Dự thảo Quyết định thành lập Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam
thuộc tính Quyết định
Lĩnh vực: | Chứng khoán |
Loại dự thảo: | Quyết định |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Tài chính |
Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Nội dung tóm lược
Dự thảo Quyết định thành lập Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - công ty con trên cơ sở sắp xếp lại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.Tải Quyết định
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Số: /2019/QĐ-TTg DỰ THẢO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày tháng năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
Thành lập Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán ngày 24 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam
Điều 1. Thành lập Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo mô hình công ty mẹ – công ty con trên cơ sở sắp xếp lại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh
1. Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam là công ty mẹ được tổ chức theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng; được mở tài khoản bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại trong nước; hạch toán độc lập, thực hiện chế độ tài chính, chế độ báo cáo thống kê, kế toán, kiểm toán và nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
a) Tên giao dịch quốc tế: Vietnam Stock Exchange.
b) Tên viết tắt: VNX.
c) Trụ sở chính: Hà Nội.
2. Các công ty do Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm:
a) Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
b) Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Chức năng, nhiệm vụ
1. Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ chính sau đây:
a) Ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm (05) năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm.
b) Xây dựng và ban hành các quy chế về niêm yết chứng khoán, giao dịch chứng khoán, công bố thông tin, thành viên giao dịch và các quy chế nghiệp vụ khác liên quan đến tổ chức và hoạt động thị trường giao dịch chứng khoán sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
c) Giám sát thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật; giám sát Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội trong việc triển khai thực hiện các quy chế hoạt động nghiệp vụ.
d) Phát triển hệ thống công nghệ thông tin, định hướng phát triển các công nghệ mới, sản phẩm mới trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và chỉ đạo Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội tổ chức thực hiện.
đ) Quản lý thành viên giao dịch và làm trung gian hoà giải theo yêu cầu của thành viên giao dịch khi phát sinh tranh chấp liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán.
e) Hỗ trợ phát triển thị trường chứng khoán thông qua việc cung cấp các dịch vụ cơ sở hạ tầng, đào tạo, tuyên truyền, phổ cập kiến thức và cung cấp các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
g) Hợp tác quốc tế về chứng khoán và thị trường chứng khoán, là đầu mối tham gia các tổ chức quốc tế về thị trường chứng khoán.
h) Thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh theo quy định pháp luật.
i) Thực hiện quản lý các công ty thành viên, các tổ chức trực thuộc Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo quy định pháp luật chứng khoán, pháp luật doanh nghiệp, pháp luật quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Điều lệ tổ chức và hoạt động.
k) Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và quy định của cấp có thẩm quyền.
2. Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội có chức năng, nhiệm vụ chính sau đây:
a) Tổ chức thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường trái phiếu và các loại chứng khoán khác theo quy định của pháp luật và phân công của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
b) Thực hiện giám sát thị trường chứng khoán theo quy định pháp luật, quy chế nghiệp vụ và phân công của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
c) Triển khai phát triển sản phẩm mới trong phạm vi thị trường quản lý trên cơ sở định hướng phát triển thị trường chứng khoán được Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam phân công.
d) Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và quy định của cấp có thẩm quyền.
3. Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh có chức năng, nhiệm vụ chính sau đây:
a) Tổ chức thị trường giao dịch cổ phiếu và các loại chứng khoán khác theo quy định của pháp luật và phân công của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
b) Thực hiện giám sát thị trường chứng khoán theo quy định pháp luật, quy chế hoạt động nghiệp vụ và phân công của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
c) Triển khai phát triển sản phẩm mới trong phạm vi thị trường quản lý trên cơ sở định hướng phát triển thị trường chứng khoán được Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam phân công.
d) Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và quy định của cấp có thẩm quyền.
Điều 3. Vốn điều lệ của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam
1. Vốn điều lệ của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam đến năm 2023 là 3.000 tỷ đồng, trong đó:
a) Vốn điều lệ của Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2023 là 2.000 tỷ đồng.
b) Vốn điều lệ của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội đến năm 2023 là 1.000 tỷ đồng.
2. Trong quá trình hoạt động, căn cứ vào nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định việc điều chuyển vốn đầu tư giữa Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.
3. Việc điều chỉnh vốn điều lệ của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 4. Cơ cấu tổ chức bộ máy
1. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam bao gồm: Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Ban kiểm soát và các phòng, ban nghiệp vụ chuyên môn. Trường hợp Luật Chứng khoán có thay đổi thì cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam thực hiện theo quy định tại Luật Chứng khoán.
2. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh bao gồm: Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Kiểm soát viên và các phòng, ban nghiệp vụ chuyên môn.
Điều 5. Điều lệ tổ chức và hoạt động
1. Bộ Tài chính ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo quy định của pháp luật.
2. Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh sau khi có ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính, đảm bảo không trái với Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty mẹ.
Điều 6. Cơ chế tài chính và chế độ tiền lương
1. Cơ chế tài chính
a) Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam thực hiện cơ chế tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Nghị định số 122/2017/NĐ-CP ngày 13/11/2017 của Chính phủ quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số, Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam; và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
b) Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam ban hành quy chế quản lý tài chính của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh theo quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
2. Chế độ tiền lương
a) Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam áp dụng cơ chế tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp của người quản lý và người lao động đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Chứng khoán.
b) Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam tổ chức thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý, người lao động của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh theo quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Sở GDCK Việt Nam.
c) Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam vận dụng xếp lương người quản lý theo hạng Tổng công ty đặc biệt. Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh vận dụng xếp lương người quản lý theo hạng Tổng công ty.
Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan liên quan
1. Bộ Tài chính
a) Thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
b) Xây dựng và ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
c) Quyết định các vấn đề liên quan đến cơ cấu tổ chức và bộ máy của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh theo quy định của pháp luật.
d) Ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản pháp luật quy định về niêm yết, giao dịch, quản lý thành viên, công bố thông tin, giám sát thị trường chứng khoán chứng khoán để đảm bảo phù hợp với mô hình hoạt động của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo quy định tại Quyết định này và lộ trình thực hiện tại Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo quy định của pháp luật chứng khoán.
đ) Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 122/2017/NĐ-CP ngày 13/11/2017 của Chính phủ về cơ chế tài chính đối với Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
e) Chỉ đạo Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam xây dựng phương án cổ phần hóa Sở giao dịch Chứng khoán để báo cáo Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện sau năm 2023.
2. Ủy ban Chứng khoán nhà nước
a) Thẩm định, chấp thuận các quy chế hoạt động nghiệp vụ để Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam ban hành.
b) Quản lý, giám sát hoạt động của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh theo quy định của Luật Chứng khoán.
c) Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có ý kiến về nhân sự chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc; có ý kiến về Điều lệ tổ chức hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam trước khi Bộ Tài chính phê chuẩn theo quy định tại Luật Chứng khoán; có ý kiến về Điều lệ tổ chức hoạt động của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh trước khi Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam ban hành.
3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý, người lao động của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với tính chất đặc thù của các tổ chức này.
4. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn đối với Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020.
2. Quyết định này bãi bỏ các Quyết định số 01/2009/QĐ-TTg ngày 02/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 599/2007/QĐ-TTg ngày 11/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 21/2015/QĐ-TTg ngày 18/6/2015 sửa đổi một số điều của Quyết định số 599/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
3. Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; | THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc |