Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Quyết định 25/2011/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc ban hành Quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Quyết định 25/2011/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 25/2011/QĐ-UBND | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Đinh Văn Điến |
Ngày ban hành: | 12/12/2011 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Công nghiệp |
tải Quyết định 25/2011/QĐ-UBND
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
ỦY BAN NHÂN DÂN Số: 25/2011/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Ninh Bình, ngày 12 tháng 12 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
--------------------------
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 23/2009/TT-BCT ngày 11/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp; Thông tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Hướng dẫn công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động; Thông tư số 14/2011/TT-BCT ngày 30/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Quy định về thủ tục hành chính tại Quy chế Quản lý kỹ thuật an toàn đối với các máy, thiết bị, hóa chất độc hại có yêu cầu an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 136/2004/QĐ-BCN ngày 19 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 136/2004/QĐ-BCN ngày 19/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nay là Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Danh mục các máy, thiết bị, hóa chất độc hại có yêu cầu an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp và Quy chế quản lý kỹ thuật an toàn đối với các máy, thiết bị, hóa chất độc hại có yêu cầu an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp; Quyết định số 51/2008/QĐ-BCT ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 387/TTr-SCT ngày 15/11/2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Công Thương; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2011/QĐ-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về quản lý, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động có liên quan đến VLNCN và quản lý nhà nước về VLNCN.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Quy chế này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động VLNCN và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến quản lý nhà nước về VLNCN trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
2. Quy chế này không áp dụng đối với các hoạt động VLNCN phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng và trong các trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Những cụm từ “Thuốc nổ, Phụ kiện nổ, vật liệu nổ công nghiệp, sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, dịch vụ nổ mìn, hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiêu huỷ vật liệu nổ công nghiệp, khoảng cách an toàn, chỉ huy nổ mìn, giám sát ảnh hưởng nổ mìn” được hiểu theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 39/2009/NĐ-CP.
2. Những cụm từ viết tắt:
a) Quy chuẩn Việt Nam 02:2008/BCT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 51/2008/QĐ-BCT ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp (được gọi là QCVN 02:2008/BCT);
b) Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp (được gọi là Nghị định số 39/2009/NĐ-CP);
c) Thông tư số 23/2009/TT-BCT ngày 11/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp (được gọi là Thông tư số 23/2009/TT-BCT);
d) Quyết định số 136/2004/QĐ-BCN ngày 19/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nay là Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Danh mục các máy, thiết bị, hóa chất độc hại có yêu cầu an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp và Quy chế quản lý kỹ thuật an toàn đối với các máy, thiết bị, hóa chất độc hại có yêu cầu an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp (được gọi là Quyết định số 136/2004/QĐ-BCN);
e) Thông tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Hướng dẫn công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động (được gọi là Thông tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH);
f) Thông tư số 04/2008/TT-BLĐTBXH ngày 27/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Hướng dẫn thủ tục đăng ký và kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (được gọi là Thông tư số 04/2008/TT-BLĐTBXH);
g) Thông tư số 14/2011/TT-BCT ngày 30/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Quy định về thủ tục hành chính tại Quy chế Quản lý kỹ thuật an toàn đối với các máy, thiết bị, hóa chất độc hại có yêu cầu an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 136/2004/QĐ-BCN ngày 19 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (được gọi là Thông tư số 14/2011/TT-BCT);
Điều 4. Nguyên tắc quản lý hoạt động VLNCN
1. Quản lý hoạt động VLNCN phải bảo đảm những nguyên tắc quy định tại Điều 4 Nghị định số 39/2009/NĐ-CP.
2. Ngoài nguyên tắc quy định tại Khoản 1 Điều này, việc quản lý hoạt động VLNCN phải bảo đảm những nguyên tắc sau:
a) Đảm bảo tính thống nhất, tập trung; không hình thức, chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý hoạt động VLNCN.
b) Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; bảo đảm an toàn tuyệt đối trong mọi trường hợp; phát huy hiệu quả của hoạt động VLNCN vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
c) Đảm bảo sự phối hợp đồng bộ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng ngành, từng cấp; đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.
Điều 5. Yêu cầu chung đối với hoạt động VLNCN
1. Hệ thống tổ chức quản lý kỹ thuật an toàn, công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phòng cháy chữa cháy (PCCC), công tác huấn luyện, đăng ký địa điểm bốc dỡ VLNCN, tiêu hủy VLNCN và người liên quan đến VLNCN phải đáp ứng những yêu cầu được quy định tại Điều 6, 7, 9, 10 và 11 Nghị định số 39/2009/NĐ-CP và quy định tại Điều 4 Thông tư số 23/2008/TT-BCT.
2. Tổ chức hoạt động VLNCN phải lập hệ thống sổ sách, phiếu nhập, phiếu xuất, hóa đơn, hộ chiếu nổ mìn và thống kê mọi hoạt động mua, bán, tồn kho, tiêu hủy VLNCN theo quy định tại Phụ lục E của QCVN 02:2008/BCT và các quy định của Bộ Tài chính. Hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động VLNCN được bảo quản theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 39/2009/NĐ-CP.
3. Định kỳ 6 tháng, 1 năm tổ chức hoạt động VLNCN phải báo cáo bằng văn bản về số lượng, chủng loại VLNCN bảo quản, vận chuyển, sử dụng và các vấn đề có liên quan đến VLNCN với Sở Công Thương Ninh Bình; báo cáo vào ngày 25 tháng 6 đối với báo cáo sáu tháng và ngày 25 tháng 12 đối với báo cáo năm, mẫu báo cáo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư số 23/2009/TT-BCT; Trường hợp bất thường các đơn vị hoạt động VLNCN báo cáo theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 39/2009/NĐ-CP.
4. Ngoài việc thực hiện các nội dung quy định tại Quy chế này các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phải thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
Chương 2.
BẢO QUẢN, VẬN CHUYỂN VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP
Điều 6. Bảo quản VLNCN tại kho chứa
1. Việc bảo quản VLNCN phải đảm bảo an toàn, chống mất cắp, giữ gìn chất lượng VLNCN; Cấm bảo quản VLNCN không có bao bì hoặc trong bao bì bị hỏng. Cấm dùng các chất có phản ứng sinh nhiệt với nước, không khí để chống ẩm cho VLNCN.
2. Khi bảo quản VLNCN trong cùng một kho chứa phải thỏa mãn các điều kiện sau:
a) Trong một nhả kho hoặc trong một buồng chứa, được phép bảo quản chung các nhóm VLNCN tương thích. Bảng các nhóm VLNCN tương thích quy định tại Phụ lục A của QCVN 02:2008/BCT.
b) Cấm bảo quản chung kíp và thuốc nổ trong một buồng hoặc hòm, thùng chứa. VLNCN thuộc các nhóm không tương thích phải bảo quản trong các phòng khác nhau của nhà kho được ngăn cách bằng bức tường dày không nhỏ hơn 25 cm và có giới hạn chịu lửa ít nhất là 60 phút hoặc ngăn bằng vách có tính năng kỹ thuật tương đương.
c) Nếu bảo quản VLNCN không tương thích trong các buồng, phòng sát nhau của một nhà kho, khối lượng VLNCN trong mỗi buồng hoặc phòng chứa không lớn hơn giới hạn sau:
- Không được nhiều hơn 10.000 chiếc kíp nổ.
- Các hòm kíp, đạn khoan phải đặt trên giá và đặt gần tường phía ngoài (tường đối diện với tường ngăn cách buồng chứa thuốc nổ).
- Khối lượng chung của tất cả các loại thuốc nổ không được quá công suất thiết kế kho chứa VLNCN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Khi tổ chức sử dụng VLNCN không còn nhu cầu sử dụng VLNCN thì số VLNCN còn lại ở kho phải bán lại cho tổ chức được phép kinh doanh VLNCN. Trường hợp không bán lại được do quá hạn sử dụng hoặc việc bán lại không đảm bảo các điều kiện an toàn, tổ chức sử dụng VLNCN được phép tiêu hủy theo quy định tại Điều 16 QCVN 02:2008/BCT. Trước khi bán lại hoặc tiêu hủy phải thực hiện đúng các thủ tục hiện hành và thông báo bằng văn bản đến Sở Công Thương Ninh Bình và Công an tỉnh Ninh Bình.
Điều 7. Kho VLNCN
1. Kho VLNCN phải được cơ quan quản lý nhà nước về VLNCN của địa phương chấp thuận vị trí xây dựng. Nhà kho và các công trình phụ trợ được thiết kế, thẩm định thiết kế, thi công, nghiệm thu, đưa vào sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng công trình và những quy định tại Phụ lục H của QCVN 02:2008/BCT.
2. Kho chứa VLNCN phải đảm bảo khoảng cách an toàn đến các công trình cần bảo vệ theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 QCVN 02:2008/BCT; trường hợp không đảm bảo khoảng cách an toàn đến công trình không có người thường xuyên hoạt động phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền và phải đắp các ụ bảo vệ; quy cách, kết cấu ụ bảo vệ được quy định tại Điểm H.1.4, Phụ lục H của QCVN 02:2008/BCT.
3. Kho chứa VLNCN phải có cửa kín và luôn được khóa chắc chắn (trừ khi cấp phát, kiểm tra và nhập VLNCN). Sau giờ cấp phát hàng ngày, cửa phải được cặp chì hoặc niêm phong. Các kìm cặp chì, dấu niêm phong do người thủ kho giữ và phải có mẫu lưu tại trụ sở chính của tổ chức sở hữu kho.
4. Công tác kiểm tra, kiểm kê kho VLNCN phải thực hiện đúng quy định pháp luật về kiểm tra, kiểm kê. Việc chụp ảnh, khảo sát hoặc đo đạc địa hình khu vực kho VLNCN và các đường tiếp cận kho phải được cơ quan Công an tỉnh Ninh Bình cho phép; ảnh và tài liệu thu thập phải được quản lý, sử dụng theo quy định hiện hành.
5. Kho chứa VLNCN phải có lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp bảo vệ liên tục 24/24 giờ.
Điều 8. Bảo quản VLNCN tại nơi nổ mìn khi chưa tiến hành nổ mìn
1. Khi đưa VLNCN đến nơi sẽ tiến hành nổ mìn, VLNCN phải được bảo quản, bảo vệ cho đến lúc nạp mìn xong. Người bảo vệ phải là thợ mìn hoặc công nhân đã được cấp Giấy chứng nhận qua lớp huấn luyện về kỹ thuật an toàn trong hoạt động VLNCN.
2. Cho phép bảo quản VLNCN với khối lượng dùng cho một ca làm việc ở trong giới hạn của vùng nguy hiểm, nhưng phải để nơi khô ráo, tổ chức canh gác, bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt ca làm việc; không được để VLNCN cùng kíp nổ hoặc bao mìn mồi.
3. Khi nạp mìn xong nhưng chưa đến thời điểm được phép nổ mìn, không được đấu nối dây dẫn khởi nổ với bãi mìn; dây đấu mạng phải được quấn cách điện (đối với phương pháp nổ mìn điện) và phải bố trí người canh gác bãi mìn.
Điều 9. Vận chuyển VLNCN
1. Điều kiện hoạt động vận chuyển VLNCN: Các đơn vị hoạt động vận chuyển VLNCN phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 39/2009/NĐ-CP.
2. Khi vận chuyển VLNCN phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan và lý lịch lô hàng VLNCN, tuân thủ lộ trình ghi trong Giấy phép vận chuyển.
3. Tổ chức, cá nhân hoạt động vận chuyển VLNCN thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 Nghị định số 39/2009/NĐ-CP.
Chương 3.
SỬ DỤNG VLNCN VÀ GIÁM SÁT CÁC ẢNH HƯỞNG DO NỔ MÌN
Điều 10. Điều kiện chung về sử dụng VLNCN
Tổ chức sử dụng VLNCN phải bảo đảm những điều kiện về sử dụng VLNCN quy định tại Điều 21 Nghị định số 39/2009/NĐ-CP, quy định tại Điều 4 Thông tư số 23/2009/TT-BCT. Trong trường hợp đặc biệt phải có thiết kế nổ mìn bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các công trình cần bảo vệ, thiết kế nổ mìn trong trường hợp đặc biệt phải được cơ quan cấp phép sử dụng VLNCN phê duyệt.
Điều 11. Sử dụng VLNCN
1. Chỉ có các tổ chức có Giấy phép sử dụng VLNCN do cơ quan có thẩm quyền cấp và thực hiện Đăng ký sử dụng VLNCN với Sở Công Thương Ninh Nình mới được phép sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
2. Trước khi đăng ký sử dụng VLNCN tổ chức sử dụng VLNCN phải thỏa thuận bằng văn bản với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tiến hành nổ mìn về biển cảnh báo, tín hiệu báo lệnh nổ mìn, thời gian và thời điểm tiến hành nổ mìn; phải có đủ hành lang an toàn để nổ mìn, khoảng cách hành lang an toàn để nổ mìn được xác định theo quy định tại QCVN 02:2008/BCT.
3. Tổ chức sử dụng VLNCN phải lập hộ chiếu nổ mìn cho từng đợt nổ; nội dung hộ chiếu phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Thỏa mãn các quy định tại Khoản 5 Điều 17 QCVN 02:2008/BCT.
b) Phù hợp với phương án, thiết kế nổ mìn và các quy định trong Giấy phép, Giấy đăng ký sử dụng VLNCN được cơ quan có thẩm quyền cấp.
c) Căn cứ đặc điểm địa chất, địa hình, vị trí, khoảng cách từ nơi nổ mìn đến công trình cần bảo vệ để tính toán lập hộ chiếu đảm bảo tuyệt đối an toàn cho từng đợt nổ.
d) Các thông số kỹ thuật phải đầy đủ, chính xác theo mẫu hộ chiếu được quy định tại Thông tư số 23/2009/TT-BCT.
đ) Khi nổ mìn lộ thiên lập hộ chiếu theo mẫu tại Phụ lục 6; nổ mìn hầm lò lập hộ chiếu theo mẫu tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư số 23/2009/TT-BCT.
e) Hộ chiếu phải được ký duyệt trước khi thi công.
Điều 12. Dịch vụ nổ mìn
1. Chỉ có các tổ chức có Giấy phép sử dụng VLNCN, dịch vụ nổ mìn do Bộ Công Thương cấp mới được tham gia hoạt động dịch vụ nổ mìn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
2. Các tổ chức thỏa mãn quy định tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư số 23/2009/TT-BCT được quyền hợp đồng thuê tổ chức hoạt động dịch vụ nổ mìn thực hiện toàn bộ công việc nổ mìn.
3. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức thuê dịch vụ nổ mìn được thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 39/2009/NĐ-CP và theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư số 23/2009/TT-BCT.
4. Trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trật tự xã hội, Sở Công Thương Ninh Bình tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ định thực hiện dịch vụ nổ mìn ở các khu vực, địa điểm có đặc thù về an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.
Điều 13. Điều kiện của người liên quan trực tiếp đến sử dụng VLNCN
1. Có trình độ chuyên môn nghiệp vụ theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 23/2009/TT-BCT.
2. Được cơ quan có thẩm quyền huấn luyện và cấp Giấy chứng nhận kỹ thuật an toàn, PCCC, phòng ngừa ứng phó sự cố khẩn cấp trong hoạt động VLNCN và An toàn vệ sinh lao động theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 39/2009/NĐ-CP và quy định tại Thông tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH.
3. Có ký kết hợp đồng lao động với tổ chức sử dụng VLNCN theo quy định của Bộ luật lao động hiện hành.
Điều 14. Thi công khoan nổ mìn
1. Công tác khoan, nổ mìn phải thực hiện theo Hộ chiếu đã được ký duyệt hoặc Phương án nổ mìn, Thiết kế nổ mìn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Trong quá trình sử dụng VLNCN như: Khoan lỗ, nạp thuốc, đấu nối hệ thống, canh gác, khởi nổ, xử lý các sự cố phải thực hiện nghiêm túc các quy định kỹ thuật an toàn trong sử dụng VLNCN; có biên bản nghiệm thu kết quả khoan, nạp mìn và ghi kết quả đợt nổ vào hộ chiếu.
3. Sau mỗi ca sản xuất nếu không sử dụng hết VLNCN phải làm thủ tục và nhập VLNCN thừa vào kho bảo quản.
4. Trường hợp sau khi khởi nổ nhưng bãi mìn không nổ hoặc nổ không hoàn toàn, phải lập biên bản trong đó ghi rõ nguyên nhân, có chữ ký của giám đốc điều hành mỏ, chỉ huy nổ mìn và thực hiện đầy đủ các yêu cầu an toàn theo quy định về xử lý mìn câm.
5. Khi nổ mìn không được khởi nổ cùng một lúc hai hoặc nhiều bãi mìn cạnh nhau, mỗi lần khởi nổ cách nhau ít nhất 15 phút. Đối với khu vực có nhiều mỏ cùng hoạt động nổ mìn các đơn vị phải có biên bản thống nhất về thời gian, tín hiệu báo lệnh nổ mìn và vị trí gác mìn.
6. Tổ chức sử dụng VLNCN phải trang bị phương tiện đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt trong quá trình thi công nổ mìn; trường hợp khu vực nổ mìn có nhiều mỏ cùng hoạt động nổ mìn phải trang bị hệ thống máy bộ đàm có cùng tần số.
7. Tổ chức sử dụng VLNCN muốn chuyển đổi phương pháp nổ mìn, chủng loại VLNCN đang sử dụng bằng phương pháp nổ mìn khác hoặc chủng loại VLNCN khác thì phải tổ chức huấn luyện kiến thức bổ sung, kiểm tra sát hạch đối với thợ nổ mìn và những lao động làm công việc có liên quan trực tiếp đến VLNCN. Trước khi áp dụng phương pháp nổ mìn khác hoặc chủng loại VLNCN khác tổ chức sử dụng VLNCN có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với Sở Công Thương Ninh Bình.
8. Khuyến khích các tổ chức hoạt động VLNCN áp dụng, phổ biến các phương pháp nổ mìn tiên tiến, những chủng loại VLNCN mới ít ảnh hưởng đến môi trường; việc chuyển đổi phương pháp nổ mìn hoặc sử dụng chủng loại VLNCN mới phải được nhà sản xuất hoặc đơn vị kinh doanh cung ứng bàn giao công nghệ sử dụng.
Điều 15. Thông báo khu vực nguy hiểm và tín hiệu báo lệnh nổ mìn
1. Tổ chức hoạt động VLNCN phải phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tiến hành nổ mìn thông báo cho các đơn vị lân cận, dân cư xung quanh biết khu vực nguy hiểm do nổ mìn và các biển cảnh báo, tín hiệu báo lệnh nổ mìn, thời gian và thời điểm tiến hành nổ mìn.
2. Tín hiệu báo lệnh nổ mìn thực hiện theo quy định tại Điều 17 QCVN 02:2008/BCT và phải đảm bảo mọi người trong khu vực có bán kính nguy hiểm nghe rõ.
3. Trong một khu vực có nhiều mỏ cùng hoạt động nổ mìn thì các tín hiệu báo lệnh nổ mìn phải được quy ước giống nhau.
4. Không được tự ý thay đổi quy định, quy ước về tín hiệu báo lệnh nổ mìn.
Điều 16. Thời gian, thời điểm nổ mìn
1. Thời gian, thời điểm tiến hành nổ mìn được quy định cụ thể trong Giấy phép và Giấy đăng ký sử dụng VLNCN.
2. Trường hợp tổ chức sử dụng VLNCN không thể tiến hành nổ mìn vào thời điểm theo hộ chiếu đã lập thì được phép thay đổi thời điểm nổ mìn với các điều kiện sau:
a) Có biên bản trong đó ghi rõ nguyên nhân không thể tiến hành nổ mìn vào thời điểm theo hộ chiếu đã lập; biên bản có chữ ký của giám đốc điều hành mỏ, chỉ huy nổ mìn.
b) Báo cáo và được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tiến hành nổ mìn.
3. Thời gian không được tiến hành nổ mìn
a) Tổ chức sử dụng VLNCN không được tiến hành nổ mìn trong những ngày nghỉ Lễ, Tết theo quy định của Luật Lao động và quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
b) Những trường hợp khác theo thông báo bằng văn bản của Sở Công Thương hoặc Công an tỉnh Ninh Bình.
Điều 17. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức sử dụng VLNCN
1. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức sử dụng VLNCN thực hiện theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 39/2009/NĐ-CP.
2. Ngoài quyền và nghĩa vụ quy định tại Khoản 1 Điều này, tổ chức sử dụng VLNCN còn có các quyền và nghĩa vụ sau:
a) Thực hiện khiếu nại, tố cáo đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan về VLNCN làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
b) Thực hiện đăng ký, kiểm định các máy, thiết bị, vật tư theo quy định tại Thông tư số 04/2008/TT-BLĐTBXH; Quyết định số 136/2004/QĐ-BCN; Thông tư số 14/2011/TT-BCT.
c) Lập hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC theo quy định của Luật PCCC.
Điều 18. Giám sát các ảnh hưởng do nổ mìn
1. Các trường hợp sau tổ chức sử dụng VLNCN phải lập Phương án giám sát và tổ chức giám sát các ảnh hưởng do nổ mìn:
a) Có khiếu nại của chủ công trình lân cận về các ảnh hưởng do chấn động và sóng không khí;
b) Hệ số tỷ lệ khoảng cách Ds không đạt yêu cầu quy định tại Bảng 2 Khoản 1 Điều 24 QCVN 02:2008/BCT;
c) Nổ mìn thí nghiệm để lập hoặc hiệu chỉnh hộ chiếu, thiết kế nổ mìn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về VLNCN.
2. Việc lập phương án giám sát, tổ chức thực hiện, xác định ảnh hưởng do nổ mìn và báo cáo kết quả theo quy định tại Điều 24, 25, 26, 27, 28, QCVN 02:2008/BCT.
3. Tổ chức sử dụng VLNCN gửi Phương án giám sát các ảnh hưởng do nổ mìn về Sở Công Thương Ninh Bình trước ngày tiến hành nổ mìn 15 ngày và thực hiện các hoạt động giám sát ngay từ đợt nổ mìn đầu tiên.
Chương 4.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP
Điều 19. Sở Công Thương
1. Là cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý về VLNCN trên địa bàn tỉnh.
2. Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan thực hiện:
a) Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quy định về hoạt động VLNCN phù hợp điều kiện đặc thù, cụ thể của từng khu vực trên địa bàn tỉnh; xây dựng quy hoạch các đầu mối dịch vụ nổ mìn, các đầu mối bảo quản VLNCN.
b) Chủ trì công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các tổ chức hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh.
3. Tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp mới, cấp lại, điều chỉnh hoặc thu hồi, hủy bỏ Giấy phép sử dụng VLNCN của các tổ chức trên địa bàn tỉnh.
4. Tiếp nhận hồ sơ, thẩm định cấp Giấy đăng ký sử dụng VLNCN đối với các tổ chức có Giấy phép sử dụng VLNCN, Giấy phép hoạt động dịch vụ nổ mìn trên địa bàn tỉnh.
5. Chủ trì kiểm tra việc thực hiện phương án giám sát ảnh hưởng do nổ mìn của tổ chức sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh.
6. Tham gia ý kiến về nội dung hoạt động VLNCN đối với thiết kế cơ sở dự án có sử dụng VLNCN, chấp thuận vị trí xây dựng kho VLNCN và các nội dung an toàn đối với hồ sơ thiết kế xây dựng kho VLNCN trên địa bàn tỉnh.
7. Phối hợp với các đơn vị có chức năng tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, huấn luyện cho chỉ huy nổ mìn và các đối tượng liên quan trực tiếp đến hoạt động VLNCN; kiểm tra sát hạch và cấp Giấy chứng nhận theo hướng dẫn tại Phụ lục C của QCVN 02:2008/BCT.
8. Xử lý vi phạm về VLNCN theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
9. Báo cáo định kỳ 06 (sáu) tháng, hàng năm về hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh gửi Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thời điểm báo cáo theo quy định tại Khoản 5 Điều 17 Thông tư số 23/2009/TT-BCT.
Điều 20. Công an tỉnh
1. Trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội
Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho tổ chức có nhu cầu tham gia hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh trước khi cấp có thẩm quyền cấp phép.
2. Trong lĩnh vực PCCC và vận chuyển VLNCN
a) Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về PCCC cho tổ chức có nhu cầu hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh trước khi cấp có thẩm quyền cấp phép.
b) Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép vận chuyển VLNCN.
c) Thẩm định về PCCC đối với hồ sơ thiết kế cơ sở dự án có sử dụng VLNCN; Phối hợp với Sở Công Thương tham gia ý kiến về chấp thuận vị trí xây dựng kho VLNCN; thẩm định về PCCC đối với hồ sơ thiết kế xây dựng kho VLNCN; nghiệm thu cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC đối với kho chứa VLNCN của tổ chức hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh.
3. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định về an ninh trật tự, PCCC và vận chuyển VLNCN của tổ chức tham gia hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về VLNCN theo thẩm quyền.
4. Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ cho lực lượng bảo vệ kho VLNCN của tổ chức hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh.
5. Tham gia Đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh khi được yêu cầu.
6. Tham gia Đoàn kiểm tra việc thực hiện phương án giám sát ảnh hưởng do nổ mìn của tổ chức sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh khi được yêu cầu.
Điều 21. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh
1. Chủ trì công tác quản lý, tiêu hủy VLNCN trái phép thu hồi trên địa bàn theo đề nghị của Sở Công Thương và của Công an tỉnh.
2. Phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động VLNCN của doanh nghiệp quốc phòng, đơn vị quân đội làm kinh tế trên địa bàn tỉnh.
3. Phối hợp với Sở Công Thương, Công an tỉnh trong việc ban hành hướng dẫn về vận chuyển VLNCN, đảm bảo an ninh, an toàn PCCC.
Điều 22. Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Thực hiện kiểm tra, giám sát việc bảo vệ môi trường, việc hoàn trả mặt bằng của tổ chức sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh.
2. Tham gia Đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động liên quan đến VLNCN của tổ chức hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh khi được yêu cầu.
3. Tham gia Đoàn kiểm tra việc thực hiện phương án giám sát ảnh hưởng do nổ mìn của tổ chức sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh khi được yêu cầu.
Điều 23. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Kiểm tra và hướng dẫn thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động đối với tổ chức hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh.
2. Tham gia đoàn thanh, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động liên quan đến VLNCN của tổ chức hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh khi được yêu cầu.
Điều 24. Sở Xây dựng
1. Phối hợp với Sở Công Thương tham gia ý kiến về an toàn sử dụng VLNCN và kho chứa VLNCN trong thiết kế cơ sở dự án khai thác, chế biến khoáng sản làm Vật liệu xây dựng thông thường và nguyên liệu sản xuất xi măng.
2. Tham gia Đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động liên quan đến VLNCN của tổ chức hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh khi được yêu cầu.
Điều 25. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã
1. Chỉ đạo các ngành chức năng liên quan ở địa phương và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo dõi, giám sát, giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động VLNCN trên địa bàn theo thẩm quyền.
2. Tổ chức triển khai tại địa phương việc ứng phó sự cố VLNCN trên đường vận chuyển và tại khu vực bảo quản, bốc dỡ VLNCN.
3. Tham gia Đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động liên quan đến VLNCN của tổ chức hoạt động VLNCN trên địa bàn.
4. Xử lý vi phạm về hoạt động VLNCN theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
5. Tham gia Đoàn kiểm tra việc thực hiện phương án giám sát ảnh hưởng do nổ mìn của tổ chức sử dụng VLNCN trên địa bàn.
Điều 26. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về quản lý VLNCN cho các tổ chức hoạt động VLNCN trên địa bàn, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động VLNCN theo thẩm quyền.
2. Tham gia Đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động liên quan đến VLNCN của tổ chức hoạt động VLNCN trên địa bàn.
3. Tham gia xử lý sự cố và các vấn đề liên quan đến hoạt động VLNCN trên địa bàn.
4. Phối hợp với tổ chức sử dụng VLNCN trên địa bàn thỏa thuận các quy ước về biển báo, hiệu lệnh và thời gian, thời điểm tiến hành nổ mìn tại địa phương; có trách nhiệm thông báo rộng rãi cho nhân dân địa phương được biết.
5. Tham gia Đoàn kiểm tra việc thực hiện phương án giám sát ảnh hưởng do nổ mìn của tổ chức sử dụng VLNCN trên địa bàn.
Chương 5.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 27. Triển khai thực hiện
Thủ trưởng các Sở, Ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tổ chức phổ biến, triển khai thực hiện Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 28. Sửa đổi, bổ sung Quy chế
Trong quá trình thực hiện Quy chế nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Công Thương Ninh Bình để tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời./.