Công văn 152/BCT-TCQLTT 2023 thi hành Quyết định 36/2010/QĐ-TTG

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
Ghi chú

thuộc tính Công văn 152/BCT-TCQLTT

Công văn 152/BCT-TCQLTT của Bộ Công Thương về việc báo cáo tổng kết việc thi hành Quyết định 36/2010/QĐ-TTG ngày 13/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Cơ quan ban hành: Bộ Công ThươngSố công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:152/BCT-TCQLTTNgày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Công vănNgười ký:Đặng Hoàng An
Ngày ban hành:12/01/2023Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Công nghiệp, Khoa học-Công nghệ
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ CÔNG THƯƠNG
__________

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_______________________

Số: 152/BCT-TCQLTT
V/v báo cáo tổng kết việc thi hành Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2023

Kính gửi: Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ Công Thương nhận được Công văn số 2954/BKHCN-TĐC ngày 19 tháng 10 năm 2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc báo cáo tổng kết việc thi hành Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Bộ Công Thương báo cáo như sau:

1. Về phối hợp xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện

Thực hiện Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai kiểm tra về chất lượng của hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa lưu thông trên thị trường. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc áp dụng yêu cầu quy định trong quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất và các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng trong sản xuất; kiểm tra kết quả đánh giá sự phù hợp, nhãn hàng hóa, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu kèm theo sản phẩm cần kiểm tra; thử nghiệm mẫu theo tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng khi cần thiết.Trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, nếu vụ việc thuộc thẩm quyền xử phạt của cơ quan khác hoặc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý hoặc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Đối với sản phẩm hàng hóa có cảnh báo không an toàn, không bảo đảm chất lượng thì Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát thu hồi sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không đưa ra lưu thông trên thị trường. Trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành liên quan (Bộ Khoa học và Công nghiệp, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,...) để tham vấn ý kiến chuyên môn trong các lĩnh vực chuyên ngành. Các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo về công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Đối với từng lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo trách nhiệm được phân công tại Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và các văn bản liên quan, cụ thể:

- Trong lĩnh vực quản lý hóa chất, Cục Hóa chất đã triển khai công tác kiểm tra chuyên ngành theo Điều 11 của Quy chế phối hợp kiểm tra CLSPHH và Thông tư 36/2019/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2019, Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương ban hành kèm theo Thông tư số 33/2017/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) QCVN 03:2012/BCT về amoni nitrat dùng để sản xuất thuốc nổ anfo; Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 05:2015/BCT Amôni nitrat dùng để sản xuất thuốc nổ nhũ tương; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04A:2020/BCT về chất lượng tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, thực hiện kiểm tra chất lượng nhà nước đối với 05 loại tiền chất thuốc nổ và Vật liệu nổ công nghiệp.

- Trong quá trình tổ chức kiểm tra chất lượng hàng hóa về tiền chất thuốc nổ và vật liệu nổ công nghiệp, Cục Hóa chất đã phối hợp với Cơ quan Hải quan tạo điều kiện cho Doanh nghiệp đưa hàng về kho bảo quản chờ kết quả kiểm tra nhà nước đối với lô hàng theo quy định. Phối hợp với các phòng thử nghiệm Vilas thuộc Viện thuốc phóng thuốc nổ thuộc Tổng cục công nghiệp quốc phòng và Trung tâm Vật liệu nổ công nghiệp (Chi nhánh Tổng công ty Công nghiệp hóa chất mỏ - Vinacomin) tiến hành thử nghiệm với thời gian nhanh nhất để các Doanh nghiệp sớm có kết quả làm thủ tục thông quan lô hàng. Sau khi có kết quả thử nghiệm của các phòng thử nghiệm Vilas Cục Hóa chất tiến hành cấp Thông báo Kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu đối với lô hàng nhập khẩu làm cơ sở để cơ quan Hải quan thông quan lô hàng.

- Trong lĩnh vực an toàn, bảo vệ môi trường trong công nghiệp và thương mại: Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp tổ chức, thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo trách nhiệm được phân công quy định tại Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật CLSPHH được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ. Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp thường xuyên phối hợp với các cơ quan kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

- Về quản lý chất lượng và hoạt động đánh giá sự phù hợp, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động đăng ký hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp và hoạt động chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp đối với hàng hóa nhóm 2, lĩnh vực an toàn thực phẩm và các sản phẩm hàng hóa khác quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật (Giấy và Dệt may).

- Trong lĩnh vực quản lý thị trường, Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm và xử lý các vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường theo lĩnh vực, mặt hàng do Bộ Công Thương quản lý và các lĩnh vực lực lượng Quản lý thị trường được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

2. Về phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa

Đối với hàng hóa phải kiểm tra nhà nước về chất lượng khi nhập khẩu Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện theo quy định của pháp luật bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp, các đơn vị trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ đã phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các lực lượng chức năng trong hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa cử người tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành khi có yêu cầu; trong công tác quản lý và kiểm soát chất lượng, các đơn vị chức năng phối hợp xin ý kiến chuyên môn các cơ quan liên quan thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ; phối hợp với các cơ quan Thanh tra Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các lực lượng chức năng trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm về CLSPHH. Cử đại diện tham gia các Đoàn kiểm tra về CLSPHH do Bộ Khoa học & Công nghệ hoặc các Ban ngành liên quan chủ trì, thông báo kế hoạch kiểm tra cho các cơ quan địa phương liên quan để phối hợp trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm về CLSPHH nhằm tránh sự chồng chéo trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Trong công tác phối hợp, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng cử người tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra về chất lượng sản phẩm hàng hóa đối với đối tượng kiểm tra là nhiều loại sản phẩm, hàng hóa khác nhau mà các loại sản phẩm, hàng hóa đó thuộc trách nhiệm quản lý của nhiều ngành, lĩnh vực khi có yêu cầu bảo đảm không chồng chéo, không gây phiền hà cho cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Việc phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các Ban chỉ đạo, các Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tránh chồng chéo và phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Việc phân công, phân cấp quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương đã được phân định cụ thể, rõ ràng.

Công tác phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa giữa các Sở, ngành các lực lượng chức năng tại địa phương được triển khai tốt, hạn chế chồng chéo nội dung gây khó khăn phiền hà cho doanh nghiệp. Qua công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa của địa phương cho thấy nhìn chung các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa và nhãn hàng hóa, nhiều sản phẩm hàng hóa sản xuất có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu khách hàng và mở rộng thị trường, trong nước và nước ngoài.

Bộ Công Thương đã tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Công Thương thông qua các hình thức như hoạt động kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường; hoạt động kiểm tra thông qua các đợt kiểm tra chuyên ngành; hoạt động kiểm tra thông qua việc chứng nhận hợp quy của các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định theo các quy định tại các QCVN; hoạt động kiểm tra thông qua tổ chức đánh giá sự phù hợp được cấp Giấy chứng nhận hoạt động theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp; hoạt động của các Cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu; Đơn vị kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng (đối với lĩnh vực thực phẩm).

Hàng năm, Bộ Công Thương đều tiến hành xây dựng kế hoạch kiểm tra các tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp theo quy định của Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định theo các quy định tại các QCVN.

3. Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện

- Trong quá trình thực hiện vẫn còn tổ chức, cá nhân thực hiện chưa nghiêm túc việc duy trì chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã được chứng nhận và công bố hợp chuẩn, chứng nhận và công bố hợp quy; đồng thời việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chưa thật sự hiệu quả:

- Một số hàng hóa khi lưu thông trên thị trường do các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất thực hiện công bố các đặc tính cơ bản, thông tin cảnh báo... nên các đơn vị kinh doanh không có sẵn bản công bố chỉ tiêu mức chất lượng và phương pháp thử nghiệm theo yêu cầu theo tiêu chuẩn công bố áp dụng của nhà sản xuất. Do đó, trong quá trình kiểm tra về chất lượng hàng hóa (lấy mẫu thử nghiệm) ảnh hưởng đến quá trình kiểm tra, thời gian lưu, thử nghiệm và trả kết quả vì phải liên hệ với nhà sản xuất để được cung cấp thông tin, hồ sơ.

- Điều 48, điều 50 Luật CLSPHH quy định về Đoàn kiểm tra và kiểm soát viên chất lượng gây khó khăn cho các cơ quan kiểm tra CLSPHH của các lực lượng chức năng do quy định ít nhất 50% số thành viên tham gia Đoàn kiểm tra là kiểm soát viên chất lượng (được bổ nhiệm vào ngạch kiểm soát viên chất lượng).

- Phần lớn các doanh nghiệp đã nhận thức và tuân thủ các quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên một số doanh nghiệp do chưa hiểu biết hết về pháp luật nên vẫn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Một số hàng hóa vẫn chưa tuân thủ đối với nội dung về ghi nhãn sản phẩm, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy theo quy định. Điều này có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện kiểm tra, giám sát đối với sản phẩm hàng hóa trên thị trường.

- Công tác phối hợp, nhất là trong trao đổi thông tin, phối hợp lực lượng một số lúc, một số nơi chưa kịp thời và thiếu tính bền vững. Công tác phối hợp trong chia sẻ thông tin, dữ liệu còn hạn chế, bị động ảnh hưởng đến các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm.

4. Đề xuất, kiến nghị

- Đề nghị cơ quan chủ trì rà soát nội dung trong Quy chế phối hợp do không còn phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, cụ thể:

+ Khoản 3 Điều 10 quy định: Cơ quan quản lý thị trường có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan kiểm tra thuộc Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm tại cơ sở sản xuất. Nội dung này không phù hợp với Pháp lệnh Quản lý thị trường (Khoản 2 Điều 17 quy định Lực lượng Quản lý thị trường có thẩm quyền kiểm tra cơ sở sản xuất đối với lĩnh vực, ngành hàng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương).

+ Điểm b Khoản 2 Điều 11: Đối với hàng hóa bị buộc phải tái chế thì cơ quan kiểm tra chủ trì việc kiểm tra CLSPHH sau tái chế và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết quả kiểm tra để ra thông báo cho cơ quan hải quan và cơ quan khác có liên quan. Quy định như vậy là khó thực hiện vì cơ quan kiểm tra khó kiểm soát đầu vào và đầu ra của quá trình tái chế.

+ Khoản 2 Điều 12: Cơ quan Quản lý thị trường chủ trì giám sát người bán hàng có hàng hóa vi phạm trong việc thực hiện quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan khác có thẩm quyền đối với hàng hóa vi phạm chất lượng; xử lý các hành vi vi phạm quyết định đó. Quy định nêu trên không phù hợp với quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và khó thực hiện trong thực tế.

+ Tại Điều 1 “Phạm vi điều chỉnh”: Bổ sung Ủy ban nhân dân các cấp, vì trên thực tế, vào các đợt cao điểm Ủy ban nhân dân các cấp có thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó có nội dung kiểm tra về chất lượng hàng hóa.

- Để thuận lợi trong công tác quản lý tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và công tác quản lý CLSPHH, kiến nghị cơ quan chủ trì rà soát văn bản quy phạm pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhất là trách nhiệm quản lý nhà nước về CLSPHH quy định tại Khoản 14 Điều 1 Nghị định 74/2018/NĐ-CP; Trách nhiệm tham mưu xây dựng quy chuẩn kỹ thuật (quốc gia, địa phương) được quy định tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 78/2018/NĐ-CP.

- Cơ quan được phân công chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức các Đoàn công tác rà soát, đánh giá hoạt động của các tổ chức đánh giá làm căn cứ để các Bộ ngành tiến hành đình chỉ hoạt động đánh giá sự phù hợp phục vụ quản lý của Nhà nước, tránh việc phải tiến hành đánh giá năng lực nhiều lần, gây tốn kém lãng phí.

- Trong các năm qua, các Bộ ngành đã xây dựng một hệ thống các tiêu chuẩn, tuy nhiên việc quản lý CLSPHH theo các tiêu chuẩn lại không mang tính bắt buộc (trừ các tiêu chuẩn được quy định tại các quy chuẩn tương ứng) do vậy thiếu tính hiệu quả.

- Sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa khi đưa ra lưu thông, nhất là quy chuẩn hóa các mặt hàng ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe, môi trường,... Hoàn thiện, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về chất lượng từ các Luật, Nghị định để từ đó cụ thể hóa có hệ thống, khoa học và mang tính thống nhất để cơ quan quản lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng có thể hiểu một cách thống nhất và cùng thực hiện.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc loại bỏ các quy định, thủ tục liên quan đến hồ sơ, đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa không cần thiết nhằm giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

- Sớm xây dựng các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu tạo điều kiện cho các cơ quan, các lực lượng chức năng trong việc phối hợp chia sẻ thông tin kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hàng hóa vi phạm về chất lượng lưu thông trên thị trường.

- Theo quy định, khi thành lập đoàn kiểm tra CLSPHH yêu cầu tối thiểu 50% số thành viên đoàn là kiểm soát viên chất lượng, điều này dẫn đến việc không đủ nhân lực đảm bảo các đoàn hoạt động đầy đủ, rộng khắp các địa bàn,, đặc biệt trong những dịp cao điểm như dịp nghỉ lễ lớn của cả nước. Do đó, có thể thấy về quy định quản lý hiện tại theo ngành là hợp lý, tuy nhiên cần bổ sung mở rộng trách nhiệm của cơ quan chuyên trách có chức năng kiểm tra, kiểm soát được quyền chủ động kiểm tra, xử lý vi phạm theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đối với CLSPHH lưu thông trên thị trường, không nên bó buộc phải phối hợp với cơ quan chuyên ngành quản lý như hiện nay.

- Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chức năng trong công tác quản lý nhà nước và công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về CLSPHH; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở; chứng nhận và công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực được phân công; Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, các cơ quan đoàn thể và truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm và ý thức tự giác chấp hành quy định của pháp luật về an toàn, chất lượng sản phẩm hàng hóa; Vận động nhân dân tham gia giám sát, phát hiện những tổ chức, cá nhân vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.

- Các cơ quan chức năng chủ trì trong quá trình xây dựng kế hoạch kiểm tra cần tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan dự kiến phối hợp nhằm tránh chồng chéo về các nội dung kiểm tra và để các cơ quan phối hợp chủ động về mặt thời gian, nguồn lực tham gia.

- Đề nghị Bộ Tài chính bố trí nguồn kinh phí cho các bộ, ngành; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố bố trí nguồn kinh phí cho các cơ quan liên quan tại địa phương để phục vụ công tác đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm hàng hóa nói riêng cũng như tổ chức tuyên truyền, lấy mẫu, kiểm nghiệm và tiêu hủy các sản phẩm, hàng hóa không đạt chất lượng, thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, chất phụ gia, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng; gia cầm; sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, không đảm bảo an toàn thực phẩm nói chung.

Trên đây là báo cáo của Bộ Công Thương về tổng kết việc thi hành thi hành Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp./.

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng;
- Lưu: VT, TCQLTT (03).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đặng Hoàng An

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiển thị:
download Văn bản gốc có dấu (PDF)
download Văn bản gốc (Word)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

×
×
×
Vui lòng đợi