Trang /
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 4955:2007 Yêu cầu an toàn đối với xe đạp hai bánh cho trẻ em
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tiêu chuẩn liên quan
- Lược đồ
- Tải về
Lưu
Theo dõi văn bản
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Báo lỗi
Đang tải dữ liệu...
Đang tải dữ liệu...
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4955:2007
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 4955:2007 ISO 8098:2002 Xe đạp - Yêu cầu an toàn đối với xe đạp hai bánh cho trẻ em
Số hiệu: | TCVN 4955:2007 | Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Lĩnh vực: | Công nghiệp, Giao thông |
Năm ban hành: | 2007 | Hiệu lực: | |
Người ký: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
TCVN 4955:2007
ISO 8098:2002
XE ĐẠP - YÊU CẦU AN TOÀN ĐỐI VỚI XE ĐẠP HAI BÁNH CHO TRẺ EM
Cycles - Safety requirements for bicycles for young children
Lời nói đầu
TCVN 4955:2007 thay thế TCVN 4955:1989.
TCVN 4955:2007 hoàn toàn tương đương với ISO 8098:2002.
TCVN 4955:2007 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC 22 Phương tiện giao thông đường bộ biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
XE ĐẠP - YÊU CẦU AN TOÀN ĐỐI VỚI XE ĐẠP HAI BÁNH CHO TRẺ EM
Cycles - Safety requirements for bicycles for young children
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định yêu cầu an toàn, đặc tính kỹ thuật và phương pháp thử trong thiết kế, lắp ráp và thử nghiệm đối với xe và các bộ phận của xe đạp hai bánh cho trẻ em từ bốn đến tám tuổi (sau đây gọi tắt là xe). Tiêu chuẩn cũng đề ra các nguyên tắc hướng dẫn sử dụng và bảo quản xe.
Tiêu chuẩn này áp dụng cho các xe có chiều cao yên lớn nhất nhỏ hơn 635 mm và lớn hơn 435 mm, và xe được di chuyển bởi một truyền động được truyền cho bánh sau.
Tiêu chuẩn này không áp dụng cho các xe đạp chuyên dùng được dành cho trò chơi mạo hiểm (ví dụ, các xe đạp BMX).
2. Thuật ngữ và định nghĩa
Các thuật ngữ và định nghĩa sau được áp dụng trong tiêu chuẩn này.
2.1. Xe đạp (cycle)
Một loại xe bất kỳ có ít nhất hai bánh xe và được đẩy đi bởi năng lượng cơ bắp của người đi xe tác dụng vào bàn đạp.
2.2. Xe đạp hai bánh (bicycle)
Xe đạp có hai bánh xe.
2.3. Chiều cao yên (saddle height)
Khoảng cách thẳng đứng từ mặt đất tới mặt yên, được đo với yên ở vị trí nằm ngang và cọc yên đặt ở chiều sâu lắp nhỏ nhất.
2.4. Lực phanh (braking force)
Lực tiếp tuyến với lốp chống lại chuyển động quay của bánh xe khi phanh tác dụng.
2.5. Bề mặt đặt chân (bàn đạp) ((pedal) tread surface)
Bề mặt của bàn đạp tiếp xúc với mặt dưới của bàn chân.
2.6. Áp suất bơm lớn nhất (maximum inflation pressure)
Áp suất lớn nhất của lốp do nhà sản xuất quy định để đảm bảo an toàn và tính năng làm việc có hiệu quả.
2.7. Bánh thăng bằng (stabilizers)
Các bánh xe phụ có thể tháo được, được lắp vào xe để giúp cho người đi xe giữ được thăng bằng.
2.8. Phần nhô (exposed protrusion)
Phần thò ra mà vị trí và độ cứng của nó có thể gây nguy hiểm cho người đi xe, kể cả khi không có sự tiếp xúc mạnh giữa nó và người đi xe trong khi sử dụng bình thường hoặc người đi xe bị ngã đập vào nó.
3. Bộ phận lắp
3.1. Yêu cầu chung
3.1.1. Cạnh sắc
Các phần nhô có thể tiếp xúc với các bộ phận của cơ thể người đi xe (ví dụ: tay hoặc chân) trong quá trình đi xe hoặc mang vác xe, bảo dưỡng thông thường không được sắc.
3.1.2. Phần nhô
3.1.2.1. Phần nhô ra
Bất kỳ phần nhô cứng nào có chiều dài lớn hơn 8 mm (xem L trong Hình 1) sau khi lắp ráp, phải được làm tròn với bán kính, R, không nhỏ hơn 6,3 mm. Đầu mút của các phần nhô này có kích thước ngoài, A, lớn hơn 12,7 mm, và kích thước trong, B, lớn hơn 3,2 mm. Xem Hình 1. Trừ:
a) cơ cấu chuyển đổi tốc độ trước, ở đĩa xích;
b) cơ cấu chuyển đổi tốc độ sau, ở dưới nhánh xích;
c) cơ cấu phanh - vành ở bánh xe trước và sau;
d) cơ cấu giá treo đèn được lắp ở ống cổ;
e) cơ cấu phản quang, và
f) dây đai ngón chân và cái kẹp ngón chân.
Áp dụng khi L lớn hơn 8 mm.
Hình 1 - Ví dụ về các kích thước nhỏ nhất của phần nhô
3.1.2.2. Vùng không cho phép, cơ cấu bảo vệ và ren vít
Không được có các phần nhô ở ống trên của khung xe, giữa yên xe và điểm cách yên 300 mm về phía trước, trừ dây cáp điều khiển có đường kính không lớn hơn 6,4 mm và cái kẹp dây cáp làm bằng vật liệu có chiều dày không lớn hơn 4,8 mm được gắn ở ống trên.
Các tấm đệm xốp được kẹp vào khung xe để có tác dụng như một lớp đệm bảo vệ với điều kiện là khi tháo các tấm đệm xốp ra, xe phải đáp ứng các yêu cầu về phần nhô.
Phần ren vít được coi là phần nhô phải được giới hạn bởi chiều dài nhô bằng đường kính ngoài của chi tiết có ren trong đối tiếp.
3.1.2.3. Vị trí của phần nhô
Vị trí của phần nhô được xác định bằng một trục thử (tương tự một thanh thử) phù hợp với các kích thước chỉ dẫn trên Hình 2.
Điều khiển trục thử ở tư thế thích hợp bất kỳ hướng tới chỗ nhô cứng vào đó trên xe đạp. Nếu đoạn dài 75 mm ở giữa trục thử tiếp xúc với bất kỳ chỗ nhô nào, thì chỗ nhô đó được coi là phần nhô và phải phù hợp với các yêu cầu của 3.1.2.1.
Kích thước tính bằng milimét
Hình 2 - Trục thử phần nhô
Ví dụ các phần nhô cần tuân theo hoặc không cần tuân theo các yêu cầu của 3.1.2.1 được chỉ dẫn trên Hình 3.
a) Cần tuân theo | b) Không cần tuân theo |
CHÚ DẪN:
1 Trục thử
Hình 3 - Ví dụ các phần nhô
3.1.3. Sự bảo đảm an toàn và độ bền của cơ cấu kẹp chặt liên quan đến an toàn
3.1.3.1. Sự bảo đảm an toàn của vít
Bất kỳ các vít nào được sử dụng trong lắp ráp hệ thống treo, hoặc các vít dùng để kẹp cơ cấu phát điện, cơ cấu phanh và chắn bùn với khung, càng hoặc tay lái phải có cơ cấu hãm thích hợp kèm theo (ví dụ: vòng đệm hãm, đai ốc hãm, đai ốc tăng cường).
3.1.3.2. Momen xoắn phá hỏng nhỏ nhất
Momen xoắn phá hỏng nhỏ nhất của các mối nối bằng bu lông để kẹp chặt của tay lái, cọc tay lái, các đầu thanh, yên và cọc yên tối thiểu phải lớn hơn 50 % so với momen xoắn siết chặt do cơ sở sản xuất quy định.
3.2. Cơ cấu phanh
3.2.1. Hệ thống phanh
3.2.1.1. Xe đạp có chiều cao yên lớn nhất lớn hơn và bằng 560 mm
Xe đạp có chiều cao yên lớn nhất lớn hơn và bằng 560 mm, dù xe được lắp hay không được lắp bộ truyền động cố định, phải được trang bị hai hệ thống phanh độc lập, một hệ thống tác động lên bánh xe trước và một hệ thống tác động lên bánh xe sau.
Quyết định lựa chọn hệ thống phanh sau được điều khiển bằng tay hay bằng chân của người đi xe được căn cứ vào luật (hoặc thị hiếu) của nước nhập khẩu xe đạp.
3.2.1.2. Xe đạp có chiều cao yên lớn nhất nhỏ hơn 560 mm
Xe đạp có chiều cao yên lớn nhất nhỏ hơn 560 mm, dù xe được lắp hay không được lắp bộ truyền động cố định, phải được trang bị tối thiểu là một hệ thống phanh. Hệ thống phanh phải tác động lên bánh xe trước hoặc bánh xe sau.
Khi xe chỉ được trang bị một hệ thống phanh thì quyết định lựa chọn hệ thống phanh tác động lên bánh xe trước hoặc bánh xe sau được căn cứ vào luật (hoặc thị hiếu) của nước nhập khẩu xe đạp.
Xe đạp có hai hệ thống phanh độc lập, thì một hệ thống tác động lên bánh xe trước và một hệ thống tác động lên bánh xe sau.
Quyết định lựa chọn hệ thống phanh sau được điều khiển bằng tay hay bằng chân của người đi xe được căn cứ vào luật (hoặc thị hiếu) của nước nhập khẩu xe đạp.
3.2.2. Phanh tay
3.2.2.1. Vị trí của tay phanh
Tay phanh cho phanh trước và phanh sau được lắp ở hai bên tay lái tùy theo nước sử dụng xe đạp.
3.2.2.2. Kích thước tay phanh
Kích thước tay nắm lớn nhất, d, được đo giữa bề mặt ngoài của tay phanh và bề mặt ngoài của tay lái, hoặc tay nắm hoặc vật phủ khác nếu có, không được vượt quá 60 mm giữa điểm A và B, và không được vượt quá 75 mm giữa điểm C và D. Xem Hình 4.
Phạm vi điều chỉnh của tay phanh cần đảm bảo các kích thước này.
Kích thước tính theo milimét
CHÚ DẪN:
a Tâm quay A
b Chiều dài tay đòn (= 80 mm)
Hình 4 - Kích thước tay phanh của phanh tay
3.2.2.3. Bộ phận cáp phanh
Hệ thống phanh phải làm việc không bị kẹt.
Bu lông siết để kẹp cáp không được cắt đứt các sợi cáp khi đã lắp ráp theo đúng các chỉ dẫn của nhà sản xuất.
Dây phanh phải được bảo vệ chống gỉ ở bên trong, ví dụ phủ bên ngoài bằng vỏ không thấm nước thích hợp.
Đầu mút của cáp phải được bảo vệ bằng mũ bịt, mũ phải chịu được lực tháo 20 N.
3.2.2.4. Bộ phận má phanh và chi tiết kẹp má phanh
Má phanh phải được kẹp chặt chắc chắn với chi tiết kẹp má phanh và không bị hư hỏng khi thử theo phương pháp quy định trong điều 4.2. Sau khi thử, hệ thống phanh phải có khả năng đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng phanh theo 3.2.5.
3.2.2.5. Điều chỉnh phanh
Phanh phải có khả năng điều chỉnh được đến vị trí làm việc có hiệu quả, tới khi má phanh đã mòn đến giới hạn cần phải thay thế như được chỉ dẫn của nhà sản xuất. Khi đã điều chỉnh đúng, má phanh không tiếp xúc với bất kỳ bề mặt nào khác ngoài bề mặt phanh đã quy định.
3.2.3. Phanh kiểu đạp ngược bàn đạp
Cơ cấu phanh phải được tác động khi chân người lái đạp bàn đạp ngược chiều với chiều đạp xe. Cơ cấu phanh phải hoạt động độc lập đối với vị trí của đĩa hoặc các cơ cấu điều chỉnh. Độ chênh lệch giữa vị trí đạp xe và vị trí phanh của đùi đĩa không được vượt quá 60o (phép đo được thực hiện bằng cách giữ đùi đĩa tại mỗi vị trí với mô men xoắn 14 Nm).
