Dự thảo Luật sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội 57/2014/QH13

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Văn bản tiếng việt
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Luật

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội
Lĩnh vực: Cơ cấu tổ chức Loại dự thảo:Luật
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Uỷ ban Thường vụ Quốc hộiTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Dự kiến thông qua tại:Kì họp đang cập nhật - Khóa đang cập nhật

Nội dung tóm lược

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội bổ sung tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội phải là người có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

QUỐC HỘI

--------

 

Luật số:      /2019/QH14

DỰ THẢO (trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

 

 

 

LUẬT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU  CỦA LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI

 

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

1. Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 22 như sau:

“1a. Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.”.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 38 như sau:

“1. Trong nhiệm kỳ, nếu đại biểu Quốc hội chuyển công tác đến tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương thì được chuyển sinh hoạt đến Đoàn đại biểu Quốc hội nơi mình nhận công tác. Đoàn đại biểu Quốc hội nơi đại biểu Quốc hội được chuyển đến sinh hoạt có trách nhiệm xác định địa bàn cụ thể để đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri và các nhiệm vụ khác của đại biểu Quốc hội tại địa phương.”.

3. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 43 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 43 như sau:

“đ) Chỉ đạo hoạt động của bộ phận tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 43 như sau:

“3. Đoàn đại biểu Quốc hội có Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn do Đoàn đại biểu Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội của Đoàn và được Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức và điều hành các hoạt động của Đoàn.

Phó Trưởng đoàn giúp Trưởng đoàn thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn. Khi Trưởng đoàn vắng mặt thì Phó Trưởng đoàn được Trưởng đoàn ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ của Trưởng đoàn.

Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định số lượng và phê chuẩn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội. Cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo phân cấp chịu trách nhiệm quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của địa phương mình.

4. Chính quyền địa phương ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bố trí trụ sở làm việc, tổ chức bộ phận tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết khác cho Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.  

Chính phủ quy định chi tiết khoản này.”.

4. Sửa đổi, bổ sung tên Điều và bổ sung một số khoản vào Điều 44 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung tên Điều 44 như sau:

Điều 44. Vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội”;

b) Bổ sung khoản 4 và khoản 5 vào sau khoản 3 Điều 44 như sau:

“4. Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Pháp lệnh, nghị quyết, kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành.

5. Tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội gửi báo cáo công tác của mình đến đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp cuối của mỗi khóa Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội gửi báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ của mình đến đại biểu Quốc hội.”.

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 4 Điều 53 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 53 như sau:

“2. Quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách, phê chuẩn việc cho thôi đối với Phó Chủ tịch, Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Hội đồng dân tộc và các Ủy viên khác của Hội đồng dân tộc theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng dân tộc.

Quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách, phê chuẩn việc cho thôi đối với Phó Chủ nhiệm, Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ủy ban và các Ủy viên khác của Ủy ban của Quốc hội theo đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 53 như sau:

“4. Phê chuẩn kết quả bầu và việc cho thôi giữ chức vụ Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội; phê chuẩn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội”.

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 54 như sau:

“3. Quy định hoạt động phí, thù lao tham gia hoạt động Quốc hội, các khoản phụ cấp, các chế độ khác và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội.”.

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 59 như sau:

Điều 59. Tổ chức trưng cầu ý dân

1. Tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội.

2. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân.”.

8. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 60 như sau:

“4. Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội được mời tham dự các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội được mời tham dự phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội bàn về những nội dung thuộc lĩnh vực Hội đồng, Ủy ban phụ trách.

9. Sửa đổi, bổ sung Điều 67 như sau:

“Điều 67. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội

1. Hội đồng dân tộc gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Ủy ban của Quốc hội gồm có Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên.

Tổng số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội không quá 40 người. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng cấp phó cụ thể của Hội đồng dân tộc, mỗi Ủy ban của Quốc hội theo yêu cầu công việc.

2. Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội do Quốc hội bầu. Các Phó Chủ tịch, Ủy viên hoạt động chuyên trách và các Ủy viên khác của Hội đồng dân tộc; các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên hoạt động chuyên trách và các Ủy viên khác của Ủy ban do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.  

3. Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội giúp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội giải quyết các công việc thường xuyên của Hội đồng, Ủy ban trong thời gian Hội đồng, Ủy ban không họp.

Thường trực Hội đồng dân tộc gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Hội đồng dân tộc. Thường trực Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ủy ban của Quốc hội.

4. Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có thể thành lập các tiểu ban để nghiên cứu, chuẩn bị các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội đồng, Ủy ban. Trưởng tiểu ban phải là thành viên của Hội đồng, Ủy ban, các thành viên khác có thể không phải là thành viên của Hội đồng, Ủy ban hoặc không phải là đại biểu Quốc hội.".

10. Sửa đổi, bổ sung Điều 85 như sau:

Điều 85. Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng dân tộc, thành viên Ủy ban của Quốc hội

1. Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Triệu tập và chủ trì các phiên họp của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội;

b) Điều hành công việc của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội;

c) Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách, phê chuẩn việc cho thôi đối với Phó Chủ tịch, Ủy viên hoạt động chuyên trách và các Ủy viên khác của Hội đồng dân tộc; các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên hoạt động chuyên trách và các Ủy viên khác của Ủy ban mà mình làm Chủ tịch, Chủ nhiệm;

d) Giữ liên hệ thường xuyên với các thành viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội;

đ) Được tham dự các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng dân tộc được mời tham dự các phiên họp Chính phủ bàn việc thực hiện chính sách dân tộc;

e) Thay mặt Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội giữ liên hệ với các cơ quan, tổ chức hữu quan;

g) Thực hiện nhiệm vụ khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

2. Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc giúp Chủ tịch Hội đồng dân tộc thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng; trực tiếp phụ trách công tác nhất định của Hội đồng và ký văn bản của Hội đồng khi được Chủ tịch Hội đồng phân công. Khi Chủ tịch Hội đồng dân tộc vắng mặt thì một Phó Chủ tịch được Chủ tịch Hội đồng ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội giúp Chủ nhiệm Ủy ban thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ nhiệm Ủy ban; trực tiếp phụ trách công tác nhất định của Ủy ban và ký văn bản của Ủy ban khi được Chủ nhiệm Ủy ban phân công. Khi Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội vắng mặt thì một Phó Chủ nhiệm được Chủ nhiệm Ủy ban ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ nhiệm.

3. Ủy viên Hội đồng dân tộc, Ủy viên Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tham dự các phiên họp, tham gia các hoạt động khác của Hội đồng, Ủy ban; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng, Ủy ban mà mình là thành viên. Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Hội đồng, Ủy ban còn có trách nhiệm tham gia thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban mà mình là thành viên.”.

11. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 87 như sau:

“1. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, báo cáo, dự án khác trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; xem xét, quyết định những vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng, Ủy ban.

Phiên họp toàn thể của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phải có quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban tham dự.

Báo cáo, quyết định của Hội đồng dân tộc, Ủy ban được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng, Ủy ban biểu quyết tán thành.”.

12. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 99 như sau:

“d) Chịu trách nhiệm bảo đảm cơ sở vật chất và các điều kiện khác cho hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội trong việc trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh.”.

13. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 101 như sau:

“1. Kinh phí hoạt động của Quốc hội bao gồm kinh phí hoạt động chung của Quốc hội, kinh phí hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, là một khoản trong ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định.

Lương của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương, kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, của bộ phận tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương được ngân sách cấp tỉnh bảo đảm theo phân bổ dự toán của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Hoạt động phí, thù lao tham gia hoạt động Quốc hội, các khoản phụ cấp và các chế độ của đại biểu Quốc hội gắn với hoạt động của Quốc hội và chi phí cho đại biểu Quốc hội khi tham gia các hoạt động do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức do ngân sách trung ương bảo đảm”.

14. Bỏ cụm từ “ở nơi ứng cử” sau cụm từ “tiếp xúc cử tri” và cụm từ “ở đơn vị bầu cử” sau cụm từ “đại diện cử tri” tại khoản 2 Điều 27; bỏ cụm từ “ứng cử” sau cụm từ “đại biểu Quốc hội” tại khoản 2 Điều 36.

15. Thay cụm từ “được bầu” tại khoản 1 Điều 36 bằng cụm từ “thực hiện nhiệm vụ đại biểu”.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2021.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ …. thông qua ngày .... tháng.... năm 2019.

 

  

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

 

 

 

 

Nguyễn Thị Kim Ngân

Ghi chú

văn bản tiếng việt

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

×
×
×
Vui lòng đợi