Dự thảo Nghị định về chức năng, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

thuộc tính Nghị định

Dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia
Lĩnh vực: Cơ cấu tổ chức
Loại dự thảo:Nghị định
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Công Thương
Trạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Nội dung tóm lược

Dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - tổ chức tương đương Tổng cục trực thuộc Bộ Công Thương, có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; tiến hành tố tụng cạnh tranh; kiểm soát tập trung kinh tế; quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm; giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định.

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

CHÍNH PHỦ

Số:         /2019/NĐ-CP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

------

DỰ THẢO

 

 

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và

cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Cạnh tranh ngày 12 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày 17 tháng 10 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là tổ chức tương đương Tổng cục trực thuộc Bộ Công Thương, có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; tiến hành tố tụng cạnh tranh; kiểm soát tập trung kinh tế; quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm; giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có tên giao dịch viết bằng tiếng Anh: Viet Nam Competition Commission, viết tắt là VCC.

2. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, kinh phí hoạt động của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do ngân sách nhà nước cấp.

Trụ sở chính của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đặt tại thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc để Bộ trưởng Bộ Công Thương trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh theo phương thức  đa cấp.

2. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, ban hành; phát hiện và kiến nghị cơ quan có liên quan giải quyết theo thẩm quyền về những văn bản đã ban hành có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh theo phương thức  đa cấp.

3. Ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh theo phương thức  đa cấp theo quy định của pháp luật.

4. Phát hiện và kiến nghị cơ quan có liên quan giải quyết theo thẩm quyền về những văn bản đã ban hành có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

5. Về cạnh tranh:

a) Thụ lý, tổ chức điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật;

b) Thụ lý, tổ chức điều tra và xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh theo quy định của pháp luật;

c) Thụ lý, tổ chức điều tra và xử lý vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật;

d) Giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về cạnh tranh và quy định của pháp luật khác có liên quan;

đ) Thụ lý, thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo các quy định của pháp luật;

e) Kiểm soát tập trung kinh tế;

f) Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin về các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, các doanh nghiệp độc quyền;

g) Yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

6. Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

a) Hướng dẫn, phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên toàn quốc;

b) Kiểm soát hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung theo quy định của pháp luật;

c) Quản lý hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội, tổ chức hòa giải;

d) Tư vấn, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; xử lý hoặc đề xuất biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

đ) Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nghiệp vụ phục vụ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

e) Công khai danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật;

g) Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng và quy định của pháp luật khác có liên quan.

7. Về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp

a) Cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp và xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp của doanh nghiệp;

b) Thu, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp theo quy định của pháp luật;

c) Thông báo việc cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp, xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp tới các Sở Công Thương nơi doanh nghiệp tổ chức hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp;

d) Hướng dẫn, phối hợp với các Sở Công Thương tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;

đ) Thông báo, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;

e) Tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn cho cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước về kinh doanh theo phương thức đa cấp;

8. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; được sử dụng tư vấn trong và ngoài nước trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của công việc theo quy định của pháp luật.

9. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành chính, các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

10. Hợp tác quốc tế trong việc xây dựng và thực thi pháp luật cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và kinh doanh theo phương thức đa cấp.

11. Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách có liên quan đến các lĩnh vực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và kinh doanh theo phương thức đa cấp.

12. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho tổ chức, cá nhân liên quan tới công tác quản lý cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

13. Giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động của các hội/hiệp hội ngành nghề hoạt động trong lĩnh vực cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

14. Tổ chức nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý và cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

15. Thanh tra chuyên ngành, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động quản lý cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và kinh doanh theo phương thức đa cấp; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

16. Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia đàm phán các nội dung về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các điều ước quốc tế về thương mại theo phân công của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

17. Xây dựng và thực hiện chương trình cải cách hành chính của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và Bảo vệ người tiêu dùng theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính của Bộ Công Thương.

18. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, thực hiện chế độ tiền lương và các chính sách, chế độ đãi ngộ về thi đua, khen thưởng, kỷ luật, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức thuộc Ủy ban theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ Công Thương.

19. Quản lý tài chính, tài sản được giao, tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật.

20. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Bộ trưởng Bộ Công Thương và theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Số lượng thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tối đa là 15 người, gồm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và các thành viên khác. Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là công chức của Bộ Công Thương, các Bộ ngành có liên quan, các chuyên gia và nhà khoa học.

Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 49 Luật Cạnh tranh. Nhiệm kỳ của thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là 05 (năm) năm và có thể được bổ nhiệm lại.

Điều 4. Lãnh đạo Ủy ban

1. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có Chủ tịch và không quá 04 Phó Chủ tịch.

2. Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

3. Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Công Thương và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Ủy ban. Các Phó Chủ tịch y ban chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban về lĩnh vực công tác được phân công.

4. Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trình Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Ủy ban; bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý của các đơn vị trực thuộc Ủy ban theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Công Thương; ban hành quy chế phiên điều trần.

5. Các Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban.

Điều 5. Cơ cấu tổ chức

1. Bộ máy giúp việc Chủ tịch Ủy ban

(1) Cục Điều tra và giám sát cạnh tranh;

(2) Cục Bảo vệ người tiêu dùng;

(3) Vụ Thư ký, xử lý vụ việc cạnh tranh;

(4) Vụ Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;

(5) Vụ Hợp tác quốc tế;

(6) Vụ Thanh tra, Pháp chế;

(7) Văn phòng Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia;

(8) Văn phòng quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng tại Tp.Hồ Chí Minh.

Văn phòng Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia được thành lập 03 phòng; Cục Điều tra và giám sát cạnh tranh và Cục Bảo vệ người tiêu dùng được thành lập 04 phòng.

Văn phòng  quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng tại Tp. Hồ Chí Minh của Ủy ban Cạnh tranh có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban Cạnh tranh: Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo.

Điều 6. Các chế độ đặc thù

1. Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, thư ký phiên điều trần và người tiến hành, người tham gia tố tụng cạnh tranh được hưởng chế độ bồi dưỡng, cấp trang phục theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Điều tra viên vụ việc cạnh tranh được hưởng chế độ bồi dưỡng, cấp trang phục và cấp thẻ điều tra viên vụ việc cạnh tranh theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 07/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Cạnh tranh.

3. Nghị định này sửa đổi cụm từ “Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng”  thành “ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia” tại Khoản 19 Điều 3 của Nghị định 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương và Khoản 2 Điều 54 Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

 4. Nghị định này sửa đổi cụm từ “ Cục Quản lý cạnh tranh” thành “Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia” tại Khoản 1 Điều 34 Nghị định 99/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Điểm a Khoản 2 Điều 4 Nghị định 127/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Công Thương.

Điều 8. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng Bộ Công Thương, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Ủy ban chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực t
huộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;

- Tòa án nhân dân ti cao;
- Viện ki
m sát nhân dân tối cao;
- Ki
m toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Vi
t Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn th
;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ
Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, TCCV,
PC.

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG




 
   Nguyễn Xuân Phúc

dự thảo tiếng việt
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY