Trang /
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO/TS 22002-4:2018 Sản xuất bao bì thực phẩm
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tiêu chuẩn liên quan
- Lược đồ
- Tải về
Lưu
Theo dõi văn bản
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Báo lỗi
Đang tải dữ liệu...
Đang tải dữ liệu...
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN ISO/TS 22002-4:2018
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO/TS 22002-4:2018 ISO/TS 22002-4:2013 Chương trình tiên quyết an toàn thực phẩm - Phần 4: Sản xuất bao bì thực phẩm
Số hiệu: | TCVN ISO/TS 22002-4:2018 | Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Lĩnh vực: | Công nghiệp, Thực phẩm-Dược phẩm |
Năm ban hành: | 2018 | Hiệu lực: | |
Người ký: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN ISO/TS 22002-4:2018
ISO/TS 22002-4:2013
CHƯƠNG TRÌNH TIÊN QUYẾT VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM - PHẦN 4: SẢN XUẤT BAO BÌ THỰC PHẨM
Prerequisite programmes on food safety - Part 4: Food packaging manufacturing
Lời nói đầu
TCVN ISO/TS 22002-4:2018 hoàn toàn tương đương với ISO/TS 22002-4:2013;
TCVN ISO/TS 22002-4:2018 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F3 Nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố;
Bộ TCVN ISO/TS 22002 Chương trình tiên quyết về an toàn thực phẩm gồm các phần sau đây:
- TCVN ISO/TS 22002-1:2013 (ISO/TS 22002-1:2009), Phần 1: Chế biến thực phẩm;
- TCVN ISO/TS 22002-2:2014 (ISO/TS 22002-2:2013), Phần 2: Cung cấp thực phẩm;
- TCVN ISO/TS 22002-3:2013 (ISO/TS 22002-3:2011), Phần 3: Nuôi trồng;
- TCVN ISO/TS 22002-4:2018 (ISO/TS 22002-4:2013), Phần 4: Sản xuất bao bì thực phẩm;
- TCVN ISO/TS 22002-6:2018 (ISO/TS 22002-6:2016), Phần 6: Sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Lời giới thiệu
TCVN ISO 22000 đưa ra các yêu cầu cụ thể về an toàn thực phẩm đối với các tổ chức trong chuỗi thực phẩm. Một trong những yêu cầu này là các tổ chức phải thiết lập, áp dụng và duy trì các chương trình tiên quyết (PRP) để hỗ trợ kiểm soát các mối nguy về an toàn thực phẩm [8.2 của TCVN ISO 22000:2018 (ISO 22000:2018)1)]. Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu nêu trong 8.2 của TCVN ISO 22000:2018 (ISO 22000:2018), tiêu chuẩn này bao gồm các yêu cầu về trao đổi thông tin nêu trong 7.4 của TCVN ISO 22000:2018 (ISO 22000:2018)2).
Tiêu chuẩn này được sử dụng để hỗ trợ các hệ thống quản lý được thiết kế nhằm đáp ứng các yêu cầu nêu trong TCVN ISO 22000 và đưa ra các yêu cầu chi tiết cho các chương trình này.
Tiêu chuẩn này không lặp lại các yêu cầu trong TCVN ISO 22000 mà được sử dụng cùng với TCVN ISO 22000, ví dụ: hiệu lực của các biện pháp thực hiện theo tiêu chuẩn này để bảo vệ khỏi ô nhiễm bao bì thực phẩm được xem xét.
Việc sử dụng bao bì thực phẩm cần phải được hiểu đầy đủ sao cho mọi mối nguy về an toàn thực phẩm có thể xác định được và được xử lý thông qua thiết kế bao bì thực phẩm phù hợp, được bao gồm trong tiêu chuẩn này tại 4.14 (Thông tin về bao bì thực phẩm và trao đổi thông tin đối với khách hàng) kết hợp với các điều trong TCVN ISO 22000 như trong Phụ lục A.
CHƯƠNG TRÌNH TIÊN QUYẾT VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM - PHẦN 4: SẢN XUẤT BAO BÌ THỰC PHẨM
Prerequisite programmes on food safety - Part 4: Food packaging manufacturing
CẢNH BÁO - Nội dung của tiêu chuẩn này giả định rằng việc thực hiện các điều khoản của tiêu chuẩn được giao cho những người có trình độ và kinh nghiệm thích hợp để sản xuất. Tiêu chuẩn này không bao gồm tất cả các điều khoản cần thiết của một hợp đồng. Người sử dụng có trách nhiệm áp dụng đúng theo tiêu chuẩn. Việc tuân thủ tiêu chuẩn này không tự miễn trừ khỏi các nghĩa vụ pháp lý.
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu để thiết lập, áp dụng và duy trì các chương trình tiên quyết (PRP) nhằm giúp kiểm soát các mối nguy về an toàn thực phẩm trong việc sản xuất bao bì thực phẩm.
Tiêu chuẩn này áp dụng cho mọi tổ chức, không phân biệt quy mô và mức độ phức tạp của việc sản xuất bao bì thực phẩm và/hoặc các sản phẩm trung gian. Tiêu chuẩn này không được thiết kế hoặc dự định sử dụng trong các bộ phận khác hoặc các hoạt động khác của chuỗi cung ứng thực phẩm.
CHÚ THÍCH 1: Tổ chức tự sản xuất bao bì thực phẩm (ví dụ: tự thổi chai và định hình/rót/làm kín các thùng/túi vô trùng) có thể tự quyết định nên áp dụng tiêu chuẩn này hay không.
Các tổ chức sản xuất bao bì thực phẩm đa dạng về bản chất và không phải mọi yêu cầu quy định trong tiêu chuẩn này đều áp dụng cho một tổ chức đơn lẻ. Mỗi tổ chức được yêu cầu phải tiến hành phân tích mối nguy an toàn thực phẩm được lập thành văn bản bao gồm từng yêu cầu. Khi thực hiện các biện pháp loại trừ hoặc áp dụng các biện pháp thay thế, các biện pháp này phải được chứng minh bằng phân tích mối nguy an toàn thực phẩm.
Tiêu chuẩn này không phải là tiêu chuẩn hệ thống quản lý mà nhằm để cho các tổ chức sản xuất bao bì thực phẩm muốn áp dụng các PRP sử dụng để đáp ứng các yêu cầu quy định trong TCVN ISO 22000.
Tiêu chuẩn này được sử dụng cùng với TCVN ISO 22000.
CHÚ THÍCH 2: Trong tiêu chuẩn này, thuật ngữ thực phẩm bao gồm cả đồ uống.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN ISO 22000, Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm - Yêu cầu đối các tổ chức trong chuỗi thực phẩm
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa nêu trong TCVN ISO 22000 cùng với các thuật ngữ và định nghĩa sau:
3.1
Phiếu kết quả phân tích/Giấy chứng nhận phân tích (certificate of analysis)
COA
Tài liệu chỉ ra kết quả của phép thử hoặc phép phân tích cụ thể, có thể bao gồm phương pháp thử, được thực hiện trên một lượng xác định của vật liệu hoặc sản phẩm
[NGUỒN: 3.14 của TCVN ISO/TS 22002-1:2013 (ISO/TS 22002-1:2009), đã sửa đổi - Lược bỏ chủ ngữ và thay đổi nội dung định nghĩa.]
3.2
Làm sạch (cleaning)
Việc loại bỏ đất, chất bẩn, dung môi, mỡ bôi trơn hoặc chất bôi trơn, mực in thừa hoặc các chất không mong muốn khác
[NGUỒN: 3.5 của TCVN ISO/TS 22002-1:2013 (ISO/TS 22002-1:2009), đã sửa đổi - Lược bỏ chủ ngữ và thay đổi nội dung định nghĩa.]
3.3
Chất ô nhiễm (contaminant)
Mọi tác nhân sinh học hoặc hóa học, chất lạ hoặc chất khác không chủ định thêm vào sản phẩm, có thể gây hại đến an toàn thực phẩm
[NGUỒN: 3.2 của TCVN ISO/TS 22002-1:2013 (ISO/TS 22002-1:2009)]
3.4
Ô nhiễm (contamination)
Việc đưa vào hoặc có mặt chất ô nhiễm trong sản phẩm
CHÚ THÍCH: Trong tiêu chuẩn này, "ô nhiễm" cũng có thể đề cập đến các tạp chất trong các vật liệu được sử dụng hoặc sản phẩm phân hủy hoặc sản phẩm phản ứng hình thành trong quá trình sản xuất có thể gây hại đến an toàn thực phẩm.
[NGUỒN: 3.1 của TCVN ISO/TS 22002-1:2013 (ISO/TS 22002-1:2009), đã sửa đổi]
3.5
Bản công bố phù hợp (declaration of compliance)
DOC
Tài liệu xác nhận sự phù hợp với các quy định kỹ thuật hoặc các quy chuẩn
CHÚ THÍCH: Tài liệu này đôi khi được gọi là giấy chứng nhận sự phù hợp (CoC).
3.6
Cơ sở (establishment)
Tòa nhà hoặc khu vực bất kỳ, trong đó xử lý nguyên liệu, sản phẩm trung gian, hóa chất hoặc bao bì thực phẩm và môi trường xung quanh thuộc quyền kiểm soát của cùng đơn vị quản lý
3.7
Bao bì thực phẩm (food packaging)
Sản phẩm bất kỳ được sử dụng để chứa đựng, bảo vệ, xử lý, phân phối, bảo quản, vận chuyển và trưng bày thực phẩm
CHÚ THÍCH: Bao bì thực phẩm có thể có tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với thực phẩm.
- Các bề mặt hoặc vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm là tiếp xúc (nghĩa là chạm vào thực phẩm hoặc tiếp xúc với khoảng trống phía trên) hoặc sẽ tiếp xúc với thực phẩm trong quá trình sử dụng bình thường của bao bì thực phẩm.
- Các bề mặt hoặc vật liệu hoặc các vật liệu gián tiếp không tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm trong quá trình sử dụng bao bì thực phẩm bình thường, nhưng có khả năng các chất được truyền vào thực phẩm.
Việc phân loại bao bì thực phẩm là tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với thực phẩm phải là một phần của phân tích mối nguy.
3.8
Mối nguy từ bao bì thực phẩm (food packaging hazard)
Tác nhân sinh học, hóa học hoặc vật lý trong bao bì thực phẩm hoặc tình trạng sử dụng, có khả năng tác động đến thực phẩm dẫn đến những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe
3.9
Thu hồi bao bì thực phẩm (food packaging withdrawal)
Việc loại các bao bì thực phẩm không phù hợp ra khỏi mọi công đoạn của chuỗi cung ứng thực phẩm vì bao bì thực phẩm không đáp ứng các tiêu chuẩn hoặc yêu cầu cụ thể về an toàn thực phẩm
VÍ DỤ: Công đoạn bất kỳ của chuỗi cung ứng thực phẩm bao gồm kho thương mại, nhà phân phối hoặc hoạt động của khách hàng và kho hàng.
3.10
Vệ sinh (hygiene)
Tập hợp các biện pháp được thực hiện để đảm bảo an toàn thực phẩm của sản phẩm, nếu không sẽ có thể trở thành mối nguy hoặc có hại
3.11
Sự cố (incident)
Sự kiện có thể ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm của nguyên liệu hoặc sản phẩm
3.12
Sản phẩm trung gian (intermediate product)
Sản phẩm chưa dùng để đóng gói thực phẩm và sẽ được tổ chức xử lý hoặc chuyển đổi tiếp
3.13
Thôi nhiễm (migration)
Việc truyền các chất từ nguồn bên ngoài vào thực phẩm
VÍ DỤ: Các ví dụ về các nguồn bên ngoài là vật liệu bao gói và môi trường.
3.14
Thuê ngoài (outsourcing)
Hoạt động bất kỳ được ký kết hợp đồng với một tổ chức bên ngoài
3.15
Bao bì (packaging)
Kiểu loại bất kỳ của sản phẩm hoặc vật liệu được sử dụng để đựng và bảo vệ bao bì thực phẩm trong quá trình vận chuyển và bảo quản
3.16
Làm lại (rework)
Việc sử dụng lại mảnh vụn của sản phẩm cụ thể vào vật liệu có cùng thành phần
3.17
Rủi ro/Nguy cơ (risk)
Xác suất xảy ra mối nguy và mức độ nghiêm trọng của hậu quả
3.18
An toàn (safety)
Tình trạng của một sản phẩm không có các mối nguy không thể chấp nhận được
3.19
Nhiễm qua (set-off)
Việc truyền các chất từ một bề mặt của vật liệu hoặc từ bề mặt của mặt liền kề, đến bề mặt tiếp xúc với thực phẩm qua sự tiếp xúc trực tiếp giữa các bề mặt do việc xếp chồng đè lên nhau hoặc quấn vật liệu vào nhau
3.20
Quy định kỹ thuật (specification)
Bản mô tả chi tiết các đặc tính của vật liệu và yêu cầu đối với vật liệu, đặc biệt liên quan đến tính phù hợp kỹ thuật và đặc thù của nó
3.21
Chất thải (waste)
Chất hoặc vật bất kỳ mà tổ chức loại bỏ, có ý định loại bỏ hoặc được yêu cầu loại bỏ
4 Các điều kiện tiên quyết cơ bản
4.1 Cơ sở
4.1.1 Yêu cầu chung
Cơ sở phải được thiết kế, xây dựng và duy trì theo cách thức phù hợp với bản chất và mục đích của hoạt động sản xuất bao bì thực phẩm, các mối nguy an toàn thực phẩm liên quan đến các hoạt động đó và các nguồn tiềm ẩn gây ô nhiễm.
Các tòa nhà phải có cấu trúc bền vững, không gây mối nguy an toàn thực phẩm đối với bao bì thực phẩm.
VÍ DỤ: Tất cả các cửa mở ra bên ngoài đối với các thiết bị và thiết bị phụ phải được bảo vệ một cách thích hợp.
4.1.2 Môi trường
Cần xem xét các nguồn ô nhiễm tiềm ẩn từ môi trường tại chỗ.
CHÚ THÍCH: "Môi trường tại chỗ" bao gồm cả khu vực bên trong và bên ngoài.
4.1.3 Địa điểm của cơ sở
Ranh giới của cơ sở phải được xác định rõ ràng.
Mọi khu vực trong ranh giới của cơ sở phải được duy trì trong điều kiện thích hợp để ngăn ngừa ô nhiễm.
4.2 Bố trí và không gian làm việc
4.2.1 Yêu cầu chung
Việc bố trí nội bộ phải được thiết kế, xây dựng và duy trì để tạo điều kiện thực hành sản xuất và vệ sinh tốt.
Các mô hình di chuyển của vật liệu, cũng như các vật liệu tái chế, nếu có thể, sản phẩm, con người và cách bố trí thiết bị phải được thiết kế để bảo vệ khỏi các nguồn ô nhiễm, trộn lẫn không chủ định của các vật liệu hoặc sản phẩm và ô nhiễm chéo.
4.2.2 Thiết kế, bố trí và giao thông nội bộ
Các tòa nhà phải có đủ không gian xuyên suốt dòng chảy hợp lý của vật liệu, sản phẩm và con người trong suốt quá trình sản xuất.
Các lối mở để chuyển vật liệu và sản phẩm (ví dụ: đường ống vận chuyển, băng tải) phải được thiết kế để ngăn ngừa sự xâm nhập của chất ngoại lai và sinh vật gây hại, thích hợp với các hoạt động diễn ra bên trong tòa nhà hoặc khu vực của tòa nhà.
4.2.3 Kết cấu bên trong và phụ kiện
Tường và sàn nhà phải dễ dàng rửa sạch hoặc làm sạch một cách thích hợp đối với các mối nguy an toàn thực phẩm liên quan đến sản xuất bao bì thực phẩm.
Phải tránh nước đọng ở những nơi an toàn thực phẩm có thể bị ảnh hưởng.
Cống rãnh thoát nước phải có bẫy nước và có nắp đậy kín.
Trần và các vật treo phía trên phải được thiết kế để giảm thiểu sự tích tụ bụi bẩn, chất ngưng tụ và phải có thể tiếp cận được để kiểm tra và làm sạch.
Ở những nơi khó thực hiện làm vệ sinh thường xuyên đối các vật treo phía trên và kết cấu trên cao, tiềm ẩn mối nguy an toàn thực phẩm thì chúng phải được che phủ.
Cửa ra vào, cửa sổ, lỗ thông gió mái và quạt trong khu vực sản xuất và bảo quản phải đóng mở dễ dàng hoặc được che chắn (ví dụ: lưới chống côn trùng, màn gió) phù hợp với hoạt động trong tòa nhà.
LƯU Ý: Cần tránh các ô trống mở ra ngoài khi có thể. Trường hợp không thể, nên đóng các ô trống này.
4.2.4 Thiết bị
Thiết bị phải được thiết kế và đặt ở vị trí tạo điều kiện thực hành vệ sinh tốt, thực hành sản xuất tốt.
Thiết bị phải được đặt ở nơi có thể tiếp cận để vận hành, làm sạch và bảo trì.
4.2.5 Kết cấu tạm thời/di động
Kết cấu tạm thời phải được thiết kế, bố trí và xây dựng để ngăn ngừa ô nhiễm và không làm nơi ẩn náu của sinh vật gây hại.
4.2.6 Bảo quản
Phương tiện được dùng để bảo quản nguyên liệu, sản phẩm trung gian, hóa chất hoặc bao bì thực phẩm phải được bảo vệ khỏi bụi, chất ngưng tụ, nước đọng, chất thải và các nguồn ô nhiễm khác.
Các khu vực bảo quản bên trong phải khô và thoáng khí. Phải giám sát và kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm, khi cần.
Nếu nguyên liệu, sản phẩm trung gian, hóa chất hoặc bao bì thực phẩm được bảo quản bên ngoài, phải có các biện pháp thích hợp để quản lý ô nhiễm tiềm ẩn. Khu vực bảo quản phải được thiết kế hoặc bố trí để phân tách riêng nguyên liệu, sản phẩm trung gian, hóa chất và bao bì thực phẩm. Nguyên liệu, sản phẩm trung gian, hóa chất và bao bì tiếp xúc với thực phẩm phải được tách riêng khỏi các bao bì không tiếp xúc với thực phẩm.
Mọi nguyên liệu, sản phẩm trung gian, hóa chất và bao bì thực phẩm phải được bảo quản theo cách giảm thiểu khả năng ô nhiễm và cách xa tường để có thể kiểm tra.
Khu vực bảo quản phải được thiết kế để cho phép bảo trì và làm vệ sinh, ngăn ngừa ô nhiễm và hư hỏng.
Hóa chất phải được dán nhãn phù hợp. Các vật liệu và hóa chất nguy hại phải được bảo vệ trong các thùng kín và được sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
4.3 Tiện ích
4.3.1 Yêu cầu chung
Các đường cung cấp và phân phối các dịch vụ tiện ích đến và xung quanh khu vực sản xuất và bảo quản phải được thiết kế để ngăn ngừa ô nhiễm.
4.3.2 Nguồn nước
Nguồn nước cấp có chất lượng phù hợp phải đủ để đáp ứng nhu cầu của quá trình sản xuất bao bì thực phẩm và không gây mối nguy đối với an toàn thực phẩm.
Tổ chức phải thiết lập các yêu cầu đối với nước (kể cả nước đá hoặc hơi nước) dùng cho bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm hoặc để làm vệ sinh và phải giám sát.
Nước không dùng để uống phải có hệ thống cung cấp riêng, được dán nhãn, không được nối với hệ thống nước uống và tránh chảy ngược trở lại hệ thống nước uống.
4.3.3 Chất lượng không khí và thông gió
Tổ chức phải thiết lập các yêu cầu đối với không khí sử dụng để tiếp xúc trực tiếp với bao bì thực phẩm và phải giám sát.
Phải có hệ thống thông gió thích hợp và đầy đủ (tự nhiên hoặc cơ học) để loại bỏ hơi nước, bụi và mùi không mong muốn.
Khi thích hợp, chất lượng nguồn không khí trong phòng phải được kiểm soát để ngăn ngừa ô nhiễm vi sinh vật trong không khí.
Các hệ thống thông gió phải được thiết kế và xây dựng để không cho không khí từ các khu vực bị ô nhiễm đến khu vực sạch.
Hệ thống thông gió phải dễ tiếp cận để làm sạch, thay bộ lọc và bảo trì.
4.3.4 Khí nén và các khí khác
Khí nén và các hệ thống khí khác được sử dụng trong sản xuất bao bì thực phẩm phải được xây dựng và bảo trì để tránh ô nhiễm.
Tổ chức phải thiết lập các yêu cầu đối với các loại khí tiếp xúc trực tiếp với bao bì thực phẩm (kể cả các khí dùng để vận chuyển, thổi hoặc sấy nguyên liệu, sản phẩm trung gian, bao bì thực phẩm hoặc thiết bị) và phải giám sát tương ứng.
Dầu được dùng cho máy nén phải có chất lượng thực phẩm nếu được dùng ở nơi có khả năng ô nhiễm.
Các yêu cầu về việc lọc, độ ẩm và vi sinh phải được đánh giá. Quá trình đánh giá phải xác định được các biện pháp kiểm soát, giám sát và phải áp dụng các biện pháp này.
Việc lọc không khí cần phải gần điểm sử dụng nhất có thể.
4.3.5 Ánh sáng
Nguồn ánh sáng cung cấp (tự nhiên hoặc nhân tạo) phải cho phép vận hành chính xác quy trình sản xuất bao bì thực phẩm.
Cường độ chiếu sáng phải phù hợp với bản chất của hoạt động.
Khi có mối nguy an toàn thực phẩm, đèn chiếu sáng phải được bảo vệ để tránh ô nhiễm nguyên liệu, sản phẩm trung gian, hóa chất, bao bì thực phẩm và trang thiết bị trong trường hợp bị vỡ.
4.4 Xử lý chất thải
4.4.1 Yêu cầu chung
Phải thiết lập các hệ thống để nhận diện, thu gom, loại bỏ và thải bỏ chất thải theo cách ngăn ngừa ô nhiễm.
4.4.2 Xử lý chất thải
Thùng chứa chất thải phải được đổ hết với tần suất thích hợp và được giữ trong điều kiện sạch.
Chất thải phải được giữ cách xa khu vực sản xuất và bảo quản. Thùng và hộp đựng chất thải không dùng trong sản xuất phải được nhận diện, đổ bỏ thường xuyên và có nắp đậy, nếu cần.
Bao bì thực phẩm được xác định và được chỉ định thải bỏ phải được làm biến dạng hoặc tiêu hoại để:
a) nhãn hiệu hoặc thông tin thành phần thực phẩm không thể sử dụng lại được;
b) bao bì đó không quay lại chuỗi cung ứng.
4.4.3 Cống rãnh và thoát nước
Cống rãnh phải được thiết kế, bố trí và xây dựng để tránh khả năng bị ô nhiễm.
4.5 Tính phù hợp, vệ sinh và bảo dưỡng thiết bị
4.5.1 Yêu cầu chung
Thiết bị sử dụng trong khu vực sản xuất và đóng gói phải được thiết kế để ngăn ngừa ô nhiễm.
Trong trường hợp có liên quan, thiết bị được sử dụng trong quá trình chiếu xạ phải đáp ứng các quy định kỹ thuật đối với bao bì thực phẩm liên quan.
4.5.2 Thiết kế hợp vệ sinh
Mọi bộ phận của thiết bị tiếp xúc với bao bì thực phẩm phải được thiết kế và lắp ráp sao cho dễ làm sạch và bảo trì.
Thiết bị phải đáp ứng các nguyên tắc thiết kế vệ sinh đã được thiết lập, bao gồm:
a) bề mặt tiếp xúc với bao bì thực phẩm và bề mặt có thể là nguồn gây ô nhiễm phải nhẵn, dễ tiếp cận, dễ làm vệ sinh;
b) tự thoát nước (đối với các quá trình sản xuất ướt);
c) sử dụng vật liệu xây dựng tương thích với bao bì thực phẩm, chất bôi trơn và chất làm sạch hoặc chất tẩy rửa.
Đường ống và ống dẫn phải sạch, có thể thoát nước và không gây ngưng tụ hoặc rò rỉ có thể dẫn đến ô nhiễm bao bì thực phẩm.
Các van nối và núm điều khiển phải đảm bảo an toàn, ngăn ngừa ô nhiễm.
Các thành phần thiết bị có kim loại độc (ví dụ: thủy ngân) không được phép ở nơi có thể gây hại đến an toàn thực phẩm của bao bì thực phẩm.
4.5.3 Bề mặt tiếp xúc với bao bì thực phẩm
Các bề mặt tiếp xúc bao bì thực phẩm phải được làm từ các vật liệu phù hợp với mục đích sử dụng để tránh ô nhiễm.
4.5.4 Bảo trì
Phải có hệ thống bảo trì theo kế hoạch được áp dụng cho mọi thiết bị.
Các chương trình bảo trì phải được áp dụng một cách có hệ thống để giảm thiểu khả năng ô nhiễm sản phẩm từ thiết bị.
Phải ưu tiên cho yêu cầu bảo trì nơi có nguy cơ đến an toàn thực phẩm.
Phải có thủ tục để loại bỏ chất gây ô nhiễm tiềm ẩn bất kỳ khỏi máy móc và thiết bị sau khi bảo trì.
Nhân viên bảo trì phải thực hiện các quy trình đã quy định, bao gồm các biện pháp vệ sinh, khi thích hợp. Cần phải tránh các kỹ thuật tạm thời và các sửa đổi, chúng phải được kiểm soát và không để kéo dài. Phải áp dụng các biện pháp có hiệu lực.
4.6 Quản lý nguyên liệu và dịch vụ mua vào
4.6.1 Yêu cầu chung
Việc mua nguyên liệu, dịch vụ và các hoạt động được ký hợp đồng phụ có thể ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm của bao bì thực phẩm phải được kiểm soát sao cho nhà cung cấp có thể đáp ứng được các yêu cầu cụ thể.
CHÚ THÍCH: Các dịch vụ có thể bao gồm (nhưng không giới hạn) lưu trữ và làm lại của bên thứ ba bởi các nhà thầu phụ.
Tổ chức phải đặt ra các yêu cầu rõ ràng đối với các quá trình bên ngoài có liên quan. Phải có hợp đồng bằng văn bản.
4.6.2 Lựa chọn và quản lý nhà cung cấp
Phải sẵn có thủ tục dạng văn bản để đánh giá, phê duyệt và giám sát các nhà cung cấp để đảm bảo sự tuân thủ. Phương pháp được sử dụng phải được chứng minh bằng đánh giá rủi ro và phân tích mối nguy, bao gồm mối nguy tiềm ẩn đối với an toàn thực phẩm của bao bì thực phẩm.
Quá trình này bao gồm:
a) đánh giá khả năng của nhà cung cấp để đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm;
b) mô tả cách đánh giá nhà cung cấp.
Việc giám sát có thể bao gồm sự phù hợp với các quy định kỹ thuật, đáp ứng các yêu cầu về COA và kết quả đánh giá thích hợp.
4.6.3 Tiếp nhận nguyên liệu
Hàng hóa trên các phương tiện giao hàng phải được kiểm tra trước và trong quá trình dỡ hàng để xác nhận rằng an toàn thực phẩm và an toàn của nguyên liệu đã được duy trì trong quá trình vận chuyển.
Khi sử dụng tem chống hàng giả, phải có sẵn quy trình kiểm tra xác nhận để xác minh sự phù hợp với yêu cầu của khách hàng hoặc chế định.
Mọi nguyên liệu đầu vào phải được kiểm tra, thử nghiệm hoặc xem xét sự tương ứng với COA/DOC để xác nhận, sự phù hợp với các yêu cầu cụ thể trước khi chấp nhận hoặc sử dụng. Phương pháp xác nhận phải được lập thành văn bản.
Phải có sẵn đầy đủ dữ liệu để có thể phân tích mối nguy khi tiếp xúc thực phẩm.
CHÚ THÍCH 1: Ví dụ khi các nguyên liệu đến từ nguồn tái chế hoặc vật liệu có nguồn gốc thực vật thì cần có sẵn các biện pháp phù hợp để xác nhận các yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc được đáp ứng trước khi chấp nhận.
CHÚ THÍCH 2: Tần suất và phạm vi kiểm tra có thể dựa trên rủi ro của nguyên liệu và đánh giá rủi ro của các nhà cung cấp cụ thể.
Nguyên liệu không phù hợp với các quy định kỹ thuật liên quan phải được xử lý theo thủ tục được lập thành văn bản để ngăn ngừa việc sử dụng không đúng mục đích.
Các điểm tiếp cận vào các đường tiếp nhận nguyên liệu phải được nhận diện và, nếu thích hợp, có giới hạn và được bảo vệ. Việc tiếp cận vào hệ thống như vậy chỉ được thực hiện sau khi phê duyệt và kiểm tra xác nhận nguyên liệu thô nhận được.
4.7 Các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm
4.7.1 Yêu cầu chung
Phải tiến hành phân tích mối nguy. Nếu có thể, phải áp dụng các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm vi sinh, vật lý và hóa học.
Khi có yêu cầu thử nghiệm bên ngoài đối với sản phẩm, phải thực hiện tại phòng thử nghiệm đã được công nhận hoặc phòng thử nghiệm tuân thủ các hướng dẫn quốc tế đối với phòng thử nghiệm. Khi thực hiện thử nghiệm nội bộ, phải tiến hành hiệu chuẩn thiết bị theo các chuẩn quốc gia hoặc các phương tiện chính xác khác.
Cần tránh phối trộn các sản phẩm thô hoặc sản phẩm trung gian nếu việc phân tích mối nguy cho thấy có mối nguy đối với an toàn thực phẩm.
Khi xảy ra sự cố ô nhiễm, phải thực hiện quá trình làm sạch hoặc bảo trì dưới sự kiểm soát của người được chỉ định. Sau khi làm sạch hoặc bảo trì, phải thực hiện quy trình thông qua sản phẩm bằng văn bản. Phải loại bỏ mọi sản phẩm bị ô nhiễm mà không thể làm sạch hiệu quả.
4.7.2 Ô nhiễm vi sinh vật
Khi có khả năng bị ô nhiễm vi sinh vật, phải áp dụng các biện pháp để ngăn ngừa hoặc kiểm soát mối nguy.
4.7.3 Ô nhiễm vật lý
Trường hợp sử dụng vật liệu thủy tinh và vật liệu giòn (đối với các ứng dụng không phải là sản xuất bao bì thực phẩm) trong khu vực sản xuất hoặc bảo quản, phải có các yêu cầu kiểm tra định kỳ và các quy trình đã xác định trong trường hợp bị vỡ.
Vật liệu thủy tinh và vật liệu giòn (như các thành phần nhựa cứng trong thiết bị, mặt kính trên các bình chứa) phải tránh được nếu thích hợp và có thể.
Trong các khu vực sản xuất và bảo quản, các bề mặt tiếp xúc với sản phẩm không được có các mảnh vụn và các nguồn ô nhiễm khác. Chúng phải thích hợp cho việc làm sạch dễ dàng và hiệu quả.
Quy trình chính thức cho việc sử dụng “các vật dụng sắc nhọn” phải sẵn có tại nơi sử dụng. Không được để vật dụng sắc nhọn hoặc dụng cụ rời ở bất cứ nơi nào và trên các bề mặt có thể xảy ra ô nhiễm sản phẩm. Không được sử dụng lưỡi dao để rời.
Nhà cửa, cơ sở vật chất và thiết bị, dụng cụ phải được làm sạch để loại bỏ bụi, mạng nhện, các mảnh vụn để duy trì mức độ vệ sinh có thể chấp nhận được.
4.7.4 Ô nhiễm hóa học
Các vật liệu in và tráng phủ phải được xử lý và lưu trữ ở các giai đoạn bán thành phẩm và thành phẩm theo cách thức để việc nhiễm hóa chất thông qua bề mặt tiếp xúc thực phẩm do nhiễm qua hoặc do cơ chế khác được giảm thiểu đến mức an toàn thích hợp đối với các vật liệu này như được nêu trong phân tích mối nguy.
Hóa chất, bao gồm chất làm sạch và chất bôi trơn, phải được đánh giá và kiểm soát để tránh ô nhiễm sản phẩm.
Chất bôi trơn dự kiến tiếp xúc với sản phẩm phải có chất lượng phù hợp với mục đích sử dụng.
4.7.5 Thôi nhiễm hóa chất
Nếu có mối nguy tiềm ẩn về an toàn thực phẩm do thôi nhiễm hoặc cơ chế truyền khác thì phải áp dụng các biện pháp kiểm soát để ngăn ngừa hoặc kiểm soát mối nguy.
Bao bì (ví dụ: palet, màng mỏng, vật chứa) phải được làm bằng vật liệu thích hợp, được làm sạch và không ô nhiễm cho bao bì thực phẩm.
CHÚ THÍCH: Trong một số trường hợp, cần xử lý hóa chất đối với các palet (như thuốc diệt côn trùng, thuốc diệt nấm, thuốc bảo vệ thực vật hoặc các hóa chất khác) để đáp ứng các yêu cầu chế định hoặc yêu cầu của khách hàng.
4.7.6 Quản lý thực phẩm gây dị ứng
Trường hợp xác định được khả năng gây ô nhiễm từ các chất gây dị ứng thực phẩm, phải thiết lập các biện pháp kiểm soát, được lập thành văn bản và được áp dụng để ngăn ngừa hoặc kiểm soát các mối nguy, để lưu hồ sơ và dán nhãn phù hợp.
4.8 Làm sạch
4.8.1 Yêu cầu chung
Phải thiết lập các chương trình làm sạch thích hợp cho các khu vực cụ thể để duy trì thiết bị sản xuất và môi trường sản xuất trong tình trạng hợp vệ sinh.
Nếu các hoạt động làm sạch được thuê ngoài thì nhà cung cấp được phê duyệt phải có năng lực và phải duy trì hệ thống tài liệu theo quy định của tổ chức.
4.8.2 Chương trình làm sạch
Các chương trình làm sạch phải quy định, tối thiểu là:
a) các khu vực và các bộ phận của thiết bị cần làm sạch;
b) trách nhiệm đối với nhiệm vụ làm sạch cụ thể;
c) phương pháp và tần suất làm sạch;
d) giám sát và kiểm tra xác nhận việc bố trí để làm sạch.
4.8.3 Các chất và dụng cụ làm sạch
Thiết bị phải được duy trì trong tình trạng dễ làm sạch.
Các chất làm sạch phải được xác định rõ ràng, bảo quản riêng biệt và chỉ sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Dụng cụ làm sạch phải được thiết kế hợp vệ sinh và được duy trì trong điều kiện không có khả năng gây ô nhiễm.
4.8.4 Giám sát hiệu lực của chương trình làm sạch
Các chương trình làm sạch phải được giám sát với tần suất do tổ chức quy định để đánh giá sự phù hợp và hiệu lực của chúng.
4.9 Kiểm soát sinh vật gây hại
4.9.1 Yêu cầu chung
Phải áp dụng các biện pháp phù hợp để tránh tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động của sinh vật gây hại.
4.9.2 Chương trình kiểm soát
Tổ chức phải chỉ định người quản lý các hoạt động kiểm soát sinh vật gây hại hoặc liên hệ với các nhà thầu chuyên gia được chỉ định.
Các chương trình quản lý sinh vật gây hại phải được lập thành văn bản và phải xác định các sinh vật gây hại cần kiểm soát, lập kế hoạch, phương pháp, tiến độ, quy trình kiểm soát và các yêu cầu đào tạo nhân lực, nếu cần.
Các chương trình phải bao gồm danh mục hóa chất đã được phê duyệt để sử dụng trong các khu vực cụ thể của cơ sở.
4.9.3 Ngăn chặn xâm nhập
Cơ sở phải được duy trì trong điều kiện tốt.
Phải áp dụng các biện pháp có hiệu lực để ngăn chặn sinh vật gây hại xâm nhập vào cơ sở.
Cửa ra vào, cửa sổ hoặc các lỗ thông gió phải được thiết kế để ngăn ngừa sự xâm nhập của sinh vật gây hại.
Tất cả các cửa ra vào, cửa sổ phải được giữ trong tình trạng tốt và đóng lại khi không sử dụng.
CHÚ THÍCH: Các sản phẩm và vật liệu đưa vào và đưa ra cần được kiểm tra về sự có mặt của các chất gây ô nhiễm từ động vật gặm nhấm, côn trùng có cánh và bò sát, chim và sinh vật gây hại khác.
4.9.4 Chỗ ẩn náu và phá hoại
Nguyên liệu, sản phẩm trung gian hoặc bao bì thực phẩm bị ô nhiễm phải được xử lý theo cách tránh ô nhiễm các nguyên liệu, sản phẩm trung gian, bao bì thực phẩm khác hoặc cơ sở.
Phải loại bỏ khả năng làm nơi ẩn náu tiềm ẩn (ví dụ: hang, các vật chứa) cho sinh vật gây hại.
Khi không gian bên ngoài được sử dụng để lưu trữ, các vật chứa phải được bảo vệ khỏi thời tiết bất lợi và thiệt hại do sinh vật gây hại (ví dụ: phân chim rơi).
4.9.5 Giám sát và phát hiện
Các chương trình giám sát sinh vật gây hại phải bao gồm việc đặt các thiết bị phát hiện và bẫy tại các địa điểm chính để xác định hoạt động của sinh vật gây hại. Phải có sơ đồ đặt thiết bị phát hiện và bẫy.
Thiết bị phát hiện và bẫy phải được thiết kế và bố trí để ngăn ngừa ô nhiễm nguyên liệu, sản phẩm trung gian, bao bì thực phẩm và thiết bị.
Thiết bị phát hiện và bẫy phải bền. Chúng phải phù hợp với sinh vật gây hại cần giám sát.
Thiết bị phát hiện và bẫy phải được kiểm tra định kỳ để xác định các hoạt động mới của sinh vật gây hại. Kết quả kiểm tra phải được phân tích để xác định xu hướng hoạt động của sinh vật gây hại.
4.9.6 Loại trừ
Các biện pháp loại trừ phải có sẵn ngay sau khi có bằng chứng về sự xâm nhập của sinh vật gây hại.
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chỉ do nhân viên đã được đào tạo thực hiện và phải được kiểm soát để ngăn ngừa các mối nguy đối với an toàn thực phẩm.
Hồ sơ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải được duy trì để biết được loại, số lượng và nồng độ sử dụng; nơi sử dụng, thời gian sử dụng, cách áp dụng và sinh vật gây hại đích.
4.10 Vệ sinh cá nhân và trang thiết bị
4.10.1 Yêu cầu chung
Yêu cầu về vệ sinh cá nhân và hành vi đối với mối nguy gây ra cho bao bì thực phẩm phải được thiết lập và lập thành văn bản. Tất cả nhân viên, khách tham quan và nhà thầu phải tuân thủ các yêu cầu đã lập thành văn bản.
4.10.2 Vệ sinh cá nhân, phòng thay đồ và nhà vệ sinh
Các thiết bị vệ sinh cá nhân phải có sẵn để duy trì mức độ vệ sinh cá nhân mà tổ chức yêu cầu. Các thiết bị phải được đặt gần các điểm sử dụng khi phải áp dụng các yêu cầu vệ sinh và phải được quy định rõ ràng.
Tùy theo quy mô và tính phức tạp, các tổ chức phải:
a) cung cấp đầy đủ số lượng và vị trí các phương tiện rửa, làm khô và khử trùng tay, nếu có yêu cầu (bao gồm bồn rửa, nguồn cấp nước nóng và/hoặc nước lạnh hoặc nước được kiểm soát nhiệt độ và xà phòng hoặc chất sát trùng);
b) cung cấp đủ số lượng nhà vệ sinh có thiết kế hợp vệ sinh phù hợp với khu vực sản xuất, mỗi nhà vệ sinh đều có thiết bị rửa tay, máy sấy và phương tiện khử trùng, nếu có yêu cầu; nhà vệ sinh và phòng thay đồ phải được giữ sạch;
c) có đầy đủ phòng thay đồ và giữ đồ cho tất cả nhân viên làm việc trong khu vực sản xuất, đóng gói và bảo quản.
Các phòng thay đồ và giữ đồ này phải có thể tiếp cận mà không phải đi qua các khu vực sản xuất và bảo quản khi từ bên ngoài vào.
CHÚ THÍCH: Khi không thể đi vào các phòng thay đồ mà không qua các khu vực sản xuất, có thể đi vào bằng đường khác được kiểm soát hoặc được chỉ định.
4.10.3 Căng tin dành cho nhân viên, khu vực ăn uống và hút thuốc
Căng tin dành cho nhân viên và các khu vực bảo quản thực phẩm, nơi ăn uống và hút thuốc phải được bố trí và quản lý phù hợp để ngăn ngừa ô nhiễm đến các khu vực sản xuất.
Tất cả thức ăn, đồ uống và thuốc chữa bệnh phải được lưu trữ ở những khu vực được chỉ định, cần có các thủ tục để kiểm soát việc sử dụng các loại thuốc để ngăn ngừa ô nhiễm sản phẩm.
Việc ăn (bao gồm cả ăn bánh kẹo, nhai kẹo cao su hoặc nhai thuốc lá); uống, trừ uống nước và hút thuốc, chỉ được phép trong những khu vực được chỉ định. Khi được phép nước uống, cần phải kiểm soát để tránh bị đổ tràn và gây ô nhiễm.
Tất cả các khu vực như vậy cần được giữ sạch. Cần sử dụng thùng chứa có nắp đậy thích hợp và có thể làm sạch được để đựng rác thải.
Cần có hộp đựng chất thải khi hút thuốc.
4.10.4 Quần áo và đồ bảo hộ lao động
Tổ chức phải đảm bảo rằng nhân viên làm việc hoặc đi vào khu vực sản xuất hoặc bảo quản phải mặc quần áo bảo hộ lao động phù hợp với mục đích, trong tình trạng tốt và không có khả năng gây ô nhiễm. Quần áo lao động phải được tách riêng khỏi quần áo cá nhân.
Nếu phù hợp, quần áo lao động hoặc các cách bảo vệ thích hợp khác phải được cung cấp để cho mồ hôi và tóc rụng không gây ô nhiễm nguyên liệu, sản phẩm trung gian, bao bì thực phẩm hoặc thiết bị dựa trên phân tích mối nguy đối với an toàn thực phẩm. Trường hợp găng tay được sử dụng để tiếp xúc với bao bì thực phẩm thì phải phù hợp với mục đích và trong tình trạng tốt.
Các thiết bị bảo vệ cá nhân, nếu được yêu cầu, phải được thiết kế để ngăn ngừa ô nhiễm và phải được duy trì trong điều kiện vệ sinh.
4.10.5 Bệnh tật và thương tích
Nhân viên phải thực hiện các văn bản hướng dẫn của tổ chức về thương tích và bệnh tật.
THẬN TRỌNG: Nhân viên bị ốm, nhiễm hoặc mang mầm bệnh, truyền qua thực phẩm không được xử lý bao bì thực phẩm, cần có sẵn quy trình sàng lọc y tế.
Mọi thương tích, kể cả những vết đứt nhỏ, phải được xử lý ngay và theo cách thích hợp.
Việc băng bó phải được kiểm soát và được thay trong khoảng thời gian thích hợp. Băng dính không được làm ô nhiễm sản phẩm. Chúng phải được phân biệt với sản phẩm (ví dụ: bằng màu sắc).
4.10.6 Vệ sinh cá nhân
Nhân viên đang làm việc trong khu vực sản xuất phải rửa tay:
a) trước khi bắt đầu mọi hoạt động xử lý bao bì thực phẩm;
b) ngay sau khi sử dụng nhà vệ sinh, ăn uống, hút thuốc hoặc uống (không phải uống nước);
c) ngay sau khi xử lý vật liệu có khả năng bị ô nhiễm.
LƯU Ý: Cần sử dụng các sản phẩm rửa tay phù hợp với an toàn thực phẩm (ví dụ: không mùi).
Nhân viên không được hắt hơi hoặc ho vào các loại nguyên liệu, sản phẩm trung gian hoặc bao bì thực phẩm. Nghiêm cấm khạc nhổ.
Móng tay phải được giữ sạch và cắt ngắn.
4.10.7 Hành vi cá nhân
Hành vi yêu cầu nhân viên trong các khu vực sản xuất và kho bãi phải được lập thành văn bản. Chính sách tối thiểu phải bao gồm:
a) cho phép hút thuốc, uống (không phải uống nước), ăn và nhai chỉ trong khu vực chỉ định; cấm mang đồ trang sức, đồng hồ đeo tay và các vật sắc nhọn, trừ khi chúng được kiểm soát một cách hợp lý để giảm thiểu ô nhiễm. Tổ chức phải xác định rõ loại đồ trang sức được phép mang theo được xác định bằng phân tích mối nguy;
b) cho phép có vật dụng cá nhân, chẳng hạn như vật liệu hút thuốc và thuốc, chỉ ở các khu vực chỉ định;
c) cấm sử dụng sơn móng tay, móng giả và lông mi giả;
d) các biện pháp kiểm soát để hạn chế các dụng cụ viết hoặc các đồ vật rời trong những khu vực mà chúng có thể gây ô nhiễm nguyên liệu, sản phẩm trung gian hoặc bao bì thực phẩm;
e) trang bị tủ cá nhân có khóa và giữ để tủ không chứa rác và quần áo bẩn;
f) cấm lưu trữ các dụng cụ tiếp xúc bao bì thực phẩm trong tủ cá nhân.
4.11 Sản phẩm làm lại
4.11.1 Yêu cầu chung
Sản phẩm làm lại phải được bảo quản, xử lý và sử dụng sao cho tính năng an toàn của bao bì thực phẩm, chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc và sự tuân thủ luật định được duy trì.
4.11.2 Bảo quản, nhận biết và truy xuất nguồn gốc
Các sản phẩm làm lại được bảo quản tách riêng và được bảo vệ khỏi sự ô nhiễm.
Sản phẩm làm lại phải được xác định rõ ràng và dán nhãn để cho phép truy xuất nguồn gốc. Hồ sơ truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm làm lại phải được duy trì.
Phải lưu hồ sơ về việc phân loại sản phẩm làm lại hoặc lý do làm lại (ví dụ: tên bao bì thực phẩm, ngày sản xuất, ca làm việc, dây chuyền sản xuất ban đầu).
4.11.3 Sử dụng sản phẩm làm lại
Trường hợp làm lại được đưa trở lại quá trình sản xuất, phải xác định rõ số lượng, chủng loại và điều kiện sử dụng sản phẩm làm lại. Phải xác định phương pháp bổ sung, kể cả các giai đoạn tiền xử lý cần thiết.
Phải có các biện pháp để ngăn ngừa quá trình làm lại khiến cho nguyên liệu, sản phẩm trung gian hoặc bao bì thực phẩm bị ô nhiễm bởi các vật liệu không để tiếp xúc với thực phẩm.
Hồ sơ xác nhận giá trị sử dụng phải được lưu giữ để chứng minh sự tuân thủ các yêu cầu chế định và các yêu cầu của khách hàng được duy trì bằng việc thực hiện quá trình làm lại cụ thể.
4.12 Thủ tục thải bỏ
Các hệ thống phải có sẵn để đảm bảo rằng các sản phẩm không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm có thể được nhận biết, định vị và loại bỏ khỏi mọi điểm cần thiết của chuỗi cung ứng.
Hệ thống này phải được lưu hồ sơ và được thử nghiệm với tần suất thích hợp.
4.13 Bảo quản và vận chuyển
4.13.1 Yêu cầu chung
Nguyên liệu, sản phẩm trung gian và bao bì thực phẩm phải được bảo quản và xử lý theo cách để tránh các nguồn ô nhiễm như bụi, chất ngưng tụ, khói, mùi hoặc các nguồn khác.
Các khu vực bảo quản được giao thầu phụ phải đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn này.
4.13.2 Yêu cầu về nhà kho
Việc kiểm soát hiệu quả nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện môi trường khác của nhà kho phải được thực hiện theo các quy định về bao bì thực phẩm và quy định về bảo quản.
Chất thải và hóa chất (các sản phẩm làm sạch, chất bôi trơn và thuốc bảo vệ thực vật) phải được cất giữ riêng.
Phải có các biện pháp (bằng điện tử hoặc vật lý) để tránh giải phóng và/hoặc cung cấp các vật liệu không phù hợp.
Cần sử dụng các hệ thống luân chuyển cụ thể trong kho.
4.13.3 Phương tiện, băng chuyền và vật chứa
Phương tiện, băng chuyền và vật chứa phải được duy trì ở trạng thái tốt, sạch và phù hợp với yêu cầu của quy định kỹ thuật và hợp đồng liên quan.
Phương tiện, băng chuyền và vật chứa phải bảo vệ chống hư hỏng hoặc ô nhiễm bao bì thực phẩm.
Khi cần, phải kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm, lưu hồ sơ và luôn sẵn sàng thực hiện việc kiểm soát này. Phương tiện vận chuyển phải được kiểm tra trước khi xếp và dỡ. Chúng phải trong tình trạng sử dụng tốt, sạch, không có sinh vật gây hại và mùi không mong muốn.
Bao bì thực phẩm phải được bảo vệ khỏi ô nhiễm trong quá trình xếp hàng. Khi tổ chức yêu cầu, thùng chứa số lượng lớn phải được dành riêng cho một vật liệu bao bì thực phẩm cụ thể.
Palet phải được kiểm tra trước khi sử dụng. Chúng phải phù hợp với mục đích sử dụng, sạch, không có vật lạ, sinh vật gây hại và mùi không mong muốn. Palet không gây ô nhiễm nguyên liệu, sản phẩm trung gian và bao bì thực phẩm.
4.14 Thông tin về bao bì thực phẩm và trao đổi thông tin với khách hàng
Tổ chức phải chứng minh được sự tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm và các quy định kỹ thuật đã thỏa thuận.
Tổ chức phải thu thập thông tin cần thiết để xác định rằng bao bì thực phẩm được cung cấp phù hợp với mục đích sử dụng và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm. Trong trường hợp thay đổi bao bì thực phẩm, tổ chức phải đánh giá mọi hệ quả đối với an toàn thực phẩm và sự tuân thủ.
Tổ chức phải cung cấp và cập nhật thông tin liên quan đến an toàn thực phẩm lên khả năng áp dụng của sản phẩm và các hạn chế khi sử dụng các thông tin đó đối với khách hàng.
CHÚ THÍCH: Thông tin có thể được cung cấp bằng cách ghi nhãn hoặc bằng các phương tiện khác, ví dụ như các trang mạng và quảng cáo của công ty và có thể bao gồm bảo quản, hướng dẫn áp dụng cho sản phẩm.
Khi thông tin được cung cấp trên bao bì thực phẩm là một phần của quá trình an toàn thực phẩm, thông tin này phải đầy đủ, rõ ràng và được kiểm soát để ngăn chặn việc in sai.
4.15 Phòng vệ thực phẩm và khủng bố sinh học
Mỗi tổ chức phải đánh giá rủi ro đối với các sản phẩm gây ra bởi các hành vi phá hoại, hủy hoại hoặc khủng bố và phải có các biện pháp phòng ngừa tương ứng.
Phải có sẵn thủ tục để quản lý các sự cố an ninh.
Có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở:
a) thiết kế và xây dựng cơ sở hạ tầng để ngăn ngừa xâm nhập trái phép;
b) kiểm tra nhân sự;
c) kiểm soát thông tin mật;
d) an ninh của khu vực sản xuất và bảo quản;
e) vận chuyển và phân phối.
Việc đánh giá an ninh tại nhà máy phải được cập nhật. Nhân viên phải được đào tạo về các biện pháp an ninh tại nhà máy.
Phụ lục A
(Tham khảo)
So sánh thiết kế bao bì thực phẩm và phát triển mặt hàng có liên quan
Việc sử dụng bao bì thực phẩm đúng mục đích cần phải được hiểu đầy đủ để mọi mối nguy đối với an toàn thực phẩm có thể được nhận biết và xử lý thông qua thiết kế bao bì thực phẩm thích hợp, như quy định trong Bảng A.1.
Bảng A.1 - Tổng quan TCVN ISO 22000, TCVN ISO/TS 22002-4 và BS PAS 223
TCVN ISO 22000:2018 (ISO 22000:2018) | Tiêu chuẩn này | BS PAS 223 | ||
Thiết kế bao bì thực phẩm và xây dựng các điều khoản: | 19 Thiết kế và phát triển bao bì thực phẩm | |||
7.4.2 a) | Trao đổi thông tin với bên ngoài | 4.14 Thông tin về bao bì thực phẩm và trao đổi thông tin với khách hàng | Yêu cầu chung | 19.1 |
7.4.2 a) | Trao đổi thông tin với bên ngoài | Trao đổi thông tin và kiểm soát các thay đổi | 19.2 | |
8.5.1.4b) | Sử dụng đúng mục đích | |||
8.5.1.3c) | Đặc tính của sản phẩm cuối cùng | |||
8.5.1.2d) | Nguyên liệu, thành phần và vật liệu tiếp xúc với sản phẩm | Thiết kế | 19.3 | |
8.5.1.3c) | Đặc tính của sản phẩm cuối cùng | |||
8.5.1.4b) | Sử dụng đúng mục đích | |||
7.4.2 a) | Trao đổi thông tin với bên ngoài | Quy định kỹ thuật | 19.4 | |
8.5.1.2d) | Nguyên liệu, thành phần và vật liệu tiếp xúc với sản phẩm | |||
8.5.3 e) | Đánh giá hiệu lực của các biện pháp kiểm soát | Đánh giá hiệu lực của quá trình | 19.5 | |
8.7 f) | Kiểm soát giám sát và đo lường | |||
CHÚ THÍCH: Các điều tương ứng của TCVN ISO 22000:2007 (ISO 22000:2005): a) Điều 5.6.1; b) Điều 7.3.4; c) Điều 7.3.3.2; d) Điều 7.3.3.1; e) Điều 8.2; f) Điều 8.3. |
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] BS PAS 223:2011, Prerequisite programmes and design requirements for food safety in the manufacture and provision of food packaging
[2] EN 15593:2008, Packaging- Management of hygiene in the production of packaging for foodstuffs - Requirements
[3] ISO 21067, Packaging - Vocabulary
1) Điều 7.2 của TCVN ISO 22000:2007 (ISO 22000:2005).
2) Điều 5.6 của TCVN ISO 22000:2007 (ISO 22000:2005).
Click Tải về để xem toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam nói trên.