3.2.4. Sức bền của hệ thống phanh
3.2.4.1. Phanh tay
Khi thử theo phương pháp quy định trong 4.3.1, không cho phép có sự hư hỏng của hệ thống phanh tay hoặc một chi tiết bất kỳ của hệ thống.
3.2.4.2. Phanh kiểu đạp ngược bàn đạp
Khi thử theo phương pháp quy định trong 4.3.2, không cho phép có sự hư hỏng của hệ thống phanh kiểu đạp ngược bàn đạp hoặc một chi tiết bất kỳ của hệ thống.
3.2.5. Chất lượng làm việc của phanh
3.2.5.1. Thử chất lượng làm việc của phanh tay
Khi phanh tay được thử theo 4.4, lực phanh trung bình của hệ thống phanh tay phải tăng dần lên khi lực tác dụng lên tay phanh được tăng từ 50 N đến 90 N.
Đối với phanh trước, với lực thích hợp tác dụng lên tay phanh, lực phanh nhỏ nhất và lớn nhất phải phù hợp với Bảng 1.
Đối với phanh sau, với lực thích hợp tác dụng lên tay phanh, lực phanh nhỏ nhất phải phù hợp với Bảng 1.
Bảng 1 - Lực đặt vào tay phanh và lực phanh tác dụng vào lốp
Lực đặt vào tay phanh
N | Lực phanh tác dụng vào lốp | |
min N | max (chỉ đối với phanh trước) N | |
50 | 40 | 120 |
90 | 60 | 200 |
3.2.5.2. Thử chất lượng làm việc của phanh kiểu đạp ngược bàn đạp
Khi phanh kiểu đạp ngược bàn đạp được thử theo 4.5, lực phanh trung bình của hệ thống phanh kiểu đạp ngược bàn đạp được truyền cho bánh xe sau phải tăng dần lên khi lực tác dụng lên bàn đạp được tăng từ 20 N đến 100 N. Tỷ số giữa lực tác dụng lên bàn đạp và lực phanh không được lớn hơn 2.
CHÚ THÍCH Lực phanh 46,3 N tương đương với quãng đường phanh lý thuyết không nhỏ hơn 2,5 m ở tốc độ 10 km/h với tổng khối lượng của người lái và xe đạp là 30 kg.
3.3. Cơ cấu lái
3.3.1. Tay lái
Tay lái phải có chiều rộng chung trong khoảng 300 mm và 550 mm.
Khoảng cách thẳng đứng giữa đỉnh của các tay nắm khi ở vị trí cao nhất và bề mặt để ngồi của yên khi ở vị trí thấp nhất không vượt quá 250 mm.
3.3.2. Tay nắm
Các đầu mút của tay lái được lắp các tay nắm và chúng không được dịch chuyển khi chịu tác dụng lực tháo 70 N. Các tay nắm phải làm bằng vật liệu đàn hồi và đầu tay nắm phải to hơn và được bịt kín. Các tay nắm không được cản trở thao tác phanh.
CHÚ THÍCH Đầu tay nắm được làm to hơn để giảm thiểu khả năng gây thương tích cho người đạp xe.
Trong các nước có nhiệt độ môi trường dao động trong khoảng - 5oC đến + 5oC, tay nắm được thử chất lượng làm việc như dưới đây.
Nhúng tay lái đã được lắp tay nắm vào nước ở nhiệt độ trong phòng trong một giờ, sau đó đặt tay lái vào tủ đông lạnh cho đến khi tay lái ở nhiệt độ thấp hơn - 5oC. Lấy tay lái khỏi tủ đông lạnh, cho phép nhiệt độ của tay lái đạt - 5oC và tác dụng lực 70 N theo hướng tháo ra. Duy trì lực này cho đến khi nhiệt độ của tay lái đạt + 5oC.
3.3.3. Cọc lái
Cọc lái cần có dấu hiệu bền lâu để chỉ rõ chiều sâu lắp tối thiểu của cọc lái trong càng lái hoặc có biện pháp hiệu quả và lâu bền để đảm bảo chiều sâu lắp tối thiểu. Dấu hiệu chiều sâu lắp không được nhỏ hơn 2,5 lần đường kính cọc lái tính từ đầu dưới của cọc lái, và tối thiểu phải có chiều dài ở bên dưới dấu hiệu chiều sâu lắp bằng đường kính cọc lái.
3.3.4. Tính ổn định của cơ cấu lái
Cơ cấu lái phải quay được tự do một góc tối thiểu 600 về cả hai phía so với vị trí để thẳng, không được có vị trí bị kẹt chặt, kẹt hoặc khe hở trong ổ bi khi đã điều chỉnh đúng.
Tác dụng một khối lượng tối thiểu bằng 25 % tổng khối lượng của xe đạp và người lái lên bánh xe trước khi người lái cầm lấy tay nắm và ngồi trên yên ứng với vị trí của yên và người lái lùi hết mức về phía sau.
3.3.5. Sức bền của bộ phận lái
3.3.5.1. Cọc lái không bị gãy hoặc bị biến dạng dư vượt quá 20 mm trên chiều dài 100 mm, khi thử theo 4.6.1.1 và 4.6.1.2.
3.3.5.2. Không có dịch chuyển tương đối giữa tay lái và cọc lái, khi thử theo 4.6.2.
3.3.5.3. Không có dịch chuyển tương đối giữa cọc lái và càng lái, khi thử theo 4.6.3.
3.4. Bộ phận khung/càng
3.4.1. Thử va đập (khối lượng rơi)
Bộ phận khung/càng lái không bị nứt gãy hoặc bị biến dạng dư (được đo giữa các đường tâm trục) vượt quá 10 mm, khi thử theo 4.7.1.
3.4.2. Thử va đập (bộ phận khung/càng rơi)
Bộ phận khung/càng lái không bị nứt gãy hoặc bị biến dạng giữa các đường tâm trục trước và sau khi thử vượt quá 10 mm, khi thử theo 4.7.2.
3.5. Càng lái
Các rãnh hoặc các kết cấu khác để định vị trục trước trong càng lái phải thẳng hàng sao cho khi trục hoặc côn trục tiếp xúc chắc chắn với mặt đầu của các rãnh, bánh xe trước phải nằm đối xứng giữa càng lái.
3.6. Bánh xe
3.6.1. Độ chính xác của chuyển động quay
3.6.1.1. Yêu cầu chung
Dung sai độ đảo trong tiêu chuẩn này biểu thị sự thay đổi cho phép lớn nhất về vị trí của vành (nghĩa là số đọc lớn nhất của đồng hồ chỉ thị) trong bộ phận bánh xe đã lắp đầy đủ sau một vòng quay xung quanh trục bánh xe khi không có dịch chuyển chiều trục.
3.6.1.2. Dung sai độ đảo hướng tâm
Độ đảo không được vượt quá 2 mm khi đo theo phương vuông góc với đường trục bánh xe tại các điểm tương ứng dọc theo vành.
3.6.1.3. Dung sai độ đảo chiều trục
Độ đảo không được vượt quá 2 mm khi đo theo phương song song với đường trục bánh xe tại các điểm tương ứng dọc theo vành.
3.6.2. Khe hở
Bộ phận bánh xe phải thẳng hàng để tạo ra khe hở giữa lốp và khung, càng lái, chắn bùn, đũa giữ chắn bùn không nhỏ hơn 6 mm.
3.6.3. Thử tải trọng tĩnh
Không một chi tiết nào của bộ phận bánh xe đã được lắp ráp bị hư hỏng và độ biến dạng dư tại điểm đặt lực lên vành không vượt quá 1,5 mm, khi bánh xe được thử theo 4.8.
3.6.4. Kẹp chặt bánh xe
3.6.4.1. Yêu cầu chung
Bánh xe phải được kẹp chặt vào khung và càng bằng đai ốc hãm theo chỉ dẫn của cơ sở sản xuất, chúng phải thỏa mãn quy định từ 3.6.4.2 đến 3.6.4.3.
Đai ốc trục bánh xe phải có momen xoắn tháo lỏng nhỏ nhất bằng 70 % momen xoắn siết chặt do cơ sở sản xuất quy định.
3.6.4.2. Kẹp chặt bánh xe trước
Không được có dịch chuyển tương đối giữa trục bánh xe và càng lái khi tác dụng lực 500 N đối xứng lên hai đầu trục trong thời gian 30 s theo hướng chuyển động của bánh xe.
3.6.4.3. Kẹp chặt bánh xe sau
Không được có dịch chuyển tương đối giữa trục bánh xe và khung khi tác dụng lực 1000 N đối xứng lên hai đầu trục trong thời gian 30 s theo hướng chuyển động của bánh xe.
3.7. Lốp và săm
3.7.1. Áp suất bơm hơi lớn nhất
áp suất bơm hơi lớn nhất do cơ sở sản xuất quy định được ghi (đúc) lâu bền vào mặt bên của lốp và nhìn thấy rõ khi lốp lắp vào bánh xe.
Yêu cầu này không áp dụng cho các lốp không bơm hơi.
3.7.2. Tính phù hợp của lốp bơm hơi và vành
Lốp và săm phải phù hợp với vành sao cho khi được bơm tới 110 % áp suất bơm hơi lớn nhất đã được nhà sản xuất quy định trong thời gian không ít hơn 5 phút, lốp phải khít với vành.
3.8. Bàn đạp và bộ phận bàn đạp/đùi đĩa
3.8.1. Bề mặt đặt chân của bàn đạp
3.8.1.1. Bề mặt đặt chân của bàn đạp phải được bảo đảm an toàn đối với chuyển động bên trong bàn đạp. Bàn đạp phải quay tự do trên trục bàn đạp.
3.8.1.2. Bàn đạp phải có
a) các bề mặt đặt chân ở mặt trên và mặt dưới của bàn đạp,
b) một vị trí xác định tự động tạo ra bề mặt đặt chân cho người lái.
3.8.2. Khoảng hở bàn đạp
3.8.2.1. Khoảng hở so với mặt đất
3.8.2.1.1. Với xe không tải, bánh cân bằng được tháo ra và với một bàn đạp ở điểm thấp nhất và bề mặt đặt chân song song với mặt đất (nghĩa là ở vị trí chỉ có một bề mặt đặt chân), cho xe nghiêng đi một góc 20o so với vị trí thẳng đứng, bàn đạp không được tiếp xúc với mặt đất.
3.8.2.1.2. Hệ thống giảm sóc kiểu lò xo (nếu có) được nén lại bằng cách đặt khối lượng 30 kg vào yên xe trong khi xe được giữ ở vị trí thẳng đứng. Với hệ thống giảm sóc đã được kẹp chặt ở vị trí này, khoảng hở mặt đất phải phù hợp với 3.8.2.1.1.
3.8.2.2. Khoảng hở đạp chân
Xe đạp phải có khoảng hở, tối thiểu là 89 mm giữa bàn đạp và bánh xe trước hoặc chắn bùn (khi bánh xe trước được quay tới vị trí bất kỳ). Khoảng hở được đo về phía trước và song song với đường trục dọc của xe từ tâm của một bàn đạp tới cung được quét bởi lốp hoặc chắn bùn, kết quả được chọn là khoảng hở nhỏ nhất (xem Hình 5).
Khi càng lái được thiết kế để lắp chắn bùn, nhưng chắn bùn không được lắp, khoảng hở đạp chân được đo theo yêu cầu này nhỏ nhất là 100 mm.
CHÚ DẪN:
1 Bàn đạp xe đạp
2 Lốp
3 Chắn bùn
a Khoảng hở nhỏ nhất
Hình 5 - Khoảng hở đạp chân
3.8.3. Thử động học bộ phận bàn đạp/đùi đĩa
Ren bàn đạp và ren đùi đĩa không được nứt gãy khi thử theo 4.9.
3.9. Yên
3.9.1. Kích thước giới hạn
Không một bộ phận nào của yên, giá yên hoặc bao phụ tùng được gắn vào yên được cao hơn mặt đỉnh yên 125 mm tại giao điểm giữa bề mặt yên và đường trục cọc yên.
3.9.2. Cọc yên
Cọc yên cần có dấu hiệu bền vững để chỉ rõ chiều sâu lắp tối thiểu của cọc yên trong khung. Dấu hiệu chỉ chiều sâu lắp được bố trí tại chỗ có khoảng cách tới đáy cọc yên không nhỏ hơn hai lần đường kính cọc yên.
3.9.3. Bộ phận kẹp chặt yên
Không cho phép có dịch chuyển của bộ phận yên so với cọc yên hoặc cọc yên so với khung khi thử theo 4.10.
Bộ phận yên không được kẹp chặt, nhưng được thiết kế để có thể xoay được trong mặt phẳng thẳng đứng so với cọc yên theo thông số thiết kế, phải chịu được thử nghiệm nêu trong 4.10 mà không xuất hiện thêm dịch chuyển có thể nhìn thấy được.
3.9.4. Độ bền của yên
Vỏ yên hoặc yên được đúc bằng chất dẻo không được tách khỏi xương yên, bộ phận yên không được rạn nứt hoặc biến dạng dư khi thử theo 4.14.
3.10. Thử tải trọng tĩnh hệ thống truyền động
Không một chi tiết nào của hệ thống truyền động bị hư hỏng hoặc biến dạng dư và khả năng truyền động không bị mất khi thử theo 4.11.
3.11. Chắn xích
Xe có chiều cao yên 560 mm hoặc lớn hơn phải được trang bị một đĩa chắn xích hoặc cơ cấu che chắn khác để che mặt ngoài của nhánh xích trên và đĩa xích. Đĩa chắn xích phải có đường kính vượt ra khỏi mặt ngoài của xích khi xích được ăn khớp hoàn toàn với đĩa xích. Cơ cấu che chắn khác đĩa chắn xích phải che xích ở khoảng cách ít nhất là 25 mm được đo dọc theo xích trước điểm mà răng đầu tiên của đĩa xích lọt qua các má ngoài của xích.
Xe có chiều cao yên nhỏ hơn 560 mm phải được trang bị chắn xích có thể che hoàn toàn mặt ngoài và mặt bên của xích, đĩa xích và líp cũng như mặt trong của đĩa xích và các nhánh xích và đĩa xích (xem Hình 6).
CHÚ DẪN:
a Kích thước chắn xích trên mặt trong
Hình 6 - Chắn xích
3.12. Bánh thăng bằng
3.12.1. Kích thước
Khi các bánh thăng bằng được lắp vào xe phù hợp với các chỉ dẫn của cơ sở sản xuất, thì
a) khoảng cách nằm ngang giữa mặt phẳng thẳng đứng qua mỗi bánh thăng bằng và mặt phẳng thẳng đứng chứa đường tâm của khung xe đạp không nhỏ hơn 175 mm, và
b) khoảng hở giữa mỗi bánh thăng bằng và mặt đất không vượt quá 25 mm khi xe đạp được chống thẳng đứng trên bề mặt phẳng nằm ngang.
3.12.2. Thử chịu tải thẳng đứng
Độ võng do tác động của tải trọng và độ biến dạng dư không được vượt quá các trị số tương ứng 25 mm và 15 mm khi thử theo 4.12.
3.12.3. Thử chịu tải dọc
Độ biến dạng dư không được vượt quá 15 mm khi thử theo 4,13.
Không một chi tiết nào của bộ phận bánh thăng bằng bị hư hỏng khi thử.
3.13. Hướng dẫn sử dụng
Mỗi xe đạp phải được cung cấp kèm theo một bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng, bao gồm các thông tin sau:
a) chuẩn bị cho việc đi xe - Cách điều chỉnh chiều cao yên và chiều cao tay lái phù hợp với người đi xe cùng với giải thích về dấu hiệu trên cọc yên và cọc lái;
b) cách siết chặt bộ phận kẹp chặt tay lái, cọc lái, yên, cọc yên và bánh xe;
c) bôi trơn - Chỗ cần bôi trơn và cách bôi trơn, dầu mỡ bôi trơn;
d) cách điều chỉnh xích hoặc các cơ cấu truyền động khác;
e) sự điều chỉnh phanh và hướng dẫn cách thay má phanh;
f) sự điều chỉnh đĩa xích, líp;
g) sự lắp ráp, điều chỉnh và tháo các bánh thăng bằng;
h) các phụ tùng dự trữ thông thường, nghĩa là: lốp, săm, bộ phận kẹp chặt má phanh;
i) hướng dẫn về đi xe an toàn - Sử dụng mũ bảo vệ người đi xe, kiểm tra thường xuyên về phanh, lốp và lốp không săm, cơ cấu lái;
j) cách hiệu chỉnh các cụm chi tiết nếu chúng được cấp ở dạng rời. Một số hướng dẫn thích hợp khác có thể do nhà sản xuất quy định.
3.14. Ghi nhãn
Mỗi xe cần được ghi nhãn dễ đọc và bền vững với
a) số hiệu TCVN 4955:2007 (ISO 8098:2002) khi xe đạp phù hợp với tiêu chuẩn này;
b) tên hoặc nhãn hiệu của nhà sản xuất hoặc bên bán;
c) số loạt của xe.
4. Phương pháp thử
4.1. Yêu cầu chung
Nếu không có quy định khác, phải thực hiện tất cả các phép thử khi không lắp các bánh thăng bằng.
4.2. Thử bộ phận má phanh
Thử bộ phận má phanh được tiến hành trên xe đạp hoàn chỉnh với cơ cấu phanh đã điều chỉnh ở vị trí đúng và đặt một khối lượng 30 kg trên yên. Tác động vào mỗi tay phanh một lực 130 N và duy trì lực này trong quá trình thử.
Cho xe dịch chuyển về phía trước năm lần và về phía sau năm lần, mỗi lần dịch chuyển một khoảng cách không nhỏ hơn 75 mm.
4.3. Thử có tải hệ thống phanh
4.3.1. Phanh tay
Thử có tải hệ thống phanh được tiến hành trên xe đã lắp hoàn chỉnh và hệ thống phanh đã được điều chỉnh đúng. Tác dụng một lực như sau vào tay phanh tại điểm cách đầu mút của nó 25 mm theo phương vuông góc với tay nắm trong mặt phẳng chứa tay phanh di chuyển như chỉ dẫn trên Hình 7. Lực tác dụng phải
a) là 300 N,
b) đủ để nâng tay phanh cáp (nếu là phanh cáp) tiếp xúc với bề mặt tay nắm, nếu lực tác dụng nhỏ hơn 300 N, hoặc
c) nâng tay phanh đòn (nếu là phanh đòn) lên ngang mức với bề mặt trên của tay nắm, nếu lực tác dụng nhỏ hơn 300 N.
Thực hiện mười lần thử cho mỗi tay phanh.
Kích thước tính theo milimét
CHÚ DẪN:
a Lực tác dụng
Hình 7- Lực tác dụng lên tay phanh của phanh tay
4.3.2. Phanh kiểu đạp ngược bàn đạp
Phép thử được tiến hành trên xe được lắp hoàn chỉnh. Hệ thống phanh được bảo đảm điều chỉnh đúng và đùi đĩa lắp bàn đạp bên phải được đặt ở vị trí nằm ngang. Tác dụng tăng từ từ lực 600 N theo hướng thẳng đứng vào giữa trục bàn đạp phải và duy trì lực này trong 15 s.
Thực hiện mười lần thử.
4.4. Thử chất lượng làm việc của phanh tay
Thử chất lượng làm việc của phanh tay được tiến hành trên xe đã được tháo yên và cọc yên nhưng các bộ phận khác của xe đã được lắp hoàn chỉnh và phanh đã được điều chỉnh đúng.
Kẹp chặt xe và gắn cơ cấu đo lực phanh vào bánh xe cần đo như chỉ dẫn trên Hình 8.
Tác dụng một lực trong khoảng từ 45 N đến 90 N vào tay phanh thích hợp, cách đầu mút của tay phanh 25 mm và theo hướng vuông góc với tay nắm trong mặt phẳng chứa tay phanh di chuyển (xem Hình 7).
Quấn một dây đai bền vào bánh xe đi qua cơ cấu đo lực, theo phương tiếp tuyến với chu vi của lốp và hướng theo chiều quay về phía trước.
Sau 1,5 vòng quay của bánh xe, ghi lực phanh trung bình khi bánh xe quay thêm một vòng nữa ở vận tốc dài ổn định của bề mặt lốp trong khoảng từ 0,5 m/s đến 2 m/s.
Với mỗi lực tác dụng lên tay phanh, lấy giá trị trung bình của ba số đọc. Phép thử được lặp lại tối thiểu là với năm lực khác nhau tác dụng lên tay phanh.
CHÚ DẪN:
1 Thiết bị đo lực
2 Đai vải thích hợp được quấn quanh chu vi bánh xe
3 Gá kẹp
a Lực tác dụng lên bánh xe (lực phanh)
b Lực tác dụng lê tay phanh
Hình 8 - Đo lực phanh của phanh tay
4.5. Thử chất lượng làm việc của phanh kiểu đạp ngược bàn đạp
Thử chất lượng làm việc của phanh tay được tiến hành trên xe đã được lắp hoàn chỉnh và phanh đã được điều chỉnh đúng.
Kẹp chặt xe và gắn cơ cấu đo lực phanh vào bánh xe sau như chỉ dẫn trên Hình 9.
Tác dụng một lực trong khoảng từ 20 N đến 100 N vào bàn đạp theo phương vuông góc với đùi và theo chiều phanh.
Quấn một dây đai bền vào bánh xe đi qua cơ cấu đo lực, theo phương tiếp tuyến với chu vi của lốp và hướng theo chiều quay về phía trước.
Sau 1,5 vòng quay của bánh xe, ghi lực phanh trung bình khi bánh xe quay thêm một vòng nữa ở vận tốc dài ổn định của bề mặt lốp trong khoảng từ 0,5 m/s đến 2 m/s.
Với mỗi lực tác dụng lên bàn đạp, lấy giá trị trung bình của ba số đọc. Phép thử được lặp lại ít nhất với năm lực khác nhau tác dụng lên bàn đạp.
CHÚ DẪN:
1 Thiết bị đo lực
2 Đùi phải
3 Đai vải thích hợp được quấn quanh chu vi bánh xe
a Hướng của lực tác dụng trên bàn đạp
b Lực tác dụng lên bánh xe (lực phanh)
Hình 9 - Đo lực phanh của phanh kiểu đạp ngược bàn đạp
4.6. Thử bộ phận tay lái
4.6.1. Cọc lái
4.6.1.1. Thử xoắn
Cọc lái được kẹp chắc chắn ở chiều sâu kẹp tối thiểu (xem 3.3.3) và một trục thử hoặc tay lái được lắp chắc chắn với cọc lái. Tác dụng momen xoắn 30 Nm vào cọc lái qua trục thử hoặc tay lái trong mặt phẳng song song với cọc lái và hướng theo đường tâm của cọc (xem Hình 10).
CHÚ DẪN:
1 Gá kép
2 Dấu giới hạn
a Momen xoắn tác dụng
b Biến dạng dư
c Đường tâm cọc lái
d Hình dạng đã bị biến dạng
e Momen xoắn tác dụng trong mặt phẳng A-A
f Chiều dài tự do của cọc lái
g Chiều sâu kẹp tối thiểu
Hình 10 - Thử xoắn cọc lái
4.6.1.2. Thử tải trọng tĩnh
Cọc lái được kẹp chặt chắn ở chiều sâu kẹp tối thiểu (xem 3.3.3).
Tác dụng một lực 500 N qua điểm vòng kẹp tay lái theo hướng về phía trước và tạo thành một góc 45o với đường tâm cọc lái trong mặt phẳng A-A (xem Hình 11).
CHÚ DẪN:
1 Gá kẹp
2 Dấu giới hạn
a Lực tác dụng trong mặt phẳng A-A.
b Đường tâm cọc lái.
c Biến dạng dư.
d Lực tác dụng.
e Chiều dài tự do của cọc lái.
f Chiều sâu kẹp tối thiểu.
Hình 11 - Thử tải trọng tĩnh cọc lái
4.6.2. Thử xoắn - Bộ phận tay lái và cọc lái
Cọc lái của bộ phận tay lái được kẹp chắc chắn ở chiều sâu kẹp tối thiểu (xem 3.3.3). Tác dụng đồng thời lực 130 N vào mỗi bên của tay lái theo hướng và tại điểm có thể tạo ra momen xoắn lớn nhất tại chỗ kẹp của tay lái và cọc lái. Điểm đặt lực càng gần với đầu mút tay lái càng tốt, nhưng không được cách xa đầu mút tay lái quá 15 mm (xem Hình 12).
Tùy theo hình dạng của tay lái, các lực tác dụng có thể có hướng khác với chỉ dẫn trên Hình 12.
Khi bộ phận tay lái - Cọc lái đã được kẹp chắc chắn, momen xoắn tác dụng vào cơ cấu kẹp không được vượt quá momen xoắn quy định của nhà sản xuất.
CHÚ DẪN:
1 Khối kẹp
a Lực tác dụng.
b Chiều sâu kẹp tối thiểu.
Hình 12 - Thử xoắn bộ phận tay lái và cọc lái
4.6.3. Thử xoắn bộ phận cọc lái và ống cổ càng lái
Cọc lái được lắp chính xác trong ống cổ càng lái và khung, cơ cấu kẹp chặt được siết chặt tới momen xoắn tối thiểu do nhà sản xuất quy định. Tác dụng một momen xoắn 15 Nm vào cơ cấu kẹp chặt tay lái/càng lái như chỉ dẫn trên Hình 13.
CHÚ DẪN:
1 Bộ phận khung và càng
a momen xoắn tác dụng.
Hình 13 - Thử xoắn cơ cấu kẹp chặt cọc tay lái/càng
4.7. Thử va đập bộ phận khung/càng lái
4.7.1. Thử khối lượng rơi
Nếu khung xe được biến đổi cho phù hợp với người đi xe là nam và nữ bằng cách tháo đi một ống khung, cần tiến hành thử khung đã được tháo đi một ống khung.
Đo khoảng cách giữa các đường tâm trục. Lắp một con lăn có khối lượng nhỏ vào càng lái, bộ phận khung/càng được giữ thẳng đứng và được kẹp chặt với gá kẹp cứng bởi mỏ kẹp trục sau như chỉ dẫn trên Hình 14.
Cho vật nặng 22,5 kg rơi xuống con lăn có khối lượng nhỏ tại điểm trên đường nối các tâm của hai bánh xe và ngược với chiều của càng lái.
Kích thước tính theo milimét
CHÚ DẪN:
1 Con lăn có khối lượng nhỏ
2 Vật nặng 22,5 kg
3 Gá kẹp chặt mỏ kẹp trục sau
a Chiều cao rơi.
b Biến dạng dư
c Khoảng cách giữa hai đường tâm trục (chiều dài cơ sở)
Hình 14 - Thử va đập (khối lượng rơi)
4.7.2. Thử bộ phận khung/càng rơi
Thử bộ phận khung/càng rơi được tiến hành trên cụm khung/càng/con lăn đã thử theo 4.7.1.
Bộ phận được lắp tại mỏ kẹp trục sau sao cho có thể xoay tự do quanh trục sau trong mặt phẳng thẳng đứng.
Càng lái được tựa lên đe thép phẳng sao cho khung có vị trí bình thường như lúc sử dụng. Một vật nặng 30 kg được cố định vào cọc yên và trọng tâm của nó nằm trên đường tâm ống đứng và cách mặt mút của ống đứng 75 mm, dọc theo đường tâm ống đứng.
Xoay bộ phận thử quanh trục sau tới vị trí sao cho trọng tâm của vật nặng 30 kg nằm trên đường thẳng đứng đi qua trục sau, sau đó cho bộ phận thử rơi tự do để va đập vào đe (xem Hình 15). Tiến hành hai lần thử.
Kích thước tính theo milimét
CHÚ DẪN:
1 Vật nặng ở vị trí thẳng đứng phía trên trục sau
2 Vật nặng 30 kg
3 Đe thép
Hình 15 - Thử bộ phận khung/càng rơi
4.8. Thử tải trọng tĩnh: bánh xe
Bánh xe được đỡ và kẹp chặt thích hợp ở vị trí như chỉ dẫn trong Hình 16. Tác dụng một lực 178 N, trong một phút vào một điểm trên vành bánh xe ở phía líp, theo hướng vuông góc với mặt phẳng của bánh xe.
CHÚ DẪN:
1 Gá kẹp 3 Bộ phận bánh xe
2 Líp a Lực tác dụng
Hình 16- Thử tải trọng tĩnh - Bánh xe
4.9. Thử động học bộ phận bàn đạp/đùi đĩa
Các đoạn cắt ra từ hai đùi đĩa được lắp vào trục thử.
Một đôi bàn đạp được lắp lên hai đoạn cắt ra của đùi. Treo một vật nặng 20 kg lên mỗi bàn đạp bằng lò xo để giảm thiểu độ dao động của tải trọng như chỉ dẫn trên Hình 17.
Truyền cho trục thử vận tốc thích hợp với vật liệu của các bề mặt chịu tải để tránh sự quá nhiệt với tổng số vòng quay 100.000 vòng.
Sau 50.000 vòng, xoay bàn đạp đi 180o nếu bàn đạp có hai bề mặt đặt chân.
CHÚ DẪN:
1 | Đoạn đùi đĩa được lắp bu lông với trục thử | 4 | Vật nặng:20 kg |
2 | Bàn đạp trái | 5 | Trục thử |
3 | Bàn đạp phải | a | Khe hở cho trục bàn đạp |
Hình 17- Thử động học bộ phận bàn đạp/đùi đĩa
4.10. Thử tải trọng tĩnh - Yên và cọc yên
Yên và cọc yên được lắp chính xác với khung và được siết chặt tới momen xoắn đã quy định. Tác dụng một lực 300 N theo phương thẳng đứng từ trên xuống tại điểm cách đầu yên hoặc đuôi yên 25 mm sao cho tạo ra momen xoắn lớn hơn trên cơ cấu kẹp chặt yên. Sau khi thôi tác dụng lực này, tác dụng lực 100 N theo phương nằm ngang tại điểm cách đầu yên hoặc đuôi yên 25 mm sao cho tạo ra momen xoắn lớn hơn trên cơ cấu kẹp chặt yên.
4.11. Thử tải trọng tĩnh hệ truyền động
4.11.1. Yêu cầu chung
Thử tải trọng tĩnh hệ truyền động được tiến hành trên bộ phận bao gồm khung, bàn đạp, hệ truyền động, bộ phận bánh xe và cơ cấu đổi tốc độ nếu có. Khung được đỡ thẳng đứng bởi mặt phẳng trung tâm của nó và bánh sau được giữ chặt tại vành để tránh quay.
4.11.2. Hệ một tốc độ
Việc thử được tiến hành như sau:
a) khi đùi đĩa trái ở vị trí nằm ngang phí trước, tác dụng từ từ lực 600 N thẳng đứng từ trên xuống vào tâm bàn đạp trái, và duy trì toàn bộ lực này trong 15 s.
Nếu truyền động giữa đĩa xích, xích và líp được điều chỉnh căng sao cho đùi đĩa xoay dưới tác động của tải trọng thì sau khi điều chỉnh căn hoàn toàn đùi đĩa lại xoay trở về vị trí nằm ngang. Việc thử được lặp lại.
b) khi thực hiện xong việc thử ở mục a), lặp lại phép thử đối với đùi đĩa phải được đặt ở vị trí nằm ngang phía trước và lực tác dụng đặt vào tâm bàn đạp phải.
4.11.3. Hệ nhiều tốc độ
Phép thử được tiến hành như sau:
a) Tiến hành phép thử như 4.11.2 a) khi truyền động được điều chỉnh ở tầng líp lớn nhất.
b) Tiến hành phép thử như 4.11.2 b) khi truyền động được điều chỉnh ở tầng líp nhỏ nhất.
4.12. Bánh xe thăng bằng - Thử chịu tải trọng thẳng đứng
Khung xe đạp được xoay lộn ngược và được kẹp chắc chắn ở vị trí thẳng đứng bởi cọc yên. Treo một vật nặng 30 kg vào một trong hai bánh xe thăng bằng trong 3 phút (xem Hình 18).
Đo độ lệch dưới tác dụng của tải trọng tại một điểm trên chu vi của bánh xe thăng bằng.
Tháo vật nặng ra và sau một phút, tiến hành đo biến dạng dư tại chính điểm trên.
Lặp lại phép thử trên bánh xe thăng bằng kia.
CHÚ DẪN:
1 Vật nặng 30 kg tác dụng qua đường tâm lốp
2 Cọc yên được kẹp chặt trong gá kẹp
a Đường tâm lốp
Hình 18 - Thử tải trọng đứng
4.13. Bánh xe thăng bằng - Thử chịu tải trọng dọc
Khung xe đạp được kẹp chắc chắn để cho trục của bánh xe trước nằm thẳng đứng phía trên trục của bánh xe sau. Treo một vật nặng 30 kg vào một trong hai bánh xe thăng bằng trong 3 phút như chỉ dẫn trên Hình 19.
Tháo vật nặng ra và sau một phút, tiến hành đo biến dạng dư tại một điểm trên chu vi của bánh xe thăng bằng.
Lặp lại phép thử trên bánh xe thăng bằng kia.
CHÚ DẪN:
1 Khung được kẹp chặt ở vị trí thẳng đứng
2 Vật nặng 30 kg tác dụng qua đường tâm bánh xe
Hình 19 - Thử chịu tải dọc
4.14. Thử độ bền của yên
Yên được kẹp chặt vào đồ gá bằng momen xoắn đã quy định. Tác dụng lực 400 N vào phía dưới đầu và đuôi vỏ yên như chỉ dẫn trên Hình 20 mà không tiếp xúc với bất kỳ chi tiết nào của xương bằng thép của yên.
Lực tính bằng Niutơn
a) Lực tác dụng dưới đầu yên | b) Lực tác dụng dưới đuôi yên |
Hình 20 - Thử độ bền của yên
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] TCVN 4954:2007 (ISO 4210:1996), Xe đạp - Yêu cầu an toàn đối với xe đạp hai bánh.
[2] TCVN 5906:2007 (ISO 1101:2004), Đặc tính hình học của sản phẩm (GPS) - Dung sai hình học - Dung sai hình dạng, hướng, vị trí và độ đảo.
[3] TCVN 6238-1:2001 (EN 71-1:1998), An toàn đồ chơi trẻ em - Phần 1: Yêu cầu cơ lý.
MỤC LỤC
1. Phạm vi áp dụng
2. Thuật ngữ và định nghĩa
3. Bộ phận lắp
3.1. Yêu cầu chung
3.2. Cơ cấu phanh
3.3. Cơ cấu lái
3.4. Bộ phận khung/càng
3.5. Càng lái
3.6. Bánh xe
3.7. Lốp và săm
3.8. Bàn đạp và bộ phận bàn đạp/đùi đĩa
3.9. Yên
3.10. Thử tải trọng tĩnh hệ thống truyền động
3.11. Chắn xích
3.12. Bánh thăng bằng
3.13. Hướng dẫn sử dụng
3.14. Ghi nhãn
4. Phương pháp thử
4.1. Yêu cầu chung
4.2. Thử bộ phận má phanh
4.3. Thử có tải hệ thống phanh
4.4. Thử chất lượng làm việc của phanh tay
4.5. Thử chất lượng làm việc của phanh kiểu đạp ngược bàn đạp
4.6. Thử bộ phận tay lái
4.7. Thử va đập bộ phận khung/càng lái
4.8. Thử tải trọng tĩnh: bánh xe
4.9. Thử động học bộ phận bàn đạp/đùi đĩa
4.10. Thử tải trọng tĩnh - Yên và cọc yên
4.11. Thử tải trọng tĩnh hệ truyền động
4.12. Bánh xe thăng bằng - Thử chịu tải trọng thẳng đứng
4.13. Bánh xe thăng bằng - Thử chịu tải trọng dọc
4.14. Thử độ bền của yên
Thư mục
Click Tải về để xem toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam nói trên.