Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 30:2016/BLĐTBXH An toàn lao động đối với cầu trục, cổng trục

Quy chuẩn Việt Nam QCVN 30:2016/BLĐTBXH

Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 30:2016/BLĐTBXH An toàn lao động đối với cầu trục, cổng trục
Số hiệu:QCVN 30:2016/BLĐTBXH
Loại văn bản:Quy chuẩn Việt Nam
Cơ quan ban hành: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
Lĩnh vực: Lao động-Tiền lương, Công nghiệp
Ngày ban hành:28/12/2016
Hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Người ký:
Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

tải Quy chuẩn Việt Nam QCVN 30:2016/BLĐTBXH

Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

QCVN 30:2016/BLĐTBXH

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI CẦU TRỤC, CỔNG TRỤC

National technical regulation on safe work for Overhead, Gantry cranes

Lời nói đầu

QCVN 30:2016/BLĐTBXH - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với cầu trục, cổng trục do Cục An toàn lao động biên soạn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành theo Thông tư số 52/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2016, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

 

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI CẦU TRỤC, CỔNG TRỤC

National technical regulation on safe work for Overhead, Gantry cranes

1. Quy định chung

1.1. Phạm vi điều chỉnh

1.1.1. Quy chuẩn này quy định những yêu cầu về an toàn lao động đối với các loại cầu trục, cổng trục và bán cổng trục được định nghĩa trong TCVN 8242-1:2009 (ISO 4306-1:2007) Cần trục - Từ vựng - Phần 1: Quy định chung (sau đây được gọi chung là cầu trục, cổng trục).

1.1.2. Đối với những cầu trục, cổng trục làm việc trong các điều kiện nghiêm ngặt, có phạm vi hoạt động đặc biệt (như sử dụng để di chuyển hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp...) và hoạt động trong môi trường có tính chất khác thường, ngoài việc tuân thủ các quy định của Quy chuẩn này còn phải tuân theo các yêu cầu khác mà pháp luật chuyên ngành quy định.

1.1.3. Quy chuẩn này không áp dụng đối với:

- Cầu trục, cổng trục được lắp đặt sử dụng trên phương tiện giao thông vận tải: tàu biển, phương tiện thủy nội địa, đường bộ, đường sắt, hàng không.

- Cầu trục, cổng trục lắp đặt, sử dụng trên các công trình biển phục vụ thăm dò, khai thác dầu khí.

- Cầu trục, cổng trục chuyên dùng trong cảng hàng không, cảng thủy, cơ sở đóng mới tàu thủy, phương tiện đường sắt.

- Cầu trục, cổng trục chuyên sử dụng cho mục đích quốc phòng, đặc thù quân sự.

1.2. Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng đối với:

1.2.1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, cung cấp, sử dụng, sửa chữa cầu trục, cổng trục.

1.2.2. Cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

1.3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chuẩn sử dụng các thuật ngữ, định nghĩa sau:

1.3.1. Cầu trục

Là loại máy làm việc theo chu kỳ, dùng để nâng và di chuyển tải trọng trong không gian, tải trọng được treo bởi móc treo hoặc bằng thiết bị mang tải khác có kết cấu chịu lực của dầm cầu tựa trực tiếp trên đường ray bằng các cụm bánh xe di chuyển.

1.3.2. Cổng trục

Là loại máy làm việc theo chu kỳ, dùng để nâng và di chuyển tải trọng trong không gian, tải trọng được treo bởi móc treo hoặc bằng thiết bị mang tải khác có dầm cầu tựa trên ray bằng các chân cổng.

1.3.3. Bán cổng trục

Là loại máy làm việc theo chu kỳ, dùng để nâng và di chuyển tải trọng trong không gian, tải trọng được treo bởi móc treo hoặc bằng thiết bị mang tải khác có dầm cầu tựa trực tiếp trên đường ra ở một đầu và dựa trên chân cổng ở đầu kia.

Ngoài những thuật ngữ, định nghĩa nêu trên Quy chuẩn còn sử dụng các thuật ngữ, định nghĩa khác trong TCVN 7549-1:2005 (ISO 12480-1:1997) Cần trục - Sử dụng an toàn - Phần 1: Yêu cầu chung.

2. Quy định về kỹ thuật

2.1. Thiết kế và sơ đồ bố trí chung

2.1.1. Thiết kế và sơ đồ bố trí chung của cơ cấu phải đáp ứng các yêu cầu quy định trong TCVN 5208-1:2008 (ISO 10972-1:1998) Cần trục - Yêu cầu đối với cơ cấu công tác - Phần 1: Yêu cầu chung.

2.1.2. Kiểm soát tải trọng

2.1.2.1. Các yêu cầu liên quan đến các thiết bị giới hạn và chỉ báo quy định trong TCVN 7761-5:2007 (ISO 10245-5:1995) Cần trục - Cơ cấu hạn chế và cơ cấu chỉ báo - Phần 5: cổng trục và cầu trục.

2.2. Cơ cấu nâng

2.2.1. Phanh vận hành

2.2.1.1. Đối với chuyển động nâng/hạ, chỉ được sử dụng phanh nhả bằng năng lượng dẫn động.

2.2.1.2. Trong trường hợp mất nguồn năng lượng cung cấp cho cơ cấu nâng/hạ, hệ thống phanh phải bảo đảm dừng chuyển động nâng/hạ và giữ tải trọng ở trạng thái treo.

2.2.1.3. Thời gian trễ của hệ thống phanh phải bảo đảm cho tốc độ hạ không được vượt quá 1,3 lần tốc độ hạ danh nghĩa.

2.2.2. Cơ cấu nâng gầu ngoạm

2.2.2.1. Phanh của cơ cấu phải giữ được ít nhất 125% mô men do tổng tải trọng nâng gây ra khi hạ tải.

2.2.2.2. Cơ cấu phải bảo đảm rằng mỗi phanh được kiểm tra riêng.

2.2.3. Bộ truyền thay đổi tốc độ

2.2.3.1. Hộp giảm tốc có bộ truyền thay đổi tốc độ hoặc bộ truyền thay đổi tốc độ được lắp với bộ truyền chính đều có thể được sử dụng. Trong cả hai trường hợp, phải lắp đặt ít nhất một trong hai thiết bị khóa cơ, phanh nằm giữa bộ truyền thay đổi tốc độ và cáp nâng, thiết bị này phải có khả năng giữ ở trạng thái treo khối lượng của những phụ kiện nâng hoặc thay vào đó là khối lượng của những phụ kiện nâng cộng với tải trọng danh nghĩa khi hệ truyền động được truyền từ tốc độ này sang tốc độ khác.

2.2.3.2. Trường hợp thay đổi tốc độ được điều khiển từ xa thì phải có khóa liên động với hệ thống đo tải trọng.

2.2.3.3. Trường hợp thay đổi tốc độ được điều khiển bằng tay thì phải cung cấp những chỉ dẫn đầy đủ về thiết bị khóa, phanh và tải trọng cho phép.

2.2.3.4. Trường hợp sự thay đổi tốc độ được thực hiện bằng cách dịch chuyển cặp bánh răng ăn khớp trên cùng một trục hoặc bằng khớp nối, phải có biện pháp ngăn chặn sự truyền chuyển động từ động cơ khi bánh răng ở vị trí trung gian.

2.2.3.5. Trường hợp sự thay đổi tốc độ được thực hiện bằng các khớp ly hợp quay, tốc độ lựa chọn sẽ tự động định ra tải trọng cho phép của cơ cấu. Phải ngăn chặn được việc chuyển sang tốc độ cao hơn khi cơ cấu được chất tải vượt quá tải trọng cho phép tương ứng tốc độ đó.

2.3. Cơ cấu di chuyển và xe con

2.3.1. Bánh xe và hộp đỡ bánh xe

2.3.1.1. Phải đảm bảo việc bố trí bánh xe sao cho khi bánh xe hoặc bộ phận của nó phải sửa chữa hoặc thay thế thì chỉ có một hộp đỡ bánh xe cần phải tháo ra/rời.

