Quyết định 22/2019/QĐ-UBND tiêu chí đánh giá Chủ tịch UBND cấp huyện ở tỉnh Gia Lai
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Quyết định 22/2019/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 22/2019/QĐ-UBND |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định |
Người ký: | Võ Ngọc Thành |
Ngày ban hành: | 05/08/2019 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Cơ cấu tổ chức, Hành chính |
tải Quyết định 22/2019/QĐ-UBND
ỦY BAN NHÂN DÂN Số: 22/2019/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Gia Lai, ngày 05 tháng 8 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ, CÁCH ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VÀ CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ TRONG THI HÀNH CÔNG VỤ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
---------
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tiêu chí, cách đánh giá, xếp loại trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Điều 2. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2019.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
TIÊU CHÍ, CÁCH ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VÀ CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ TRONG THI HÀNH CÔNG VỤ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 22/2019/QĐ-UBND ngày 05/8/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai)
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định tiêu chí, cách đánh giá, xếp loại trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh được quy định tại Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh.
2. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, gồm: Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông; Trường Cao đẳng nghề Gia Lai; Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
4. Người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách các cơ quan, đơn vị, địa phương quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này trong trường hợp cơ quan, đơn vị, địa phương chưa có người đứng đầu.
(Sau đây gọi chung là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương).
Điều 3. Nguyên tắc đánh giá, xếp loại
1. Việc đánh giá, xếp loại trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải dựa trên các tiêu chí đánh giá và khung điểm xếp loại được quy định tại Quy định này.
2. Việc đánh giá, xếp loại trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải đảm bảo tính trung thực, khách quan, dân chủ, công bằng và công khai.
3. Đánh giá trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ chung, nhiệm vụ riêng do người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đăng ký và được Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận bằng văn bản; kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm do Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao hằng năm và nhận xét, đánh giá của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách khối, lĩnh vực.
Chương II. TIÊU CHÍ, CÁCH ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG
Điều 4. Tiêu chí đánh giá trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương
1. Nhiệm vụ chung
Nhiệm vụ chung của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương là những nhiệm vụ mà người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực hiện, gồm:
a) Gương mẫu, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của cấp trên; tổ chức, điều hành cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có chất lượng và đúng thời hạn được giao;
b) Ban hành hoặc trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và khả thi;
c) Quản lý, sử dụng biên chế hiệu quả, hợp lý; bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức; đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, nâng lương, cử dự thi nâng ngạch, thăng hạng chức danh nghề nghiệp; khen thưởng, kỷ luật, cho nghỉ chế độ và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật, quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức của Ủy ban nhân dân tỉnh;
d) Thực hiện tốt, đồng bộ công tác cải cách hành chính, bao gồm: cải cách thủ tục hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa liên thông hiện đại; chỉ đạo, điều hành, lập kế hoạch, chương trình, kiểm soát việc tổ chức thực hiện cải cách hành chính theo quy định của pháp luật, đảm bảo thời gian, chất lượng theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền; chỉ đạo thực hiện nghiêm cải cách công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính; quy chế văn hóa công sở.
đ) Tổ chức thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị, địa phương; giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản công được giao; sử dụng nguồn tài chính, tài sản, trang thiết bị đúng quy định của pháp luật; không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, hư hỏng, mất mát, thất thoát đối với tài sản Nhà nước.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm cụ thể 05 nhiệm vụ chung phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện hiệu quả, chất lượng.
2. Nhiệm vụ riêng
Trước ngày 15/01 hàng năm, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương lựa chọn đăng ký từ 03 đến 05 nhiệm vụ quan trọng (đây là các nhiệm vụ lớn của cơ quan, đơn vị, địa phương, đòi hỏi cần có sự nỗ lực, quyết tâm cao và sự sáng tạo trong chỉ đạo thực hiện của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương để hoàn thành). Những nhiệm vụ này phải được, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách khối, lĩnh vực đồng ý và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận bằng văn bản.
3. Nhận xét, đánh giá của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác lãnh đạo quản lý, điều hành hoạt động chung của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong năm trên các mặt sau:
a) Sự năng động, sáng tạo trong tổ chức thi hành công vụ;
b) Sự quyết tâm, nỗ lực vượt khó trong thi hành công vụ;
c) Lối sống, tác phong, phẩm chất đạo đức chuẩn mực, gương mẫu; có khả năng quy tụ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị, địa phương.
Điều 5. Nguyên tắc, cách chấm điểm
1. Nguyên tắc chấm điểm
a) Tổng điểm của 05 nhiệm vụ chung được tính tối đa 500 điểm, mỗi nhiệm vụ chung hoàn thành tính tối đa 100 điểm. Mỗi nhiệm vụ chung bao gồm một hoặc nhiều chỉ tiêu, mỗi chỉ tiêu hoàn thành được tính bằng điểm tối đa của nhiệm vụ chung chia đều cho các chỉ tiêu của nhiệm vụ chung đó.
b) Tổng điểm của các nhiệm vụ riêng được tính tối đa 350 điểm, mỗi nhiệm vụ riêng hoàn thành được tính bằng 350 điểm chia đều cho các nhiệm vụ. Mỗi nhiệm vụ riêng bao gồm một hoặc nhiều chỉ tiêu, mỗi chỉ tiêu hoàn thành được tính bằng điểm tối đa của nhiệm vụ riêng chia đều cho các chỉ tiêu của nhiệm vụ riêng đó.
d) Tổng điểm nhận xét, đánh giá của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động chung của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương được tính tối đa 150 điểm, trong đó:
Lối sống, tác phong, phẩm chất đạo đức chuẩn mực, gương mẫu; có khả năng quy tụ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị, địa phương: tối đa 30 điểm;
Sự năng động, sáng tạo trong tổ chức thi hành công vụ: tối đa 70 điểm;
Sự quyết tâm, nỗ lực vượt khó trong thi hành công vụ: tối đa 50 điểm.
2. Cách chấm điểm nhiệm vụ định lượng
a) Nhiệm vụ có cả hai tiêu chí thời gian hoàn thành và khối lượng hoàn thành đạt 100% kế hoạch trở lên: tính điểm tối đa;
b) Nhiệm vụ không hoàn thành kế hoạch
Nhiệm vụ hoàn thành tiêu chí về thời gian và đạt từ 70% đến dưới 100% tiêu chí về khối lượng, tính 70% số điểm tối đa;
Nhiệm vụ hoàn thành tiêu chí về thời gian và đạt từ 50% đến dưới 70% tiêu chí về khối lượng hoặc nhiệm vụ không hoàn thành tiêu chí về thời gian và đạt từ 70% tiêu chí về khối lượng trở lên, tính 50% số điểm tối đa;
Nhiệm vụ có khối lượng hoàn thành đạt dưới 50% kế hoạch hoặc không hoàn thành tiêu chí về thời gian và có khối lượng hoàn thành đạt từ 50% đến dưới 70%, không tính điểm;
Nhiệm vụ do người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đăng ký đã được chấp thuận nhưng không thực hiện được vì lý do khách quan thì không tính điểm của nhiệm vụ đó và được chia đều cho các nhiệm vụ còn lại.
3. Cách chấm điểm những nhiệm vụ định tính
a) Nhiệm vụ hoàn thành kế hoạch: tính điểm tối đa;
b) Nhiệm vụ không hoàn thành kế hoạch: không tính điểm.
4. Điểm cộng
Điểm cộng được xác định như sau:
Đối với nhiệm vụ phát sinh được Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao sẽ tính điểm thưởng cho từng nhiệm vụ hoàn thành, mỗi nhiệm vụ hoàn thành được cộng thêm 10 điểm.
5. Điểm trừ
Điểm trừ được xác định như sau:
a) Cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định pháp luật và của Ủy ban nhân dân tỉnh; thực hiện không đúng quy định về bộ thủ tục hành chính; huyện, thị xã, thành phố có xã, phường, thị trấn chưa thực hiện cơ chế một cửa: trừ 15 điểm (Trường hợp cơ quan, đơn vị không có chức năng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định của pháp luật thì không trừ điểm);
b) Cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện không nghiêm quy định về văn hóa công sở mà đã có văn bản phê bình của cơ quan, người có thẩm quyền, trừ 15 điểm;
c) Trong công tác tham mưu xây dựng và ban hành văn bản
Trường hợp tham mưu ban hành văn bản sai sót theo báo cáo, biên bản, thông báo hoặc kết luận kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền nhưng chưa bị xử lý; trường hợp tham mưu ban hành văn bản sai sót mà đã có văn bản nhắc nhở, phê bình của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; trường hợp xây dựng văn bản và được tổ chức lấy ý kiến tại phiên họp Ủy ban nhân dân tỉnh nhưng không được thông qua thì mỗi văn bản trừ 05 điểm (trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan thì không bị trừ điểm).
Trường hợp tham mưu ban hành văn bản sai sót, phải đính chính, sửa đổi, mỗi văn bản trừ 10 điểm.
Trường hợp tham mưu ban hành văn bản trái pháp luật bị đình chỉ thi hành văn bản, mỗi văn bản trừ 15 điểm.
Trường hợp tham mưu ban hành văn bản trái pháp luật phải bãi bỏ văn bản, mỗi văn bản trừ 25 điểm.
d) Tập thể lãnh đạo mất đoàn kết, trừ 25 điểm; chấp hành chế độ thông tin báo cáo chậm so với quy định, mỗi lần chậm trừ 05 điểm; không báo cáo, trừ 10 điểm (bao gồm báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất);
đ) Có cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính phải xử lý: buộc thôi việc, mỗi trường hợp trừ 20 điểm; cách chức, mỗi trường hợp trừ 15 điểm; cảnh cáo, mỗi trường hợp trừ 10 điểm; khiển trách, mỗi trường hợp trừ 05 điểm; có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định về an toàn giao thông và quy định pháp luật khác, mỗi lần vi phạm trừ 05 điểm;
e) Vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách, kinh phí được giao mà đã có kết luận có sai phạm đến mức phải xử lý thu hồi tiền, tài sản của cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, trừ 25 điểm; địa phương để nợ đọng nguồn vốn xây dựng cơ bản, cứ 10 tỷ đồng trừ 05 điểm;
g) Nhiệm vụ do người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đăng ký đã được chấp thuận nhưng không thực hiện được vì lý do chủ quan thì bị trừ 15 điểm của nhiệm vụ đó; trường hợp không thực hiện được vì lý do khách quan thì không bị trừ điểm.
f) Trong giải quyết khiếu nại, tố cáo
Cơ quan, đơn vị, địa phương mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhắc nhở, phê bình bằng văn bản trong việc thi hành các văn bản về giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; trong việc giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền, mỗi lần nhắc nhở trừ 10 điểm.
Điều 6. Khung điểm xếp loại trách nhiệm
1. Hoàn thành xuất sắc trách nhiệm: Tổng số điểm từ 900 điểm trở lên.
2. Hoàn thành tốt trách nhiệm: Tổng số điểm từ 800 điểm đến dưới 900 điểm.
3. Hoàn thành trách nhiệm: Tổng số điểm từ 700 điểm đến dưới 800 điểm.
4. Không hoàn thành trách nhiệm: Tổng số điểm dưới 700 điểm.
Điều 7. Quy trình đánh giá trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương
1. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương tự chấm điểm, đánh giá trách nhiệm và mức độ hoàn thành các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 5 Quy định này, gửi kết quả về Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (sau đây viết tắt là Tổ công tác).
2. Tổ công tác rà soát, thẩm định việc tự chấm điểm, đánh giá của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong thi hành công vụ.
3. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, đánh giá nhận xét toàn diện và cho điểm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định tại điểm c và d khoản 1 Điều 5 Quy định này.
4. Sở Nội vụ tổng hợp kết quả rà soát, chấm điểm của Tổ công tác; kết quả chấm điểm của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xếp loại trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương theo khung điểm xếp loại được quy định tại Điều 6 Quy định này theo thứ tự từ người có tổng số điểm cao đến thấp; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và thông báo kết quả xếp loại tới các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh.
Điều 8. Biểu dương, khen thưởng và xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương
1. Biểu dương
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trọng tâm có cách làm mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, biểu dương.
2. Khen thưởng
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành xuất sắc trách nhiệm được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, khen thưởng.
3. Xử lý trách nhiệm
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê bình người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có 01 năm xếp loại không hoàn thành trách nhiệm trong kỳ bổ nhiệm chức vụ hoặc bầu cử; đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, bố trí công tác khác hoặc miễn nhiệm theo quy định đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có 02 năm không hoàn thành trách nhiệm trong kỳ bổ nhiệm chức vụ hoặc bầu cử.
Chương III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương
1. Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp huyện, chỉ đạo của ngành dọc cấp trên, của Ủy ban nhân dân tỉnh và đặc điểm tình hình của ngành, địa phương để lựa chọn xây dựng từ 03 đến 05 nhiệm vụ riêng, đồng thời cụ thể hóa 05 nhiệm vụ chung nêu tại khoản 1 Điều 4 Quy định này, gửi Sở Nội vụ tổng hợp, xin ý kiến Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách khối hoặc lĩnh vực trước khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chấp thuận.
2. Báo cáo tự đánh giá, kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu và tự chấm điểm về Sở Nội vụ trước ngày 15/12 hàng năm. Báo cáo đăng ký nhiệm vụ năm sau gửi về Sở Nội vụ trước ngày 15/01 hàng năm.
Điều 10. Trách nhiệm của Tổ công tác
1. Tổ công tác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập, gồm 01 Lãnh đạo Sở Nội vụ làm Tổ trưởng; đại diện lãnh đạo và chuyên viên phòng chuyên môn thuộc các cơ quan: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh và mời đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh làm thành viên.
2. Nhiệm vụ của Tổ công tác
a) Rà soát, chấm điểm trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.
b) Phối hợp với Sở Nội vụ, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định việc đăng ký, chấm điểm xếp loại trách nhiệm của người đúng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thi hành công vụ.
Điều 11. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan
1. Sở Nội vụ
a) Hướng dẫn thực hiện Quy định này;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan hướng dẫn việc đăng ký, tự chấm điểm và xếp loại trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong thi hành công vụ;
c) Tham mưu, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác quy định tại Điều 10 Quy định này;
d) Tổng hợp, báo cáo kết quả dự kiến xếp loại trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Tổng hợp, thống kê các cơ quan, đơn vị, địa phương không hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội và nguồn vốn nợ đọng xây dựng cơ bản của các cơ quan, đơn vị, địa phương, thông báo cho Tổ công tác trước ngày 15/12 hằng năm.
b) Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đánh giá tiến độ, chất lượng các báo cáo đánh giá phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng kế hoạch năm theo quy định.
3. Thanh tra tỉnh
Tổng hợp, cung cấp số liệu kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo; các vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách, kinh phí được giao và các sai phạm trong các lĩnh vực khác qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, thông báo cho Tổ công tác trước ngày 15/12 hằng năm.
4. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
a) Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ trọng tâm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương;
b) Tổng hợp, thống kê kết quả thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và các văn bản nhắc nhở, phê bình người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thông báo cho Tổ công tác trước ngày 15/12 hàng năm.
Điều 12. Điều khoản thi hành
Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan kiến nghị, phản ánh về Sở Nội vụ/để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây