộ phận nguy hiểm của quạt và thiết bị kết hợp. Che chắn phải có kết cấu bền vững chắc, đủ để chịu được các ứng suất phát sinh do sự vận hành của quạt và các điều kiện môi trường xung quanh. Che chắn phải được cố định một cách chắc chắn ở vị trí bằng các chi tiết kẹp chặt không thể bị tháo lỏng bởi rung.

7.2. Che chắn cố định từ xa

Che chắn từ xa phải được thiết kế và cấu tạo có liên quan đến mối nguy hiểm với mục tiêu là ngăn ngừa bất cứ bộ phận nào của thân thể vươn tới điểm hoặc vùng nguy hiểm. Nó phải có dạng thành chắn hoặc hàng rào cố định được thiết kế để ngăn ngừa sự tiếp cận điểm hoặc vùng nguy hiểm. Sự sử dụng và các giá trị đối với các khoảng cách an toàn được cho trong ISO 13852:1996 (Đặt biệt là xem ở bảng 2).

7.3. Tháo các che chắn

Thông thường các che chắn cố định phải được tháo ra để có lối vào bên trong quạt để kiểm tra và làm sạch. Người sử dụng và người lắp đặt phải hiểu rõ và tuân theo quy tắc sau:

a) Không được mở hoặc tháo che chắn trong khi quạt đang được cấp điện;

b) công tắc ngắt mạch khóa được hoặc cầu dao điện phải được lắp đặt trong vùng lân cận của quạt;

c) chỉ được sử dụng các cá nhân đã được huấn luyện đầy đủ về các mối nguy hiểm và rủi ro gắn liền với lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng quạt.

8. Kết cấu của che chắn

8.1. Lựa chọn vật liệu

Khi lựa chọn vật liệu cho kết cấu che chắn phải quan tâm đến khối lượng và kích thước, nhu cầu tháo ra và thay thế trong các hoạt động phụ trợ. Các che chắn phải tuân theo các yêu cầu của ISO 14120.

Một cách tương tự, phải chú ý đến các điều kiện về môi trường đặt biệt là các điều kiện liên quan đến ăn mòn. Phải sử dụng các vật liệu chịu ăn mòn hoặc các lớp phủ bề mặt chịu ăn mòn ở những nơi thích hợp, để đảm bảo rằng che chắn có tuổi thọ như tuổi thọ của quạt.

Bất cứ che chắn nào được lựa chọn thì bản thân nó không được có biểu hiện của mối nguy hiểm như các điểm gây ra kẹt hoặc cắt, các mảnh vỡ ra, các chỗ xù xì hoặc cạnh sắc hoặc được làm từ vật liệu có thể vỡ ra, ví dụ do ảnh hưởng của sự phơi ra trước tia cực tím. Ngoài ra bản thân che chắn không được phát sinh tiếng ồn không cần thiết do rung hoặc độ cứng vững không đủ của kết cấu gây ra tiếng rít.

8.2. Vật liệu tấm

Các che chắn hoặc các khu vực của che chắn được làm bằng vật liệu trong suốt như thủy tinh không vỡ vụn hoặc chất dẻo cứng phải được quan tâm sử dụng vì có lợi là có thể nhìn thấy các bộ phận đang làm việc.

CHÚ THÍCH: Vật liệu tấm có lợi về mặt độ bền và độ cứng và đặt biệt thích hợp cho bảo vệ hệ thống truyền động ở đó ít khi cần phải điều chỉnh.

8.3. Vật liệu được đục lỗ hoặc dạng lưới

Vật liệu có đục lỗ được sử dụng để chế tạo các che chắn phải là kim loại được đục lỗ, lưới dệt, dây kim loại hàn, lưới kim loại hoặc tương tự cỡ lưới và khoảng cách từ che chắn tới điểm hoặc vùng nguy hiểm phải đủ để ngăn ngừa sự tiếp xúc và phải phù hợp với các yêu cầu của ISO 13852:1996 (đặt biệt là xem bảng 4).

Khi có trang bị các chi tiết tháo được của che chắn, ví dụ để kiểm tra sức căng của đai truyền thì các chi tiết này phải được thiết kế và duy trì phù hợp với các quy tắc được cho trong tiêu chuẩn này. Nếu có nhu cầu phải đo các thông số vận hành của quạt, như là tốc độ, nhiệt độ của ổ trục hoặc rung bằng dụng cụ đo xách tay thì phải trang bị các phương tiện thích hợp để cho phép các che chắn bảo vệ vẫn giữ nguyên vị trí.

8.4. Giá đỡ che chắn

Các che chắn tháo được phải được kẹp chặt vào các giá đỡ độc lập hoặc bộ phận của bản thân quạt sao cho chúng có thể được tháo ra hoặc thay thế mà không ảnh hưởng đến kết cấu của quạt. Số lượng, khoảng cách giữa các giá đỡ và độ cứng vững của các giá đỡ phải đủ để đảm bảo tính ổn định của che chắn.

8.5. Tiếp cận các ổ trục

Các che chắn bảo vệ trục, với điều kiện là chúng ngăn ngừa sự tiếp xúc của thân thể với các bộ phận đang quay, không cần thiết phải kéo dài qua thân ổ trục. Yêu cầu này sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho đo nhiệt độ của ổ trục và rung, và có thể đơn giản hóa cho việc bôi trơn.

8.6. Sự cấp điện

Khi bộ cánh quạt của quạt được lắp trực tiếp trên trục động cơ và cần có một che chắn cố định trên phía động cơ của quạt thì việc đặt cáp cấp điện sẽ gặp phải các khó khăn. Điều mong muốn là kết cấu tích hợp của quạt và che chắn phải bảo đảm sao cho che chắn có thể được tháo ra an toàn cho các hoạt động phụ trợ mà không phải phá hủy các mối nối cấp điện. Nếu không thể thực hiện được yêu cầu này thì phải có các phương án bố trí khác sao cho đường đặt cáp cấp điện không đi qua lưới che chắn.

9. Thiết kế che chắn cố định và che chắn cố định từ xa

9.1. Che chắn cho các bộ phận quay

Các che chắn cho các bộ cánh quạt quay, các trục, bánh đai, đai truyền, các trục chính và khớp trục phải có kết cấu tránh được sự tiếp xúc bất ngờ giữa che chắn và các bộ phận quay. Khi lựa chọn vật liệu tấm, phải chú ý cho phép làm mát thích hợp các bộ phận truyền động và ở phía có áp lực của quạt phải có sự bít kín thích hợp để ngăn ngừa rò rỉ. Các chi tiết dạng lưới và các cửa hoặc lối vào các bộ phận quay phải phù hợp với các yêu cầu của ISO 13852:1996 (đặt biệt là xem bảng 4).

9.2. Sức cản dòng không khí và sự phát sinh tiếng ồn

Phải quan tâm đến sức cản dòng không khí của các che chắn được lắp đặt trong dòng không khí. Sức cản có thể được giảm tới mức tối thiểu bằng cách sử dụng các dây thép tròn trong kết cấu và đặt che chắn càng cách xa mối nguy hiểm càng tốt để giảm tới mức tối thiểu cỡ lưới. Nếu các biện pháp này được thực hiện, tiếng ồn phát sinh từ che chắn cũng sẽ được giảm tới mức tối thiểu.

9.3. Che chắn cố định từ xa

Kết cấu của che chắn cố định từ xa phải đủ cứng vững để chịu được một người dựa vào mà không bị biến dạng quá mức hoặc để cho người vươn tới điểm hoặc vùng nguy hiểm. Nếu một thành chắn đặc có thể làm biến dạng hoặc cản trở dòng không khí đi vào quạt, như trong một phòng thiết bị lớn, thì phải sử dụng kết cấu lưới.

10. Tiếng ồn

Tiếng ồn phát sinh bởi bản thân che chắn và dòng không khí đi qua che chắn phải được giảm tới mức tối thiểu bằng cách thực hiện các biện pháp được mô tả trong 8.1 và 9.2.

11. Quạt được bao bọc trong thiết bị

11.1. Quy định chung

Các quạt có thể được chứa trong máy như các thiết bị ngưng tụ, thiết bị thu gom lại, các tháp làm lạnh, các thiết bị bổ sung không khí v.v… Trong các điều kiện hoạt động bình thường, thiết bị này được bao bọc một cách thực sự bên trong một thành chắn. Như vậy các điểm/vùng nguy hiểm không thể tiếp cận được. Tuy nhiên, các đoạn có lắp quạt và bất cứ khoảng thông gió trần nào liền kề ở phía sau đôi khi được  trang bị các cửa vào để cho phép thực hiện các hoạt động yêu cầu. Do đó cần thiết phải bảo đảm rằng kỹ thuật làm việc an toàn được áp dụng trong các hoạt động này (xem 12.2).

Nếu cần có lối đi vào khoang thông gió trần, trong khi quạt đang vận hành ví dụ như để hỗ trợ cho việc đưa vào vận hành hoặc giám sát tình trạng thì phải lắp đặt các che chắn cố định để ngăn ngừa sự tiếp xúc với các bộ phận truyền động, các đầu trục để lộ ra và bộ cánh quạt. Trong trường hợp quạt có hai cửa vào, cả hai cửa vào phải được bảo vệ. Điều quan trọng là phải lắp các che chắn cho cửa vào, ngay cả trên các quạt dẫn động trực tiếp để loại bỏ mối nguy hiểm cuốn theo vào quạt.

Nếu không yêu cầu phải tiếp cận trong khi quạt đang vận hành, mặc dù vẫn còn có thể yêu cầu thì không cần phải lắp các che chắn cố định với điều kiện là chỉ có thể tiếp cận được bằng sử dụng chìa khóa.

CHÚ THÍCH: Khóa liên động có hẹn giờ và chìa khóa gắn liền được ưu tiên sử dụng mỗi khi cần tiếp cận. Bộ đo thời gian (hẹn giờ) cho phép bộ cánh quạt của quạt đứng yên trước khi có thể tiếp cận được.

Các khoang thông gió trần trên đường xả của quạ đôi khi được lắp các cửa vào. Sự mở trái phép các cửa này có thể gây nguy hiểm vì cửa ở trên phía có áp lực của quạt và nếu được mở có thể bị thổi văng ra gây thương tích. Do đó các cửa vào trên các buồng xả của quạt nên có cảnh báo thích hợp phù hợp với ISO 3864, nói rằng không được mở khi không cắt điện cung cấp và cho phép bộ cánh quạt dừng lại.

11.2. Cắt điện cung cấp cho quạt

Liên quan đến khoang thông gió trần của quạt, áp dụng các quy tắc tương tự cho cắt điện cung cấp cho quạt như đã cho trong 12.2. Ngoài ra, cảnh báo tương tự như đã mô tả trong 11.1 phải được dán vào cửa vào.

12. Kỹ thuật làm việc an toàn

12.1. Quy định chung

Nên luôn luôn sử dụng các che chắn cố định như là phương pháp giảm rủi ro đáng tin cậy nhất. Tuy nhiên, rủi ro còn dư gây ra thương tích luôn tồn tại, đặt biệt là trong các hoạt động phụ trợ và nên chấp nhận quy trình kỹ thuật làm việc an toàn để giảm tới mức tối thiểu rủi ro còn dư này.

12.2. Kỹ thuật làm việc an toàn

Phải tuân theo một cách nghiêm ngặt các hướng dẫn của nhà sản xuất về lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng một cách an toàn đối với thiết bị. Phải có sự lưu ý riêng đối với việc bảo dưỡng đúng các che chắn, đặt biệt là khi các che chắn phải được tháo ra để thực hiện các hoạt động phụ trợ và sau đó được lắp lại.

Nếu các che chắn phải được tháo ra để thực hiện các hoạt động phụ trợ thì phải trang bị phương tiện cắt điện cung cấp có hiệu quả. Trong các trường hợp này, cầu dao cắt điện phải được đặt gần với quạt sao cho nhân viên bảo dưỡng có thể điều khiển trực tiếp sự cấp điện cho quạt.

13. Thông tin cho sử dụng

13.1. Hướng dẫn lắp đặt và bảo dưỡng an toàn

Thông thường hướng dẫn về lắp đặt bảo dưỡng và an toàn chỉ là tài liệu đưa ra các hướng dẫn về sử dụng mà người sử dụng phải có. Do đó, ngoài các thông tin liên quan đến quạt, sách hướng dẫn sử dụng phải cung cấp thông tin về lắp đặt và sử dụng an toàn các che chắn bảo vệ và bất cứ quy trình nào cần thiết để bảo đảm an toàn cho các hoạt động phụ trợ.

13.2. Dấu hiệu an toàn

Các ký hiệu an toàn cảnh báo người sử dụng về mối nguy hiểm có tiềm năng về cơ hoặc điện phải được ghi trên quạt ở vị trí có thể nhìn thấy rõ ràng. Các ký hiệu và màu sắc được sử dụng trên các dấu hiệu phải tuân theo ISO 3864 và phải sử dụng các sơ đồ hình vẽ minh họa đã được thừa nhận trên phạm vi quốc tế khi có thể.

Khi không có thể sử dụng các sơ đồ hình vẽ minh họa thì bất cứ văn bản nào trên dấu hiệu phải theo ngôn ngữ của quốc gia sử dụng.

Để đáp ứng trường hợp thử nghiệm đó sách hướng dẫn sử dụng không đến tay người lắp đặt hoặc người sử dụng, nên áp dụng một dấu hiệu thích hợp cho quạt. Dấu  hiệu này phải có dạng một “hướng dẫn bắt buộc” (Xem ISO 3864) có thông báo cho người đọc rằng phải tuân theo các hướng dẫn trong sách hướng dẫn sử dụng và nếu không sẵn có sách hướng dẫn sử dụng thì có thể nhận sách ở nhà sản xuất.

PHỤ LỤC A

(Tham khảo)

THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] TCVN 7383-1:2004 (ISO 12100-1:1992), An toàn máy – Khái niệm cơ bản, nguyên tắc chung cho thiết kế - Phần 1 : Thuật ngữ cơ bản, phương pháp luận.

[2] TCVN 7383-2:2004 (ISO 12100-2:2004), An toàn máy – Khái niệm cơ bản, nguyên tắc chung cho thiết kế - Phần 2: Nguyên tắc kỹ thuật.

[3] EN 414:1992, Safety of machinery – Rules for the drafting and presentation of safety standards (An toàn của máy – Các quy tắc cho dự thảo và trình bày các tiêu chuẩn về an toàn).

MỤC LỤC

Lời nói đầu

1. Phạm vi áp dụng

2. Tài liệu viện dẫn

3. Thuật ngữ và định nghĩa

4. Các mối nguy hiểm từ quạt

5. Đánh giá rủi ro

6. Giảm rủi ro

7. Các kiểu che chắn bảo vệ

8. Kết cấu của che chắn

9. Thiết kế che chắn cố định và che chắn cố định từ xa

10. Tiếng ồn

11. Quạt được bao bọc trong thiết kế

12. Kỹ thuật làm việc an toàn

13. Thông tin sử dụng

Phụ lục A (Tham khảo)

Thư mục tài liệu tham khảo


[1] Sẽ được soát xét từng phần

Click Tải về để xem toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam nói trên.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản mới nhất

loading
×
Vui lòng đợi