2.3.1.2. Các điểm tỳ để kích lên phải được đánh dấu trên cầu trục, cổng trục và chỉ rõ trong sổ tay hướng dẫn bảo dưỡng.

2.3.1.3. Các bánh răng để hở lắp trên bánh xe phải được che chắn để tránh người tiếp cận tới vùng nguy hiểm.

2.3.2. Di chuyển dầm cầu và di chuyển xe con

2.3.2.1. Cơ cấu di chuyển cầu trục, cổng trục/xe con và độ dốc ray di chuyển phải đảm bảo sao cho có thể kiểm soát được vị trí của dầm cầu/xe con.

2.3.2.2. Loại cầu trục, cổng trục nhỏ và vận hành bằng tay, việc di chuyển cầu trục, cổng trục/ xe con có thể thực hiện bằng cách vận hành đẩy/kéo tải trọng. Trong trường hợp này, lực đẩy/kéo yêu cầu để vượt qua lực cản do ma sát và độ dốc không được vượt quá 250N. Để giữ tải trọng ở vị trí cho trước, phải đảm bảo không cần bất cứ lực nằm ngang nào.

2.3.3. Thiết bị neo giữ cầu trục, cổng trục trong điều kiện không làm việc.

2.3.3.1. Việc neo giữ cầu trục, cổng trục trong điều kiện không làm việc được thực hiện nhờ thiết bị kẹp ray, thiết bị khóa như chốt khóa, dây neo/thanh rằng.

2.3.3.2. Thiết bị kẹp ray hoặc chốt khóa không được lắp trên dầm di chuyển theo cách mà có thể có nguy cơ thiết bị neo giữ bị tháo ra do một đầu dầm di chuyển bị nâng lên.

2.3.3.3. Dây neo/thanh giằng có thể được sử dụng để tránh cho cầu trục, cổng trục bị lật đổ trong trạng thái không làm việc.

2.4. Kết cấu cabin

2.4.1. Phải đảm bảo các yêu cầu chung đối với kết cấu cabin được quy định trong TCVN 5205-1:2013 (ISO 8566-1:2010) Cần trục - Cabin và trạm điều khiển - Phần 1: Yêu cầu chung.

2.4.2. Ngoài ra kết cấu cabin của cầu trục, cổng trục phải đảm bảo các yêu cầu được nêu trong TCVN 5205-5:2008 (ISO 8566-5:1992) Cần trục - Cabin - Phần 5: Cầu trục, cổng trục.

3. Quy định quản lý

3.1. Hồ sơ kỹ thuật của cầu trục, cổng trục bao gồm:

3.1.1. Bản thuyết minh chung phải thể hiện được: Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kiểu mẫu, mã hiệu, năm sản xuất, tải trọng nâng cho phép, công suất làm việc của động cơ, nguyên lý hoạt động và các đặc trưng kỹ thuật chính của hệ thống (thiết bị điều khiển, thiết bị an toàn, cơ cấu hạn chế quá tải, cơ cấu nâng), các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng đối với cầu trục, cổng trục.

3.1.2. Bản vẽ sơ đồ nguyên lý hoạt động.

3.1.3. Bản vẽ lắp các cụm cơ cấu của cầu trục, cổng trục.

3.1.4. Bản vẽ tổng thể của cầu trục, cổng trục có ghi các kích thước và thông số chính.

3.1.5. Quy trình kiểm tra và thử tải, quy trình xử lý, khắc phục sự cố.

3.1.6. Hướng dẫn sử dụng và lắp đặt.

3.1.7. Chế độ kiểm tra, sửa chữa và bảo dưỡng định kỳ.

3.1.8. Các chế độ làm việc của cầu trục, cổng trục, các thiết bị an toàn.

3.2. Cầu trục, cổng trục sản xuất trong nước

Tổ chức, cá nhân sản xuất cầu trục, cổng trục phải bảo đảm các yêu cầu về quản lý chất lượng sau:

3.2.1. Có đầy đủ hồ sơ kỹ thuật theo quy định tại 3.1 của quy chuẩn này.

3.2.2. Phải chứng nhận hợp quy cầu trục, cổng trục theo quy định tại mục 4.1.1 của quy chuẩn này.

3.2.3. Phải công bố hợp quy theo quy định.

3.2.4. Phải gắn dấu hợp quy lên cầu trục, cổng trục trước khi đưa ra cung cấp ra thị trường.

3.3. Cầu trục, cổng trục nhập khẩu

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu cầu trục, cổng trục phải bảo đảm các yêu cầu về quản lý chất lượng sau:

3.3.1. Có đầy đủ hsơ kỹ thuật theo quy định tại 3.1 của Quy chuẩn này.

3.3.2. Phải được chứng nhận hợp quy theo quy định tại 4.1.2 của Quy chuẩn này.

3.3.3. Được miễn kiểm tra nhập khẩu trong trường hợp nhập khẩu mà theo thỏa thuận song phương, đa phương giữa cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước xuất khẩu cầu trục, cổng trục quy định không phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu.

3.4. Cầu trục, cổng trục cung cấp ra thị trường.

3.4.1. Chỉ thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng cầu trục, cổng trục đã được chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy theo quy định.

3.4.2. Người bán hoặc người chuyển nhượng cầu trục, cổng trục phải chịu trách nhiệm về chất lượng của cầu trục, cổng trục đã được công bố và phải cung cấp đầy đủ các hsơ kỹ thuật theo quy định tại mục 3.1 của Quy chuẩn này.

3.4.3. Đối với những cầu trục, cổng trục không rõ xuất xứ, không còn đầy đủ hồ sơ kỹ thuật theo quy định thì người bán hoặc người chuyển nhượng phải tiến hành lập lại hồ sơ kỹ thuật và chịu hoàn toàn trách nhiệm về hsơ đã lập trước khi bán hoặc sang nhượng.

3.5. Quản lý sử dụng an toàn cầu trục, cổng trục.

3.5.1. Cầu trục, cổng trục khi đưa vào sử dụng phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đầy đủ hsơ theo quy định tại mục 3.1 quy chuẩn này.

3.5.2. Khi đưa vào sử dụng hoặc không còn sử dụng, thải bỏ cầu trục, cổng trục thì tổ chức, cá nhân phải khai báo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi sử dụng cầu trục, cổng trục.

3.5.3. Cầu trục, cổng trục phải được sử dụng, bảo trì và bảo dưỡng theo hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất.

3.5.4. Những yêu cầu an toàn khi sử dụng cầu trục, cổng trục.

3.5.4.1. Chỉ sử dụng cầu trục, cổng trục có tình trạng kỹ thuật tốt và chưa hết hạn kiểm định kỹ thuật an toàn. Trong quá trình sử dụng nếu phát hiện cầu trục, cổng trục không đảm bảo an toàn, đơn vị sử dụng có thể đưa ra yêu cầu kiểm định trước thời hạn.

3.5.4.2. Chỉ được phép sử dụng cầu trục, cổng trục theo đúng tính năng, công dụng và đặc tính kỹ thuật của thiết bị do nhà sản xuất quy định. Không cho phép nâng tải có khối lượng vượt quá tải trọng của cầu trục, cổng trục.

3.5.4.3. Chỉ được phép chuyển tải bằng cầu trục, cổng trục qua nhà xưởng, nhà ở hoặc chỗ có người khi có biện pháp đảm bảo an toàn riêng biệt loại trừ được khả năng gây sự cố và tai nạn lao động.

3.5.4.4. Trong quá trình sử dụng cầu trục, cổng trục, không cho phép:

- Người lên, xuống cầu trục, cổng trục khi nó đang hoạt động;

- Nâng, hạ và chuyển tải khi có người đứng ở trên tải;

- Nâng tải trong tình trạng tải chưa ổn định hoặc chỉ móc một bên của móc kép;

- Nâng tải vùi dưới đất, bị các vật khác đè lên, bị liên kết bằng bu lông hoặc bê tông với các vật khác;

- Kéo lê tải;

- Vừa dùng người đẩy hoặc kéo tải vừa cho cơ cấu nâng/hạ tải.

3.5.4.5. Cấm người trên hành lang của cầu trục, cổng trục khi chúng đang hoạt động. Chỉ cho phép tiến hành các công việc vệ sinh, tra dầu mỡ, sửa chữa trên cầu trục, cổng trục khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo làm việc an toàn (phòng ngừa rơi ngã, điện giật,...).

3.5.4.6. Tổ chức, cá nhân sử dụng Cầu trục, cổng trục phải đưa ra các quy định về cách trao đổi tín hiệu giữa người buộc móc tải với người điều khiển cầu trục, cổng trục. Tín hiệu sử dụng phải được quy định cụ thể và không thể lẫn được với các tín hiệu khác ở xung quanh.

3.5.4.7. Khi nâng, chuyển tải ở gần các công trình, thiết bị, phải đảm bảo an toàn cho các công trình, thiết bị... và những người ở gần chúng.

3.5.4.8. Các cầu trục, cổng trục làm việc ngoài trời, không cho phép treo pa nô, áp phích, khẩu hiệu hoặc che chắn làm tăng diện tích cản gió của chúng.

3.5.4.9. Chỉ được phép hạ tải xuống vị trí đã định và những nơi đã được loại trừ được khả năng rơi, đổ hoặc trượt. Chỉ được phép tháo bỏ dây treo các kết cấu, bộ phận lắp ráp khỏi móc, khi các kết cấu và bộ phận đó đã được cố định chắc chắn và ổn định.

3.5.4.10. Trước khi hạ tải xuống hào, hố, giếng... phải hạ móc không tải xuống vị trí thấp nhất để kiểm tra số vòng cáp còn lại trên tang. Nếu số vòng cáp còn lại trên tang lớn hơn 1,5 vòng, thì mới được phép nâng, hạ tải.

3.5.4.11. Phải ngừng hoạt động của cầu trục, cổng trục khi:

- Phát hiện các vết nứt ở những chỗ quan trọng của kết cấu kim loại;

- Phát hiện biến dạng dư của kết cấu kim loại;

- Phát hiện phanh của bất kỳ một cơ cấu nào bị hỏng;

- Phát hiện móc, cáp, ròng rọc, tang bị mòn quá giá trị cho phép, bị rạn nứt hoặc hư hỏng khác;

3.5.4.12. Khi bốc, xếp tải lên các phương tiện vận tải phải đảm bảo độ ổn định của phương tiện vận tải.

3.5.4.13. Người buộc móc tải chỉ được phép đến gần tải khi đã hạ đến độ cao không lớn hơn 1m tính từ mặt sàn chỗ người móc tải đứng.

3.5.4.14. Cầu trục, cổng trục phải được bảo dưỡng định kỳ. Phải sửa chữa, thay thế các chi tiết, bộ phận đã bị hư hỏng, mòn quá quy định cho phép.

3.5.4.15. Khi sửa chữa, thay thế các chi tiết bộ phận của cầu trục, cổng trục, phải có các biện pháp đảm bảo an toàn.

Sau khi thay thế, sửa chữa các bộ phận, chi tiết quan trọng như kết cấu kim loại, cáp, móc, phanh,...phải tiến hành khám nghiệm có thử tải cầu trục, cổng trục trước khi đưa vào sử dụng.

3.5.4.16. Các cầu trục, cổng trục khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định theo quy định; tem kiểm định phải được dán trực tiếp trên thiết bị tại những nơi người sử dụng dễ nhìn thấy.

3.5.4.17. Mỗi cầu trục, cổng trục phải có sổ theo dõi bảo dưỡng, sửa chữa theo quy định của tổ chức, cá nhân sản xuất.

3.5.4.18. Cầu trục, cổng trục phải được sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, bảo trì, bảo dưỡng theo chỉ dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất.

3.5.4.19. Yêu cầu đối với những người làm việc với cầu trục, cổng trục.

3.5.4.19.1. Người lái cầu trục, cổng trục phải đảm bảo theo các yêu cầu tối thiểu tại mục 5.3.2 của TCVN 7549-1:2005 (ISO 124801:1997).

3.5.4.19.2. Người xếp dỡ tải phải đảm bảo theo các yêu cầu tối thiểu tại mục 5.4 của TCVN 7549-1:2005 (ISO 12480-1:1997).

3.5.4.19.3. Người báo hiệu phải đảm bảo theo các yêu cầu tối thiểu tại mục 5.5 của TCVN 7549-1:2005 (ISO 12480-1:1997).

3.5.4.19.4. Người lắp ráp cầu trục, cổng trục phải đảm bảo theo các yêu cầu tối thiểu tại mục 5.6 của TCVN 7549-1:2005 (ISO 124801:1997).

3.5.4.20. Đơn vị sử dụng cầu trục, cổng trục phải có trách nhiệm kiểm tra định kỳ cầu trục, cổng trục theo quy định tại Phụ lục A của TCVN 7549-1:2005 (ISO 12480-1:1997).

3.5.4.21. Người làm việc trực tiếp với cầu trục, cổng trục phải được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, giầy, mũ bảo hộ, găng tay và các loại phương tiện bảo vệ khác theo quy định.

3.5.4.22. Người chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp, người vận hành cầu trục, cổng trục và những người làm việc với cầu trục, cổng trục phải được đào tạo về chuyên môn phù hợp với quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động và văn bản hướng dẫn.

4. Chứng nhận hợp quy và kiểm định kỹ thuật an toàn đối với cầu trục, cổng trục

4.1. Chứng nhận hợp quy đối với cầu trục, cổng trục

4.1.1. Việc chứng nhận hợp quy đối với cầu trục, cổng trục sản xuất trong nước:

4.1.1.1. Nếu sản xuất hàng loạt thì việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo phương thức 5: thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất (được quy định tại phụ lục II của Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ban hành kèm theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ).

4.1.1.2. Nếu sản xuất đơn chiếc thì việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo phương thức 8: thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm hàng hóa (được quy định tại phụ lục II của Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ban hành kèm theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ).

4.1.2. Việc chứng nhận hợp quy đối với cầu trục, cổng trục nhập khẩu:

4.1.2.1. Nếu được nhập khẩu hàng loạt thì việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo phương thức 7: thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa (được quy định tại phụ lục II của Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ban hành kèm theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

4.1.2.2. Nếu được nhập khẩu đơn chiếc thì việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo phương thức 8: thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm hàng hóa (được quy định tại phụ lục II của Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ban hành kèm theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ).

4.1.3. Việc chứng nhận hợp quy được thực hiện bởi tổ chức chứng nhận sự phù hợp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ định.

4.2. Kiểm định kỹ thuật an toàn đối với cầu trục, cổng trục:

4.2.1. Cầu trục, cổng trục trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định lần đầu, kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng, hoặc kiểm định bất thường theo quy trình kiểm định do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và được gắn tem kiểm định theo quy định.

Việc kiểm định kỹ thuật an toàn cầu trục, cổng trục phải do tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn lao động được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định.

4.2.2. Chu kỳ kiểm định định kỳ đối với cầu trục, cổng trục:

4.2.2.1. Chu kỳ kiểm định là 03 năm một lần đối với các cầu trục, cổng trục làm việc trong điều kiện làm việc bình thường.

4.2.2.2. Chu kỳ kiểm định là 01 năm một lần đối với các cầu trục, cổng trục đã sử dụng trên 12 năm.

4.2.2.3. Thời hạn kiểm định có thể rút ngắn nếu nhà chế tạo hoặc đơn vị sử dụng yêu cầu.

4.2.2.4. Tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn lao động có thể rút ngắn thời hạn kiểm định nhưng phải nêu rõ lý do trong biên bản kiểm định về các vấn đề kỹ thuật đảm bảo an toàn của cầu trục, cổng trục trong quá trình sử dụng.

5. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

5.1. Việc thanh tra và xử lý vi phạm các quy định của Quy chuẩn này do thanh tra nhà nước về lao động và thanh tra an toàn, vệ sinh lao động thực hiện.

5.2. Việc kiểm tra chất lượng sản xuất, nhập khẩu, cung cấp và sử dụng cầu trục, cổng trục được thực hiện theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Quy chuẩn này.

6. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân

6.1. Các tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ sản xuất, nhập khẩu, cung cấp và sử dụng cầu trục, cổng trục có trách nhiệm tuân thủ các quy định tại Quy chuẩn này.

6.2. Quy chuẩn này là căn cứ để các cơ quan kiểm tra chất lượng cầu trục, cổng trục tiến hành việc kiểm tra và cũng là căn cứ để các Tổ chức đánh giá sự phù hợp tiến hành chứng nhận hợp quy.

7. Tổ chức thực hiện

7.1. Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quy chuẩn này.

7.2. Các cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương có trách nhiệm hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Quy chuẩn này.

7.3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm kịp thời phản ánh với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét giải quyết./.

 

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất