Trang /
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13891-1:2023 hệ thống đường ống lắp đặt trên phương tiện thăm dò, xử lý dầu khí trên biển - Phần 1
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tiêu chuẩn liên quan
- Lược đồ
- Tải về
Lưu
Theo dõi văn bản
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Báo lỗi
Đang tải dữ liệu...
Đang tải dữ liệu...
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 13891-1:2023
BÌNH CHỊU ÁP LỰC VÀ HỆ THỐNG ĐƯỜNG ỐNG CÔNG NGHỆ LẮP ĐẶT TRÊN PHƯƠNG TIỆN THĂM DÒ, KHAI THÁC VÀ XỬ LÝ DẦU KHÍ TRÊN BIỂN - PHẦN 1: PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA DỰA TRÊN CƠ SỞ PHÂN TÍCH RỦI RO
Pressure Vessel and process Piping System installed on Offshore Installations used for oil and gas exploration and production -Part 1: Method of Risk-Base Inspection
Lời nói đầu
TCVN 13891-1:2023 xây dựng trên cơ sở tham khảo API 580 Risk-Based Inspection, third edition, February 2016 (API 580 Kiểm tra dựa trên cơ sở rủi ro, xuất bản lần 3, tháng 2 năm 2016).
TCVN 13891-1:2023 do Cục Đăng kiểm Việt Nam biên soạn, Bộ Giao thông vận tải đề nghị, Tổng cục Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
BÌNH CHỊU ÁP LỰC VÀ HỆ THỐNG ĐƯỜNG ỐNG CÔNG NGHỆ LẮP ĐẶT TRÊN PHƯƠNG TIỆN THĂM DÒ, KHAI THÁC VÀ XỬ LÝ DẦU KHÍ TRÊN BIỂN - PHẦN 1: PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA DỰA TRÊN CƠ SỞ PHÂN TÍCH RỦI RO
Pressure Vessel and process Piping System installed on Offshore Installations used for oil and gas exploration and production -Part 1: Method of Risk-Base Inspection
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này được xây dựng để đưa ra các phương pháp đánh giá cơ bản, các nguyên tắc chung và quy trình tiến hành một chương trình kiểm tra dựa trên cơ sở phân tích rủi ro (RBl) cho bình chịu áp lực và hệ thống đường ống công nghệ lắp đặt trên phương tiện thăm dò, khai thác và xử lý dầu khí trên biển.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần cho việc áp dụng Tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
- API 510 Pressure Vessel Inspection Code: In-service Inspection, Rating, Repair, and Alteration (Tiêu chuẩn kiểm tra bình chịu áp lực: Kiểm tra, đánh giá, sửa chữa và thay đổi).
- API 570 Piping Inspection Code: In-service Inspection, Repair, and Alteration of Piping Systems (Tiêu chuẩn kiểm tra đường ống - kiểm tra đường ống trong khai thác, sửa chữa và thay thế của hệ thống đường ống).
- API RP 571 Damage Mechanisms Affecting Fixed Equipment in the Refining Industry (Tiêu chuẩn về các cơ chế hư hỏng trong ngành công nghiệp lọc dầu)
- API 579-1/ASME 1 FFS-1 Fitness-For-Service (Đánh giá phù hợp trong khai thác)
- API 581 Risk-based. Inspection Methodology (Phương pháp khảo sát dựa trên cơ sở phân tích rủi ro)
- API 563 Tank inspection, Repair, Alteration (Kiểm tra, sửa chữa, hoán cải bồn chứa)
- API Rp 572 Management of Hazards Associated with Location of Process Plant Permanent (Quản lý các mối nguy liên quan đến vị trí của thiết bị công nghệ cố định)
- ASME PVRC Project 99-1P-01 A Comparison of Criteria for Acceptance of Risk, February 16, 2000 (So sánh các tiêu chí chấp nhận rủi ro, ngày 16 tháng 2 năm 2000)
3. Thuật ngữ, định nghĩa, ký hiệu và chữ viết tắt
3.1 Thuật ngữ và định nghĩa
3.1.1
Kiểm tra trên cơ sở rủi ro (Risk Based Inspection-RBI)
Kiểm tra trên cơ sở rủi ro là việc thực hiện kiểm tra dựa trên quá trình quản lý và đánh giá rủi ro xem xét cả khả năng xảy ra và hậu quả của sự cố hư hỏng thiết bị và tập trung vào kế hoạch kiểm tra việc mất khả năng tồn chứa của bình chịu áp lực, và hệ thống công nghệ do hư hỏng vật liệu. Những rủi ro này được quản lý chủ yếu thông qua các hoạt động kiểm tra thiết bị.
3.1.2
Rủi ro (Risk)
Rủi ro là sự kết hợp giữa khả năng xảy ra của một số sự kiện nào đó xảy ra trong một khoảng thời gian và hậu quả liên quan đến sự kiện đó
3.1.3
Rủi ro tuyệt đối (Absolute Risk)
Mô tả và định lượng rủi ro lý tưởng và chính xác.
3.1.4
Rủi ro có thể chấp nhận (Acceptable Risk)
Là mức độ rủi ro có thể chấp nhận được bởi người chủ sở hữu/sử dụng.
3.1.5
Thấp tới mức có thể thực thi (As IOW As Reasonably Practical-ALARP)
Khoảng cách nằm giữa hai mức rủi ro cao và mức rủi ro thấp được gọi là vùng Thấp tới mức có thể thực thi (ALARP).
3.1.6
Bộ phận (Components)
Các bộ phận cấu thành của một thiết bị hoặc chi tiết của thiết bị.
3.1.7
Chuyên gia về ăn mòn (Corrosion Specilist)
Là người có am hiểu và kinh nghiệm trong lĩnh vực ăn mòn, hư hỏng cơ học, luyện kim, lựa chọn vật liệu, quá trình hóa học và các phương pháp giảm thiểu, kiểm soát ăn mòn và các ảnh hưởng của chúng lên thiết bị chịu áp lực.
3.1.8
Kiểu hư hỏng (Damage (or deterioration) mode)
Biểu hiện vật lý của hư hỏng (ví dụ như suy giảm chiều dày, rỗ, nứt, vỡ),
3.1.9
Giới hạn hư hỏng cho phép (Damage tolerance)
Mức độ hư hỏng mà một bộ phận có thể chịu được mà không bị hỏng.
3.1.10
Sự kiện (Event)
Sự xuất hiện của một tập hợp các tình huống cụ thể, sự kiện có thể chắc chắn hoặc không chắc chắn, sự kiện có thể là số ít hoặc nhiều. Khả năng xảy ra của một sự kiện xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định có thể được định tính.
3.1.11
Cây sự kiện (Event Tree)
Một công cụ phân tích mà diễn giải và mô tả đặc điểm các sự kiện dự kiến theo một cách lô gíc và đồ họa, chỉ ra các mối quan hệ của các sự kiện với nhau.
3.1.12
Phần mềm thực hiện RBI (RBI Software)
Phần mềm thực hiện RBI là phần mềm đáp ứng quy định có liên quan tại các tiêu chuẩn API 580, API 581 và cho phép bổ sung dữ liệu thường xuyên trong thời gian hoạt động, bất cứ khi nào có thông tin mới về an toàn, sau kiểm tra đánh giá, kiểm định thiết bị hoặc khi cần thiết.
3.1.13
Sự kiện bên ngoài (External Event)
Các sự kiện liên quan đến hiện tượng thiên nhiên, sự phá hoại hoặc các sự kiện như cháy hoặc nổ tại các khu vực lân cận, khủng bố, phát tán vật chất nguy hiểm, mất điện, sự xâm nhập của các phương tiện giao thông bên ngoài.
3.1.14
FSS (Fitness-For-Service Assessment)
Là phương pháp được áp dụng để đánh giá các khuyết tật, hư hỏng của bộ phận hoặc chi tiết thiết bị trước khi đưa ra quyết định cho sự chấp thuận tiếp tục sử dụng.
3.1.15
Mối nguy (Hazard)
Nguồn tiềm ẩn của các hư hỏng.
3.1.16
Nghiên cứu về mối nguy và khả năng vận hành (Hazard and operability study-HAZOP)
Nghiên cứu HAZOP là một dạng phân tích FMEA (Failure Mode & Effects Analysis), các nghiên cứu HAZOP để xác định các mối nguy và các vấn đề về khả năng hoạt động trong toàn bộ công trình biển.
3.1.17
Kế hoạch kiểm tra (Inspection plan)
Tập hợp các hành động được lập thành văn bản nêu chi tiết phạm vi, mức độ, phương pháp và thời gian của các hoạt động kiểm tra cụ thể nhằm xác định tình trạng của một thiết bị. Trong đánh giá RBI thì kế hoạch kiểm tra là kết quả của phân tích RBI.
3.1.18
Giới hạn vận hành toàn vẹn (Integrity operating windows-IOWs)
Các giới hạn đã được thiết lập cho các tham số của quá trình có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của thiết bị nếu hoạt động của quá trình xử lý công nghệ khác với các giới hạn đã thiết lập trong một khoảng thời gian xác định trước.
3.1.19
Quản lý sự thay đổi (Management of Change MOC)
Một hệ thống quản lý được lập thành văn bản để xem xét và phê duyệt các thay đổi quá trình xử lý công nghệ, thiết bị hoặc hệ thống đường ống trước khi thực hiện thay đổi.
3.1.20
Hệ thống quản lý (Management System)
Hệ thống quản lý là bộ khung cho các quá trình xử lý công nghệ và quy trình làm việc được sử dụng để đảm bảo rằng một tổ chức có thể hoàn thành tất cả các nhiệm vụ cần thiết để đạt được các mục tiêu của nó.
3.1.21
Cụm xử lý công nghệ (Process Unit)
Một nhóm các hệ thống được sắp xếp theo một kiểu cụ thể để sản xuất một sản phẩm hoặc dịch vụ.
3.1.22
Phân tích rủi ro định tính (Qualitative Risk Analysis)
Phân tích rủi ro sử dụng chuyên môn và kinh nghiệm để ấn định sự phân loại cho POF và COF.
3.1.23
Phân tích rủi ro định lượng (Quantitative Risk Analysis)
Phân tích rủi ro sử dụng các phương pháp tiếp cận dựa trên mô hình trong đó các giá trị số được tính toán.
3.1.24
Đánh giá lại (Reassessment)
Quá trình tích hợp dữ liệu kiểm tra hoặc các thay đổi khác vào phân tích rủi ro.
3.1.25
Rủi ro còn tồn tại (Residual Risk)
Rủi ro còn lại sau khi giảm thiểu rủi ro.
3.1.26
Phân tích rủi ro (Risk Analysis)
Sử dụng thông tin một cách có hệ thống để nhận biết mối nguy và ước lượng rủi ro.
3.1.27
Đánh giá rủi ro (Risk Assessment)
Toàn bộ quá trình bao gồm phân tích rủi ro và đánh giá mức rủi ro
3.1.28
Loại bỏ rủi ro (Risk Avoidance)
Loại bỏ khả năng bị thiệt hại, phòng tránh rủi ro được đưa ra dựa trên kết quả đánh giá rủi ro.
3.1.29
Tiêu chí rủi ro (Risk Criteria)
Tiêu chí tham chiếu mà theo đó mức độ rủi ro được đánh giá.
3.1.30
Ước lượng rủi ro (Risk Estimation)
Quá trình được sử dụng để ấn định các giá trị đối với khả năng xảy ra và hậu quả xảy ra rủi ro.
3.1.31
Quản lý rủi ro (Risk Management)
Quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học và có hệ thống để nhận diện, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất và những ảnh hưởng bất lợi của rủi ro.
3.1.32
Giảm thiểu rủi ro (Risk Mitigation)
Biện pháp ứng phó rủi ro được sử dụng để giảm thiểu các tác động bất lợi của các mối nguy có thể xảy ra.
3.1.33
Tuổi thọ sử dụng (Service Life)
Tuổi thọ dự kiến hoặc khoảng thời gian có thể chấp nhận được trong đó thiết bị chứa chịu áp lực, bộ phận chứa áp suất có thể hoạt động một cách an toàn và đáng tin cậy.
3.1.34
Hệ thống (System)
Tập hợp các thiết bị được lắp ráp cho một chức năng cụ thể trong phạm vi một cụm thiết bị xử lý.
3.1.35
Rủi ro khi chưa được giảm thiểu (Unmitigated risk)
Rủi ro trước các hoạt động giảm thiểu.
3.2 Ký hiệu và chữ viết tắt
ALARP | : | As low-As Reasonably Practical (Thấp tới mức có thể thực thi) |
COF | : | Consequence of Failure (Hậu quả hư hỏng) |
FMEA | : | Failure Modes and Effects Analysis (Phân tích dạng hư hỏng và tác động) |
HAZOP | : | Hazard and Operability Assessment (Đánh giá mối nguy và khả năng vận hành) |
lOWs | : | Integrity Operating Windows (Cửa sổ vận hành toàn vẹn) |
LOPA | : | Layers of Protection Analysis (Các lớp phân tích bảo vệ) |
MOC | : | Management of Change (Quản lý thay đổi) |
NDE | : | Nondestructive Examination (Kiểm tra không phá hủy) |
PHA | : | Process Hazards Analysis (Phân tích các mối nguy quá trình xử lý công nghệ) |
POF | : | Probability of Failure (Khả năng xảy ra hư hỏng) |
PSM | : | Process Safety Management (Quản lý quy trình an toàn) |
QA/QC | : | Quality Assurance/Quality Control (Đảm bảo chất lượng/kiểm soát chất lượng) |
QRA | : | Quantitative risk assessment (Đánh giá rủi ro định lượng) |
RBI | : | Risk-Based Inspection (Kiểm tra trên cơ sở đánh giá rủi ro) |
RCM | : | Reliability Centered Maintenance (Bảo trì tập trung vào độ tin cậy) |
SIL | : | Safety Integrity Level (Cấp độ toàn vẹn an toàn) |
4. Nguyên tắc cơ bản về đánh giá rủi ro
4.1 Khái quát
4.1.1 Rủi ro là sự kết hợp giữa khả năng xảy ra của một số sự kiện nào đó xảy ra trong một khoảng thời gian và hậu quả liên quan đến sự kiện đó. Theo thuật ngữ toán học, rủi ro có thể được tính theo phương trình:
Rủi ro = Khả năng xảy ra hư hỏng x Hậu quả hư hỏng
4.1.2 Đánh giá rủi ro hiệu quả phải là một quá trình hợp lý, lô gíc và có cấu trúc bao gồm ít nhất hai bước chính sau:
a. Xác định rủi ro đáng kể như thế nào;
b. Xác định liệu rủi ro có thể được chấp nhận.
4.2 Quản lý rủi ro và giảm thiểu rủi ro
4.2.1 Giảm thiểu rủi ro là hành động giảm thiểu rủi ro đã biết từ mức rủi ro cao xuống mức rủi ro thấp hơn, dễ chấp nhận hơn bằng một số biện pháp giảm thiểu rủi ro.
4.2.2 Quản lý rủi ro là một quá trình đánh giá rủi ro, xác định xem có cần giảm thiểu rủi ro hay không và xây dựng kế hoạch duy trì rủi ro ở mức có thể chấp nhận được. Bằng cách sử dụng quản lý rủi ro, một số rủi ro có thể được xác định là có thể chấp nhận được để không cần phải giảm thiểu rủi ro.
4.3 Sự phát triển của thời hạn kiểm tra và ngày đến hạn kiểm tra
4.3.1 Chương trình kiểm tra, thử nghiệm và giám sát quá trình được thiết lập để phát hiện và đánh giá sự suy giảm do ảnh hưởng trong hoạt động.
4.3.2 Việc thiết lập khoảng thời gian kiểm tra theo RBI được thực hiện dựa trên rủi ro của thiết bị theo thời gian và rủi ro có thể được chấp nhận (được thiết lập bởi chủ sở hữu công trình) theo đó việc kiểm tra phải được thực hiện chậm nhất là thời điểm rủi ro của thiết bị bằng với rủi ro có thể chấp nhận được.
4.3.3 Với những tiến bộ trong cách tiếp cận việc thực hiện kiểm tra và hiểu rõ hơn về loại và mức độ hư hỏng, khoảng thời gian kiểm tra/ngày đến hạn kiểm tra trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào tình trạng thiết bị, thay vì thực hiện tại một ngày lịch tùy ý. Các tiêu chuẩn như API 510, API 570 và API 653 phát triển thành một nguyên lý kiểm tra với các yếu tố như:
a. Khoảng thời gian kiểm tra/ngày đến hạn dựa trên số phần trăm tuổi thọ của thiết bị (như là 1/2 tuổi thọ);
b. Kiểm tra kiểm tra ở trạng thái hoạt động thay cho kiểm tra bên trong dựa trên tốc độ hư hỏng thấp;
c. Yêu cầu kiểm tra bên trong đối với các cơ chế hư hỏng liên quan đến nứt;
d. Khoảng thời gian kiểm tra/ngày đến hạn kiểm tra dựa trên hậu quả.
4.3.4 RBI đại diện cho thế hệ tiếp theo của các phương pháp tiếp cận việc thực hiện kiểm tra và thiết lập khoảng thời gian/ngày đến hạn kiểm tra với mục tiêu cuối cùng của việc khảo sát là sự an toàn và độ tin cậy của các thiết bị đang vận hành. RBI là một phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro, tập trung đặc biệt chú ý đến thiết bị và các cơ chế hư hỏng liên quan gây rủi ro cao nhất cho công trình biển. Khi tập trung vào rủi ro và giảm thiểu rủi ro, RBI cung cấp mối liên kết tốt hơn giữa các cơ chế dẫn đến hư hỏng thiết bị (mất khả năng chứa) và các phương pháp kiểm tra sẽ giảm thiểu rủi ro liên quan một cách hiệu quả. Mặc dù có thể có nhiều định nghĩa về hư hỏng của thiết bị chịu áp lực, trong tài liệu này hư hỏng được xác định là mất khả năng chứa.
4.4 Tổng quan về phân tích rủi ro
4.4.1 Rủi ro được đánh giá bằng cách xác định các cơ chế hư hỏng, xác định khả năng xảy ra hư hỏng, đánh giá hậu quả hư hỏng và xác định các yếu tố thúc đẩy rủi ro để cho phép phát triển các kế hoạch giảm thiểu rủi ro hiệu quả.
4.4.2 Mức độ phức tạp của phân tích rủi ro là một hàm của số lượng các yếu tố có thể ảnh hưởng đến rủi ro và có một loạt các phương pháp liên tục có sẵn để đánh giá rủi ro. Các phương pháp bao gồm từ xếp hạng tương đối nghiêm ngặt đến tính toán nghiêm ngặt. Các phương pháp này thường đại diện cho một loạt các độ chính xác cho kết quả phân tích rủi ro.
4.4.3 Thiếu dữ liệu, dữ liệu chất lượng thấp hoặc sử dụng phương pháp phân tích không phù hợp đều không mang lại hiệu quả trong đánh giá rủi ro. Quá trình phân tích rủi ro chính xác, hợp lý bao gồm các bước sau:
a. Thu thập và xác nhận dữ liệu và thông tin cần thiết;
b. Xác định các cơ chế hư hỏng và, xác định các kiểu hư hỏng cho mỗi cơ chế hư hỏng;
c. Xác định tính dễ hư tổn và tỷ lệ hư hỏng;
d. Xác định khả năng xảy ra hư hỏng trong một khung thời gian xác định đối với từng cơ chế hư hỏng;
e. Xác định các kiểu hư hỏng;
f. Xác định các tình huống hậu quả đáng tin cậy sẽ xảy ra từ các kiểu hư hỏng;
g. Xác định khả năng xảy ra hư hỏng của mỗi tình huống hậu quả, xem xét khả năng xảy ra hư hỏng và tình huống hậu quả cụ thể sẽ dẫn đến sự cố;
h. Xác định rủi ro, bao gồm phân tích độ nhạy, và xem xét kết quả phân tích rủi ro về tính nhất quán.
4.4.4 Sau khi hoàn thành phân tích rủi ro là quá trình xây dựng kế hoạch kiểm tra và các hành động giảm thiểu khác và đánh giá rủi ro còn lại.
4.5 Tối ưu hóa khảo sát
4.5.1 Lập kế hoạch khảo sát, tối ưu hóa chương trình khảo sát được lập khi rủi ro liên quan đến các hạng mục thiết bị riêng lẻ được xác định, hiệu quả tương đối của các kỹ thuật khảo sát khác nhau, giám sát quá trình trong việc giảm thiểu rủi ro được ước tính hoặc định lượng.
4.5.2 Hình 1 cho thấy sự giảm thiểu rủi ro có thể có hiệu quả khi tăng mức độ và tần suất kiểm tra. Tại những nơi không có kiểm tra có thể có mức độ rủi ro cao hơn. Nếu kiểm tra quá mức thì mức độ rủi ro thậm chí có thể tăng lên. Điều này là do việc kiểm tra chồng chéo trong một số trường hợp nhất định có thể gây ra hư hỏng. Trường hợp này được thể hiện bằng đường chấm ở cuối đường cong tại Hình 1.
4.5.3 Chương trình RBI cung cấp một phương pháp luận nhất quán để đánh giá sự kết hợp tối ưu giữa các phương pháp và tần suất kiểm tra. Mỗi phương pháp kiểm tra có sẵn có thể được phân tích và có thể ước tính hiệu quả tương đối trong việc giảm khả năng xảy ra hư hỏng. Tại Hình 1, đường cong dưới chỉ ra rằng với việc áp dụng một chương trình RBI hiệu quả có thể đạt được rủi ro thấp hơn với cùng một mức độ hoạt động kiểm tra. Điều này là do thông qua RBI các hoạt động kiểm tra tập trung vào các hạng mục có rủi ro cao hơn và tránh các hạng mục có rủi ro thấp hơn.
Hình 1- Quản lý rủi ro sử dụng RBI
4.5.4 Không thể giảm rủi ro xuống đến mức 0 chỉ bằng các nỗ lực kiểm tra, xem chi tiết Rủi ro dôi dư không ảnh hưởng bởi RBI tại Hình 1. Các yếu tố rủi ro còn lại đối với việc mất khả năng chứa bao gồm nhưng không giới hạn ở các yếu tố sau:
a. Lỗi do con người;
b. Thiên tai;
c. Các sự kiện bên ngoài như va chạm hoặc vật thể rơi;
d. Ảnh hưởng phụ từ các thiết bị lân cận;
e. Hậu quả ảnh hưởng từ các thiết bị liên quan của cùng một cụm thiết bị;
f. Các hành vi cố ý phá hoại;
g. Những hạn chế cơ bản của các phương pháp kiểm tra;
h. Lỗi thiết kế;
i. Các cơ chế hư hỏng chưa biết hoặc không lường trước được.
4.6 Rủi ro tương đối và rủi ro tuyệt đối
4.6.1 Độ phức tạp của việc tính toán rủi ro là một hàm của nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến rủi ro. Việc tính toán rủi ro tuyệt đối có thể rất tốn thời gian và chi phí, và thường không thể được thực hiện với độ chính xác cao do có quá nhiều thông tin không chắc chắn.
4.6.2 Việc xác định giá trị rủi ro tuyệt đối thường không thể thực hiện được hoặc không hiệu quả về chi phí do có nhiều yếu tố liên quan đến việc mất khả năng chứa của thiết bị. RBI tập trung vào việc xác định rủi ro tương đối một cách có hệ thống, bằng cách này công trình biển hoặc cụm thiết bị hoặc hệ thống hoặc bộ phận có thể được xếp hạng dựa trên rủi ro tương đối của chúng. Điều này tập trung các nỗ lực quản lý rủi ro vào các rủi ro được xếp hạng cao hơn và cho phép đưa ra các quyết định về tính hiệu quả của các nỗ lực quản lý rủi ro đối với các rủi ro được xếp hạng thấp hơn.
5. Khái niệm kiểm tra trên cơ sở phân tích rủi ro
5.1 Các yêu cầu chính của chương trình đánh giá RBI, bao gồm những điều sau:
5.1.1 Hệ thống quản lý để duy trì tài liệu, trình độ nhân sự, yêu cầu dữ liệu, tính nhất quán của chương trình và cập nhật phân tích.
5.1.2 Phương pháp để xác định khả năng xảy ra hư hỏng.
5.1.3 Phương pháp để xác định hậu quả hư hỏng.
5.1.4 Hệ thống quản lý để duy trì tài liệu, trình độ nhân sự, yêu cầu dữ liệu, tính nhất quán của phương pháp luận đã được lập thành văn bản để quản lý rủi ro thông qua kiểm tra, kiểm soát quá trình và các hoạt động giảm thiểu khác.
5.2 Hậu quả và khả năng xảy ra đối với phân tích rủi ro
5.2.1 Mục tiêu của RBI là xác định sự cố nào có thể xảy ra trong trường hợp thiết bị bị hỏng và khả năng xảy ra hư hỏng có thể xảy ra. Nếu một bình chịu áp lực bị hư hỏng do ăn mòn dưới lớp cách nhiệt phát triển rò rỉ, một loạt các hậu quả có thể xảy ra. Có thể bao gồm nhưng không chỉ giới hạn bởi các hậu quả sau đây:
a. Hình thành đám mây hơi có thể bốc cháy, gây thương tích và hư hỏng thiết bị;
b. Phát tán một hóa chất độc hại có thể gây ra các vấn đề sức khỏe;
c. Dẫn đến tràn và gây ảnh hưởng đến môi trường;
d. Dừng hoạt động thiết bị và dẫn đến thiệt hại kinh tế;
e. Ảnh hưởng về mặt an toàn, sức khỏe, môi trường và kinh tế.
5.2.2 Kết hợp khả năng xảy ra hư hỏng của một hoặc nhiều sự kiện này với hậu quả hư hỏng của nó sẽ xác định rủi ro đối với hoạt động đó. Nếu sự kết hợp khả năng xảy ra hư hỏng và hậu quả hư hỏng ở mức cao vượt quá mức không thể chấp nhận được thì một hành động giảm thiểu để giảm khả năng xảy ra hư hỏng và hậu quả là yêu cầu bắt buộc.
5.2.3 Biểu đồ rủi ro ISO biểu hiện các rủi ro tương đối của các hạng mục được phân tích, mức rủi ro chấp nhận được do chủ công trình xác định có thể được vẽ dưới dạng đường rủi ro ISO, các điểm nằm trên hoặc rất gần đường rủi ro ISO gần như tương đương trong mức độ rủi ro của thiết bị, xem chi tiết tại Hình 2.
Hình 2 - Điểm rủi ro
5.3 Các loại đánh giá rủi ro
5.3.1 Tổng quan
5.3.1.1 Nhiều loại phân tích RBI có thể được thực hiện ở nhiều cấp độ. Việc lựa chọn phương pháp tiếp cận phụ thuộc vào các nội dung sau:
a. Mục tiêu của nghiên cứu;
b. Số lượng công trình biển và thiết bị để nghiên cứu;
c. Nguồn lực sẵn có;
d. Khung thời gian đánh giá;
e. Sự phức tạp của công trình biển;
f. Chất lượng của dữ liệu có sẵn.
5.3.1.2 Quy trình RBI có thể được áp dụng một cách định tính, định lượng hoặc bán định lượng. Mỗi cách tiếp cận cung cấp một cách thức có hệ thống để sàng lọc rủi ro, xác định các khu vực tiềm ẩn mối nguy và thiết lập một danh sách ưu tiên để kiểm tra hoặc phân tích kỹ lưỡng hơn.
5.3.1.3 Phổ phân tích rủi ro có thể được xem như là một sự liên tục với các phương pháp định tính và định lượng là hai cực của sự liên tục và các phương pháp ở giữa gọi là phương pháp bán định lượng, xem chi tiết tại Hình 3.
Hình 3 - Tính liên tục của các phương pháp RBl
5.3.2 Phân tích kiểm tra trên cơ sở rủi ro
5.3.2.1 RBI là một phương pháp luận sử dụng rủi ro tương đối làm cơ sở để sắp xếp thứ tự ưu tiên và quản lý rủi ro dựa trên chương trình kiểm tra, bao gồm các khuyến nghị về giám sát và thử nghiệm. Khả năng xảy ra hư hỏng và khả năng xảy ra hư hỏng được xác định riêng biệt và sau đó được kết hợp để xác định rủi ro của hư hỏng. Rủi ro được so sánh, lập kế hoạch kiểm tra và giảm thiểu rủi ro, các kế hoạch giảm thiểu rủi ro có thể bao gồm các lựa chọn bổ sung hoặc ngoài việc kiểm tra như thay đổi vật liệu chế tạo, sử dụng chất ức chế ăn mòn, thay đổi điều kiện vận hành và lưu chất, và lắp đặt lớp lót và lớp phủ.
5.3.2.2 Chương trình RBI bao gồm những các yêu cầu sau đây:
a. Các hệ thống hoặc quy trình trong một hoạt động được ưu tiên bởi rủi ro;
b. Giá trị hoặc danh mục rủi ro được xác định liên quan đến hạng mục thiết bị trong hệ thống hoặc quy trình dựa trên phương pháp luận nhất quán;
c. Xếp hạng thiết bị được ưu tiên dựa trên rủi ro;
d. Xây dựng chương trình kiểm tra thích hợp để giải quyết các yếu tố gây rủi ro chính.
5.3.3 Phương pháp định tính
5.3.3.1 Phương pháp định tính yêu cầu đầu vào dữ liệu dựa trên thông tin đánh giá kỹ thuật, chuyên môn và kinh nghiệm làm cơ sở cho việc phân tích khả năng hư hỏng và hậu quả hư hỏng. Đầu vào thường được đưa ra trong phạm vi dữ liệu thay vì các giá trị rời rạc và kết quả thường được đưa ra theo các thuật ngữ định tính như cao, trung bình và thấp. Giá trị của loại phân tích này là nó cho phép hoàn thành đánh giá rủi ro trong trường hợp không có dữ liệu định lượng chi tiết. Độ chính xác của kết quả từ phân tích định tính phụ thuộc vào kiến thức nền tảng và chuyên môn của các nhà phân tích rủi ro và các thành viên trong nhóm.
5.3.3.2 Phương pháp định tính thường kém chính xác hơn so với phương pháp định lượng, nhưng nó có hiệu quả trong việc sàng lọc các thiết bị và hệ thống có rủi ro thấp.
5.3.4 Phương pháp định lượng
5.3.4.1 Phương pháp định lượng là các cách tiếp cận dựa trên mô hình trong đó các giá trị số được tính toán và dữ liệu đầu đầy đủ và toàn diện. Ưu điểm của phương pháp định lượng là:
a. Tính toán với độ chính xác nhất định thời điểm nào rủi ro đã đạt tới, hoặc vượt quá giá trị rủi ro chấp nhận được;
b. Phân loại giữa rủi ro thiết bị cho phép ưu tiên giảm thiểu;
c. Theo dõi mức độ rủi ro theo thời gian cũng như các thước đo khác.
5.3.4.2 Phương pháp định lượng có hệ thống hơn, nhất quán và được lập thành văn bản và dễ dàng cập nhật kết quả kiểm tra hơn các phương pháp định tính. Phương pháp định lượng thường sử dụng chương trình phần mềm để tính toán rủi ro và đưa ra các khuyến nghị của chương trình kiểm tra.
5.3.4.3 RBI định lượng đưa một phương pháp luận để ưu tiên rủi ro trong ma trận rủi ro hoặc đồ thị rủi ro ISO, ngoài việc tính toán các giá trị rủi ro rời rạc để ưu tiên từ rủi ro cao hơn đến thấp hơn. Khả năng xảy ra hư hỏng và hậu quả hư hỏng được kết hợp để xác định rủi ro. Các hạng mục thiết bị được xếp hạng dựa trên rủi ro với khả năng xảy ra hư hỏng, hậu quả hư hỏng và rủi ro được tính toán và báo cáo riêng để hỗ trợ xác định các yếu tố tác động chính gây ra rủi ro hoặc tác nhân gây rủi ro.
5.3.5 Phương pháp bán định lượng
5.3.5.1 Bán định lượng là một thuật ngữ mô tả phương pháp đánh giá rủi ro khác có các khía cạnh bắt nguồn từ cả phương pháp định tính và phương pháp định lượng, nhằm đạt được những ưu điểm chính của hai phương pháp trước, các dữ liệu được sử dụng trong phương pháp định lượng là cần thiết cho phương pháp này nhưng yêu cầu ít chi tiết hơn.
5.3.5.2 Các kết quả thường được đưa ra trong các loại hậu quả và khả năng xảy ra hư hỏng hoặc dưới dạng số rủi ro, nhưng các giá trị số có thể đi kèm với từng hạng mức để cho phép tính toán rủi ro và áp dụng các tiêu chí chấp nhận rủi ro thích hợp.
5.3.6 Tính liên tục của các phương pháp
5.3.6.1 Phân tích RBI thường sử dụng các yếu tố của phương pháp định tính, định lượng và bán định lượng, các phương pháp này không độc lập mà thường được sử dụng bổ sung cho nhau.
5.3.6.2 Quy trình RBI, được thể hiện trong sơ đồ khối đơn giản hóa tại Hình 4, xác định các yếu tố chính của quá trình kiểm tra lập kế hoạch dựa trên phân tích rủi ro. Sơ đồ này có thể áp dụng cho Hình 3 bất kể cách phương pháp RBI nào được áp dụng, tức là mỗi yếu tố chính được hiển thị trong Hình 4 đều cần thiết cho một chương trình RBI hoàn chỉnh bất kể là phương pháp định tính, bán định lượng hay định lượng.
5.3.6.3
5.4 Tính chính xác và độ tin cậy
5.4.1 Độ tin cậy là một hàm của phương pháp phân tích, chất lượng của dữ liệu và tính nhất quán trong khi tính chính xác là một hàm của các chỉ số và phương pháp tính toán đã chọn. Rủi ro được trình bày dưới dạng giá trị số chính xác có nghĩa là mức độ chính xác cao hơn khi so sánh với ma trận rủi ro như trong phân tích định tính.
Hình 4 - Quy trình lập kế hoạch kiểm tra trên cơ sở rủi ro
5.4.2 Phân tích định lượng sử dụng các mô hình lô gíc để tính toán khả năng xảy ra và hậu quả của hư hỏng. Các mô hình, lô gíc được sử dụng để mô tả hư hỏng vật liệu của thiết bị và để xác định hậu quả hư hỏng do đó có thể tạo ra lỗi và độ không chính xác ảnh hưởng đến chất lượng của đánh giá rủi ro. Điều quan trọng là các kết quả từ các mô hình lô gíc này phải được xác nhận của các chuyên gia phân tích.
5.4.3 Độ chính xác của bất kỳ loại phân tích RBI nào phụ thuộc vào việc sử dụng phương pháp luận đúng đắn, dữ liệu chất lượng và chuyên gia đánh giá có trình độ. Những yếu tố này rất quan trọng đối với bất kỳ loại phương pháp RBI nào được chọn để áp dụng.
5.5 RBI hỗ trợ kiểm soát các rủi ro trong vận hành
5.5.1 Tính toàn vẹn cơ học và hiệu suất hoạt động của thiết bị phụ thuộc vào sự phù hợp của thiết bị để vận hành an toàn và đáng tin cậy trong các điều kiện hoạt động bình thường và bất thường. Khi thực hiện phân tích RBI tỉnh dễ bị hư hỏng của thiết bị do một hoặc nhiều cơ chế, tính dễ hư tổn của từng hạng mục thiết bị cần được xác định rõ ràng đối với các điều kiện hoạt động hiện tại và dự kiến bao gồm các yếu tố như:
a. Hoạt động bình thường;
b. Khởi động và dừng;
c. Không hoạt động hoặc hoạt động thời gian ngắn;
d. Dừng khẩn cấp và khởi động lại.
5.5.2 Các dữ liệu cần được xem xét cho từng điều kiện hoạt động bao gồm, nhưng không giới hạn các biến sau đây:
a. Lưu chất công nghệ, chất gây ô nhiễm và các thành phần xâm thực;
b. Áp suất, bao gồm các điều kiện có tính tuần hoàn và tạm thời;
c. Nhiệt độ, bao gồm các điều kiện có tính tuần hoàn và tạm thời;
d. Tốc độ dòng chảy;
e. Thời gian hoạt động của thiết bị giữa các lần dừng hoạt động theo kế hoạch.
5.5.3 Vì rủi ro thay đổi theo thời gian nên bất kỳ quy trình RBI nào được phát triển hoặc lựa chọn để áp dụng đều có khả năng được cập nhật dễ dàng, khi có thay đổi hoặc thông tin mới được phát hiện. Những thay đổi đó có thể bao gồm những thông tin như sau:
a. Dữ liệu mới từ các hoạt động kiểm tra;
b. Các thay đổi trong hoạt động, các yếu tố hoạt động hoặc hoạt động bên ngoài IOWs;
c. Những thay đổi trong lưu chất công nghệ;
d. Những thay đổi trong thiết bị quá trình, bao gồm cả những bổ sung;
e. Thiết bị bị rò rỉ hoặc hỏng hóc.
5.5.4 Các loại thông tin nêu tại mục 5.5.3 phải được thông báo kịp thời để có thể thực hiện các thay đổi trong kế hoạch kiểm tra khi cần thiết.
5.6 Quản lý rủi ro
5.6.1 Quản lý rủi ro thông qua kiểm tra
5.6.1.1 Mục tiêu của RBI là chỉ dẫn quá trình đưa ra quyết định của cấp quản lý trong việc ưu tiên các nguồn lực để quản lý rủi ro. Việc kiểm tra ảnh hưởng đến độ không chắc chắn của rủi ro liên quan đến thiết bị áp suất chủ yếu bằng cách nâng cao sự am hiểu của trạng thái hư hỏng và khả năng dự đoán của hậu quả hư hỏng.
5.6.1.2 Hoạt động quản lý rủi ro có thể dẫn đến giảm thiểu rủi ro, hư hỏng sắp xảy ra của thiết bị áp lực không thể được tránh khỏi bằng các hoạt động khảo sát trừ khi việc khảo sát thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rủi ro làm thay đổi khả năng xảy ra của hư hỏng. Khả năng xảy ra hư hỏng do sự suy giảm là một hàm của bốn yếu tố sau:
a. Kiểu và cơ chế hư hỏng;
b. Tốc độ hư hỏng;
c. Khả năng nhận biết và phát hiện hư hỏng và dự đoán các trạng thái hư hỏng trong tương lai bằng các kỹ thuật kiểm tra;
d. Khả năng chịu đựng của thiết bị đối với dạng hư hỏng.
5.6.2 Đánh giá rủi ro để thiết lập kế hoạch và xác định hạng mục ưu tiên kiểm tra
5.6.2.1 Kết quả của RBI là một kế hoạch kiểm tra cho từng hạng mục thiết bị được phân tích. RBI là một quy trình để lập kế hoạch và đánh giá các hoạt động kiểm tra. Kế hoạch kiểm tra cần nêu chi tiết rủi ro chưa được giảm thiểu được liên quan đến việc vận hành hiện hữu. Đối với các rủi ro được xem là không thể chấp nhận được, kế hoạch cần có các hành động giảm thiểu được khuyến nghị để giảm rủi ro chưa được giảm thiểu xuống mức có thể chấp nhận được.
5.6.2.2 Đối với những hạng mục thiết bị mà việc kiểm tra là một biện pháp hữu hiệu để quản lý rủi ro, kế hoạch phải mô tả loại, phạm vi và thời gian kiểm tra. Việc xếp hạng thiết bị theo mức độ rủi ro chưa được giảm thiểu thì cho phép xác định mức độ ưu tiên cho các phần việc khảo sát. Mức độ rủi ro không được khắc phục phải được sử dụng để đánh giá mức độ khẩn cấp của việc thực hiện kiểm tra.
5.6.3 Đánh giá và phân tích phù hợp để hoạt động
5.6.3.1 Đánh giá kết quả của các hoạt động kiểm tra và khám nghiệm và tiến hành đánh giá mức độ phù hợp để tiếp tục hoạt động, cũng là những phần quan trọng của quá trình RBI. Mặc dù việc giảm mức độ không đảm bảo bởi quá trình kiểm tra mang lại có thể giúp định lượng tốt hơn rủi ro đã tính toán, nhưng nếu không đánh giá kết quả kiểm tra và đánh giá thiết bị phù hợp cho hoạt động (FFS) sau khi kiểm tra, việc giảm thiểu rủi ro hiệu quả có thể không đạt được.
5.6.3.2 Đánh giá FSS thường được thực hiện thông qua kiến thức và chuyên môn của người kiểm tra và các kỹ sư liên quan khi tình trạng hư hỏng nằm trong giới hạn chấp nhận được, các yêu cầu phân tích FSS được nêu tại các tiêu chuẩn API 579-1 /ASME FFS- 1.
5.6.4 Các phương pháp quản lý rủi ro khác
5.6.4.1 Một số Rủi ro không chỉ quản lý đầy đủ bằng việc kiểm tra, các trường hợp dưới đây chỉ ra rằng việc kiểm tra sẽ không quản lý được đầy đủ rủi ro ở mức có thể chấp nhận được.
a. Thiết bị gần hết tuổi thọ;
b. Các cơ chế hư hỏng trong đó việc tránh hư hỏng chủ yếu phụ thuộc vào thiết kế và vận hành trong vùng áp suất, nhiệt độ xác định;
c. Rủi ro do hậu quả chiếm ưu thế.
5.6.4.2 Trong những trường hợp trên, các hành động giảm thiểu do không kiểm tra như sửa chữa, thay thế hoặc nâng cấp thiết bị, thiết kế lại thiết bị hoặc duy trì các biện pháp kiểm soát chặt chẽ về điều kiện vận hành có thể là biện pháp thích hợp duy nhất có thể được thực hiện để giảm rủi ro xuống mức có thể chấp nhận được. Xem chi tiết mục 13 để biết các phương pháp giảm thiểu rủi ro ngoài kiểm tra.
5.7 Mối quan hệ RBI và các hoạt động an toàn khác
5.7.1 Các hoạt động quản lý an toàn bao gồm nhưng không chỉ giới hạn bởi các hoạt động quản lý an toàn sau:
a. Chương trình quản lý an toàn hệ thống công nghệ (PSM);
b. Chương trình bảo trì tập trung vào độ tin cậy (RCM) và FMEA;
c. Phân tích an toàn hệ thống công nghệ (PHA);
d. Cấp độ an toàn toàn vẹn (SIL);
e. Các lớp phân tích bảo vệ (LOPA).
5.7.2 Mối quan hệ giữa RBI và hoạt động an toàn khác được nêu tại mục 5.7.3.1, mục 5.7.3.2, mục 5.7.3.3.
5.7.3 Các hoạt động an toàn điển hình
5.7.3.1 Phân tích các mối nguy quá trình xử lý công nghệ (PHA)
5.7.3.1.1 PHA sử dụng phương pháp tiếp cận được hệ thống hóa để xác định và phân tích các mối nguy trong một cụm thiết bị công nghệ. Phân tích RBI có thể bao gồm việc xem xét lại kết quả đầu ra từ bất kỳ PHA nào đã được thực hiện trên cụm thiết bị được đánh giá. Các mối nguy liên quan đến sự cố thiết bị dự kiến do sự xuống cấp trong hoạt động được xác định trong PHA có thể được giải quyết cụ thể trong phân tích RBI.
5.7.3.1.2 Các mối nguy dự kiến được xác định trong PHA thường sẽ ảnh hưởng khả năng xảy ra hư hỏng. Mối nguy có thể là do một loạt các sự kiện có thể gây ra xáo trộn quy trình, hoặc nó có thể là kết quả của thiết kế hệ thống hoặc sai sót về thiết bị đo đạc.
5.7.3.1.3 Một số mối nguy được xác định ảnh hưởng đến hậu quả, sự cố có khả năng xảy ra của van cách ly có thể làm tăng lượng dự trữ sẵn có để giải phóng trong trường hợp rò rỉ.
5.7.3.2 Quản lý an toàn công nghệ (PSM)
5.7.3.2.1 Hệ thống quản lý an toàn công nghệ hiệu quả có thể làm giảm đáng kể mức độ rủi ro, RBI có thể bao gồm các phương pháp luận để đánh giá hiệu quả của hệ thống quản lý trong việc duy trì tính toàn vẹn cơ học. Kết quả của việc đánh giá hệ thống quản lý như vậy được đưa vào các quyết định rủi ro.
5.7.3.2.2 Chương trình quản lý hệ thống công nghệ hiệu quả cung cấp đầu vào cho một phân tích RBI. Dữ liệu về thiết bị và quy trình được yêu cầu trong phân tích RBI, kết quả đầu ra từ phân PHA và các báo cáo điều tra sự cố làm tăng tính hợp lệ của phân tích.
5.7.3.3 Độ tin cậy của thiết bị
5.7.3.3.1 Các chương trình độ tin cậy của thiết bị có thể cung cấp đầu vào cho phần phân tích khả năng xảy ra hư hỏng của chương trình RBI. Cụ thể, hồ sơ độ tin cậy có thể được sử dụng để xác định POF của thiết bị và tần suất rò rỉ.
5.7.3.3.2 Tại các cụm thiết bị có chương trình RBI hiệu quả, chương trình RCM thường có thể tập trung vào các khía cạnh độ tin cậy của thiết bị không phải thiết bị áp lực và có lẽ chỉ tập trung vào các khía cạnh độ tin cậy của thiết bị áp suất không liên quan đến mất khả năng chứa.
6. Kế hoạch phân tích rủi ro
6.1 Cơ sở ban đầu
6.1.1 Chủ công trình xác định phạm vi và các ưu tiên cho việc phân tích rủi ro, các giới hạn biên được xác định để xác định những gì quan trọng cần đưa vào phân tích. Quá trình sàng lọc rủi ro và xác định các giới hạn, hiệu lực của việc thực hiện phân tích RBI và các kết quả cuối cùng của RBI trong việc quản lý rủi ro.
6.1.2 Phân tích RBI yêu cầu các kỹ năng và kiến thức phù hợp từ nhiều lĩnh vực, như được nêu trong mục 15. Khi bắt đầu thực hiện phân tích RBI, điều quan trọng là phải trả lời các câu hỏi sau.
a. Tại sao đánh giá được thực hiện?
b. Đánh giá RBI sẽ được thực hiện như thế nào?
c. Những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho việc đánh giá?
d. Ai trong nhóm RBI?
e. Vai trò của họ trong quá trình RBI là gì?
f. Ai chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm về những hành động nào?
g. Cơ sở vật chất, tài sản và thành phần nào sẽ được bao gồm?
h. Dữ liệu nào sẽ được sử dụng trong đánh giá?
i. Những mã và tiêu chuẩn nào được áp dụng?
j. Khi nào việc đánh giá sẽ được hoàn thành?
k. Đánh giá sẽ có hiệu lực trong bao lâu và khi nào bản đánh giá sẽ được cập nhật?
l. Kết quả sẽ được sử dụng như thế nào?
m. Giai đoạn kế hoạch là gì?
6.1.3 Lập kế hoạch chương trình phân tích RBI, những yêu cầu sau đây cần được thực hiện:
a. Thiết lập các mục tiêu của phân tích rủi ro;
b. Xác định các giới hạn vật lý;
c. Xác định giới hạn hoạt động;
d. Xây dựng các câu hỏi và tiêu chí sàng lọc phù hợp với các mục tiêu của phân tích và các giới hạn vật lý và hoạt động đã xác định.
6.1.4 Các dữ liệu và thông tin cần thiết để thu thập sẽ được xác định xem chi tiết tại mục 7, có thể cần phải thay đổi các mục tiêu, giới hạn, câu hỏi sàng lọc và các giả định liên tục dựa trên tính sẵn có và chất lượng của dữ liệu và thông tin.
6.2 Xây dựng kế hoạch phân tích rủi ro
6.2.1 Việc phân tích RBI nên được thực hiện với các đối tượng và mục tiêu rõ ràng được tất cả các thành viên trong nhóm RBI hiểu rõ. Các yêu cầu xây dựng kế hoạch phân tích rủi ro được nêu tại mục 6.2.2 đến 6.2.9.
6.2.2 Am hiểu về rủi ro
6.2.2.1 Mục tiêu của đánh giá RBI có thể là để hiểu rõ hơn về các rủi ro liên quan đến hoạt động thiết bị, hệ thống xử lý công nghệ và để hiểu các tác động mà các hành động kiểm tra, bảo dưỡng và giảm thiểu rủi ro gây ra.
6.2.2.2 Chương trình kiểm tra có thể được thiết kế để tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực kiểm tra và bảo dưỡng.
6.2.3 Xác định tiêu chí rủi ro
6.2.3.1 Phân tích RBI sẽ xác định rủi ro liên quan đến các hạng mục được phân tích. Nhóm RBI có thể muốn đánh giá xem hạng mục thiết bị riêng lẻ và các rủi ro tích lũy có được chấp nhận hay không.
6.2.3.2 Việc thiết lập các tiêu chí rủi ro để đánh giá khả năng chấp nhận rủi ro có thể là một mục tiêu của đánh giá RBI nếu các tiêu chí rủi ro của các công trình biển chưa có.
6.2.4 Quản lý rủi ro
6.2.4.1 Khi các rủi ro được xác định, các hành động kiểm tra và các biện pháp giảm thiểu khác có tác dụng tích cực trong việc giảm rủi ro xuống mức có thể chấp nhận được có thể được thực hiện.
6.2.4.2 Các hành động kiểm tra được thực hiện theo RBI có thể khác chương trình kiểm tra chứng nhận theo quy định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hiện hành.
6.2.5 Giảm chi phí
6.2.5.1 Giảm chi phí kiểm tra thường không phải là mục tiêu chính của đánh giá RBI, nhưng nó thường là một hiệu quả khác của việc tối ưu hóa.
6.2.5.2 Khi chương trình kiểm tra được tối ưu hóa dựa trên sự hiểu biết về rủi ro, một hoặc nhiều lợi ích giảm chi phí sau đây có thể được nhận diện.
a. Các hoạt động kiểm tra không hiệu quả, không cần thiết hoặc không phù hợp có thể bị loại bỏ.
b. Việc kiểm tra các hạng mục có rủi ro thấp có thể bị loại bỏ hoặc giảm bớt.
c. Các phương pháp kiểm tra trực tuyến hoặc không dừng có thể được thay thế cho các phương pháp yêu cầu phải dừng hoạt động thiết bị.
d. Việc kiểm tra không thường xuyên, hiệu quả hơn có thể được thay thế cho việc kiểm tra thường xuyên, kém hiệu quả hơn.
6.2.6 Đáp ứng các yêu cầu về môi trường và an toàn
6.2.6.1 Quản lý rủi ro bằng cách sử dụng đánh giá RBI có thể hữu ích trong việc xây dựng chương trình khảo sát hiệu quả đáp ứng các yêu cầu về an toàn và môi trường. RBI tập trung nỗ lực vào các lĩnh vực tồn tại rủi ro lớn nhất.
6.2.6.2 RBI cung cấp một phương pháp có hệ thống để chủ công trình lựa chọn các hạng mục thiết bị được đưa vào và tần suất, phạm vi và mức độ của các hoạt động kiểm tra sẽ được thực hiện để đáp ứng các mục tiêu hoạt động.
6.2.7 Xác định các hoạt động giảm thiểu rủi ro
6.2.7.1 Phân tích RBI có thể xác định các rủi ro có thể được quản lý bằng các hành động khác ngoài kiểm tra. Một số hành động giảm thiểu này có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở những điều sau:
a. Hoán cải quá trình xử lý công nghệ để loại bỏ các điều kiện dẫn đến rủi ro;
b. Hoán cải các quy trình vận hành để tránh các tình huống dẫn đến rủi ro;
c. Xử lý hóa học trong quá trình xử lý công nghệ để giảm tỷ lệ hư hỏng / tính dễ hư tổn;
d. Thay đổi cách luyện kim của các thành phần để giảm POF;
e. Loại bỏ lớp bảo ôn không cần thiết để giảm khả năng xảy ra ăn mòn dưới bảo ôn;
f. Giảm hoặc hạn chế lưu giữ để giảm COF;
g. Nâng cấp hệ thống an toàn, phát hiện hoặc hạn chế hư hỏng;
h. Thay đổi dòng lưu chất công nghệ sang lưu chất ít bắt cháy hoặc ít độc hại hơn hoặc độc hại hơn;
i. Thay đổi thiết kế bộ phận để giảm POF;
j. Kiểm soát quá trình xử lý công nghệ và tuân thủ lOWs.
6.2.7.2 Dữ liệu trong phân tích RBI có thể hiệu quả trong việc xác định chiến lược tối ưu chi phí để giảm rủi ro.
6.2.8 Đánh giá rủi ro trong khi chế tạo mới
Phân tích RBI được thực hiện trên thiết bị mới hoặc một dự án mới, trong giai đoạn thiết kế, có thể mang lại thông tin quan trọng về các rủi ro dự kiến. Điều này có thể cho phép giảm thiểu rủi ro dự kiến theo thiết kế và có kế hoạch RBI trước khi lắp đặt thực tế.
6.2.9 Lập kế hoạch sau khi thiết bị và hệ thống hết tuổi thọ thiết kế
6.2.9.1 Các thiết bị sắp kết thúc thời hạn sử dụng hoặc hoạt động là một trường hợp đặc biệt mà việc áp dụng RBI rất hiệu quả.
6.2.9.2 Kế hoạch kiểm tra thiết bị hết tuổi thọ thiết kế sẽ tập trung kiểm tra trực tiếp vào các khu vực có có mối nguy cao, việc kiểm tra sẽ giúp giảm thiểu rủi ro trong thời gian còn lại của thiết bị. Các hoạt động kiểm tra không ảnh hưởng đến rủi ro trong thời gian còn lại thường được loại bỏ hoặc giảm bớt.
6.2.9.3 Các kế hoạch kiểm tra RBI cho các thiết bị và hệ thống hết tuổi thọ thiết kế được lập kế hoạch cùng với đánh giá phù hợp hoạt động (FSS) của các cơ cấu bị hư hỏng bằng cách sử dụng các phương pháp được mô tả trong API 579-1ASME FFS-1.
6.3 Rà soát ban đầu
6.3.1 Quá trình sàng lọc tập trung phân tích vào nhóm thiết bị quan trọng nhất để thời gian và nguồn lực được sử dụng hiệu quả hơn.
6.3.2 Thiết lập giới hạn vật lý của phân tích rủi ro, giới hạn đối với các thiết bị được đưa vào phân tích được thiết lập phù hợp với các mục tiêu tổng thể. Mức độ dữ liệu được xem xét và các nguồn lực sẵn có để hoàn thành các mục tiêu ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ thiết bị có thể được phân tích.
6.3.3 Rà soát ở cấp độ thiết bị và hệ thống xử lý công nghệ
6.3.3.1 Sàng lọc toàn bộ các thiết bị xử lý công nghệ để xếp hạng rủi ro tương đối, việc sàng lọc chỉ ra các khu vực được ưu tiên cao hơn và đưa ra các khuyến nghị nên bắt đầu với đơn vị xử lý nào. Nó cũng cung cấp thông tin chi tiết về mức độ đánh giá có thể được yêu cầu đối với hệ thống vận hành và các hạng mục thiết bị trong các đơn vị khác nhau.
6.3.3.2 Các ưu tiên có thể được chỉ định dựa trên một trong những điều sau:
a. Rủi ro tương đối của các thiết bị xử lý công nghệ;
b. Tác động kinh tế tương đối của thiết bị xử lý công nghệ;
c. COF tương đối của thiết bị xử lý công nghệ;
d. Độ tin cậy tương đối thiết bị xử lý công nghệ;
e. Kế hoạch đại tu;
f. Kinh nghiệm với các thiết bị xử lý công nghệ tương tự.
6.3.3.3 Các câu hỏi chính cần trả lời về thiết bị xử lý công nghệ tương tự như sau:
a. Thiết bị xử lý công nghệ có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của công trình biển hay không?
b. Có rủi ro đáng kể nào liên quan đến hoạt động của thiết bị xử lý công nghệ không và hiệu quả của việc giảm thiểu rủi ro có thể đo lường được không?
c. Đơn vị vận hành thiết bị xử lý công nghệ có thấy rằng một số lợi ích có thể thu được thông qua việc áp dụng RBI không?
d. Thiết bị xử lý công nghệ có đủ nguồn lực và chuyên môn để thực hiện đánh giá RBI không?
e. Lịch sử hư hỏng trong thiết bị này là gì?
6.3.4 Rà soát ở cấp độ cụm xử lý công nghệ
6.3.4.1 Bằng cách chia cụm thiết bị xử lý công nghệ thành các hệ thống, thiết bị có thể được sàng lọc cùng nhau, tiết kiệm thời gian so với việc xử lý từng phần thiết bị riêng biệt. Trong trường hợp rủi ro của từng thiết bị trong hệ thống có mức độ hư tổn đối với những thay đổi của điều kiện quy trình, thì việc sàng lọc có thể thiết lập một lOWs duy nhất với các thông số và phạm vi chung cho toàn bộ hệ thống.
6.3.4.2 Lưu lượng hoặc sơ đồ công nghệ cho thiết bị có thể được sử dụng để xác định hệ thống bao gồm thông tin về vật liệu, điều kiện công nghệ, cơ chế hư hỏng và các vấn đề lịch sử của thiết bị và hệ thống.
6.3.4.3 Khi một cụm thiết bị xử lý công nghệ được xác định để phân tích RBI và tối ưu hóa tổng thể là mục tiêu thì nên đưa tất cả các hệ thống vào trong cụm. Các cân nhắc về nguồn lực có thể yêu cầu phân tích RBI bị giới hạn ở một hoặc nhiều hệ thống trong cụm xử lý công nghệ. Lựa chọn hệ thống có thể dựa trên các yêu cầu:
a. Rủi ro tương đối của hệ thống;
b. Hậu quả hư hỏng tương đối của các hệ thống;
c. Độ tin cậy tương đối của hệ thống;
d. Lợi ích mong đợi từ việc áp dụng RBI vào hệ thống;
e. Độ nhạy của rủi ro đối với những thay đổi trong điều kiện của quá trình.
6.3.5 Rà soát có cấp độ thiết bị
6.3.5.1 Phân tích RBI có thể được áp dụng cho tất cả các thiết bị có áp suất như sau:
a. Đường ống;
b. Bình chịu áp lực;
c. Thiết bị trao đổi nhiệt;
d. Nồi hơi và lò đốt;
e. Bồn chứa;
f. Bơm;
g. Máy nén;
h. Thiết bị giảm áp
i. Van điều khiển.
6.3.5.2 Việc lựa chọn các loại thiết bị dựa trên việc đáp ứng các mục tiêu đã được nêu tại mục 6.2. Các vấn đề sau có thể được xem xét khi sàng lọc thiết bị được bao gồm:
a. Tính toàn vẹn của thiết bị bảo vệ có bị tổn hại bởi các cơ chế hư hỏng không?
b. Loại thiết bị nào có nhiều vấn đề về độ tin cậy nhất?
c. Thiết bị nào có COF cao nhất nếu có sự cố về biên áp suất?
d. Bộ phận nào của thiết bị bị hư hỏng nặng nhất có thể ảnh hưởng đến ngăn giới hạn áp suất?
e. Những thiết bị nào có giới hạn an toàn thiết kế thấp hơn và cho phép ăn mòn thấp hơn có thể ảnh hưởng đến ngăn chặn ranh giới áp suất?
6.3.6 Hệ thống phụ trợ, dừng khẩn cấp và ngoài khu vực công nghệ
6.3.6.1 Các hệ thống phụ trợ, dừng khẩn cấp và ngoài khu vực công nghệ tùy thuộc vào việc sử dụng theo kế hoạch của đánh giá RBI và các yêu cầu kiểm tra hiện tại của công trình biển. Các lưu ý khi thực hiện RBI bao gồm hệ thống phụ trợ, dừng khẩn cấp và ngoài khu vực công nghệ được liệt kê dưới đây như sau.
a. Phân tích RBI được thực hiện để tối ưu hóa tổng thể các nguồn lực kiểm tra và COF môi trường;
b. Phương pháp phân tích RBI có thể hỗ trợ lập kế hoạch sự kết hợp hiệu quả nhất giữa kiểm tra, giảm thiểu, giám sát và kiểm soát cho toàn bộ công trình biển;
c. Độ tin cậy của quá trình xử lý công nghệ là mục tiêu chính của phân tích RBI.
6.3.6.2 Khi hệ thống khẩn cấp như hệ thống đốt, hệ thống dừng khẩn cấp được đưa vào đánh giá RBI, điều kiện hoạt động của chúng trong cả hoạt động thường xuyên và sự cố cần được xem xét.
6.4 Thiết lập các giới hạn hoạt động
6.4.1 Tổng quan
6.4.1.1 Giới hạn hoạt động của phân tích RBI được thiết lập phù hợp với mục tiêu phân tích, mức độ dữ liệu và nguồn lực. Mục đích của việc thiết lập giới hạn hoạt động là để xác định các thông số chính của quá trình có thể ảnh hưởng đến sự suy giảm.
6.4.1.2 Phân tích RBI thường bao gồm việc xem xét cả POF và COF đối với các điều kiện hoạt động bình thường. Các điều kiện khởi động và dừng cũng như các điều kiện khẩn cấp và không thường xuyên cũng cần được xem xét về khả năng ảnh hưởng của chúng đối với POF và COF.
6.4.1.3 Bất kỳ dữ liệu nhạy cảm nào được sử dụng cho phân tích RBI phải được ghi lại như các giới hạn hoạt động cho đánh giá.
6.4.1.4 Hoạt động trong phạm vi giới hạn là cơ sở cho tính hợp lệ của phân tích RBI, phải thiết lập và giám sát các thông số công nghệ chính có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của thiết bị để xác định xem các hoạt động có được duy trì trong phạm vi giới hạn hoạt động.
6.4.2 Khởi động và dừng, các điều kiện của quá trình xử lý công nghệ trong quá trình khởi động và dừng có thể có ảnh hưởng đáng kể đến rủi ro của công trình biển do đó cần được xem xét đối với tất cả các thiết bị thuộc phạm vi phân tích RBI.
6.4.3 Trạng thái vận hành bình thường, bất thường và có tính chu kỳ
6.4.3.1 Các điều kiện hoạt động bình thường được nhân viên vận hành của công trình biển xác nhận. Dữ liệu sau nên được xem xét:
a. Các giới hạn nhiệt độ, áp suất vận hành;
b. Thành phần lưu chất của quá trình xử lý công nghệ bao gồm sự thay đổi theo dải cung cấp;
c. Tốc độ dòng chảy;
d. Các tạp chất khác.
6.4.3.2 Các thay đổi trong quá trình như áp suất, nhiệt độ hoặc thành phần lưu chất, do các điều kiện bất thường phải được xem xét trong phân tích RBI.
6.4.3.3 Phân tích RBI cho các hệ thống hoạt động theo chu kỳ như hệ thống tái hóa khí nên xem xét phạm vi điều kiện tuần hoàn theo chu kỳ. Các điều kiện theo chu kỳ hoặc không liên tục có thể ảnh hưởng đến POF do một số cơ chế hư hỏng như mỏi cơ học, mỏi nhiệt, mỏi ăn mòn và ăn mòn dưới lớp cách điện.
6.4.4 Khoảng thời gian hoạt động
6.4.4.1 Thời gian vận hành thiết bị là một giới hạn chính cần xem xét, phân tích RBI có thể bao gồm toàn bộ vòng đời hoạt động, hoặc có thể trong một khoảng thời gian đã chọn.
6.4.4.2 Phân tích RBI có thể tập trung vào giai đoạn vận hành liên tục hoặc có thể bao gồm cả giai đoạn vận hành dự kiến tiếp theo. Các thay đổi hoạt động vận hành dự kiến cũng rất quan trọng như là một phần cơ sở cho khoảng thời gian hoạt động.
6.5 Lựa chọn thể loại đánh giá RBI
6.5.1 Việc lựa chọn thể loại đánh giá RBI sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như sau.
a. Đánh giá có ở cấp độ toàn công trình biển không?
b. Mục tiêu của phân tích RBI.
c. Tính sẵn có và chất lượng của dữ liệu.
d. Nguồn lực sẵn có.
e. Các rủi ro đã nhận biết hoặc đã đánh giá trước đó.
f. Ràng buộc về thời gian.
6.5.2 Kế hoạch phân tích RBI phù hợp với loại đánh giá với rủi ro dự kiến như các thiết bị xử lý công nghệ có khả năng có rủi ro thấp hơn nên có thể chỉ yêu cầu các phương pháp đơn giản, khá thận trọng để hoàn thành đầy đủ các mục tiêu RBI, trong khi các thiết bị xử lý công nghệ có rủi ro dự kiến cao hơn có thể yêu cầu các phương pháp chi tiết hơn, xem chi tiết tại mục 5.3 để biết thêm về các loại đánh giá RBI.
6.6 Ước lượng nguồn nhân lực và thời gian yêu cầu
6.6.1 Các nguồn nhân lực và thời gian cần thiết để thực hiện phân tích RBI sẽ rất khác nhau giữa các đơn vị thực hiện phân tích RBI, tùy thuộc vào một số yếu tố sau:
a. Kế hoạch thực hiện;
b. Kiến thức chuyên môn và trình độ, bằng cấp đào tạo của nhóm thực hiện;
c. Tính sẵn có và chất lượng của dữ liệu và thông tin cần thiết;
d. Tính sẵn có và chi phí của các nguồn lực cần thiết để thực hiện;
e. Số lượng thiết bị có trong mỗi cấp độ phân tích RBI;
f. Mức độ phức tạp của phân tích RBI được chọn;
g. Mức độ chính xác cần thiết.
6.6.2 Kế hoạch tài chính liên quan đến việc thực hiện phân tích RBI có thể bao gồm những yêu cầu sau:
a. Số lượng công trình, cụm thiết bị, hạng mục thiết bị và bộ phận được đánh giá;
b. Thời gian và nguồn lực cần thiết để thu thập dữ liệu cho các mục được đánh giá;
c. Thời gian đào tạo cho những người thực hiện;
d. Thời gian và nguồn lực cần thiết cho việc đánh giá dữ liệu và thông tin RBI;
e. Thời gian và nguồn lực để đánh giá kết quả đánh giá RBI và phát triển các kế hoạch kiểm tra, bảo trì và giảm thiểu;
f. Loại phân tích (định tính, bán định lượng hoặc hoặc định lượng) được tiến hành.
7. Thu thập dữ liệu
7.1 Tổng quan
7.1.1 Các mục tiêu, giới hạn, mức độ phân tích và các nguồn lực được xác định tại mục 6, mục tiêu của phần này là cung cấp tổng quan về dữ liệu có thể cần thiết để phát triển một kế hoạch RBI.
7.1.2 Dữ liệu được thu thập sẽ cung cấp thông tin cần thiết để đánh giá các cơ chế hư hỏng, các kiểu hư hỏng và các cơ chế hư hỏng được nêu tại mục 8, dữ liệu được sử dụng trong mục 9 để đánh giá khả năng xảy ra hư hỏng, dữ liệu được sử dụng trong mục 10 để đánh giá hậu quả và dữ liệu được sử dụng trong mục 12 để hỗ trợ lập kế hoạch kiểm tra.
7.1.3 Các nguồn dữ liệu bao gồm:
a. Báo cáo thiết kế và thi công;
b. Báo cáo kiểm tra và bảo dưỡng;
c. Báo cáo công nghệ vận hành và xử lý;
d. Báo cáo phân tích mối nguy và quản lý hồ sơ thay đổi (MOC);
e. Báo cáo lựa chọn vật liệu, hồ sơ kỹ thuật ăn mòn và thư viện / cơ sở dữ liệu;
f. Báo cáo chi phí và kỹ thuật dự án.
7.1.4 Tính chính xác của dữ liệu phải phù hợp với phương pháp phân tích RBI được sử dụng. Nhóm phân tích RBI cần hiểu độ chính xác của dữ liệu cần thiết cho phân tích trước khi thu thập.
7.2 Dữ liệu cần thiết để đánh giá rủi ro
7.2.1 Tổng quan
7.2.1.1 Phân tích RBI có thể sử dụng cách tiếp cận định tính, bán định lượng và / hoặc định lượng, xem chi tiết tại mục 5.3. Sự khác biệt cơ bản giữa các phương pháp này là số lượng và chi tiết của đầu vào, tính toán và kết quả phản tích RBI.
7.2.1.2 Đối với mỗi phương pháp phân tích RBI, điều quan trọng là phải ghi lại tất cả các cơ sở cho nghiên cứu và các giả định ngay từ đầu và áp dụng cơ sở lý luận nhất quán. Bất kỳ sai lệch nào so với quy trình chuẩn, quy định phải được lập thành văn bản.
7.2.1.3 Dữ liệu điển hình cần thiết cho phân tích RBI có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở những điều sau:
a. Loại thiết bị;
b. Vật liệu xây dựng;
c. Hồ sơ kiểm tra, sửa chữa và thay thế;
d. Lưu chất công nghệ;
e. Dự trữ/số lượng lưu chất;
f. Điều kiện hoạt động;
g. Hệ thống an toàn;
h. Hệ thống phát hiện;
i. Các cơ chế, tỷ lệ và mức độ thiệt hại;
j. Số lượng nhân sự;
k. Dữ liệu về lớp phủ, lớp phủ và lớp cách nhiệt;
l. Chi phí gián đoạn sản xuất;
m. Chi phí thay thế thiết bị;
n. Chi phí xử lý môi trường.
7.2.2 Dữ liệu cần thiết cho đánh giá rủi ro định tính
7.2.2.1 Phương pháp phân tích định tính thường không yêu cầu tất cả các dữ liệu được đề cập mục 7.2, phải thiết lập một bộ quy tắc để đảm bảo tính nhất quán trong việc phân loại hoặc phân loại.
7.2.2.2 Phân tích định tính yêu cầu kỹ năng và hiểu biết của nhóm phân tích cao hơn so với phương pháp định lượng, đòi hỏi nhóm phân tích phải xem xét cẩn thận tác động của đầu vào đến kết quả rủi ro. Do đó, mặc dù đơn giản nhưng điều quan trọng là phải có những người có đủ năng lực thực hiện phân tích RBI định tính.
7.2.3 Dữ liệu cần thiết cho phân tích rủi ro định lượng
7.2.3.1 Phân tích RBI định lượng sử dụng mô hình lô gíc mô tả sự kết hợp của các sự kiện có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và mô hình vật lý mô tả sự tiến triển của hư hỏng và việc rò lọt chất nguy hiểm ra ngoài môi trường.
7.2.3.2 Các mô hình cung cấp hiểu biết cả định tính và định lượng về mức độ rủi ro và xác định các đặc điểm thiết kế, địa điểm hoặc hoạt động quan trọng nhất đối với rủi ro. Do đó, thông tin và dữ liệu cho việc đánh giá RBI định lượng cần chi tiết hơn để cung cấp đầu vào cho các mô hình
7.2.4 Dữ liệu cần thiết cho đánh giá rủi ro bán định tính
Phân tích bán định tính yêu cầu cùng loại dữ liệu như phân tích định lượng, nhưng ít chi tiết hơn. Mặc dù độ chính xác của phân tích có thể thấp hơn, nhưng thời gian cần thiết để thu thập và phân tích dữ liệu cũng sẽ ít hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phân tích định tính sẽ kém chính xác hơn, xem chi tiết tại mục 5.4.
7.3 Tính chính xác của dữ liệu
7.3.1 Chất lượng dữ liệu có mối quan hệ trực tiếp với độ chính xác phân tích RBI, các đầu vào dữ liệu và các giả định phải được xác nhận nhóm phân tích có trình độ chuyên môn và đào tạo để xem xét các thông số vận hành được sử dụng, xem chi tiết mục 15.
7.3.2 Việc xác thực dữ liệu cần thiết vì một số lý do. Trong số các lý do dẫn đến lỗi chất lượng dữ liệu kiểm tra là:
a. Các bản vẽ và tài liệu lỗi thời;
b. Các sai sót trong việc lập kế hoạch, thực hiện và tài liệu kiểm tra;
c. Lỗi văn thư và phiên mã dữ liệu;
d. Độ chính xác của thiết bị đo lường.
7.3.3 Các giả định sai về lịch sử thiết bị có thể là nguyên nhân gây ra sai sót khi phân tích RBI. Giả định này có thể ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ ăn mòn được tính toán sớm trong vòng đời thiết bị. Sai số đo có thể dẫn đến tốc độ ăn mòn được tính toán cao hoặc thấp. Các chuyên gia phân tích RBI đưa ra giả định phải hiểu khả năng tác động của các giả định đối với việc tính toán rủi ro.
7.3.4 Tính chính xác của dữ liệu do các chuyên gia có trình độ chuyên môn, chứng chỉ đào tạo so sánh dữ liệu từ các đợt kiểm tra. Các chuyên gia thực hiện RBI cũng có thể so sánh kết quả với các phép đo trước đó.
7.4 Tiêu chuẩn áp dụng
Trong giai đoạn thu thập dữ liệu cần thiết phải đánh giá các tiêu chuẩn hiện đang được sử dụng để kiểm tra và đánh giá, hoặc đã được sử dụng trong quá trình thiết kế thiết bị, hệ thống.
7.5 Các nguồn của các thông tin, tài liệu đặc thù của hệ thống
7.5.1 Hồ sơ tài liệu để phân tích RBI phải chính xác và phải phù hợp với độ phức tạp của phương pháp RBI được sử dụng xem chi tiết tại mục 5.4.
7.5.2 Các hồ sơ tài liệu bao gồm nhưng không giới hạn tại các hồ sơ tài liệu sau đây.
a. Báo cáo/bản vẽ thiết kế và chế tạo:
- P & ID, sơ đồ quy trình, sơ đồ lựa chọn vật liệu;
- Bản vẽ Isometric đường ống;
- Bảng thông số kỹ thuật;
- Hồ sơ liên quan đến vật liệu chế tạo;
- Hồ sơ đảm bảo chất lượng chế tạo;
- Tiêu chuẩn được sử dụng;
- Hệ thống khí cụ bảo vệ;
- Hệ thống phát hiện và theo dõi rò rỉ;
- Hệ thống cách ly;
- Hồ sơ lưu kho;
- Hệ thống giảm áp và giảm áp khẩn cấp;
- Hệ thống an toàn;
- Hệ thống chống cháy và chữa cháy;
- Bố trí chung
b. Báo cáo kiểm tra:
- Kế hoạch và tần suất kiểm tra;
- Số lượng và các loại kiểm tra;
- Sửa chữa và hoán cải;
- Hồ sơ truy xuất vật liệu;
- Kết quả kiểm tra.
c. Dữ liệu công nghệ
- Phân tích thành phần lưu chất bao gồm các tạp chất hoặc các thành phần vết;
- Dữ liệu hệ thống điều khiển phân phối;
- Quy trình vận hành;
- Quy trình khởi động và dừng;
- Quy trình khẩn cấp;
- Nhật ký vận hành và hồ sơ quy trình;
- Báo cáo hoặc dữ liệu PSM/PSI, PHA, RCM, FMEA, và QRA.
d. Báo cáo quản lý sự thay đổi (MOC)
e. Dữ liệu và thông tin bên ngoài công trình lắp đặt- nếu hậu quả có thể ảnh hưởng đến các khu vực bên ngoài công trình lắp đặt.
f. Dữ liệu hư hỏng
- Dữ liệu tần suất hư hỏng thông thường;
- Dữ liệu hư hỏng cụ thể của thiết bị;
- Hồ sơ theo dõi độ tin cậy và tình trạng;
- Dữ liệu rò rỉ.
g. Điều kiện môi trường
- Báo cáo khí hậu/thời tiết
- Báo cáo hoạt động địa chấn
h. Chi phí thay thế thiết bị
- Báo cáo chi phí dự án
- Dữ liệu ngành công nghiệp
i. Dữ liệu mối nguy
- Nghiên cứu PSM;
- Nghiên cứu PHA;
- Nghiên cứu QRA;
- Nghiên cứu mối nguy hoặc rủi ro cụ thể khác tại công trình
8. Cơ chế hư hỏng và kiểu hư hỏng
8.1 Yêu cầu chung
8.1.1 Phần này đưa ra các yêu cầu để xác định các cơ chế hư hỏng và các kiểu hư hỏng của các bộ phận kim loại tại giới hạn áp suất được đưa vào phân tích RBI. Cơ chế hư hỏng trong lĩnh vực dầu khí, xử lý hydrocacbon được đề cập trong API 571 và ASME PCC-3, các chuyên gia về ăn mòn, về vật liệu phải tham gia vào việc xác định cơ chế và kiểu hư hỏng, xem chi tiết tại mục 15.2.4.
8.1.2 Các cơ chế hư hỏng bao gồm ăn mòn, nứt, hư hỏng cơ học và luyện kim, cơ chế hư hỏng có ảnh hưởng đến các nội dung sau:
a. Phân tích khả năng xảy ra hư hỏng;
b. Lựa chọn thời hạn kiểm tra, địa điểm và kỹ thuật kiểm tra thích hợp;
c. Khả năng ra quyết định có thể loại bỏ hoặc giảm khả năng xảy ra của một cơ chế hư hỏng cụ thể.
8.1.3 Nhận dạng kiểu hư hỏng, xác định các bộ phận hư hỏng sẽ bị hư hỏng như thế nào như do rò rỉ hoặc do vỡ, kiểu hư hỏng có ảnh hưởng đến các nội dung sau:
a. Phân tích hậu quả;
b. Ra quyết định hoạt động hoặc sửa chữa;
c. Lựa chọn các kỹ thuật sửa chữa.
8.1.4 Nhận dạng cơ chế hư hỏng
8.1.4.1 Việc xác định các cơ chế hư hỏng và các kiểu hư hỏng đối với thiết bị được đưa vào phân tích rủi ro là điều cần thiết đối với chất lượng và hiệu quả của phân tích rủi ro. Nhóm RBI sẽ tham khảo ý kiến của chuyên gia ăn mòn để xác định các cơ chế hư hỏng thiết bị, các chế độ hư hỏng và các chế độ hư hỏng dự kiến. Trình tự xác định cơ chế hư hỏng như sau:
a. Thiết kế thiết bị (áp suất, nhiệt độ và vật liệu chế tạo) và tình trạng hiện tại phải được xem xét. Dữ liệu được sử dụng và các giả định được đưa ra phải được xác nhận và lập thành văn bản;
b. Tất cả các điều kiện xử lý công nghệ như khởi động, ngừng hoạt động, không hoạt động và bất thường, cũng như các thay đổi quá trình xử lý công nghệ đã lên kế hoạch sẽ được xem xét. Việc xác định các thành phần vi lượng (ppm) ngoài các thành phần chính trong một quy trình có thể rất quan trọng vì các thành phần vi lượng có thể có ảnh hưởng đáng kể đến cơ chế hư hỏng;
c. Xem xét vật liệu, phương pháp và chi tiết chế tạo, danh sách các cơ chế hư hỏng có thể đã có trong quá trình hoạt động trước đây, đang hoạt động bao gồm cả tốc độ hư hỏng đối với các cơ chế hư hỏng chính và khả năng chịu đựng của thiết bị đối với loại hư hỏng;
d. Trong một số trường hợp, có thể ưu tiên liệt kê một cơ chế hư hỏng cụ thể và sau đó liệt kê các dạng hoặc hư hỏng mà cơ chế hư hỏng có thể tự biểu hiện;
e. Có thể có hai hoặc nhiều cơ cấu hư hỏng cùng một lúc làm việc trên cùng một thiết bị hoặc thành phần đường ống như nứt do ăn mòn ứng suất kết hợp với ăn mòn tổng quát hoặc cục bộ (mỏng hoặc rỗ).
8.2 Cơ chế hư hỏng
Cơ chế hư hỏng được xác định dựa vào điều kiện hoạt động của thiết bị, sự tương tác với môi trường quá trình công nghệ (cả bên trong và bên ngoài). Các chuyên gia công nghệ có thể cung cấp thông tin đầu vào hiệu quả để hỗ trợ các chuyên gia ăn mòn xác định các cơ chế và tốc độ hư hỏng đáng tin cậy.
8.3 Kiểu hư hỏng
8.3.1 Các cơ chế hư hỏng được xác định thì kiểu hư hỏng liên quan cũng phải được xác định như hư hỏng do mỏng cục bộ có thể dẫn đến rò rỉ lỗ kim. Có thể có nhiều hơn một kiểu hư hỏng cho mỗi cơ chế hư hỏng. Cơ chế hư hỏng phụ thuộc vào dạng nứt; tính chất của vật liệu chế tạo, độ dày cấu kiện, nhiệt độ và mức ứng suất. Các kiểu hư hỏng bao gồm nhưng không chỉ giới hạn tại các kiểu hư hỏng sau:
a. Rò rỉ lỗ kim;
b. Rò rỉ nhỏ đến trung bình;
c. Rò rỉ lớn;
d. Đứt gãy;
e. Gãy giòn.
8.3.2 Việc phân tích rủi ro có thể bao gồm các hư hỏng khác ngoài việc mất khả năng chứa, chẳng hạn như mất chức năng, hỏng phần tử kết hợp, lỗi kết cấu phân chia lưu chất và rò rỉ ống trao đổi nhiệt.
8.4 Sự tích lũy hư hỏng
8.4.1 Tốc độ hư hỏng có thể thay đổi khi các cơ chế hư hỏng phát triển, trong một số trường hợp hư hỏng của một cơ chế có thể phát triển đến khi mà một cơ chế khác bắt đầu chi phối tốc độ hư hỏng.
8.4.2 Việc đánh giá các cơ chế hư hỏng và kiểu hư hỏng phải bao gồm tác động tích lũy của từng cơ chế hoặc kiểu hư hỏng.
8.5 Lập bảng kết quả cơ chế hư hỏng
Kết quả phân tích cơ chế hư hỏng và kiểu hư hỏng cho RBI cần xác định những điều sau.
a. Danh sách cơ chế hư hỏng được tìm thấy;
b. Danh sách cơ chế hư hỏng được tìm thấy do kiểu hư hỏng;
c. Xếp hạng kiểu hư hỏng được tìm thấy do kiểu hư hỏng.
9. Phân tích khả năng xảy ra hư hỏng (POF)
9.1 Yêu cầu chung
9.1.1 Phân tích POF trong chương trình phân tích RBI được thực hiện để xác định khả năng xảy ra hư hỏng của một hậu quả bất lợi cụ thể do mất khả năng chứa xảy ra do các cơ chế hư hỏng. Phần này chỉ cung cấp hướng dẫn về cách xác định khả năng xảy ra hư hỏng. Các yêu cầu cụ thể để xác định khả năng xảy ra hư hỏng của các hậu quả cụ thể được nêu tại mục 11.
9.1.2 Phân tích POF phải giải quyết tất cả các cơ chế hư hỏng đáng tin cậy mà thiết bị có thể dễ bị ảnh hưởng và giải quyết các tình huống mà thiết bị có thể dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều cơ chế hư hỏng như mỏng/giảm chiều dày và dão. Phân tích phải đáng tin cậy, có thể lặp lại và được lập thành văn bản.
9.1.3 Các cơ chế hư hỏng không phải là nguyên nhân duy nhất làm mất khả năng chứa, các nguyên nhân khác dẫn đến mất khả năng chứa có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở những điều sau:
a. Hoạt động địa chấn;
b. Thời tiết khắc nghiệt;
c. Quá áp do hỏng thiết bị giảm áp;
d. Lỗi người vận hành;
e. Thay thế vật liệu chế tạo;
f. Lỗi thiết kế;
g. Hoạt động phá hoại.
9.1.4 Các nguyên nhân khác dẫn đến mất khả năng chứa có thể ảnh hưởng đến POF và có thể nhưng thường không được đưa vào phân tích khả năng xảy ra hư hỏng cho RBI.
a. Hoạt động địa chấn;
b. Thời tiết khắc nghiệt;
c. Quá áp do hỏng thiết bị giảm áp;
d. Lỗi người vận hành;
e. Vô tình thay thế vật liệu chế tạo;
f. Lỗi thiết kế;
g. Hoạt động phá hoại.
9.2 Đơn vị đo trong phân tích POF
9.2.1 POF thường được biểu thị dưới dạng số lần xuất hiện, số lần xuất hiện được biểu thị bằng một số sự kiện xảy ra trong một khung thời gian cụ thể. Đối với phân tích POF, khung thời gian thường được biểu thị bằng một khoảng thời gian cố định (ví dụ: một năm) và số lần xuất hiện được biểu thị dưới dạng các sự kiện trên mỗi khoảng thời gian.
9.2.2 Khung thời gian cũng có thể được biểu thị dưới dạng một lần và số lần xuất hiện, là các sự kiện xảy ra của mỗi lần (ví dụ: 0,03 lần hư hỏng/mỗi lần hoạt động). Đối với phân tích định tính, POF có thể được phân loại như cao, trung bình và thấp hoặc từ (01) một đến (05) năm.
9.3 Các dạng phân tích POF
9.3.1 Phân tích định tính POF
9.3.1.1 Phương pháp định tính liên quan đến việc xác định các cụm thiết bị, hệ thống hoặc thiết bị, vật liệu chế tạo và các bộ phận ăn mòn. Dựa trên kiến thức về lịch sử hoạt động, kế hoạch kiểm tra và khả năng hư hỏng vật liệu. POF có thể được đánh giá riêng biệt cho từng cụm thiết bị, hệ thống, nhóm thiết bị hoặc hạng mục thiết bị riêng lẻ.
9.3.1.2 Đánh giá kỹ thuật là cơ sở cho phân tích POF, một danh mục POF có thể được chỉ định cho từng cụm thiết bị, hệ thống, nhóm hoặc hạng mục thiết bị. Tùy thuộc vào phương pháp phân tích RBI được sử dụng, các danh mục có thể được mô tả bằng các từ như cao, trung bình hoặc thấp hoặc có thể có các mô tả bằng số như 0,1 đến 0,01 lần/năm.
9.3.2 Phân tích định lượng POF
9.3.2.1 Phân tích định lượng POF sử dụng phương pháp tiếp cận dựa vào dữ liệu hư hỏng cụ thể hoặc dựa vào tính toàn POF của các chuyên gia. Các dữ liệu hư hỏng có thể được lấy trên hạng mục thiết bị cụ thể và được đề cập hoặc trên các hạng mục thiết bị tương tự.
9.3.2.2 Nếu các dữ liệu không chính xác hoặc không đầy đủ thì các dữ liệu hư hỏng chung của hệ thống, bộ phận của chủ công trình được sử dụng. Một phương pháp luận cần được áp dụng để đánh giá khả năng áp dụng của các dữ liệu chung này, các dữ liệu hư hỏng này phải được điều chỉnh và được phân tích bằng cách tăng hoặc giảm tần số hư hỏng dựa trên thông tin cụ thể của thiết bị.
9.4 Xác định POF
9.4.1 Yêu cầu chung
9.4.1.1 Bất kể liệu sử dụng phân tích định tính hay định lượng thì POF được xác định bằng hai yếu tố chính sau:
a. Cơ chế và tỷ lệ hư hỏng của vật liệu chế tạo của hạng mục thiết bị do môi trường hoạt động của nó (bên trong và bên ngoài);
b. Hiệu quả của chương trình kiểm tra để xác định và giám sát các cơ chế hư hỏng để thiết bị có thể được sửa chữa hoặc thay thế trước khi hư hỏng.
9.4.1.2 Việc phân tích ảnh hưởng của việc suy giảm vật liệu trong khai thác và kiểm tra với POF bao gồm các bước sau:
a. Xác định các cơ chế hư hỏng đang hoạt động và đáng tin cậy có thể xảy ra một cách hợp lý trong khoảng thời gian đang được xem xét;
b. Xác định độ nhạy cảm và tỷ lệ hư hỏng;
c. Sử dụng phương pháp phân tích nhất quán, đánh giá hiệu quả của chương trình kiểm tra và báo cáo bảo kiểm tra trước đó và phải đánh giá POF khi xem xét một số kế hoạch kiểm tra và bảo trì thay thế;
9.4.2 Xác định mức độ và độ nhạy cảm với hư hỏng
9.4.2.1 Sự kết hợp của các điều kiện hoạt động của hệ thống và vật liệu chế tạo cho từng hạng mục thiết bị phải được đánh giá để xác định các cơ chế hư hỏng và đáng tin cậy.
9.4.2.2 Tốc độ suy giảm có thể được biểu thị bằng tốc độ ăn mòn gây ra suy giảm chiều dày hoặc tính dễ hư tổn cơ học mà tốc độ suy giảm không xác định được hoặc không thể đo lường được như nứt ăn mòn do ứng suất. Độ nhạy thường được xác định là cao, trung bình hoặc thấp dựa trên điều kiện môi trường và vật liệu chế tạo.
9.4.2.3 Khả năng xác định chính xác tốc độ hư hỏng bị ảnh hưởng bởi độ phức tạp của thiết bị, loại cơ chế hư hỏng, các thông tin về quá trình vận hành và luyện kim.
9.4.2.4 Các dữ liệu về tốc độ hư hỏng bao gồm:
a. Dữ liệu đã phát hành của đơn vị vận hành;
b. Thử nghiệm tại phòng thí nghiệm;
c. Thử nghiệm và kiểm soát trong khai thác;
d. Báo cáo tổng hợp kinh nghiệm với thiết bị tương tự;
e. Dữ liệu báo cáo kiểm tra trước đó;
f. Các điều kiện dẫn đến tốc độ hư hỏng quan sát được trên thực tế có thể xảy ra. Các nguồn thông tin khác có thể bao gồm cơ sở dữ liệu của công trình biển hoặc dựa vào ý kiến chuyên gia.
9.4.2.5 Tốc độ hư hỏng sẽ thay đổi theo cơ chế hư hỏng, cơ chế tự giới hạn (tức là sau khi tiến triển đến một điểm nhất định) và hư hỏng gần như sẽ dừng lại. Trong các trường hợp khác, hư hỏng sẽ diễn ra một cách chậm rãi, ổn định cho đến khi đến điềm xảy ra hư hỏng hoặc hư hỏng do một cơ chế có thể xuất hiện.
9.4.2.6 Các thông số sau đây cần được xem xét khi xác định tốc độ hư hỏng:
a. Thành phần lưu chất, bao gồm các chất điện ly và các ion trong dung dịch;
b. Nhiệt độ, độ ẩm và tính ăn mòn của bầu khí quyển hoặc đất;
c. Nhiệt độ vận hành;
d. Vận tốc dòng chảy;
e. Hàm lượng oxy hòa tan;
f. Pha lưu chất (lỏng, hơi hoặc khí);
g. Độ pH dung dịch;
h. Các chất gây ô nhiễm dòng chảy;
i. Quy trình vận hành;
j. Các tính chất cơ học của kim loại;
k. Tính chất luyện kim và khả năng chống ăn mòn của hợp kim;
l. Tính chất mối hàn: xử lý nhiệt, độ cứng, ứng suất dư;
m. Hình dạng hư hỏng;
n. Tình trạng lớp phủ và lớp lót;
o. Kích thước tương đối của anốt và catốt;
p. Độ hòa tan của các sản phẩm ăn mòn;
q. Sử dụng các chất ức chế ăn mòn;
r. Kiểm soát quá trình vận hành bình thường và bất thường;
s. Sự tồn tại và chất lượng của chương trình lOWs.
9.4.3 Xác định kiểu hư hỏng
9.4.3.1 Phân tích POF được sử dụng để đánh giá kiểu hư hỏng và POF. Các kiểu hư hỏng sau đây thường xảy ra nhiều nhất:
a. Rỗ thường dẫn đến rò rỉ kích thước lỗ nhỏ;
b. Ứng suất ăn mòn nứt có thể phát triển thành các vết nứt nhỏ, thông thành/vách hoặc, trong một số trường hợp gây ra vỡ;
c. Hư hỏng do lỗi luyện kim và hư hỏng cơ học có thể dẫn đến các kiểu hư hỏng từ lỗ nhỏ đến vết đứt;
d. Mỏng do ăn mòn thường dẫn đến rò rỉ hoặc vỡ lớn hơn;
e. Ăn mòn cục bộ có thể dẫn đến rò rỉ có kích thước nhỏ đến trung bình và có thể bị vỡ, tùy thuộc vào vị trí và kích thước của ăn mòn cục bộ.
9.4.3.2 Kiểu hư hỏng chủ yếu ảnh hưởng đến mức độ của hậu quả. Vì vậy các phân tích khả năng xảy ra hư hỏng và hậu quả phải được thực hiện một cách đồng thời.
9.4.4 Xác định sự hiệu quả các lần kiểm tra trước
9.4.4.1 Sự kết hợp của các phương pháp kiểm tra không phá hủy (NDE), tần suất kiểm tra và vị trí kiểm tra để xác định vị trí, đặc điểm và xác định kích thước của hư hỏng từ đó xác định tốc độ hư hỏng. Sau khi các cơ chế hư hỏng đã được xác định, các đợt kiểm tra sẽ được đánh giá để xác định tính hiệu quả trong việc tìm ra các cơ chế đã được xác định.
9.4.4.2 Các hạn chế về hiệu quả của kiểm tra có thể do các mục sau đây.
a. Thiếu khối lượng công việc kiểm tra cho một khu vực có thể bị suy giảm;
b. Hạn chế của một số phương pháp kiểm tra;
c. Lựa chọn các phương pháp, kỹ thuật và công cụ kiểm tra không phù hợp;
d. Việc áp dụng các phương pháp và công cụ kiểm tra của nhân viên kiểm tra không được đào tạo đầy đủ;
e. Quy trình kiểm tra chưa đầy đủ;
f. Không tuân thủ quy trình kiểm tra;
g. Tốc độ suy giảm trong một số điều kiện khắc nghiệt cao đến mức có thể xảy ra hư hỏng trong thời gian rất ngắn. Mặc dù không phát hiện thấy hư hỏng nào trong quá trình kiểm tra, nhưng vẫn có thể xảy ra hư hỏng do điều kiện hoạt động thay đổi hoặc trong các điều kiện bất thường.
9.4.4.3 Đợt kiểm tra gần đây nhất có thể phản ánh tốt nhất điều kiện hoạt động hiện tại. Nếu các điều kiện vận hành đã thay đổi, tốc độ hư hỏng dựa trên dữ liệu kiểm tra từ các điều kiện vận hành trước đó có thể không hợp lệ. Việc xác định tính hiệu quả của việc kiểm tra cần xem xét các lưu ý sau:
a. Loại thiết bị;
b. Cơ chế hư hỏng hoạt động và đáng tin cậy;
c. Tốc độ suy giảm hoặc độ nhạy cảm;
d. Phương pháp NDE, phạm vi và tần suất;
e. Khả năng tiếp cận các khu vực hư hỏng dự kiến.
9.4.4.4 Hiệu quả của việc kiểm tra dự kiến có thể được tối ưu hóa bằng cách sử dụng các phương pháp NDE phù hợp hơn với các cơ chế hư hỏng.
9.4.5 Tính toán POF bằng kiểu hư hỏng
Bằng cách kết hợp cơ chế hư hỏng dự kiến tốc độ hoặc độ nhạy cảm, dữ liệu kiểm tra và hiệu quả của việc kiểm tra, POF có thể được xác định cho từng loại hư hỏng và kiểu hư hỏng.
10. Đánh giá hậu quả hư hỏng
10.1 Giới thiệu về đánh giá hậu quả
10.1.1 Đánh giá hậu quả là một sự dự đoán có tính lặp lại, đơn giản hóa, đáng tin cậy về những gì có thể xảy ra nếu một hư hỏng xảy ra của các hạng mục thiết bị được đánh giá. Hậu quả hư hỏng phải được xác định để dự đoán các hậu quả có thể xảy ra do một kiểu hư hỏng điển hình từ một cơ chế hư hỏng được xác định. Hậu quả hư hỏng thường được phân loại như sau:
a. Các ảnh hưởng về an toàn và sức khỏe;
b. Các ảnh hưởng về môi trường;
c. Các ảnh hưởng về kinh tế.
10.1.2 Phương pháp đánh giá hậu quả được chọn phải có khả năng chứng minh được các hạng mục thiết bị có hậu quả cao hơn và thấp hơn.
10.2 Rò lọt (Mất khả năng chứa)
Hậu quả của việc rò lọt được đánh giá là sự phát tán của lưu chất ra môi trường bên ngoài. Các hậu quả do rò rọt bao gồm các ảnh hưởng và thiệt hại sau:
a. Ảnh hưởng về an toàn và sức khỏe;
b. Ảnh hưởng về môi trường;
c. Thiệt hại về sản xuất;
d. Chi phí bảo dưỡng và phục hồi.
10.3 Các kiểu hư hỏng về chức năng khác
10.3.1 RBI liên quan đến việc hư hỏng do rò lọt, các hư hỏng chức năng khác có thể được đưa vào phân tích RBI. Các hư hỏng chức năng khác có thể, bao gồm như sau.
a. Hư hỏng chức năng hoặc hư hỏng cơ khí của các bộ phận bên trong của thiết bị chứa áp suất.
b. Hư hỏng ống trao đổi nhiệt;
c. Hư hỏng ống trao đổi nhiệt có thể dẫn đến sự rò rỉ (mất khả năng chứa) của bộ trao đổi nhiệt hoặc thiết bị phụ trợ, dẫn đến đến rò rỉ từ phía áp suất cao sang phía áp suất thếp của bộ trao đổi nhiệt và dẫn đến làm thủng đường ống của phía áp suất thấp. Hư hỏng ống trao đổi nhiệt có thể dẫn đến ô nhiễm hệ thống nước làm mát với các chất hydrocarbon hoặc các chất độc hại và hậu quả là mất khả năng ngăn chặn các tác động đến an toàn, sức khỏe và môi trường;
d. Hư hỏng thiết bị xả áp xuất;
e. Hư hỏng thiết bị quay.
10.3.2 Các hư hỏng chức năng khác là thường bao gồm trong chương trình bảo trì tập trung vào độ tin cậy.
10.4 Các kiểu phân tích hậu quả
10.4.1 Phân tích hậu quả định tính
10.4.1.1 Phương pháp định tính xác định các bộ phận, hệ thống hoặc thiết bị và các mối nguy xuất hiện do điều kiện hoạt động và các lưu chất công nghệ. Trên cơ sở hiểu biết và kinh nghiệm của chuyên gia, các hậu quả của hư hỏng ảnh hưởng về an toàn, sức khỏe, môi trường và tài chính được xác định riêng cho từng bộ phận, hệ thống, nhóm thiết bị.
10.4.1.2 Đối với phương pháp định tính, một loại hậu quả như “A” đến “E” hoặc “cao", đến “thấp” thường được ấn định cho từng bộ phận, hệ thống, nhóm hoặc hạng mục thiết bị. Hậu quả về chi phí được biểu thị bằng một giá trị số, cụ thể xem chi tiết tại mục 10.5.3
10.4.2 Phân tích hậu quả định lượng
10.4.2.1 Phương pháp định lượng sử dụng một mô hình mô tả sự kết hợp các sự kiện để thể hiện các tác động của hư hỏng đối với con người, tài sản, tài chính và môi trường. Các mô hình định lượng thường bao gồm một hoặc kết quả hư hỏng cụ thể và tính toán hậu quả hư hỏng dựa trên các yêu cầu sau:
a. Loại lưu chất công nghệ trong thiết bị;
b. Trạng thái của lưu chất công nghệ bên trong thiết bị;
c. Đặc tính cơ bản của lưu chất công nghệ;
d. Các thông số hoạt động công nghệ như nhiệt độ và áp suất;
e. Khối lượng lưu chất lưu kho có sẵn để xả trong trường hợp rò rỉ;
f. Kiểu hư hỏng và dẫn đến quy mô rò rỉ;
g. Trạng thái của lưu chất sau khi xả trong điều kiện môi trường xung quanh.
10.4.2.2 Kết quả của một phân tích định lượng được biểu thị bằng một giá trị số.
10.5 Đơn vị đo trong phân tích hậu quả
10.5.1 Loại hậu quả khác nhau có thể được mô tả tốt nhất bằng các đơn vị đo khác nhau. Phân tích RBI nên xem xét bản chất của các mối nguy hiện tại và lựa chọn các đơn vị đo lường phù hợp.
10.5.2 Một số đơn vị đo lường hậu quả sau đây có thể được sử dụng trong đánh giá RBI:
10.5.2.1 Về mặt an toàn, hậu quả an toàn thường được thể hiện bằng một giá trị số hoặc được đặc trưng bởi một loại hậu quả liên quan đến mức độ nghiêm trọng của các thiệt hại có thể xảy ra.
10.5.2.2 Về mặt chi phí, hậu quả có thể được thể hiện bằng các đơn vị tiền tệ, các loại hậu quả hư hỏng thấp, vừa phải và cao có thể được ấn định tương ứng với một giá trị tiền tệ nhất định. Những hậu quả điển hình có thể được thể hiện bằng chi phí bao gồm:
a. Thiệt hại sản xuất do dừng thời gian hoạt động;
b. Bố trí các thiết bị và nhân sự ứng phó khẩn cấp;
c. Hao hụt sản phẩm từ việc phát tán ra ngoài;
d. Sự xuống cấp chất lượng sản phẩm;
e. Thay thế hoặc sửa chữa thiết bị hỏng hóc;
f. Hư hỏng tài sản;
g. Chi phí làm sạch việc phát tán ra ngoài môi trường;
h. Chi phí gián đoạn kinh doanh;
i. Chấn thương hoặc thiệt mạng;
j. Có sự tranh chấp;
10.5.3 Khu vực bị ảnh hưởng
10.5.3.1 Khu vực bị ảnh hưởng được sử dụng để mô tả các hậu quả hư hỏng, khu vực bị ảnh hưởng thể hiện cho diện tích bề mặt bị chịu tác động.
10.5.3.2 Đơn vị cho hậu quả khu vực bị ảnh hưởng là mét vuông. Cách tiếp cận khu vực bị ảnh hưởng có đặc điểm là có thể so sánh các hậu quả độc hại và dễ cháy bằng cách liên hệ đến khu vực thực tế bị ảnh hưởng do việc phát tán lưu chất.
10.5.4 Ảnh hưởng đến môi trường
10.5.4.1 Các thông số điển hình được sử dụng để đo lường gián tiếp về mức độ thiệt hại môi trường như sau:
a. Diện tích mặt biển bị ảnh hưởng mỗi năm;
b. Chiều dài bờ biển bị ảnh hưởng;
c. Số lượng sinh vật hoặc nguồn tài nguyên;
d. Sử dụng chi phí để đánh giá mức độ thiệt hại môi trường tính theo đơn vị Việt Nam đồng trên mỗi năm cho việc mất và phục hồi nguồn tài nguyên môi trường.
10.5.5 Phân loại hậu quả về môi trường, sức khỏe và an toàn
Hậu quả về môi trường, sức khỏe và an toàn được xác định ở các cấp độ khác nhau. Dưới đây các các ví dụ của hậu quả về về an toàn, sức khỏe và môi trường.
a. Ví dụ: ba cấp độ phân loại hậu quả về an toàn, sức khỏe và môi trường
Loại | Hậu quả an toàn | Hậu quả sức khỏe | Hậu quả môi trường |
Cao | Tử vong hoặc chấn thương với thương tật vĩnh viễn | Ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài | Ảnh hưởng lớn tới môi trường |
Trung bình | Mất thời gian chờ hồi phục hoàn toàn khi chấn thương | Ảnh hưởng đến sức khỏe ngắn hạn với việc chờ đợi hồi phục hoàn toàn | Ảnh hưởng đáng kể đến môi trường |
Thấp | Cơ cứu | Ảnh hưởng đến sức khỏe nhỏ | Ảnh hưởng nhỏ đến môi trường |
b. Ví dụ: sáu cấp độ phân loại hậu quả về an toàn, sức khỏe và môi trường.
Loại | Mô tả | Hậu quả môi trường |
I | Thảm họa | Ảnh hưởng đến nghiêm trọng đến môi trường trong dài hạn |
II | Nghiêm trọng | Ảnh hưởng đến nghiêm trọng đến môi trường trong ngắn hạn |
III | Nguy hiểm | Ảnh hưởng lớn đến môi trường |
IV | Quan trọng | Ảnh hưởng đến môi trường trong ngắn hạn |
V | Không quan trọng | Ảnh hưởng nhỏ đến môi trường |
VI | Không đáng kể | Hậu quả không đáng kể |
10.6 Lượng lưu chất phát tán
10.6.1 Trong hầu hết các đánh giá hậu quả, yếu tố chính trong việc xác định hậu quả là lượng lưu chất phát tán ra ngoài. Lượng phát tán ra ngoài bắt nguồn từ việc kết hợp của các yếu tố sau đây:
a. Lượng lưu chất có sẵn để phát tán ra ngoài (lượng lưu chất trong thiết bị và các thiết bị được kết nối);
b. Kiểu hư hỏng;
c. Tốc độ phát tán;
d. Thời gian phát hiện và cô lập.
10.6.2 Trong một số trường hợp, Lượng phát tán ra ngoài sẽ bằng lượng lưu chất có sẵn thoát ra. Tuy nhiên, nếu có các biện pháp bảo vệ và các biện pháp để lỗ thủng của vật chứa bị cách ly thì lượng phát tán sẽ nhỏ hơn lượng lưu chất có sẵn thoát ra. Giá trị của lưu chất phát tán có thể được tính bằng:
Giá trị của lưu chất phát tán = Lượng lưu chất phát tán x Giá trị của lưu chất trên một đơn vị thể tích.
10.7 Danh mục các loại hậu quả
10.7.1 Sự hư hỏng của thiết bị chịu áp suất và lưu chất phát tán ra ngoài có thể gây ra thiệt hại về an toàn, sức khỏe, môi trường. Việc phân tích RBI xem xét bản chất của các mối nguy và đảm bảo rằng các yếu tố sau đây cần lưu ý khi đánh giá hậu quả hư hỏng:
a. Các sự kiện cháy nổ (cháy và nổ);
b. Rò thoát chất độc hại;
c. Rò thoát các lưu chất nguy hiểm khác.
10.7.2 Các yếu tố khác có thể xem xét bao gồm như sau:
a. Các hậu quả môi trường;
b. Các hậu quả sản xuất;
c. Ảnh hưởng đến sự bảo dưỡng và phục hồi.
10.7.3 Các sự kiện cháy nổ
10.7.3.1 Các sự kiện cháy nổ xảy ra khi có cả sự rò rỉ và sự bốc cháy, việc bốc cháy có thể thông qua nguồn gây cháy hoặc tự bốc cháy. Các sự kiện cháy nổ có thể gây ra thiệt hại theo hai cách: bức xạ nhiệt và nổ quá áp. Hầu hết các thiệt hại từ ảnh hưởng nhiệt có xu hướng xảy ra ở cự ly gần, nhưng ảnh hưởng vụ nổ có thể gây ra thiệt hại trên một khoảng cách lớn hơn từ trung tâm vụ nổ. Các loại cháy nổ điển hình sau đây phải được xem xét:
a. Nổ đám mây hơi (hơi nhiên liệu);
b. Cháy bồn chứa;
c. Cháy do phun tóe (lưu chất dễ cháy);
d. Cháy do phát tia lửa điện;
e. Nổ do giãn nở hơi khi lưu chất được hâm nóng.
10.7.3.2 Hậu quả của các sự kiện cháy nổ thường xuất phát từ sự kết hợp của các yếu tố sau:
a. Lượng lưu chất được phát tán ra ngoài;
b. Khả năng hóa hơi nhanh;
c. Có khả năng tự bốc cháy;
d. Ảnh hưởng của hoạt động áp suất và nhiệt độ cao;
e. Bố trí biện pháp an toàn;
f. Nhân viên và thiết bị bị đặt vào tình trạng nguy hiểm.
10.7.4 Rò rỉ chất độc hại
10.7.4.1 Rò rỉ chất độc hại chỉ được chú ý khi chúng ảnh hưởng đến con người, việc rò rỉ này có thể gây ra ảnh hưởng ở khoảng cách lớn hơn các sự kiện cháy nổ. Không giống như rò rỉ chất dễ cháy, rò rỉ chất độc hại không yêu cầu một điều kiện bổ sung để gây ra ảnh hưởng đến con người. Phân tích RBI thường tập trung vào các rủi ro độc hại cấp tính mà tạo ra mối nguy ngay lập tức, thay vì các rủi ro mãn tính do phơi nhiễm ở mức độ thấp.
10.7.4.2 Hậu quả chất độc hại thường bắt nguồn từ các yếu tố sau:
a. Lượng lưu chất phát tán ra ngoài và độc tính;
b. Khả năng phân tán dưới điều kiện môi trường và điều kiện công nghệ;
c. Hệ thống phát hiện và giảm thiểu ảnh hưởng;
d. Số người trong xung quanh khu vực chất lỏng bị thoát ra.
10.7.5 Rò rỉ các lưu chất nguy hiểm khác
10.7.5.1 Rò rỉ lưu chất nguy hiểm khác là mối quan tâm lớn nhất trong các RBI khi chúng ảnh hưởng đến con người. Những chất này có thể gây bỏng nhiệt hoặc bỏng hóa chất nếu một người tiếp xúc với chúng.
10.7.5.2 Các lưu chất thông thường khác như hơi nước, nước nóng, axit và chất ăn da có thể có hậu quả an toàn khi rò rỉ và nên được coi là một phần của chương trình RBI. Hậu quả của loại rò rỉ này thấp hơn đáng kể so với các rò rỉ lưu chất dễ cháy nổ hoặc độc hại vì khu vực bị ảnh hưởng có thể nhỏ hơn nhiều và mức độ nguy hiểm ít hơn. Các yếu tố chính sau cần lưu ý khi đánh giá hậu quả:
a. Lượng lưu chất phát tán ra ngoài;
b. Mật độ con người trong khu vực;
c. Bản chất và loại lưu chất dẫn đến chấn thương;
d. Các hệ thống an toàn;
e. Thiệt hại môi trường nếu việc phát tán ra ngoài không được chặn lại;
f. Hư hại thiết bị, hệ thống.
10.7.6 Hậu quả môi trường
10.7.6.1 Hậu quả môi trường là một thành phần quan trọng đối với bất kỳ rủi ro nào, phân tích RBI thường tập trung vào các rủi ro môi trường cấp tính và tức thời, thay vì rủi ro mãn tính từ sự phát thải ở mức độ thấp.
10.7.6.2 Hậu quả môi trường thường bắt nguồn từ các yếu tố sau:
a. Lượng lưu chất phát tán ra ngoài;
b. Khả năng hóa hơi nhanh;
c. Biện pháp bảo vệ an toàn ngăn rò rỉ;
d. Môi trường bị ảnh hưởng;
e. Hậu quả pháp lý.
10.7.6.3 Sự rò rỉ lưu chất có thể dẫn đến ô nhiễm đất, nước ngầm, nước mặt thoáng. Rò rỉ khí cũng quan trọng không kém nhưng khó đánh giá hơn.
10.7.6.4 Hậu quả của thiệt hại môi trường là chi phí. Chi phí có thể được tính như sau:
Chi phí môi trường = Chi phí cho việc làm sạch + Tiền phạt + Chi phí khác.
10.7.6.5 Chi phí cho việc làm sạch phụ thuộc vào các yếu tố sau đây:
a. Vị trí bị phát tán- trên và dưới mặt biển;
b. Loại lưu chất;
c. Phương pháp làm sạch;
d. Khối lượng bị phát tán;
e. khả năng tiếp cận và địa hình tại vị trí bị tràn.
10.7.6.6 Chi phí phần tiền phạt sẽ phụ thuộc vào các quy định pháp luật liên quan.
10.7.6.7 Thành phần chi phí khác sẽ bao gồm các chi phí mà có thể liên quan đến sự cố bị phát tán ra ngoài môi trường như kiện tụng từ các bên liên quan.
10.7.7 Hậu quả liên quan đến sản xuất
10.7.7.1 Hậu quả liên quan đến sản xuất xảy ra với bất kỳ sự thất thoát nào của lưu chất xử lý và là sự thất thoát của lưu chất như khí nhiên liệu. Những hậu quả sản xuất này có thể bổ sung độc lập với các hậu quả dễ cháy nổ, chất độc hại, nguy hiểm khác hoặc môi trường.
10.7.7.2 Chi phí của lưu chất bị thất thoát có thể được tính toán khá dễ dàng bằng cách nhân khối lượng thất thoát với giá trị của lưu chất bị thất thoát.
10.7.7.3 Tính hậu quả gián đoạn kinh doanh như sau:
Gián đoạn kinh doanh = Giá trị hàng ngày của cụm thiết bị x thời gian dừng hoạt động.
Trong đó:
Giá trị hàng ngày có thể dựa trên cơ sở doanh thu hoặc lợi nhuận.
Thời gian dừng hoạt động sẽ thể hiện thời gian cần thiết để quay trở lại sản xuất.
10.7.7.4 Các yếu tố để ước tính hậu quả gián đoạn kinh doanh một cách chính xác bao gồm:
a. Khả năng thiệt hại do thiết bị bị hư hỏng;
b. Khả năng thiệt hại cho các thiết bị gần đó;
c. Khả năng thiệt hại sản xuất cho các hệ thống khác.
10.7.8 Tác động đến công tác bảo dưỡng và sửa chữa.
Tác động đến việc bảo dưỡng và sửa chữa phải được tính đến trong chương trình RBI. Tác động đến việc bảo dưỡng nói chung sẽ được đo bằng tiền và thường bao gồm như sau:
a. Các công việc sửa chữa,
b. Thay thế thiết bị.
10.8 Xác định COF
10.8.1 Hậu quả của việc rò rỉ một công chất nguy hiểm có thể được đánh giá trong sáu bước được nêu chi tiết tại Hình 5, với mỗi bước được thực hiện bằng cách sử dụng giả định của một trường hợp cụ thể và các bước nên được lặp lại cho mỗi trường hợp đáng tin cậy. Các bước thực hiện như sau:
a. Dự đoán tốc độ phát tán ra ngoài;
b. Dự đoán tổng khối lượng lưu chất phát tán ra ngoài;
c. Xác định xem liệu lưu chất được phát tán nhanh (tức thời) hay chậm (liên tục);
d. Xác định xem liệu lưu chất phát tán trong không khí dưới dạng là lưu chất hay chất khí;
e. Dự đoán ảnh hưởng của bất kỳ hệ thống giảm thiểu hiện có;
f. Dự đoán các hậu quả.
10.8.2 Các yếu tố để định lượng hậu quả
10.8.2.1 Dự đoán hậu quả hư hỏng từ các hạng mục thiết bị là xem xét như các yếu tố như tính chất vật lý của chất được chứa, độc tính và tính dễ cháy của nó, loại rò rỉ và thời gian rò rỉ, điều kiện thời tiết và sự phát tán của lượng rò rỉ và các hành động giảm thiểu. Xem xét tác động đến con người và thiết bị, số người trong khu vực ảnh hưởng và môi trường. Tổn thất sản xuất, tổn thất nguyên liệu và các tổn thất khác cũng cần được xem xét.
10.8.2.2 Trong một số trường hợp hậu quả có thể là kết quả từ một dạng hư hỏng đơn lẻ và hậu quả phải được xác định bằng cách xây dựng một hoặc nhiều trường hợp để mô tả một chuỗi các sự kiện sau hư hỏng ban đầu.
10.8.2.3 Nếu lưu chất được chứa là lưu chất dễ cháy thì các trường hợp hậu quả có thể bao gồm: Rò rỉ nhỏ mà không bốc cháy, rò rỉ nhỏ có bốc cháy và rò rỉ nhỏ với bốc cháy và hư hỏng tiếp theo (vỡ) của hạng mục thiết bị. Hậu quả có thể được xây dựng dựa trên các giai đoạn sau:
a. Hậu quả giai đoạn 1- Xả: Xem xét loại xả (lượng xả đột ngột với xả chậm) và thời gian xả.
b. Hậu quả giai đoạn 2 - Phát tán: Xem xét sự phát tán của lượng xả ra do các điều kiện thời tiết.
c. Hậu quả giai đoạn 3 - Sự kiện cháy nổ: Các hậu quả phải được đánh giá cho tình huống dựa trên tính dễ cháy của lượng phát tán ra ngoài.
d. Hậu quả giai đoạn 4 - Rò rỉ chất độc hại: Các hậu quả phải được đánh giá cho tình huống dựa trên độc tính của lượng phát tán ra ngoài.
e. Hậu quả giai đoạn 5 - Rò rỉ lưu chất nguy hiểm khác: Các hậu quả phải được đánh giá cho tình huống dựa trên đặc tính của lượng phát tán ra ngoài.
f. Hậu quả giai đoạn 6 - Cần đánh giá khả năng số lượng tử vong và chấn thương từ mỗi trường hợp.
Hình 5- Xác định hậu quả hư hỏng
11. Xác định, đánh giá và quản lý rủi ro
11.1 Mục đích
11.1.1 Phần này mô tả quá trình xác định rủi ro bằng cách kết hợp các kết quả công việc đã thực hiện, cung cấp các hướng dẫn để ưu tiên và đánh giá khả năng chấp nhận rủi ro có chú ý đến tiêu chuẩn rủi ro và thiết lập và thực hiện một kế hoạch quản lý rủi ro.
11.1.2 Rủi ro sẽ được xác định bằng cách kết hợp POF và COF.
11.2 Xác định rủi ro
11.2.1 Xác định POF của một hậu quả cụ thể
11.2.1.1 Khi các cơ chế hư hỏng đã được xác định thì POF của mỗi trường hợp sẽ được xác định. Sau khi mất khả năng chứa (rò rỉ), một loạt các sự kiện có thể xảy ra như sau:
a. Thứ nhất, khởi động hoặc hư hỏng của các biện pháp bảo vệ (cách ly, báo động);
b. Thứ hai, sự phát tán, pha loãng hoặc tích tụ của lưu chất;
c. Thứ ba, khởi động hoặc không khởi động hành động phòng ngừa (tắt các nguồn gây cháy gần đó, trung hòa lưu chất);
d. Các sự kiện bổ sung đến các sự kiện có hậu quả cụ thể (hỏa hoạn, thất thoát chất độc hại, thương tích, thất thoát ra môi trường) xảy ra.
11.2.1.2 Thành viên trong nhóm phân tích RBI có chuyên môn phải liên hệ POF với những hậu quả nghiêm trọng nhất dự kiến. Nếu mối liên hệ POF của một cơ chế hư hỏng mà ở đó kiểu hư hỏng là một lỗ rò rỉ nhỏ với hậu quả của một đám cháy lớn thì mối liên hệ này sẽ dẫn đến một đánh giá rủi ro quá thận trọng.
11.2.1.3 Mỗi loại cơ chế hư hỏng có các hình thức hư hỏng đặc trưng riêng của nó. Đối với một cơ chế hư hỏng cụ thể, kiểu hư hỏng dự kiến phải được xem xét khi xác định khả năng xảy ra sự cố trong hậu quả của một thiết bị hư hỏng.
11.2.2 Tính toán POF của một hậu quả cụ thể
11.2.2.1 Hậu quả của một thiết bị chứa lưu chất dễ cháy là một sự kiện cháy, khi đó sơ đồ cây sự kiện bắt đầu bằng việc mất khả năng chứa (rò rỉ) được hiển thị tại Hình 6. Khả năng xảy ra của một sự kiện cháy bằng tích của khả năng của hư hỏng với khả năng xảy ra gây cháy của sự kiện cháy.
11.2.2.2 Khả năng không xảy ra cháy bao gồm hai trường hợp là mất khả năng chứa (rò rỉ) mà không gây cháy và không mất khả năng chứa (không rò rỉ). Khả năng không xảy ra cháy sẽ bằng tích của khả năng xảy ra hư hỏng với khả năng không gây cháy cộng với khả năng của khả năng không hư hỏng không xảy ra cháy.
Hình 6 - Tính toán khả năng xảy ra của một hậu quả cụ thể
11.2.3 Tính toán rủi ro
11.2.3.1 Rủi ro tổng là tổng các rủi ro riêng lẻ đối với từng hậu quả cụ thể. Thường sẽ có một cặp POF/COF sẽ là chính và tổng rủi ro có thể được coi như xấp xỉ bằng rủi ro của trường hợp chính đó.
11.2.3.2 Nếu POF và COF không được biểu thị bằng giá trị số, rủi ro thường được xác định bằng biểu đồ khả năng xảy ra hư hỏng và hậu quả trên ma trận rủi ro. Các cặp POF và COF cho các trường hợp khác nhau có thể được vẽ biểu đồ để xác định rủi ro của từng trường hợp.
11.3 Quyết định trong quản lý rủi ro và rủi ro có thể chấp nhận
11.3.1 Rủi ro có thể thấp nhận
Rủi ro có thể chấp nhận được phải thỏa mãn các yêu cầu hiện hành về mức rủi ro chấp nhận được trong đánh giá định lượng rủi ro cho các hoạt động dầu khí
11.3.2 Sử dụng đánh giá rủi ro để lập kế hoạch kiểm tra và bảo dưỡng
Các dữ liệu hậu quả dựa trên báo cáo kiểm tra trước đó và dữ liệu về POF dựa trên các báo cáo bảo dưỡng được kết hợp để hỗ trợ trong quá trình lập kế hoạch. Việc lập kế hoạch này là xác định xem cần kiểm tra những gì, kiểm tra như thế nào, kiểm tra ở đâu, phạm vi kiểm tra và khi nào kiểm tra.
11.4 Phân tích tính dễ hư tổn
11.4.1 Các yếu tố ảnh hưởng đến việc tính toán rủi ro để xác định các dữ liệu thông tin đầu vào nào đáng được xem xét kỹ hơn so với các thông tin dữ liệu mà có thể không có tác động đáng kể đến rủi ro, điều này quan trọng khi thực hiện các phân tích rủi ro yêu cầu chi tiết và định lượng.
11.4.2 Phân tích tính dễ hư tổn thường liên quan đến việc xem xét một số hoặc tất cả các dữ liệu thông tin đầu vào cho việc tính toán rủi ro để xác định ảnh hưởng tổng thể đến kết quả chỉ số rủi ro. Khi phân tích này đã được thực hiện, chuyên gia phân tích RBI có thể thấy các dữ liệu thông tin đầu vào nào ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số rủi ro và những biến đầu vào chính được quan tâm nhất.
11.4.3 Yêu cầu phải thu thập các thông tin bổ sung, các đánh giá sơ bộ về POF và COF có thể quá thận trọng hoặc quá sơ sài do vậy việc thu thập thông tin được thực hiện sau khi phân tích độ nhạy cần được tập trung để xác định các biến đầu vào chính. Sau cùng sẽ đánh giá lại các biến đầu vào chính.
11.5 Các giả định
11.5.1 Các giả định của các giá trị đầu vào được sử dụng khi không có sẵn dữ liệu COF và/hoặc POF. Ngay cả khi các dữ liệu được biết là đã có thì các giả định có thể được sử dụng trong phân tích ban đầu trong khi chờ đợi kết quả thông tin dữ liệu đầu vào được xác định tại các bước trước đó, như là kết quả dữ liệu thông tin từ phân tích độ nhạy.
11.5.2 Việc tăng quá mức thực tế của các giá trị rủi có thể gây sai lệch thông tin khi lập kế hoạch kiểm tra. Các thành viên của nhóm RBI phải đồng ý về các giả định được đưa ra để phân tích RBl và các ảnh hưởng dự kiến đến kết quả rủi ro.
11.6 Diễn đạt rủi ro
11.6.1 Khi các giá trị rủi ro có thể được diễn đạt theo nhiều cách khác nhau để thông báo kết quả phân tích cho những người ra quyết định và người lập kế hoạch kiểm tra. Sử dụng ma trận hoặc biểu đồ rủi ro rất hiệu quả để truyền đạt kết quả theo một định dạng chung mà nhiều người có thể hiểu được.
11.6.2 Ma trận rủi ro
11.6.2.1 Việc diễn đạt kết quả trong ma trận rủi ro là một cách rất hiệu quả để thông báo sự phân bổ rủi ro mà không có giá trị số xem chi tiết tại Hình 7 ma trận rủi ro định tính. Tại Hình 7, các COF và POF được sắp xếp sao cho xếp hạng rủi ro cao nhất nằm ở góc trên bên phải.
11.6.2.2 Các hạng mục rủi ro có thể được gán cho các ô trên ma trận rủi ro, như phân loại rủi ro (cao hơn, trung bình và thấp hơn) của ma trận rủi ro được thể hiện trong Hình 7.
Hình 7 - Ma trận rủi ro sử dụng COF và POF để hiển thị xếp hạng rủi ro.
11.6.3 Biểu đồ rủi ro
11.6.3.1 Khi dữ liệu COF và POF mang tính định lượng nhiều hơn và khi hiển thị các giá trị rủi ro bằng số có ý nghĩa hơn thì một biểu đồ (hoặc đồ thị) rủi ro được sử dụng.
11.6.3.2 Đồ thị này được xây dựng tương tự như ma trận rủi ro trong đó rủi ro cao nhất được vẽ ở góc trên bên phải. Thông thường một biểu đồ rủi ro được vẽ bằng cách sử dụng thang đo lôgarit- lôgarit để hiểu rõ hơn về rủi ro tương đối của các hạng mục được đánh giá.
11.6.4 Sử dụng biểu đồ rủi ro hoặc ma trận rủi ro
Các hạng mục thiết bị nằm về phía góc trên bên phải của biểu đồ hoặc ma trận sẽ được ưu tiên lập kế hoạch kiểm tra vì những hạng mục này có rủi ro cao nhất và các mục nằm về phía góc dưới: bên trái của biểu đồ (hoặc ma trận) sẽ có xu hướng được ưu tiên thấp hơn vì những mục này có rủi ro thấp nhất. Khi các biểu đồ đã được hoàn thành, biểu đồ rủi ro (hoặc ma trận) sau đó có thể được sử dụng như một công cụ sàng lọc để xác định hoạt động giảm thiểu rủi ro ưu tiên.
11.7 Thiết lập ngưỡng rủi ro thấp có thể chấp nhận
11.7.1 Biểu đồ và ma trận rủi ro có thể được sử dụng để sàng lọc và nhận biết ban đầu các hạng mục thiết bị có rủi ro cao hơn, trung bình và thấp hơn. Thiết bị cũng có thể được xếp hạng (ưu tiên) theo giá trị rủi ro của nó ở dạng bảng và xác định rủi ro hoặc bảng rủi ro thành các vùng rủi ro chấp nhận được và không chấp nhận được.
11.7.2 Việc xác định mức rủi ro có thể chấp nhận được nêu tại mục 11.3.1
11.8 Quản lý rủi ro
11.8.1 Đối với các rủi ro được đánh giá là có thể chấp nhận được thì không cần giảm thiểu và không cần thực hiện thêm hành động nào.
11.8.2 Đối với những rủi ro được coi là không thể chấp nhận được và cần phải giảm thiểu rủi ro. Các hoạt động giảm thiểu rủi ro bao gồm nhưng không chỉ giới hạn bởi các hoạt động sau:
a. Ngừng hoạt động-Thiết bị có thực sự cần thiết để tiếp tục hoạt động không?
b. Kiểm tra và sửa chữa - Một chương trình kiểm tra có hiệu quả về kinh tế với việc sửa chữa theo kết quả kiểm tra được thực hiện sẽ giảm rủi ro xuống mức có thể chấp nhận được không?
c. Giảm thiểu COF - Các hành động có thể được thực hiện để giảm COF liên quan đến hư hỏng thiết bị như thay đổi hoạt động hoặc thay đổi thiết kế có thể làm giảm COF không?
d. Giảm thiểu POF -Có thể thực hiện các hành động để giảm POF như thay đổi vật liệu chế tạo, thay đổi vận hành hoặc thiết kế lại thiết bị không?
11.8.3 Các quyết định quản lý rủi ro hiện tại có thể được đưa ra dựa trên các hành động giảm thiểu cần thực hiện. Quản lý/giảm thiểu rủi ro được đề cập thêm trong mục 12 và mục 13.
12. Quản lý rủi ro thông qua các hoạt động kiểm tra
12.1 Quản lý rủi ro bằng cách giảm sự không tin cậy thông qua kiểm tra
12.1.1 Rủi ro có thể được quản lý bằng cách kiểm tra, việc kiểm tra không giảm thiểu các cơ chế hư hỏng hoặc giảm rủi ro, nhưng thông tin thu được qua việc kiểm tra hiệu quả có thể định lượng tốt hơn rủi ro thực tế. Các hư hỏng sắp xảy ra của thiết bị áp lực không thể tránh được bằng các hoạt động kiểm tra trừ khi các hoạt động giảm thiểu rủi ro được kiểm tra sớm để thay đổi POF.
12.1.2 Kiểm tra dùng để nhận biết, giám sát và đo lường các cơ chế hư hỏng và có thể dự đoán thời điểm hư hỏng. Việc áp dụng đúng các biện pháp kiểm tra sẽ cải thiện việc dự đoán các cơ chế hư hỏng và tốc độ hư hỏng. Khả năng dự đoán càng tốt thì sự không chắc chắn về thời điểm có thể xảy ra hư hỏng càng ít, sau đó có thể lập kế hoạch và thực hiện việc giảm thiểu (sửa chữa, thay thế, thay đổi) trước ngày hư hỏng đã được dự đoán.
12.1.3 Cần thiết lập và thực hiện một chương trình toàn diện cho chương trình lOWs và một chương trình MOC nghiêm ngặt để thay đổi các thông số đã thiết lập vì một số cơ chế hư hỏng rất khó hoặc không thể theo dõi chỉ bằng các hoạt động kiểm tra như sự suy giảm chất lượng luyện kim có thể dẫn đến gãy giòn, nhiều dạng nứt do ăn mòn ứng suất, và do mỏi.
12.1.4 Việc giảm thiểu rủi ro sẽ không đạt được nếu dữ liệu kiểm tra được thu thập không được phân tích và xử lý thích hợp khi cần thiết, Chất lượng của dữ liệu kiểm tra và việc phân tích hoặc giải thích sẽ ảnh hưởng lớn đến mức độ giảm thiểu rủi ro.
12.2 Xác định cơ hội quản lý rủi ro từ kết quả đánh giá rủi ro
12.2.1 Khi phân tích RBI được hoàn thành thì các hạng mục có rủi ro không thể chấp nhận được sẽ được đánh giá để quản lý rủi ro tiềm ẩn thông qua các kế hoạch kiểm tra hoặc các chiến lược quản lý rủi ro khác. Các hạng mục rủi ro cao hơn cũng phải được đánh giá để có các hành động quản lý rủi ro dự kiến. Việc kiểm tra có hiệu quả hay không phụ thuộc vào những điều sau:
a. Loại trang thiết bị;
b. Cơ chế hư hỏng hoạt động và đáng tin cậy;
c. Tốc độ hư hỏng và độ nhạy;
d. Các phương pháp kiểm tra, phạm vi ảnh hưởng và tần suất;
e. Khả năng tiếp cận các khu vực hư hỏng sẽ xảy ra;
f. Các yêu cầu dừng hoạt động;
g. Mức giảm POF có thể đạt được.
12.2.2 Tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi thọ còn lại của thiết bị và loại của cơ chế hư hỏng việc quản lý rủi ro thông qua kiểm tra có thể có ít hoặc không có hiệu quả. Các trường hợp dưới đây chỉ rõ việc quản lý rủi ro thông qua việc kiểm tra có thể có ít hoặc không có hiệu quả:
a. Tốc độ ăn mòn tồn tại trong thời gian dài với thiết bị gần hết tuổi thọ;
b. Các hư hỏng tức thời liên quan đến các điều kiện hoạt động như gãy giòn;
c. Công nghệ kiểm tra không đủ để phát hiện hoặc định lượng đầy đủ sự hư hỏng;
d. Khoảng thời gian quá ngắn từ khi bắt đầu hư hỏng đến kết thúc hư hỏng để việc kiểm tra định kỳ có hiệu quả;
e. Các hư hỏng dò các sự kiện không dự đoán được.
12.3 Thiết lập kế hoạch kiểm tra dựa trên đánh giá rủi ro
12.3.1 Kết quả phân tích RBI được sử dụng làm cơ sở để phát triển một chiến lược kiểm tra tổng thể cho nhóm các hạng mục. Chiến lược kiểm tra được thiết kế cùng với các kế hoạch giảm thiểu khác để tất cả các hạng mục thiết bị sẽ có rủi ro có thể chấp nhận được. Để phát triển chiến lược kiểm tra chủ công trình cần lưu ý các nội dung sau:
a. Tiêu chuẩn rủi ro và xếp hạng rủi ro;
b. Các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro;
c. Lịch sử thiết bị;
d. Số lần và kết quả kiểm tra;
e. Loại hình và hiệu quả của việc kiểm tra;
f. Thiết bị đang hoạt động tương tự và tuổi thọ còn lại.
12.3.2 Việc kiểm tra chỉ có hiệu quả nếu kỹ thuật kiểm tra được chọn đủ để phát hiện cơ chế hư hỏng và mức độ nghiêm trọng của nó. Mức độ giảm thiểu rủi ro đạt được khi kiểm tra sẽ phụ thuộc vào những điều sau đây:
a. Kiểu hư hỏng của cơ cấu hư hỏng;
b. Tốc độ hư hỏng;
c. Khả năng phát hiện và kỹ thuật kiểm tra;
d. Phạm vi và mức độ kiểm tra;
e. Tần suất kiểm tra.
12.3.3 Kế hoạch kiểm tra phải là quá trình lặp đi lặp lại và được ghi lại để đảm bảo rằng các hoạt động kiểm tra liên tục tập trung vào các hạng mục có rủi ro cao hơn.
12.4 Quản lý rủi ro bằng các hoạt động kiểm tra
12.4.1 Kết quả của các đợt kiểm tra trước đó là một phần của việc xác định rủi ro hiện tại, rủi ro dự kiến có thể bị ảnh hưởng bởi các hoạt động kiểm tra trong tương lai. RBI có thể được sử dụng như một công cụ để xác định khi nào, cái gì và cách thức kiểm tra. Các yếu tố chính có thể ảnh hưởng đến rủi ro dự kiến bao gồm như không chỉ giới hạn tại các yếu tố sau:
12.4.1.1 Tần suất Kiểm tra - Việc tăng tần suất kiểm tra có thể giúp xác định, nhận biết hoặc giám sát các cơ chế hư hỏng tốt hơn và định lượng rủi ro tốt hơn.
12.4.1.2 Phạm vi ảnh hưởng - Các vùng hoặc khu vực kiểm tra khác nhau của một hạng mục hoặc một loạt các hạng mục có thể được mô hình hóa và đánh giá để xác định phạm vi ảnh hưởng của các hạng mục nào mà sẽ tạo ra mức rủi ro có thể chấp nhận được.
12.4.1.3 Công cụ và kỹ thuật kiểm tra -Việc lựa chọn và sử dụng các công cụ và kỹ thuật kiểm tra thích hợp có thể được tối ưu hóa để định lượng POF một cách hiệu quả kinh tế và an toàn.
12.4.1.4 Phương pháp và nhân viên kiểm tra được đào tạo - Các hoạt động kiểm tra được thực hiện một cách hiệu quả bởi các nhân viên kiểm tra được đào tạo tốt và đủ năng lực chuyên môn thì sẽ đạt được hiệu quả. Phải thực hiện các bước kiểm tra, đánh giá năng lực để đảm bảo rằng nhân viên kiểm tra có trình độ chuyên môn phù hợp.
12.4.1.5 Kiểm tra bên trong, trong hoạt động hoặc bên ngoài- Cần đánh giá việc định lượng rủi ro bằng kiểm tra bên trong, trong hoạt động hoặc bên ngoài. Kiểm tra bên ngoài với các kỹ thuật kiểm tra trong hoạt động hiệu quả có thể cung cấp dữ liệu hữu ích để đánh giá rủi ro. Cần lưu ý rằng trong một số trường hợp, việc kiểm tra không có kế hoạch có thể làm giảm chất lượng và tăng rủi ro cho hạng mục kiểm tra.
12.4.2 Chủ công trình có thể điều chỉnh các yếu tố chính được nêu từ mục 12.4.1.1 đến 12.4.1.5 để đạt được kế hoạch kiểm tra tối ưu nhằm quản lý rủi ro, hiệu quả kinh tế và phù hợp thực tế.
12.5 Quản lý chi phí kiểm tra với đánh giá rủi ro
12.5.1 Chi phí kiểm tra có thể được quản lý hiệu quả hơn thông qua việc sử dụng phân tích RBI. Các nguồn tài chính có thể được sử dụng hoặc chuyển sang các khu vực được xác định là có rủi ro cao hơn.
12.5.2 Chủ công trình phải nhận thức được rằng mặc dù có khả năng giảm chi phí kiểm tra thông qua việc sử dụng RBI, nhưng việc tăng cường tính toàn vẹn của thiết bị và tối ưu hóa chi phí kiểm tra vẫn phải là trọng tâm.
12.6 Đánh giá kết quả kiểm tra và xác định các hoạt động khắc phục
12.6.1 Các kết quả kiểm tra như xác định các cơ chế hư hỏng, tốc độ hư hỏng và khả năng chịu đựng của thiết bị đối với các loại hư hỏng sẽ được sử dụng làm các biến số trong việc đánh giá tuổi thọ còn lại và các kế hoạch kiểm tra trong tương lai. Các kết quả kiểm tra cũng có thể được sử dụng để so sánh hoặc xác nhận các cơ chế hư hỏng nào mà có thể đã được sử dụng để xác định POF.
12.6.2 Kế hoạch hành động phải mô tả phạm vi sửa chữa (hoặc thay thế), các khuyến nghị, các phương pháp sửa chữa được đề xuất, QA/QC thích hợp và ngày hoàn thành kế hoạch.
12.7 Tối ưu chi phí vòng đời với đánh giá rủi ro
12.7.1 RBI tăng cường dự đoán các hư hỏng gây ra bởi các cơ chế hư hỏng, các dự đoán này sẽ làm cơ sở để tiếp tục vận hành thiết bị một cách an toàn. Bằng cách này, thời gian chu kỳ của thiết bị sẽ tăng lên và chi phí vòng đời giảm xuống.
12.7.2 RBI có thể được sử dụng để đánh giá tác động của việc thay đổi công chất làm việc của thiết bị và có thể phát triển một kế hoạch nâng cấp vật liệu kết cấu hoặc thay thế các hạng mục cụ thể. Kế hoạch nâng cấp vật liệu kết cấu sẽ xem xét tuổi thọ vận hành tối ưu có thể đạt được một cách an toàn cùng với kế hoạch kiểm tra thích hợp. Điều này có thể tăng lợi nhuận và giảm chi phí vòng đời thông qua việc giảm bảo dưỡng, tối ưu hóa việc kiểm tra và tăng thời gian hoạt động của cụm thiết bị.
12.7.3 Chi phí chu kỳ kiểm tra và chi phí bảo dưỡng cũng có ảnh hưởng đến chi phí vòng đời của một hạng mục thiết bị. Bằng cách sử dụng kết quả của kế hoạch kiểm tra RBI để xác định chính xác hơn vị trí cần kiểm tra và những sửa chữa và thay thế dự kiến, công việc quay vòng và bảo dưỡng có thể được lên kế hoạch trước và trong hầu hết các trường hợp được thực hiện với chi phí thấp hơn so với khi không có kế hoạch.
13. Hoạt động giảm thiểu rủi ro khác
13.1 Tổng quan
13.1.1 Kiểm tra thường là một phương pháp quản lý rủi ro hiệu quả, Tuy nhiên, việc kiểm tra không phải lúc nào cũng cung cấp đầy đủ các phương pháp giảm thiểu rủi ro hoặc có thể không phải là phương pháp hiệu quả nhất về kinh tế. Mục đích của phần này là mô tả các phương pháp giảm thiểu rủi ro khác.
13.1.2 Các hoạt động giảm thiểu rủi ro bao gồm nhưng không chỉ giới hạn các hoạt động sau đây:
a. Giảm tính nghiêm trọng của hậu quả;
b. Giảm khả năng xảy ra hư hỏng;
c. Tăng cường biện pháp phòng ngừa hậu quả xảy ra hư hỏng với công trình, môi trường và con người;
d. Giảm nhẹ các mối nguy của hậu quả.
13.2 Hoạt động thay thế và sửa chữa thiết bị
Khi tình trạng hư hỏng của thiết bị đã đến mức không thể quản lý rủi ro, hư hỏng ở mức không có thể chấp nhận được thì việc thay thế, sửa chữa thường là cách duy nhất để giảm thiểu rủi ro.
13.3 Hoạt động đánh giá hư hỏng theo FSS
Đánh giá FFS được thực hiện để xác định xem thiết bị có thể tiếp tục được hoạt động an toàn hay không trong những điều kiện và trong khoảng thời gian như nào? Phân tích FFS cũng có thể được thực hiện để xác định những hư hỏng có kích thước như nào? và cần sửa chữa hoặc thay thế thiết bị như nào?.
13.4 Hoạt động hoán cải thiết bị, thiết kế lại, và phân tích lại
13.4.1 Việc hoán cải và thiết kế lại thiết bị sử dụng quá trình MOC chính xác có thể giảm thiểu khả năng xảy ra hư hỏng, cần phải xem xét đến các yếu tố sau:
a. Thay đổi do luyện kim;
b. Bổ sung các lớp lót và lớp phủ bảo vệ;
c. Loại bỏ các chân đường hàn;
d. Tăng lượng dự trữ ăn mòn cho phép;
e. Những thay đổi cơ lý tính;
f. Cải tiến cách nhiệt;
g. Thay đổi thiết kế điểm phun;
h. Thay đổi kích thước của thiết bị giảm áp.
13.4.2 Khi thiết bị được thiết kế vượt quá đối với điều kiện hoạt động của hệ thống công nghệ. Việc đánh giá lại thiết bị có thể dẫn đến giảm khả năng xảy ra hư hỏng đã được đánh giá cho hạng mục đó.
13.5 Hoạt động cách lập khẩn cấp
13.5.1 Khả năng cô lập khẩn cấp có thể giảm thiểu hậu quả như rò lọt chất gây độc hại, nổ hoặc hỏa hoạn. Vị trí thích hợp của các van cách ly là yếu tố quan trọng để giảm thiểu rủi ro hiệu quả. Hoạt động từ xa thường được yêu cầu để giảm rủi ro đáng kể.
13.5.2 Để giảm thiểu rủi ro do dễ cháy và nổ, người vận hành cần có khả năng phát hiện sự rò thoát và kích hoạt van cách ly một cách nhanh chóng.
13.6 Hoạt động hạ áp suất khẩn cấp, xả khẩn cấp
Phương pháp này làm giảm số lượng và tốc độ rò thoát ra ngoài. Giống như cách ly khẩn cấp, việc hạ áp khẩn cấp, xả khẩn cấp phải được thực hiện trong vòng vài phút để giảm rủi ro do nổ, hỏa hoạn.
13.7 Hoạt động hoán cải hệ thống xử lý công nghệ
13.7.1 Thực hiện giảm thiểu mối nguy gây ra hậu quả bằng cách thay đổi công nghệ theo hướng ít mối nguy gây nguy hiểm và thay đổi điều kiện hoạt động, thông số vận hành của hệ thống công nghệ. Một số hoạt động hoán cải hệ thống xử lý công nghệ, các hoạt động giảm thiểu bao gồm:
a. Giảm nhiệt độ xuống dưới nhiệt độ sôi áp suất khí quyển;
b. Thay thế vật liệu ít mối nguy hơn;
c. Sử dụng một quá trình liên tục;
d. Pha loãng hoặc loại bỏ các chất độc hại.
13.7.2 Giảm thiểu các nguồn gây ra ăn mòn có thể đạt được bằng cách thay đổi quá trình công nghệ theo hướng điều kiện ăn mòn ít hơn, các hoạt động giảm thiểu bao gồm.
a. Công nghệ làm sạch nước để loại bỏ các vật liệu ăn mòn;
b. Bổ sung các hóa chất trung hòa hoặc ức chế;
c. Loại bỏ các chất gây ô nhiễm bằng thiết bị xử lý;
d. Bảo vệ chống ăn mòn thời gian ngừng hoạt động.
13.8 Thiết lập cửa sổ hoạt động an toàn (lOWs)
13.8.1 Cửa sổ hoạt động an toàn được thiết lập cho các thông số công nghệ mà có thể ảnh hưởng đến tính nguyên vẹn của thiết bị nếu không được kiểm soát đúng cách, như các thông số nhiệt độ, áp suất, vận tốc lưu chất, độ pH, tốc độ dòng chảy, tốc độ phun hóa chất hoặc nước, mức độ của các thành phần ăn mòn, thành phần hóa học.
13.8.2 Các thông số công nghệ chính của cửa sổ hoạt động sẽ được xác định, thiết lập các giới hạn hoạt động trên và dưới và các sai lệch so với các giới hạn này phải được thông báo cho nhân viên kiểm tra, việc giám sát cửa sổ hoạt động phải được chuẩn bị đầy đủ trong quá trình khởi động, tắt máy và các lần thay đổi các quy trình quan trọng, tham khảo chi tiết tại Tiêu chuẩn API RP 584.
13.9 Xả khẩn cấp
Phương pháp này làm giảm mức độ của hậu quả. Các hành động xả khẩn cấp bao gồm những điều sau đây:
a. Giảm khả năng chứa hydrocabon nguy hiểm hoặc các sản phẩm trung gian;
b. Sửa đổi quy trình kiểm soát để cho phép giảm lượng hàng lưu kho chứa trong các bình tách, bình hồi lưu hoặc hàng lưu kho trong quá trình khác;
c. Sửa đổi các hoạt động của quy trình để yêu cầu giảm khả năng chứa;
d. Công nghệ pha khí thay thế cho pha lỏng.
13.10 Hệ thống chữa cháy dập nước
Phương pháp này có thể giảm thiệt hại do cháy nổ và giảm thiểu hoặc ngăn chặn sự lan rộng. Một hệ thống được thiết kế và vận hành phù hợp có thể làm giảm đáng kể khả năng bình tiếp xúc với cháy nổ.
13.11 Vách ngăn nước
13.11.1 Nước phun ra cuốn theo một lượng lớn không khí: vào đám mây hơi nước. Vách ngăn nước giảm thiểu nước hòa tan các đám mây hơi nước bằng cách hấp thụ cũng như pha loãng và không hòa tan các hơi nước (bao gồm hầu hết các chất dễ cháy) bằng cách pha loãng không khí. cần kích hoạt sớm để đạt được việc giảm thiểu rủi ro đáng kể.
13.11.2 Tốt nhất là vách ngăn nước nên ở giữa vị trí xả và các nguồn gây cháy (ví dụ: lò nung) hoặc các vị trí có khả năng có người. Thiết kế có tính quyết định đối với các chất dễ cháy, vì vách ngăn nước có thể làm tăng tốc độ ngọn lửa trong một số trường hợp.
13.12 Kết cấu chống nổ
Việc sử dụng kết cấu chống nổ giúp giảm thiểu thiệt hại do vụ nổ gây ra và có thể ngăn sự cố lan rộng, tham khảo tại tiêu chuẩn API 752.
13.13 Các biện pháp giảm thiểu rủi ro khác
Các phương pháp giảm thiểu rủi ro khác bao gồm:
a. Cảm biến tràn;
b. Vách ngăn hơi nước hoặc không khí;
c. Thiết bị và hệ thống phòng cháy;
d. Thiết bị đo đạc;
e. Lớp phủ khí trơ;
f. Thông gió của không gian khép kín;
g. Thiết kế lại đường ống;
h. Hạn chế sự phun tóe lưu chất từ các thiết bị cơ khí;
i. Kiểm soát nguồn gây cháy;
j. Cải tiến thiết kế, lắp ráp và tiêu chuẩn cách nhiệt;
k. Cải tiến chương trình PSM;
l. Biện pháp sơ tán khẩn cấp;
m. Nơi trú ẩn an toàn;
n. Máy lọc khí độc hại trên các lỗ thông gió;
o. Thiết bị chứa và phát hiện tràn;
p. Vị trí và / hoặc bố trí của thiết bị;
q. Giám sát tình trạng;
r. Cải tiến quy trình và đào tạo;
s. Dừng sự cố;
t. Cải tiến hệ thống dập cháy.
14. Tái phân tích rủi ro
14.1 Yêu cầu chung
14.1.1 Phân tích RBI là một cung cấp các phân tích rủi ro hiện tại và dự kiến trong tương lai. Tuy nhiên, những phân tích này dựa trên dữ liệu và kiến thức tại thời điểm đánh giá. Theo thời gian, những thay đổi là không thể tránh khỏi và kết quả từ phân tích RBI phải được cập nhật.
14.1.2 Việc duy trì và cập nhật chương trình phân tích RBI để đảm bảo thông tin kiểm tra, quy trình và bảo dưỡng gần đây nhất đã được cập nhật. Kết quả của việc kiểm tra, những thay đổi trong hệ thống công nghệ và việc thực hiện các quy trình bảo dưỡng đều có thể có những ảnh hưởng đáng kể đến rủi ro và kế hoạch kiểm tra vì vậy dẫn đến yêu cầu thực hiện tái phân tích RBI.
14.2 Mục đích thực hiện tái phân tích rủi ro
14.2.1 Một số sự kiện thay đổi làm thay đổi rủi ro, việc xác định khi nào cần đánh giá lại cần phải có một quy trình làm việc hiệu quả của chủ công trình. Mục 14.2.2 đến 14.2.5 cung cấp yêu cầu về một số yếu tố chính có thể kích hoạt tái phân tích RBI.
14.2.2 Cơ chế hư hỏng và hoạt động kiểm tra
14.2.2.1 Nhiều cơ chế hư hỏng phụ thuộc vào thời gian và trong phân tích RBI sẽ dự báo sự hư hỏng với tốc độ không đổi, nhưng trên thực tế tốc độ hư hỏng có thể thay đổi theo thời gian. Thông qua các hoạt động kiểm tra, tốc độ hư hỏng có thể được xác định chính xác.
14.2.2.2 Một số cơ chế hư hỏng không phụ thuộc vào thời gian (tức là chứng chỉ xảy ra khi có các điều kiện cụ thể). Khi những điều kiện không liên tục đó xảy ra, việc tái phân tích RBI có thể là thích hợp, khi tái phân tích RBI điều quan trọng là phải xem lại lịch sử hoạt động trong thời gian qua bao gồm cả các giới hạn hoạt động, điều kiện hoạt động, lOW để dự đoán tốt hơn liệu các cơ chế hư hỏng không phụ thuộc vào thời gian có thể xảy ra hay không.
14.2.2.3 Hoạt động kiểm tra cung cấp thêm thông tin về tình trạng của thiết bị. Khi các hoạt động kiểm tra đã được thực hiện, kết quả sẽ được xem xét để xác định xem có cần thiết phải phân tích lại RBI hay không.
14.2.3 Thay đổi về công nghệ và bộ phận, thiết bị
14.2.3.1 Các thay đổi về điều kiện công nghệ và bộ phận, thiết bị như hoán cải hoặc thay thế thiết bị, có thể làm thay đổi đáng kể các rủi ro và yêu cầu tái phân tích RBI. Đặc biệt, những thay đổi công nghệ có liên quan đến hư hỏng thiết bị do ăn mòn hoặc nứt. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các cơ chế hư hỏng phụ thuộc nhiều vào điều kiện công nghệ.
14.2.3.2 Ăn mòn do ứng suất clorua làm nứt thép không gỉ, ăn mòn do H2S ướt của thép cacbon, và ăn mòn gia tốc tại các điểm lắng đọng muối hoặc tại các điểm sương và ăn mòn nước chứa lưu huỳnh. Trong mỗi trường hợp, sự thay đổi trong điều kiện công nghệ có thể ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ ăn mòn hoặc xu hướng nứt. Thay đổi các bộ phận, thiết bị có thể ảnh hưởng đến rủi ro, cụ thể như sau:
a. Khả năng xảy ra hư hỏng có thể bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong thiết kế của bên trong bình hoặc kích thước và hình dạng của hệ thống đường ống làm tăng lưu tốc dẫn đến liên quan đến các tác động ăn mòn;
b. Hậu quả hư hỏng có thể bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi vị trí lắp đặt bình chịu áp lực đến khu vực gần nguồn gây cháy;
c. Các điều kiện công nghệ có thể được thay đổi bằng cách sửa đổi, bổ sung, xóa hoặc bỏ qua phần cứng.
14.2.4 Thay đổi các giả định khi hiện phân tích RBI
14.2.4.1 Các giả định khi hiện phân tích RBI có thể thay đổi và có tác động đáng kể đến kết quả rủi ro, cụ thể như sau:
a. Thay đổi vật liệu chế tạo và chi phí sửa chữa, thay thế;
b. Thay đổi giá trị sản phẩm;
c. Sửa đổi quy định về an toàn và môi trường;
d. Thay đổi trong tiêu chí rủi ro;
e. Thay đổi số lượng hoặc thành phần;
f. Thay đổi các điều kiện hoạt động;
g. Thay đổi thời gian hoạt động của thiết bị giữa các chu kỳ bảo dưỡng;
h. Thay đổi các Tiêu chuẩn quốc gia hoặc các Tiêu chuẩn áp dụng;
14.2.5 Tác động của kế hoạch giảm thiểu rủi ro
Các kế hoạch giảm thiểu rủi ro như lắp đặt hệ thống an toàn, sửa chữa và các phương pháp tiếp cận khác khi được sử dụng phải được theo dõi để đảm bảo rằng chúng đã đạt hiệu quả trong việc giảm thiểu rủi ro như kế hoạch đã đặt ra. Một khi kế hoạch giảm thiểu được thực hiện, việc đánh giá lại rủi ro có thể được thực hiện để cập nhật chương trình RBI với những rủi ro mới.
14.3 Khi nào thực hiện đánh giá lại rủi ro
14.3.1 Sau khi có sự thay đổi đáng kể
Những thay đổi đáng kể về rủi ro có thể xảy ra vì nhiều lý do, các chuyên gia có trình độ chuyên môn đánh giá từng thay đổi đáng kể để xác định khả năng thay đổi rủi ro. Có thể tiến hành tái phân tích RBI sau những thay đổi đáng kể về điều kiện công nghệ, cơ chế, tốc độ, mức độ hư hỏng hoặc các giả định khi thực hiện phân tích RBI.
14.3.2 Sau một khoảng thời gian đã định trước
Chủ công trình thiết lập khoảng thời gian tối đa để tái phân tích RBI theo các yêu cầu tại API 510, APl 570 và API 653 và các quy định pháp luật có liên quan.
14.3.3 Sau khi thực hiện kế hoạch giảm thiểu rủi ro
Khi kế hoạch giảm thiểu rủi ro được thực hiện, cần xác định mức độ hiệu quả của kế hoạch trong việc giảm rủi ro xuống mức có thể chấp nhận được. Điều này cần được phản ánh trong việc tái phân tích rủi ro.
14.3.4 Trước và sau chu kỳ bảo dưỡng
14.3.4.1 Việc thực hiện tái phân tích RBI thường hiệu quả và là bước đầu tiên trong việc lập kế hoạch chu kỳ bảo dưỡng để đảm bảo rằng trong công việc cố gắng tập trung vào các hạng mục thiết bị có rủi ro cao hơn và các vấn đề có thể ảnh hưởng đến khả năng đảm bảo thời gian hoạt động an toàn kỹ thuật, đảm bảo an toàn môi trường.
14.3.4.2 Các hoạt động kiểm tra, sửa chữa và hoán cải được thực hiện trong một chu kỳ bảo dưỡng sẽ rất hiệu quả nếu cập nhật sớm việc tái phân tích RBI sau khi hoàn thành chu kỳ bảo dưỡng để phản ánh các mức độ rủi ro mới.
15. Vai trò, trách nhiệm, trình độ và đào tạo
15.1 Yêu cầu về nhóm thực hiện đánh giá RBI
15.1.1 RBI yêu cầu thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn: phân tích chuyên ngành như phân tích rủi ro, phân tích tài chính, phân tích kỹ thuật vật liệu và kỹ thuật ăn mòn, phân tích kỹ thuật cơ khí.
15.1.2 Các thành viên cần thiết bổ sung cho nhóm kiểm tra khi thực hiện RBI được mô tả tại mục 15.2.2 đến 15.2.9.
15.2 Vai trò, trách nhiệm của nhóm thực hiện đánh giá RBI
15.2.1 Các yêu cầu về trưởng nhóm
15.2.1.1 Trưởng nhóm có thể là bất kỳ thành viên nào trong nhóm thực hiện đánh giá RBI. Trưởng nhóm phải là thành viên làm việc toàn thời gian của nhóm và ưu tiên là một thành viên đại diện cho bên liên quan. Trong trường hợp trường nhóm không quen với công trình được đánh giá, thì người đó phải quen thuộc với phương pháp RBI được sử dụng và các loại quy trình được đánh giá.
15.2.1.2 Trưởng nhóm có đủ trình độ trong một trong các lĩnh vực chuyên môn cần thiết cho RBI. Nhiệm vụ chính của trưởng nhóm phải là tổng hợp các yếu tố thông tin đầu vào, đầu ra, tổ chức nhóm đánh giá RBI và thông tin liên lạc giữa các thành viên nhóm đánh giá và thực hiện các trách nhiệm sau.
a. Thành lập nhóm và xác minh rằng các thành viên trong nhóm có các kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức cần thiết;
b. Đảm bảo rằng đánh giá được tiến hành đúng cách;
c. Dữ liệu thu thập được là chính xác;
d. Các giả định được đưa ra phải hợp lý và lập thành văn bản lưu;
e. Thành viên cung cấp dữ liệu và các giả định phải phù hợp với chuyên môn;
f. Kiểm tra sự hợp lệ và chất lượng phù hợp được sử dụng trên dữ liệu được thu thập và phân tích dữ liệu.
g. Chuẩn bị báo cáo và phát hành báo cáo đánh giá RBI;
h. Theo dõi để đảm bảo rằng các hành động giảm thiểu rủi ro thích hợp đã được thực hiện.
i. Đảm bảo đầy đủ tài liệu về các hoạt động của nhóm.
15.2.2 Các yêu cầu về chuyên gia kiểm tra
15.2.2.1 Chuyên gia kiểm tra chịu trách nhiệm thu thập dữ liệu về tình trạng và lịch sử của thiết bị. Dữ liệu này phải bao gồm điều kiện thiết kế mới và điều kiện vận hành hiện tại.
15.2.2.2 Các thông tin dữ liệu về tình trạng và lịch sử của thiết bị được nêu tại hồ sơ kiểm tra và bảo dưỡng thiết bị. Nếu tình trạng dữ liệu không có sẵn, chuyên gia kiểm tra kết hợp với chuyên viên ăn mòn, phải đưa ra dự đoán về tình trạng hiện tại.
15.2.2.3 Chuyên gia kiểm tra, chuyên gia vật liệu, chuyên gia ăn mòn cũng chịu trách nhiệm đánh giá hiệu quả của các đợt kiểm tra trước đây.
15.2.3 Các yêu cầu về chuyên gia ăn mòn
15.2.3.1 Chuyên gia về ăn mòn có trình độ chuyên môn phải chịu trách nhiệm đánh giá các loại cơ chế hư hỏng và khả năng áp dụng và mức độ nghiêm trọng của chúng đối với thiết bị có xét đến các điều kiện công nghệ, môi trường, luyện kim, tuổi và các dữ liệu liên quan khác có liên quan đến thiết bị.
15.2.3.2 Chuyên gia ăn mòn này phải so sánh đánh giá này với tình trạng thực tế của thiết bị, xác định lý do có sự khác biệt giữa tình trạng dự đoán và thực tế, đồng thời cung cấp hướng dẫn về cơ chế, tốc độ hoặc mức độ nghiêm trọng của hư hỏng được sử dụng trong đánh giá RBI. Một phần của sự so sánh này là việc đánh giá sự phù hợp của các đợt kiểm tra liên quan đến cơ chế hư hỏng.
15.2.3.3 Chuyên gia ăn mòn đưa ra các khuyến nghị về các phương pháp giảm thiểu POF như thay đổi trong luyện kim, bổ sung chất ức chế, thêm lớp phủ / lớp lót và các biện pháp kiểm soát công nghệ để biết những thay đổi có thể xảy ra trong tốc độ hư hỏng như kiểm soát độ pH, kiểm soát tốc độ ăn mòn, kiểm soát chất gây ô nhiễm;
15.2.4 Các yêu cầu về chuyên gia công nghệ
15.2.4.1 Chuyên gia công nghệ chịu trách nhiệm cung cấp thông tin về tình trạng công nghệ. Thông tin này thường sẽ ở dạng sơ đồ dòng chảy công nghệ. Chuyên gia công nghệ chịu trách nhiệm ghi lại các thay đổi về các tình trạng công nghệ do các sự cố và các sự cố bất thường.
15.2.4.2 Chuyên gia công nghệ chịu trách nhiệm mô tả thành phần và sự biến đổi của tất cả các lưu chất/ chất khí công nghệ cũng như khả năng độc hại và khả năng dễ cháy của chúng. Chuyên gia công nghệ đánh giá / khuyến nghị các phương pháp giảm thiểu rủi ro thông qua những thay đổi trong tình trạng công nghệ.
15.2.5 Các yêu cầu về nhân sự vận hành, bảo dưỡng
15.2.5.1 Nhân viên vận hành có trách nhiệm xác minh rằng công trình / thiết bị đang được vận hành trong phạm vi các thông số được thiết lập trong quy trình cửa sổ vận hành, chịu trách nhiệm cung cấp dữ liệu về các lần xảy ra sự cố sai lệch với giới hạn của cửa sổ vận hành và về bất kỳ thay đổi nào trong dữ liệu vận hành vượt quá trong quá trình vận hành trước đây bao gồm cả các thông số lOW.
15.2.5.2 Nhân viên vận hành, bảo dưỡng chịu trách nhiệm xác minh rằng việc sửa chữa / thay thế / bổ sung thiết bị đã được đưa vào dữ liệu tình trạng thiết bị được cung cấp bởi nhân viên kiểm tra thiết bị.
15.2.6 Các yêu cầu về cán bộ quản lý
15.2.6.1 Vai trò của cán bộ quản lý là cung nguồn lực cho đánh giá RBI, chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định về quản lý rủi ro, thiết lập các tiêu chuẩn chấp nhận rủi ro, tổ chức nhóm đánh.
15.2.6.2 Cán bộ quản lý chịu trách nhiệm cung cấp các nguồn lực và hệ thống theo dõi để thực hiện các quyết định giảm thiểu rủi ro.
15.2.7 Nhân sự phân tích rủi ro
15.2.7.1 Nhân sự phân tích rủi ro chịu trách nhiệm tập hợp tất cả dữ liệu và thực hiện phân tích RBI và chịu trách nhiệm về những việc sau:
a. Xác định dữ liệu được yêu cầu từ các thành viên khác trong nhóm;
b. Xác định mức độ chính xác của dữ liệu;
c. Xác minh thông qua chất lượng kiểm tra tính hợp lý của dữ liệu và các giả định;
d. Nhập / chuyển dữ liệu vào chương trình máy tính và chạy chương trình (nếu có sử dụng);
e. Kiểm soát chất lượng của dữ liệu đầu vào / đầu ra;
f. Tính toán thủ công không sử dụng chương trình máy tính;
g. Hiển thị kết quả một cách dễ hiểu và chuẩn bị các báo cáo phù hợp về phân tích RBI.
15.2.7.2 Nhân sự phân tích rủi ro chịu trách nhiệm thực hiện phân tích chi phí / lợi ích nếu cần thiết.
15.2.8 Nhân sự phụ trách về môi trường và an toàn
Nhân sự phụ trách về môi trường và an toàn chịu trách nhiệm cung cấp dữ liệu về các hệ thống và quy định về môi trường và an toàn, chịu trách nhiệm đánh giá, đề xuất các cách để giảm thiểu các hậu quả.
15.2.9 Nhân sự phụ trách về kinh doanh, tài chính
Nhân sự phụ trách về kinh doanh, tài chính chịu trách nhiệm cung cấp dữ liệu về chi phí và tác động tài chính của việc có các bộ phận của thiết bị hoặc công trình khi ngừng hoạt động, chịu trách nhiệm đề xuất các phương pháp giảm thiểu hậu quả liên quan đến tài chính.
15.3 Yêu cầu về đào tạo và bằng cấp của nhóm thực hiện đánh giá RBI
15.3.1 Nhân sự thực hiện đánh giá rủi ro
15.3.1.1 Trưởng nhóm đánh giá RBI và chuyên gia phân tích rủi ro phải có chứng chỉ API 580.
15.3.1.2 Chuyên gia đánh giá ăn mòn phải có chứng chỉ API 571 hoặc tương đương.
15.3.2 Các thành viên khác
15.3.2.1 Các thành viên khác trong nhóm cần được đào tạo cơ bản về phương pháp RBI và các chương trình phần mềm đang được sử dụng, hiểu phần mềm để thực hiện. Việc đào tạo này cần chủ yếu hướng đến sự hiểu biết và ứng dụng hiệu quả của RBI, cũng như hiểu được chất lượng dữ liệu do các thành viên khác trong nhóm đưa vào có thể ảnh hưởng như thế nào đến kết quả đánh giá RBI. Việc đào tạo này có thể được thực hiện bởi nhân viên đánh giá rủi ro trong nhóm RBI hoặc bởi một người khác đủ trình độ về phương pháp RBI và về các chương trình đang được sử dụng.
16. Hồ sơ tài liệu đánh giá rủi ro và lưu trữ báo cáo
16.1 Yêu cầu chung
16.1.1 Hệ thống quản lý tài liệu để thực hiện và duy trì chương trình RBI phải được lập và bao gồm các hồ sơ tài liệu sau:
a. Các quy trình bao gồm việc thực hiện, bảo dưỡng và đánh giá lại;
b. Hồ sơ tài liệu về kinh nghiệm, trình độ, chứng chỉ đào tạo chuyên môn;
c. Báo cáo và lập các giả định;
d. Khung thời gian cho thực hiện phân tích RBI;
e. Yêu cầu dữ liệu;
f. Các mục tiêu rủi ro;
g. Các yêu cầu kiểm tra chương trình;
h. Giới hạn giới hạn hoạt động;
i. Các yếu tố cần để đánh giá lại như thay đổi quy trình, hư hỏng thiết bị, lỗi, vượt quá lOW, v.v.;
j. Khung thời gian để đánh giá lại.
16.1.2 Thu thập đủ thông tin để ghi lại đầy đủ việc phân tích RBI. Các thông tin tài liệu này phải bao gồm các dữ liệu và thông tin sau:
a. Kiểu đánh giá, mục tiêu và giới hạn hoạt động;
b. Quy trình để chọn phương pháp RBI như thế nào sẽ được áp dụng;
c. Các thành viên trong nhóm thực hiện đánh giá và thiết lập kỹ năng của họ liên, quan đến RBI;
d. Khung thời gian áp dụng đánh giá;
e. Đầu vào và các nguồn được sử dụng để xác định rủi ro;
f. Các giả định được đưa ra trong quá trình đánh giá;
g. Kết quả đánh giá rủi ro (bao gồm thông tin về khả năng xảy ra hư hỏng và hệ quả);
h. Kế hoạch giảm thiểu tiếp theo nếu có để quản lý rủi ro;
i. Mức độ rủi ro được giảm thiểu;
j. Tham khảo đến các bộ luật hoặc tiêu chuẩn có thể dùng đang được áp dụng.
16.1.3 Hồ sơ tài liệu, dữ liệu thông tin đầu vào được sử dụng phân tích RBI phải đảm bảo có thể được sử dụng và được cập nhật bởi các thành viên trong nhóm có chuyên môn và đảm bảo các thành viên khác mà không tham gia phân tích RBI vẫn có thể sử dụng được. Điều này sẽ nâng cao khả năng phân tích, truy xuất và quản lý, tính hiệu quả của cơ sở dữ liệu có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý các khuyến nghị từ kết quả phân tích RBI và quản lý rủi ro tổng thể trong khoảng thời gian quy định.
16.2 Phương pháp phân tích rủi ro
Phương pháp thực hiện phân tích RBI phải được ghi lại để có thể biết rõ loại đánh giá nào đã được thực hiện và cơ sở để xác định tần suất xảy ra hư hỏng và hậu quả hư hỏng phải. Chương trình phần mềm cụ thể được sử dụng để thực hiện đánh giá, điều này cũng phải được lưu lại.
16.3 Nhân sự thực hiện phân tích rủi ro
Việc phân tích rủi ro sẽ phụ thuộc vào kiến thức, kinh nghiệm và phán đoán của nhân viên hoặc nhóm thực hiện phân tích. Do đó, hồ sơ của các thành viên trong nhóm có liên quan cũng như kỹ năng, chứng chỉ đào tạo chuyên môn phải được lưu trữ cho mục đích RBI. Điều này sẽ hữu ích trong việc hiểu cơ sở cho việc phân tích rủi ro khi phân tích được lặp lại hoặc cập nhật.
16.4 Khung thời gian thực hiện
Mức độ rủi ro thường là một hàm số của thời gian. Đây là kết quả của sự phụ thuộc vào thời gian của cơ chế hư hỏng hoặc là khả năng thay đổi hoạt động của thiết bị. Do đó, khung thời gian áp dụng phân tích RBI được xác định và lưu tại hồ sơ tài liệu cuối cùng. Điều này sẽ cho phép theo dõi và quản lý rủi ro một cách hiệu quả theo thời gian.
16.5 Cơ sở của phân tích rủi ro
Thông tin đầu vào được sử dụng để đánh giá cả khả năng xảy ra hư hỏng và hậu quả hư hỏng phải được lưu trữ. Các thông tin bao gồm nhưng không nhất thiết phải giới hạn ở những thông tin sau:
a. Dữ liệu thiết bị cơ sở và lịch sử kiểm tra quan trọng đối với đánh giá (ví dụ: điều kiện hoạt động, vật liệu kết cấu, dịch vụ bảo dưỡng, tốc độ ăn mòn, lịch sử kiểm tra);
b. Cơ chế hư hỏng có hiệu lực và sự tin cậy;
c. Tiêu chuẩn được sử dụng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của từng cơ chế hư hỏng;
d. Các chế độ hư hỏng dự đoán trước;
e. Các yếu tố chính được sử dụng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của từng chế độ hư hỏng;
f. Các tiêu chuẩn được sử dụng để đánh giá các loại hậu quả khác nhau bao gồm an toàn, sức khỏe, môi trường và tài chính;
g. Tiêu chuẩn rủi ro được sử dụng để đánh giá khả năng chấp nhận rủi ro
16.6 Các giả định để thực hiện phân tích rủi ro
16.6.1 Việc phân tích rủi ro yêu cầu phải có một số giả định nhất định về bản chất và mức độ hư hỏng của thiết bị. Hơn nữa, việc ấn định kiểu hư hỏng và mức độ nghiêm trọng hư hỏng dự tính sẽ luôn dựa trên nhiều giả định khác nhau, bất kể phân tích là định lượng hay định tính.
16.6.2 Ghi chép rõ ràng các giả định chính được đưa ra trong quá trình phân tích khả năng xảy ra hư hỏng và hệ quả sẽ nâng cao đáng kể tính chính xác của tái phân tích hoặc cập nhật phân tích RBI.
16.7 Kết quả đánh giá rủi ro
Kết quả của khả năng xảy ra hư hỏng, hậu quả và rủi ro phải được nêu trong báo cáo phân tích rủi ro. Đối với các hạng mục cần giảm thiểu rủi ro, các khuyến nghị và kết quả sau khi giảm thiểu cũng phải được lập thành văn bản.
16.8 Giảm thiểu và theo dõi rủi ro
16.8.1 Quản lý rủi ro là việc thông qua kết quả phân tích RBI để lập kế hoạch và sử dụng các kế hoạch giảm thiểu rủi ro, việc giảm thiểu rủi ro cụ thể yêu cầu giảm hoặc khả năng xảy ra hoặc hậu quả cần được nêu trong phân tích RBI.
16.8.2 Phương pháp, quy trình và những cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện bất kỳ biện pháp giảm thiểu nào cũng cần được lập thành văn bản.
16.9 Tiêu chuẩn áp dụng
Liệt kê tất cả các Tiêu chuẩn áp dụng khi thực hiện phân tích RBI, xem chi tiết cụ thể tại mục 2 của Tiêu chuẩn này
17. Tổng hợp các lỗi khi đánh giá rủi ro
17.1 Tổng hợp danh mục những lỗi mắc phải mà có thể dẫn đến kết quả quản lý rủi ro thiếu chính xác khi sử dụng kết quả phân tích RBI. Đây cũng có thể được sử dụng như danh mục kiểm tra để xem xét quá trình phân tích RBI hoặc để kiểm nghiệm tính hiệu quả của một chương trình phân tích RBI.
17.2 Kế hoạch
Những lỗi thường xảy ra của việc lập kế hoạch bao gồm những điều sau đây.
a. Không xác định các mục tiêu và đối tượng rõ ràng cho quá trình RBI;
b. Không thẩm tra nhiều đơn vị để biết nơi sử dụng RBI trước;
c. Không xác định đầy đủ giới hạn hoạt động và hoạt động;
d. Không xác định khoảng thời gian hoạt động cho việc đánh giá rủi ro;
e. Không xác định đầy đủ thời gian cần thiết;
17.3 Thu thập dữ liệu và thông tin
Các lỗi thường xảy ra của việc thu thập dữ liệu và thông tin bao gồm những điều sau đây.
a. Không hiểu tất cả các yêu cầu về dữ liệu;
b. Không xác định được tất cả các nguồn dữ liệu;
c. Không thu thập đầy đủ dữ liệu;
d. Dữ liệu kém chất lượng;
e. Không kiểm định dữ liệu để đảm bảo chất lượng.
17.4 Cơ chế hư hỏng và các kiểu hư hỏng
Các lỗi thường xảy ra của cơ chế hư hỏng và các kiểu hư hỏng bao gồm những điều sau đây.
a. Không xác định được tất cả các cơ chế hư hỏng và các kiểu hư hỏng đáng tin cậy;
b. Loại trừ không chính xác các cơ chế hư hỏng được cho là không hoạt động;
c. Hoạt động bên ngoài lOWs đã thiết lập hoặc không xác định đúng các giới hạn lOW chính xác.
d. Không hiểu tác động của các cơ chế hư hỏng đối với thiết bị áp lực do vận hành bên ngoài lOWs.
e. Sử dụng phần mềm hoặc phương pháp không bao phủ tất cả các cơ chế hư hỏng đang hoạt động.
f. Định nghĩa không đầy đủ về các hình thức hư hỏng liên quan đến từng cơ chế hư hỏng.
g. Định nghĩa không đầy đủ về tốc độ hư hỏng cho từng cơ chế hư hỏng.
17.5 Đánh giá khả năng xảy ra hư hỏng
Những lỗi thường xảy ra khi đánh giá hậu quả hư hỏng bao gồm những điều sau đây.
h. Không giải quyết tất cả các cơ chế hư hỏng đáng tin cậy và có thể xảy ra khi xác định hậu quả hư hỏng;
i. Không hiểu tác động qua lại của nhiều cơ chế hư hỏng trong mỗi bộ phận của thiết bị;
j. Không xác định được các nhóm hậu quả hư hỏng cụ thể sẽ được sử dụng;
k. Không sử dụng phương pháp xác định khả năng xảy ra hư hỏng thích hợp nhất;
l. Áp dụng khả năng xảy ra hư hỏng chung thay vì xác định khả năng xảy ra hư hỏng riêng cho từng thiết bị;
m. Đánh giá không đầy đủ về hiệu quả của các đợt kiểm tra trong quá khứ;
n. Đánh giá không đầy đủ về tính dễ hư tổn đối với từng cơ chế hư hỏng;
o. Đánh giá không đầy đủ về tốc độ hư hỏng.
17.6 Đánh giá hậu quả xảy ra hư hỏng
Những lỗi thường xảy ra khi đánh giá hậu quả xảy ra hư hỏng bao gồm những điều sau đây.
a. Không xác định được tất cả các sự cố của hư hỏng;
b. Không xác định được tất cả các hậu quả thích hợp của từng sự cố;
c. Không lựa chọn phương pháp đánh giá hậu quả phù hợp;
d. Không kết hợp đúng hậu quả với từng kiểu hư hỏng;
e. Không sử dụng đúng đơn vị đo hậu quả xảy ra hư hỏng;
f. Không biết đúng thể tích lưu chất có thể thoát ra;
g. Không hiểu tốc độ rò thoát ra đúng nhất;
h. Không hiểu về hình thức xả có thể xảy ra;
i. Không tính đến khả năng phân tán;
j. Không đối phó đầy đủ với tất cả các nguy hiểm tiềm ẩn như dễ cháy, độc hại, các tác động khác;
k. Hiểu biết không đầy đủ về hiệu quả của các hệ thống phát hiện và giảm thiểu nguy hiểm được lắp đặt;
l. Không xem xét tất cả các tác động tiềm ẩn;
m. Không đánh giá đúng việc các loại hậu quả thường là các thước đo tương đối không tuyệt đối;
n. Không tính toán thích đáng chuỗi sự kiện đầy đủ có thể dẫn đến hậu quả đầy đủ;
o. Không đối phó với các tác động tiềm ẩn đến cụm xử lý công nghệ hoặc cơ sở khác.
17.7 Xác định, đánh giá và quản lý rủi ro
- Những lỗi thường xảy ra của việc xác định, đánh giá và quản lý rủi ro bao gồm những điều sau đây.
a. Không hiểu về phần mềm đánh giá;
b. Không xác định chính xác hậu quả cụ thể đối với từng hư hỏng có thể xảy ra từ mỗi cơ chế hư hỏng;
c. Sử dụng các giả định không đầy đủ, dữ liệu không có hoặc chất lượng kém;
d. Khả năng xảy ra hư hỏng và hậu quả xảy ra hư hỏng được đánh giá quá cao;
e. Giải thích rủi ro không đầy đủ cho các bên liên quan;
f. Không có tiêu chuẩn hoặc ngưỡng chấp nhận rủi ro;
g. Các hoạt động quản lý rủi ro không phù hợp hoặc không kịp thời;
h. Không hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro thực sự.
17.8 Quản lý rủi ro với hoạt động kiểm tra
Các lỗi thường xảy ra của quản lý rủi ro với hoạt động kiểm tra bao gồm những điều sau đây.
a. Lập kế hoạch kiểm tra không phù hợp dựa trên kết quả đánh giá rủi ro;
b. Thiểu kế hoạch kiểm tra đối với từng cơ chế hư hỏng có thể xảy ra;
c. Thiếu quy trình lập kế hoạch kiểm tra kết cấu đối với các kết quả rủi ro;
d. Không lựa chọn kỹ thuật kiểm tra thích hợp nhất để giảm thiểu rủi ro;
e. Không lựa chọn sự kết hợp phù hợp của tần suất, kỹ thuật và thực hành kiểm tra.
f. Thiếu các biện pháp giảm thiểu phù hợp hoặc kịp thời dựa trên các kiểm tra;
g. Lập kế hoạch không đầy đủ về các nguồn lực cần thiết để thực hiện các kế hoạch RBI.
17.9 Các hoạt động quản lý rủi ro khác
Các lỗi thường xảy ra khác của hoạt động quản lý rủi ro bao gồm những điều sau đây.
p. Không đánh giá cao sự cần thiết và thực hiện các hoạt động quản lý rủi ro khác ngoài hoạt động kiểm tra;
q. Không trao đổi với các bên liên quan khác về khả năng xảy ra các hoạt động quản lý rủi ro khác.
17.10 Đánh giá lại và cập nhật đánh giá rủi ro
Các lỗi thường xảy ra của việc đánh giá lại và cập nhật đánh giá RBI bao gồm những điều sau đây.
a. Không đánh giá đúng các thay đổi theo thời gian có tác động đến hư hỏng;
b. Không biết khi nào cần đánh giá lại và cập nhật RBI;
c. Không có mới liên hệ giữa các đánh giá lại của MOC và RBI;
d. Không thực hiện đánh giá lại kịp thời;
e. Không xác định được tác động của các thay đổi hoạt động có thể ảnh hưởng đến IOWs.
17.11 Vai trò, trách nhiệm, quá trình đào tạo và trình độ của các thành viên thực hiện đánh giá rủi ro
Các lỗi thường xảy ra về vấn đề vai trò, trách nhiệm, đào tạo và trình độ cho các thành viên nhóm RBI bao gồm những điều sau đây.
a. Không chỉ định cụ thể các vai trò cho từng thành viên nhóm RBI;
b. Không có các thành viên nhóm RBI phù hợp;
c. Có thành viên trong nhóm không đủ kỹ năng, kinh nghiệm hoặc kiến thức;
d. Đào tạo không đầy đủ về quy trình làm việc RBI;
e. Không có một trưởng nhóm hiệu quả;
f. Không có chuyên viên phân tích rủi ro được chứng nhận theo quy định;
17.12 Hồ sơ tài liệu và lưu trữ hồ sơ đánh giá rủi ro
Các lỗi thường xảy ra về vấn đề hồ sơ tài liệu RBI và lưu trữ hồ sơ bao gồm những điều sau đây.
r. Không đánh giá đúng tính đầy đủ và nhu cầu về hồ sơ tài liệu để phân tích RBI;
s. Không hiểu các yêu cầu nào cần được ghi lại vào tài liệu;
t. Không ghi lại tất cả các giả định và cơ sở cho những giả định được đưa ra trong quá trình thực hiện.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] API 580 Risk-Based Inspection, third edition, February 2016 (API 580 Kiểm tra dựa trên cơ sở rủi ro, xuất bản lần 3, tháng 2 năm 2016)
Mục lục
1. Phạm vi áp dụng
2. Tài liệu viện dẫn
3. Thuật ngữ, định nghĩa, ký hiệu và chữ viết tắt
3.1 Thuật ngữ và định nghĩa
3.2 Ký hiệu và chữ viết tắt
4. Nguyên tắc cơ bản về đánh giá rủi ro
5. Khái niệm kiểm tra trên cơ sở rủi ro
6. Kế hoạch phân tích rủi ro
7. Thu thập dữ liệu
8. Cơ chế hư hỏng và kiểu hư hỏng
9. Phân tích khả năng xảy ra hư hỏng
10. Đánh giá hậu quả hư hỏng
11. Xác định, đánh giá và quản lý rủi ro
12. Quản lý rủi ro thông qua các hoạt động kiểm tra
13. Hoạt động giảm thiểu rủi ro khác
14. Tái phân tích rủi ro
15. Vai trò, trách nhiệm, trình độ và đào tạo
16. Hồ sơ tài liệu đánh giá rủi ro và lưu trữ báo cáo
17. Tổng hợp lỗi khi đánh giá rủi ro
Click Tải về để xem toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam nói trên.