Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Dự thảo Thông tư hướng dẫn tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tải về
thuộc tính Thông tư
Lĩnh vực: | Cơ cấu tổ chức | Loại dự thảo: | Thông tư |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Nội vụ | Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Thông tư hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố.Tải Thông tư
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ NỘI VỤ
| CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /2023/TT-BNV DỰ THẢO LẦN 1 (Ngày 19/8/2023) | Hà Nội, ngày tháng năm 2023 |
THÔNG TƯ
Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày 10 tháng 11 năm 2022;
Căn cứ Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội;
Căn cứ Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng;
Căn cứ Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Nghị định số 63/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
Căn cứ Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương;
Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố.
Điều 2. Thôn, tổ dân phố
1. Thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc (sau đây gọi chung là thôn); thôn được tổ chức ở xã; dưới xã là thôn.
2. Tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu (sau đây gọi chung là tổ dân phố); tổ dân phố được tổ chức ở phường, thị trấn; dưới phường, thị trấn là tổ dân phố.
3. Thôn, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn (xã, phường, thị trấn sau đây gọi chung là cấp xã); nơi thực hiện dân chủ trực tiếp, đại diện để phát huy các hình thức hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư, tổ chức Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao.
Điều 3. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố
1. Bảo đảm tính tự quản của cộng đồng dân cư, chấp hành sự lãnh đạo của cấp ủy đảng; sự quản lý nhà nước trực tiếp của chính quyền cấp xã.
2. Tuân thủ Hiến pháp, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, thực hiện theo Hương ước, quy ước; đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch.
3. Không chia tách các thôn, tổ dân phố đang hoạt động ổn định.
4. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện sáp nhập các thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện, đặc điểm từng địa phương.
5. Áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các hoạt động của thôn, tổ dân phố.
6. Trường hợp do quy hoạch giải phóng mặt bằng, quy hoạch giãn dân, do di dân ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa hoặc nơi có địa hình bị chia cắt phức tạp, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn thì điều kiện thành lập thôn, tổ dân phố mới có thể thấp hơn quy định tại Thông tư này.
Chương II
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THÔN, TỔ DÂN PHỐ
Điều 4. Tổ chức của thôn, tổ dân phố
1. Mỗi thôn có Trưởng thôn; mỗi tổ dân phố có Tổ trưởng tổ dân phố. Trường hợp cần thiết thì bố trí Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố.
2. Căn cứ vào quy mô dân số, đặc điểm của từng loại thôn, tổ dân phố Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể số lượng Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố cho phù hợp, nhưng mỗi thôn, tổ dân phố không vượt quá 02 Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố.
3. Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố do Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lựa chọn sau khi xin ý kiến của Chi bộ và thống nhất với Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã) quyết định công nhận Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố.
Điều 5. Nội dung hoạt động của thôn, tổ dân phố
1. Bàn, quyết định chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng trong phạm vi địa bàn cấp xã, ở thôn, tổ dân phố do Nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, tài sản, công sức.
2. Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
3. Bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.
4. Bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
5. Thực hiện các công việc tự quản khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội.
6. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, tham gia hưởng ứng các phòng trào, cuộc vận động do cấp trên phát động.
7. Thực hiện việc thu, chi, quản lý các khoản đóng góp của Nhân dân tại cộng đồng dân cư ngoài các khoản đã được pháp luật quy định; việc thu, chi, quản lý các khoản kinh phí, tài sản do cộng đồng dân cư được giao quản lý hoặc được tiếp nhận từ các nguồn thu, tài trợ, ủng hộ hợp pháp khác.
Điều 6. Tổ chức cuộc họp ở thôn, tổ dân phố; phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình; hình thức Nhân dân bàn và quyết định
Việc tổ chức cuộc họp của thôn, tổ dân phố để Nhân dân bàn và quyết định được thực hiện theo quy định tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Điều 7. Điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới
1. Trong trường hợp do khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền cấp xã, tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố yêu cầu phải thành lập thôn mới, tổ dân phố mới thì việc thành lập thôn mới, tổ dân phố mới phải đạt các điều kiện sau:
a) Quy mô số hộ gia đình:
Đối với thôn ở xã:
Thôn ở xã thuộc các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc có từ 200 hộ gia đình trở lên;
Thôn ở xã thuộc các tỉnh đồng bằng sông Hồng có từ 400 hộ gia đình trở lên;
Thôn ở xã thuộc các tỉnh miền Trung có từ 350 hộ gia đình trở lên;
Thôn ở xã thuộc các tỉnh miền Nam có từ 450 hộ gia đình trở lên;
Thôn ở xã thuộc các tỉnh Tây Nguyên có từ 250 hộ gia đình trở lên;
Thôn ở xã biên giới, xã đảo; thôn ở huyện đảo không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã có từ 150 hộ gia đình trở lên;
Đối với tổ dân phố ở phường, thị trấn:
Tổ dân phố ở phường, thị trấn thuộc các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc có từ 300 hộ gia đình trở lên;
Tổ dân phố ở phường, thị trấn thuộc các tỉnh đồng bằng sông Hồng có từ 450 hộ gia đình trở lên. Riêng thành phố Hà Nội có từ 600 hộ gia đình trở lên;
Tổ dân phố ở phường, thị trấn thuộc các tỉnh miền Trung có từ 400 hộ gia đình trở lên;
Tổ dân phố ở phường, thị trấn thuộc các tỉnh miền Nam có từ 500 hộ gia đình trở lên. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh có từ 600 hộ gia đình trở lên;
Tổ dân phố ở phường, thị trấn thuộc các tỉnh Tây Nguyên có từ 350 hộ gia đình trở lên;
Tổ dân phố ở phường, thị trấn biên giới, phường, thị trấn hải đảo; tổ dân phố ở huyện đảo không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã có từ 150 hộ gia đình trở lên.
b) Các điều kiện khác:
Cần có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để phục vụ hoạt động cộng đồng và bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể nội dung này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đặc điểm của từng địa phương.
2. Đối với các trường hợp đặc thù
a) Thôn, tổ dân phố nằm trong quy hoạch giải phóng mặt bằng, quy hoạch giãn dân, thôn hình thành do di dân ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, thôn nằm ở nơi có địa hình bị chia cắt phức tạp, thôn nằm biệt lập trên các đảo; thôn ở cù lao, cồn trên sông; thôn có địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn thì quy mô thôn, tổ dân phố do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
b) Trường hợp ở khu vực biên giới, hải đảo cách xa đất liền, do việc di dân hoặc để bảo vệ đường biên giới, chủ quyền biển đảo thì việc thành lập thôn, tổ dân phố không áp dụng quy định về quy mô số hộ gia đình nêu tại khoản 1 Điều này.
c) Thôn, tổ dân phố đã hình thành từ lâu do xâm canh, xâm cư cần thiết phải chuyển giao quản lý giữa các đơn vị hành chính cấp xã để thuận tiện trong hoạt động và sinh hoạt của cộng đồng dân cư mà không làm thay đổi đường địa giới hành chính cấp xã thì thực hiện giải thể và thành lập mới thôn, tổ dân phố theo quy định. Trường hợp không đạt quy mô về số hộ gia đình thì thực hiện ghép cụm dân cư theo quy định tại Điều 11 Thông tư này.
Điều 8. Quy trình và hồ sơ thành lập thôn mới, tổ dân phố mới
1. Căn cứ nguyên tắc quy định tại Điều 3 và điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới tại Điều 7 Thông tư này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện giao Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng Đề án thành lập thôn mới, tổ dân phố mới. Nội dung chủ yếu của Đề án, gồm:
a) Sự cần thiết thành lập thôn mới, tổ dân phố mới;
b) Tên gọi của thôn mới, tổ dân phố mới;
c) Dân số (số hộ gia đình, số nhân khẩu) của thôn mới, tổ dân phố mới;
d) Các điều kiện khác quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư này;
đ) Đề xuất, kiến nghị.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lấy ý kiến của toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong khu vực thành lập thôn mới, tổ dân phố mới về Đề án thành lập thôn mới, tổ dân phố mới; tổng hợp các ý kiến và lập thành biên bản lấy ý kiến về Đề án.
3. Đề án thành lập thôn mới, tổ dân phố mới nếu đạt trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong khu vực thành lập thôn mới, tổ dân phố mới đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ (kèm theo biên bản lấy ý kiến cử tri) trình Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua tại kỳ họp gần nhất. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện. Tại nơi tổ chức mô hình chính quyền đô thị thì trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày lấy ý kiến cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình, Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ thành lập thôn mới, tổ dân phố mới (kèm theo biên bản lấy ý kiến cử tri) trình Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Trường hợp Đề án chưa đạt trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong khu vực thành lập thôn mới, tổ dân phố mới đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lấy ý kiến lần thứ 2; nếu vẫn không đạt trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý thì trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày có biên bản lấy ý kiến lần thứ 2, Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
4. Trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển đến, Ủy ban nhân dân cấp huyện có Tờ trình (kèm hồ sơ thành lập thôn mới, tổ dân phố mới của Ủy ban nhân dân cấp xã) gửi Sở Nội vụ để thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thời hạn thẩm định của Sở Nội vụ không quá mười lăm ngày làm việc kể từ ngày nhận được Tờ trình và hồ sơ của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
5. Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm:
a) Tờ trình của Ủy ban nhân dân cấp huyện (kèm theo Tờ trình và hồ sơ thành lập thôn mới, tổ dân phố mới của Ủy ban nhân dân cấp xã trình Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này);
b) Văn bản thẩm định của Sở Nội vụ.
6. Căn cứ hồ sơ trình của Ủy ban nhân dân cấp huyện và kết quả thẩm định của Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét ban hành Nghị quyết thành lập thôn mới, tổ dân phố mới.
Điều 9. Điều kiện sáp nhập, giải thể, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố
1. Trường hợp sáp nhập thôn, tổ dân phố
a) Đối với các thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình dưới 70% quy mô số hộ gia đình quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư này thì phải sáp nhập với thôn, tổ dân phố liền kề;
b) Đối với các thôn, tổ dân phố đạt từ 70% quy mô số hộ gia đình trở lên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư này ở những nơi có đủ điều kiện thì thực hiện sáp nhập;
c) Trong quá trình thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố cần xem xét đến các yếu tố về truyển thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt; về vị trí địa lý, địa hình;
d) Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố phải đạt trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình của từng thôn, tổ dân phố sáp nhập đồng ý.
2. Trường hợp giải thể thôn, tổ dân phố do Nhà nước thu hồi đất để giải phóng mặt bằng hoặc do sắp xếp đơn vị hành chính, ổn định dân cư và các trường hợp khác được cấp có thẩm quyền quyết định thì việc di dân, bố trí dân cư và giải quyết các vấn đề liên quan khác được thực hiện theo Phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư hoặc Đề án sắp xếp đơn vị hành chính, ổn định dân cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Tên của thôn, tổ dân phố do thành lập mới hoặc sáp nhập không được trùng với tên của thôn, tổ dân phố hiện có trong cùng một đơn vị hành chính cấp xã;
4. Việc đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố được thực hiện theo nguyện vọng của Nhân dân hiện đang sinh sống tại thôn, tổ dân phố.
Điều 10. Quy trình và hồ sơ sáp nhập, giải thể và đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố
1. Quy trình và hồ sơ sáp nhập thôn, tổ dân phố được áp dụng thực hiện như quy trình và hồ sơ thành lập thôn mới, tổ dân phố mới quy định tại Điều 8 Thông tư này.
2. Căn cứ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập phường, thị trấn từ đơn vị hành chính xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển thôn thành tổ dân phố thuộc phường, thị trấn.
3. Đối với trường hợp giải thể thôn, tổ dân phố
Sau khi thực hiện Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc Đề án sắp xếp, ổn định dân cư và các trường hợp khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập Tờ trình kèm theo danh sách các hộ gia đình thuộc thôn, tổ dân phố liên quan trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định giải thể thôn, tổ dân phố.
4. Việc đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố
a) Việc đặt tên thôn, tổ dân phố được thực hiện trong quy trình lập hồ sơ thành lập thôn mới, tổ dân phố mới, sáp nhập thôn, tổ dân phố;
b) Việc đổi tên thôn, tổ dân phố thực hiện theo các bước như sau:
Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ gồm: Tờ trình và Phương án đổi tên thôn, tổ dân phố (phương án cần nêu rõ lý do của việc đổi tên thôn, tổ dân phố; tên mới của thôn, tổ dân phố) và tổ chức lấy ý kiến của toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố về phương án đổi tên thôn, tổ dân phố, tổng hợp các ý kiến và lập thành biên bản lấy ý kiến.
Phương án đổi tên thôn, tổ dân phố nếu đạt trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua Phương án đổi tên thôn, tổ dân phố; trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện. Tại nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp xã, trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày lấy ý kiến cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình, Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Trường hợp Phương án đổi tên thôn, tổ dân phố chưa đạt trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lấy ý kiến lần thứ 2; nếu vẫn không đạt trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý thì trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày có biên bản lấy ý kiến lần thứ 2, Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
Trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển đến, Ủy ban nhân dân cấp huyện có Tờ trình (kèm theo hồ sơ) gửi Sở Nội vụ thẩm định;
Trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyển đến, Sở Nội vụ thẩm định, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét ban hành Nghị quyết về việc đổi tên thôn, tổ dân phố.
Điều 11. Quy trình và hồ sơ ghép cụm dân cư vào thôn, tổ dân phố hiện có
1. Đối với trường hợp ghép cụm dân cư vào thôn, tổ dân phố hiện có theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư này thì sau khi có quyết định về chủ trương của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng Đề án ghép cụm dân cư vào thôn, tổ dân phố hiện có. Nội dung chủ yếu của Đề án, gồm:
a) Sự cần thiết ghép cụm dân cư vào thôn, tổ dân phố hiện có;
b) Dân số (số hộ gia đình, số nhân khẩu) của thôn, tổ dân phố sau khi ghép;
c) Đề xuất, kiến nghị.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lấy ý kiến của toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong khu vực thực hiện ghép cụm dân cư (bao gồm cụm dân cư và thôn, tổ dân phố hiện có) về Đề án ghép cụm dân cư vào thôn, tổ dân phố hiện có; tổng hợp các ý kiến và lập thành biên bản lấy ý kiến về Đề án.
3. Đề án ghép cụm dân cư vào thôn, tổ dân phố hiện có nếu đạt trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong khu vực thực hiện ghép cụm dân cư đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ (kèm theo biên bản lấy ý kiến) trình Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp Đề án chưa đạt trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong khu vực thực hiện ghép cụm dân cư đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lấy ý kiến lần thứ 2; nếu vẫn không đạt trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định.
Chương III
TRƯỞNG THÔN, TỔ TRƯỞNG TỔ DÂN PHỐ
VÀ PHÓ TRƯỞNG THÔN, PHÓ TỔ TRƯỞNG TỔ DÂN PHỐ
Điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng thôn và Tổ trưởng tổ dân phố
1. Nhiệm vụ:
a) Bảo đảm và thực hiện các hoạt động của thôn, tổ dân phố theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 và Điều 9 của Thông tư này;
b) Triển khai thực hiện những nội dung do cộng đồng dân cư của thôn, tổ dân phố bàn và quyết định trực tiếp; tổ chức Nhân dân trong thôn, tổ dân phố thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những nhiệm vụ do cấp trên giao.
c) Thực hiện các quy định tại Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
d) Vận động và tổ chức Nhân dân thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện hương ước, quy ước và quy chế, của thôn, tổ dân phố không trái với quy định của pháp luật;
đ) Phối hợp với Ban công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội của thôn, tổ dân phố, tổ chức Nhân dân trong việc tham gia thực hiện các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát động;
e) Tổ chức vận động Nhân dân giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội trong thôn, tổ dân phố, không để xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp phức tạp trong nội bộ Nhân dân; báo cáo kịp thời với Ủy ban nhân dân cấp xã những hành vi vi phạm pháp luật trong thôn, tổ dân phố;
g) Tập hợp, phản ánh, đề nghị chính quyền cấp xã giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân trong thôn, tổ dân phố; lập biên bản về những vấn đề đã được Nhân dân của thôn, tổ dân phố bàn và quyết định trực tiếp, bàn và biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định; báo cáo kết quả cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
h) Phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận và trưởng các tổ chức chính trị - xã hội của thôn, tổ dân phố trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội trong cộng đồng dân cư; đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức tự quản của thôn, tổ dân phố; Ban giám sát đầu tư cộng đồng, Tổ bảo vệ sản xuất và các tổ chức tự quản khác theo quy định của pháp luật;
i) Thường xuyên báo cáo kết quả công tác với Ủy ban nhân dân cấp xã; sáu tháng đầu năm và cuối năm phải báo cáo công tác trước hội nghị thôn, tổ dân phố.
2. Quyền hạn:
a) Đại diện ký hợp đồng về dịch vụ phục vụ sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng và công trình phúc lợi công cộng do thôn, tổ dân phố đầu tư đã được cộng đồng dân cư của thôn, tổ dân phố quyết định;
b) Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố giới thiệu Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố giúp việc; phân công nhiệm vụ và quy định quyền hạn giải quyết công việc của Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố; được cấp trên mời dự họp về các vấn đề liên quan;
c) Thực hiện các nhiệm vụ do cấp trên giao và các nhiệm vụ khác tại cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Tiêu chuẩn Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và Phó trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố
1. Tiêu chuẩn chung:
a) Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và Phó trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố phải là người có hộ khẩu thường trú và cư trú thường xuyên ở thôn, tổ dân phố.
b) Là công dân Việt Nam, đủ 18 tuổi trở lên; có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ được giao;
Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có năng lực tổ chức thực hiện và vận động Nhân dân ở địa phương thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
c) Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; bản thân và gia đình gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương;
2. Tiêu chuẩn cụ thể của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và Phó trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố:
Căn cứ vào đặc điểm của từng loại thôn, tổ dân phố, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và Phó trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố cho phù hợp.
Điều 14. Quy trình đề cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và giới thiệu Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố
1. Ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố báo cáo cấp ủy chi bộ cho ý kiến đối với nhân sự dự kiến giới thiệu để ứng cử bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố;
2. Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố giới thiệu Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố giúp việc (sau khi có sự thống nhất với Ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố).
Điều 15. Quy trình bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố
Việc bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố được thực hiện theo Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Điều 16. Kinh phí tổ chức bầu, cho thôi Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố
Kinh phí tổ chức bầu, cho thôi Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố do ngân sách cấp xã đảm bảo.
Điều 17. Chế độ, chính sách đối với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố
1. Chế độ, chính sách đối với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố thực hiện theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và những quy định khác của pháp luật hiện hành.
2. Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn những kiến thức, kỹ năng cần thiết; nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì được biểu dương, khen thưởng; không hoàn thành nhiệm vụ, có vi phạm khuyết điểm, không được Nhân dân tín nhiệm thì tuỳ theo mức độ sai phạm sẽ bị cho thôi hoặc truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH
Điều 18. Trách nhiệm thi hành
1. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện Thông tư này và Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành trên địa bàn.
2. Sở Nội vụ:
a) Thẩm định việc thành lập thôn mới, tổ dân phố mới trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Theo dõi việc thực hiện các quy định của Thông tư này và Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành;
c) Đôn đốc, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố;
d) Tháng 12 hằng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Nội vụ về việc thực hiện Thông tư này và Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố ở địa phương.
Điều 19. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2012 hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố; Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03 tháng 12 năm 2018 và Thông tư số 05/2022/TT-BNV ngày 23 tháng 5 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2012 hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố.
Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc, đề nghị tổ chức và cá nhân gửi ý kiến về Bộ Nội vụ để nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Ban của TW Đảng, Văn phòng TW Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); - Công báo; - Cổng thông tin điện tử Chính phủ; - Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ; - Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Bộ Nội vụ: Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; - Lưu: VT, Vụ CQĐP (02). | BỘ TRƯỞNG
Phạm Thị Thanh Trà
|
văn bản tiếng việt
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!